Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Bất động sản Bảo hiểm cho người mua nhà: Ngân hàng thấy “khó”!

Bảo hiểm cho người mua nhà: Ngân hàng thấy “khó”!

Viết email In

Theo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), từ 1/7 tới đây, người mua nhà sẽ được các chủ đầu tư đóng phí bảo lãnh tại các dự án bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai. Việc này sẽ chấm dứt được tình trạng dự án treo và loại bỏ nhiều chủ đầu tư yếu kém. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, cần phải áp dụng theo cơ chế tự nguyện, bởi không phải dự án nào ngân hàng cũng có thể đứng ra bảo lãnh.  

Lấy lại niềm tin cho thị trường BĐS

Thiếu vốn, chủ đầu tư phải huy động từ nguồn vốn từ dân là thực trạng khiến cho nhiều dự án bất động sản rơi vào tình trạng đắp chiếu, không có ngày nhận nhà. Các dự án “đúng hẹn”, đúng tiến độ đa phần chỉ là các dự án thuộc chủ đầu tư uy tín, có thương hiệu trên thị trường và nếu không có giải pháp kịp thời thì niềm tin về thị trường sẽ trở thành “căn bệnh” khó có thuốc chữa. 

Để giải quyết bài toán đảm bảo an toàn cho người mua nhà, trong Luật kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) có quy định tất cả các dự án BĐS bán ra thị trường, doanh nghiệp phải mua bảo lãnh trách nhiệm cho người mua nhà. Theo đó, ngân hàng sẽ đứng ra chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho người mua nhà nếu dự án không thực hiện như cam kết.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục phát triển Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: theo quy định này, nếu như những chủ đầu tư không hoàn thành, bàn giao nhà đúng tiến độ như cam kết hoặc có rủi ro không hoàn thành hết dự án thì phía ngân hàng bảo lãnh sẽ trả lại tiền cho người mua nhà.

Theo TS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì việc đóng bảo hiểm cho người mua nhà không những sẽ chấm dứt được tình trạng các dự án treo không có ngày nhận nhà mà còn “giải quyết” được cơ số chủ đầu tư yếu kém, thiếu năng lực khiến thị trường mất đi niềm tin. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể về mức phí phù hợp để người mua và chủ đầu tư đều có thể chấp nhận được.

Đồng quan điểm, ông La Mạnh Đức, một khách hàng mua nhà trả góp tại dự án chung cư 219 Trung Kính (Cầu Giấy) do Cty TNHH 19/12 Bắc Hà làm chủ đầu tư chia sẻ: Không có tiền mới phải đi mua nhà trả góp, nếu được ngân hàng bảo lãnh thì còn gì bằng. Tuy nhiên, nên có mức phí hợp lý, bởi tấc đất tấc vàng, nếu chỉ tính phí ít nhất 2% thì giá cả cũng là câu chuyện khiến những khách hàng ít tiền như chúng tôi phải suy nghĩ.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, nhà quản lý cần tính đến những phương án, quy định cụ thể để việc mua phí bảo hiểm bắt buộc không làm đội thêm giá, gây bất ổn cho thị trường bất động sản. Thực tế hiện nay, các dự án có chủ đầu tư uy tín, người mua có quyền có hoặc không bắt buộc chủ đầu tư phải mua bảo lãnh. Do vậy, cần có tiêu chí phân loại các dự án bắt buộc phải mua bảo lãnh, chứ không nên đánh đồng với các dự án lớn có thương hiệu trên thị trường hiện nay. 

Khó cho ngân hàng?

Việc người mua nhà được đóng bảo hiểm, có sự bảo lãnh của ngân hàng sẽ ngăn chặn được nhiều bất cập trên thị trường, tuy nhiên, cần phải có quy định cụ thể thống nhất giữa 3 bên: chủ đầu tư, ngân hàng và người mua bởi không phải dự án nào ngân hàng cũng sẵn sàng đứng ra bảo lãnh.

Ông Cát Quang Dương, Vụ phó Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Hiện ngân hàng nhà nước cũng chưa nhận được bất cứ văn bản nào hướng dẫn về việc áp dụng mức phí bảo hiểm dành với người mua nhà. Ông cũng cho rằng, cần chờ đợi, bởi bảo lãnh dự án hay bảo lãnh cho người mua hiện vẫn chưa được quy định rõ ràng

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng về vấn đề này, chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Đây là một giải pháp mới và một số nước trên thế giới đã từng áp dụng. Người mua có quyền yêu cầu bảo lãnh hoặc không yêu cầu bảo lãnh, bởi đây là giải pháp được áp dụng trên cơ sở tự nguyện. Đối với thị trường Việt Nam, việc mua bảo hiểm cho người mua nhà sẽ khiến niềm tin trở lại, tuy nhiên, cần có một ngân hàng hoặc một công ty riêng quản lý hoặc đứng ra bảo lãnh. Bởi từ trước đến nay ngân hàng hầu như chỉ bảo lãnh thanh toán chứ ít khi bảo lãnh dự án. Mặt khác, hiện nay không ngân hàng nào có chuyên môn, trách nhiệm hay nghĩa vụ để đứng ra thực hiện bảo lãnh. Phía Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra những hướng dẫn, quy định cụ thể.

Cho đây là một giải pháp hay, ông Trần Trọng Triệu, giám đốc kinh doanh Công ty TNHH cho thuê Tài chính Quốc tế Việt Nam cho biết: Việc đóng bảo hiểm cho người mua nhà là giải pháp an toàn nhất để bảo vệ người mua nhà hiện nay nhưng cần được xây dựng trên cơ chế tự nguyện, tùy theo nhu cầu khách hàng. Đây cũng là điều kiện để thanh lọc các chủ đầu tư yếu kém, bởi bao giờ cũng vậy, không phải dự án nào ngân hàng cũng sẵn sàng đứng ra bảo lãnh.

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với phía Ngân hàng Nhà nước soạn thảo thông tư, các quy định hướng dẫn cụ thể về phương thức, mức phí áp dụng để đảm bảo giá bất động sản bị thổi lên theo phí bảo lãnh cho khách hàng. Việc đưa ra giải pháp đóng bảo hiểm cho người mua nhà vào thời điểm này được coi là “lá chắn” giúp bảo vệ người mua, lấy lại niềm tin và thị trường cũng đang chờ đợi những đổi thay tích cực này. 

Trần Anh 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo