Trước sự khác biệt lớn trong diện tích nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước giữa các tỉnh và vùng miền, các chuyên gia cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong bán loại hình nhà này ngay tại Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, áp dụng từ ngày 1/7/2015.
Quy định cụ thể hạn mức diện tích được bán
Lý giải cho việc cần thiết phải đưa ra quy định cụ thể về hạn mức diện tích nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước được bán, các chuyên gia cho rằng, việc bán nhà theo Nghị định 61 hay Nghị định 34 vừa qua đã bộc lộ hạn chế, khi không đảm bảo công bằng cho người mua nhà giữa các địa bàn TP.Hà Nội với TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Cụ thể, người mua nhà ở Hà Nội chỉ có thể mua được vài chục m2, vì diện tích mà người dân được sử dụng là nhỏ, trong khi đó ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam, người mua nhà có thể mua được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn m2, vì diện tích được sử dụng lớn.
Thực tế thời gian vừa qua cũng cho thấy, việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước của các cơ quan chức năng tại TP.HCM khá chậm, một trong những lý do mà TP này đưa ra là do chờ ý kiến của Thủ tướng chấp thuận cho TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý, vận hành nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nếu theo chủ trương của Nhà nước và khía cạnh pháp lý, thì TP.HCM đã không đúng khi kéo dài quá trình bán nhà của Nhà nước theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc TP.HCM chủ động đề xuất và có công văn chỉ đạo chỉ bán diện tích nhà sở hữu nhà nước theo hạn mức 20m2/người theo Nghị định 61, phần còn lại bán theo giá thị trường, là cách làm nhằm đảm bảo tránh thất thoát cho Nhà nước. Và thực tế, Thủ tướng Chính phủ hiện đã đồng ý cho riêng TP.HCM thực hiện chủ trương này nhằm đảm bảo tính công bằng cho toàn xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, cách làm của TP.HCM là rất hợp lý và cần được đưa vào Nghị định cụ thể Luật Nhà ở sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, nhằm thể chế hóa và áp dụng cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước, vì diện tích nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước ở mỗi nơi là khác nhau và việc tạo lập nhà ở xã hội vẫn tiếp tục diễn ra trong những năm tới.
Tiếp tục tạo lập nhà ở từ nguồn ngân sách nhà nước
Ở các nước trên thế giới và nhất là ở những nước phát triển hàng đầu như Nhật Bản, việc tạo dựng nhà ở từ nguồn ngân sách nhà nước là một trong những chính sách an sinh xã hội hàng đầu. Do vậy, với một nước đang phát triển như Việt Nam, điều này là vô cùng cần thiết để thực hiện an sinh xã hội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, ở Việt Nam, trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, chúng ta đã xây được những khu nhà ở như: Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Nam Thanh Xuân, Bắc Thanh Xuân. Hiện nay, chúng ta đã có điều kiện hơn rất nhiều, cần tiếp tục xây dựng nhà ở để thực hiện an sinh xã hội. Với những đội ngũ cán bộ, công chức, sỹ quan quân đội không có đủ điều kiện để mua nhà ở thương mại, thì cần thiết có sự tiếp tục tham gia của Nhà nước vào việc này.
Và nhằm giảm áp lực tối đa cho nguồn ngân sách nhà nước trong tạo dựng nhà ở, việc tạo lập các quỹ phát triển nhà ở tiếp tục được khuyến khích thành lập và cần thiết có hướng dẫn trong Nghị định cụ thể Luật Nhà ở áp dụng tới đây. Quỹ này là tổ chức tài chính nhà nước, thực hiện theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái, vốn tiết kiệm của người có nhu cầu mua, thuê và các nguồn vốn khác.
Cao Thanh Nga (Báo Xây dựng)
- Đại công trường ở Thủ Thiêm
- Thị trường bất động sản: Nguy cơ “bong bóng” quay lại
- Cởi “nút thắt” cho công tác cải tạo chung cư cũ
- Bất động sản và cơn khát nguồn nhân lực
- Xây nhà ở xã hội - Trọng tâm chính sách của nhiều quốc gia
- Ai đang mua nhà khi thị trường hồi phục?
- Chuyển nhượng dự án bất động sản vẫn "bình mới, rượu cũ"?
- Bất động sản: Chính sách một đường, thị trường một nẻo
- Bất động sản Đà Nẵng: Dự án đầu tư sôi động trở lại
- “Tồn kho bất động sản đã giảm hơn 40%”