Bộ Xây dựng vừa công bố Dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Điểm đặc biệt của Dự thảo lần này là cho phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất tối thiểu gấp 3 lần hệ số sử dụng đất theo quy hoạch cũ của khu vực dự án; không hạn chế chiều cao công trình nếu quy hoạch của khu vực dự án cho phép.
Đây là chính sách liên quan đến đời sống của gần một triệu người đang sinh sống và làm việc trong những căn chung cư cũ, chật chội, lạc hậu và thiếu tiện nghi tại nhiều đô thị trên cả nước.
Theo thống kê, cả nước hiện có gần 1.690 chung cư cũ, tập trung nhiều nhất ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cao 4-6 tầng và 10 khu thấp từ 1-3 tầng. Trong đó, có hơn 980 chung cư được xây dựng trước năm 1990 và tập trung tại các quận nội thành cũ.
Nhiều khu chung cư cũ đang trong tình trạng xuống cấp, đe dọa an toàn cuộc sống của người dân.
Hiện quỹ đất dành cho phát triển các khu chung cư tại các vùng nội thành đang ngày một khan hiếm. Việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư đã xuống cấp là cần thiết. Tuy nhiên, các khu chung cư cũ trước đây thường thấp tầng, hệ số sử dụng đất thấp. Nay nếu cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới lại, thì các chủ đầu tư có quyền điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch chung, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhất.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Phó Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Nếu chỉ thực hiện khai thác riêng đối với quỹ đất của từng khu chung cư cũ thì việc đảm bảo cho các hộ tái định cư tại chỗ vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án là rất khó khăn. Theo đánh giá chung, đối với dự án chung cư 5 tầng phải được cải tạo, xây dựng lại theo quy mô từ 15 - 20 tầng mới có khả năng cân đối để đảm bảo hiệu quả kinh doanh dự án”. Ông Ninh cũng cho biết thêm, việc cải tạo chung cư cũ hiện nay được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Nhà đầu tư được khai thác dự án để tự cân đối về tài chính nên không chồng tầng khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Trước kia Nhà nước chỉ cho phép doanh nghiệp trong nước đầu tư cải tạo chung cư cũ thì nay, Bộ Xây dựng đề xuất thêm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn đầu tư dự án.
Những thay đổi này trong Dự thảo Nghị định được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa được khó khăn trong công tác bố trí tái định cư, tăng thêm nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, việc khuyến khích này sẽ giúp các chủ đầu tư dễ dàng hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, ổn định tâm lý chủ sở hữu nhà để có thể thuận lợi phá dỡ các khu nhà chung cư cũ nát, xuống cấp, sớm xây dựng lại các khu chung cư mới phù hợp với quy hoạch chung.
Tuyết Hạnh
(Báo Xây dựng)
- Bảo hiểm cho người mua nhà: Ngân hàng thấy “khó”!
- CBRE: Thị trường bất động sản Hà Nội sẽ tiếp tục sôi động
- Ba đòn bẩy cho cuộc đua nhà giá rẻ
- Đại công trường ở Thủ Thiêm
- Thị trường bất động sản: Nguy cơ “bong bóng” quay lại
- Bất động sản và cơn khát nguồn nhân lực
- Xây nhà ở xã hội - Trọng tâm chính sách của nhiều quốc gia
- Đảm bảo tính công bằng trong bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước
- Ai đang mua nhà khi thị trường hồi phục?
- Chuyển nhượng dự án bất động sản vẫn "bình mới, rượu cũ"?