Hàng loạt các dự án địa ốc trên thị trường phía Nam đã chính thức có ngân hàng kí kết hợp tác bảo lãnh, đón đầu thời điểm Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi và quy định tại Điều 56 trong Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.
Mặc dù Luật kinh doanh BĐS sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2014, nhưng đầu năm 2015, nhiều DN vẫn hy vọng có thể né được yêu cầu dự án phải có ngân hàng bảo lãnh đã được quy định. Tuy vậy, quy định này không hẳn đều là lối hiểm đối với DN, nhiều DN đã bắt đầu thực thi quy định này trước khi Luật có hiệu lực tới đây, như một “vũ khí mới” trên”mặt trận” bán hàng trong thời điểm địa ốc đã bắt đầu lăn tăn sóng.
(ảnh minh họa)
Đón Luật thay vì… “né”
Đi đầu thực thi quy định vẫn là các DN lớn trong ngành. Điển hình là Novank kí kết bảo lãnh với VPBank và SeaBank cho các dự án mà tập đoàn đang triển khai, áp dụng cho 4 dự án là The Sun Avenue (quận 2), The Tresor (quận 4), River Gate (quận 4) và Lucky Palace (quận 6); Sacomreal kí kết hợp tác bảo lãnh với các ngân hàng ACB, HDBank, OCB, với đồng loạt các dự án thuộc Sacomreal đang đầu tư gồm Jamona City quận 7; Jamona Reverside, Carillon 3 quận Tân Bình, Cty CP Đầu tư Thảo Điền kí hợp đồng bảo lãnh với Techcombank cho dự án Masteri quận 2, Địa ốc Gia Hòa kí hợp đồng bảo lãnh tài chính với VietBank… Nói một cách khác, làn sóng tìm kiếm NH để bảo lãnh dự án cho người mua sản phẩm tại dự án hoàn toàn có thể yên tâm rằng trong trường hợp chủ đầu tư vì lí do nào đó không triển khai dự án theo tiến độ, sẽ được NH bảo lãnh đứng ra triển khai, đã lan trên diện rộng.
Đây thực sự là một tín hiệu tích cực đối với thị trường và đặc biệt cho thấy các chủ đầu tư bất động sản đã ý thức hơn về việc bảo vệ niềm tin của khách hàng với chính mình. Ông Bùi Hữu Phúc – Giám đốc đầu tư và phát triển Tập đoàn Novaland cho biết thông qua việc ký kết hợp tác bảo lãnh với NH sẽ góp thêm phần tích cực làm tăng thêm lòng tin, giúp đảm bảo quyền lợi tối đa nhất cho khách hàng.
Còn ông Phạm Nhật Vinh, TGĐ Sacomreal thì nói với Diễn đàn Doanh nghiệp là “việc Sacomreal kí kết hợp tác với các NH thực hiện bảo lãnh việc kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai trước thời điểm Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực là cam kết mạnh mẽ của DN với khách hàng về chất lượng, tiến độ các dự án mà Sacomreal đang và sẽ triển khai. Tin rằng quy định mới trong Luật kinh doanh BĐS sẽ giúp thị trường phát triển minh bạch, bền vững và ổn định hơn”.
Không đội thêm giá
Đối với người mua trên thị trường, việc các chủ đầu tư địa ốc “trưng” bảo lãnh tài chính cho BĐS hình thành trong tương lai tất nhiên củng cố độ an tâm cho họ nhiều hơn khi xuống tiền. Tuy nhiên, điều làm họ băn khoăn vẫn là liệu giá thành sản phẩm có vì chi phí bảo lãnh do chủ đầu tư bỏ ra khi hợp tác với NH, mà sẽ được tính và “bổ” vào đầu người mua? Đây là lo ngại mà ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA từng nêu lên, cho dù mức chi phí bảo lãnh mà các chủ đầu tư bỏ ra theo ông Châu tính thì không quá cao.
Tại thời điểm hiện nay, nhiều NH cho biết việc lựa chọn để bảo lãnh dự án của NH không hoàn toàn dựa trên quan điểm thu phí. Ông Phan Ngọc Hòa – Phó Tổng giám đốc cho biết tiêu chí để VPBank xem xét bảo lãnh cho dự án khi chủ đầu tư bán nhà hình thành trong tương lai rất khắt khe. NH chịu áp lực trách nhiệm với sản phẩm/ dự án mình bảo lãnh do đó để an toàn, VPBank chỉ ưu tiên bảo lãnh đối tác truyền thống hoặc chiến lược.
Còn ông Nguyễn Trung Thành – Phó TGĐ VietBank thì khẳng định: “Ngoài việc bảo lãnh cho dự án (với địa ốc Gia Hòa qua sản phẩm căn hộ Trí Thức Trẻ), VietBank còn cung cấp tín dụng cho người mua với thời gian vay lên tới 30 năm và lãi suất thực chỉ từ 6%/năm. Việc bảo lãnh này nhằm hỗ trợ người vay mua nhà với lãi suất thấp chứ không chạy theo việc thu phí bảo lãnh”.
Về phía chủ đầu tư, được sự hậu thuẫn của các NH và mong muốn bán được hay thay vì “ôm sản phẩm giá cao”, việc kí bảo lãnh không phải là một chi phí phát sinh để họ phải “cộng thêm” vào giá bán sản phẩm. Một chủ đầu tư cho biết nếu sản phẩm họ bán có điều chỉnh giá, là do giá cả địa ốc nói chung trên thị trường đã bắt đầu nhích tăng và chủ đầu tư không thể không theo xu thế thị trường, chứ không phải do chi phí bảo lãnh. Bà Võ Thị Dịu Hiền, Phó TGĐ Sacomreal khẳng định riêng tại Sacomreal, Cty hoàn toàn giữ nguyên mức giá bán ban đầu, và “tặng thêm” sự yên tâm cho khách hàng với nghĩa vụ bảo lãnh tài chính từ NH mà chủ đầu tư đã thực hiện. Chẳng hạn với Jamona City, giá bán khu nhà phố thương mại của Sacomreal vẫn chỉ tính 20 triệu đồng/ m2, cho dù giá bán đất nền cùng khu vực có nơi điều chỉnh tăng 1,5 – 2 lần. “Có bảo lãnh của NH khiến người mua tin tưởng, giá bán hợp lí không điều chỉnh trên nền tảng sản phẩm đạt các tiêu chí của người mua, đó là bí quyết khiến Sacomreal đã bán được hàng gần như 100% sản phẩm công bố chào bán tại dự án”, bà Hiền nói.
Cẩn trọng
Việc các chủ đầu tư và các nhà băng nhanh nhạy với thị trường vào cuộc đua bảo lãnh đã cho thấy trên thực tế, các quy định đảm bảo an toàn cho người mua, đã được những nhà phát triển dự án có thực lực hưởng ứng tận tình. Đây cũng là một “chiêu” thanh lọc những nhà đầu tư thiếu năng lực. Bởi chỉ những DN tự tin vào khả năng phát triển dự án của mình cũng như tài sản có khả năng khả mại, mới “dám” tìm và được NH đồng ý bảo lãnh. Như vậy, sẽ chẳng ai thiệt trong cuộc đua đến với bảo lãnh dự án. Nếu có chăng, có thể sẽ là những trường hợp mà khi thị trường vào guồng tăng sóng mạnh, NH cũng dễ dãi hơn trong thẩm định năng lực tài sản, khả năng khả mại tài sản hoặc vì mục tiêu nào khác mà đồng ý bảo lãnh cho chủ đầu tư thiếu năng lực. Trong trường hợp đó, khó nói là NH về sau, có thực thi nghĩa vụ bảo lãnh “tới nơi tới chốn” đúng như cam kết với người mua.
Thuận Hóa
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Bất động sản khu Đông Tp.HCM đang trỗi dậy
- Người nước ngoài đã mua hàng trăm căn hộ ở TP.HCM
- Kiểm soát không để tạo bong bóng thị trường bất động sản
- Đầu cơ bất động sản có thể làm sai lệch nguồn cầu
- Lo bất động sản quá “nóng”
- Áp dụng quy định mới, người mua bất động sản chịu chi phí tăng
- 7 lý do nên đầu tư căn hộ hoàn thiện
- Người nước ngoài mua nhà: Nỗi lo trước giờ G
- TPHCM: Quận 4 và cơ hội mới cho bất động sản cao cấp
- Bộ Xây dựng lý giải vì sao gói 30.000 tỷ giải ngân thấp