Ông Ngô Quang Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, số lượng dự án công bố năm 2017 sẽ giảm nhiều so với năm 2016 do quá trình tạo lập dự án gặp nhiều khó khăn.
Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bất động sản cuối năm 2017” diễn ra ngày 16/8 tại TPHCM, ông Phúc, cũng là Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Him Lam cho hay, nếu như năm 2015 thị trường bất động sản tăng trưởng cao, ổn định trong năm 2016 thì năm 2017 có xu thế tạm chững lại.
Điểm nghẽn về tiền sử dụng đất là một trong những thách thức lớn cho thị trường bất động sản. (Ảnh: Cao Ban)
Năm nay, việc thắt chặt tín dụng vào bất động sản theo lộ trình của Thông tư 06 khiến các chủ đầu tư tiếp cận tín dụng khó khăn hơn. Trong khi đó, việc tạo lập dự án mới vẫn gặp khó khăn do thủ tục hành chính nhiêu khê.
“Năm 2017 Him Lam Land dự kiến tung ra ba dự án mới nhưng do thủ tục khó khăn nên có khả năng chỉ còn một dự án”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư LDG cho biết, một dự án thường mất 15-18 tháng làm thủ tục hành chính. Còn nếu tính cả quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng thì khó biết đến bao giờ mới thực hiện xong.
Hơn nữa, tiền sử dụng đất là ẩn số không thể tiên lượng khi quyết định đầu tư dự án, gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Ông Khang kể, công ty ông mua lô đất trị giá 120 tỉ đồng thì trong đó tiền sử dụng đất đã hết 115 tỉ đồng. Điều này cho thấy doanh nghiệp phải bỏ chi phí lớn khi tạo lập quỹ đất, dẫn đến khó giảm giá nhà ở.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, hiện quỹ đất sạch trong nội thành khan hiếm. Quá trình tạo lập, giải phóng mặt bằng khó khăn, cộng thêm tiền sử dụng đất cao, khiến cho nhiều dự án đang tạo lập phải bỏ dở, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài.
Theo ông Hiển, có nhiều dự án đền bù được 30% rồi bị bỏ dở, trừ khi quy hoạch lại dự án mới có khả năng đền bù.
Số liệu của HoREA cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, nhìn tổng thể thì số lượng nhà ở chào bán giảm so với cùng kỳ năm 2016. Phân khúc nhà ở bình dân chào bán tăng 1,9 lần, phân khúc cao cấp tăng 1,8 lần, nhưng phân khúc trung cấp giảm đến 42,1%. Một số chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án nhà ở trung cấp không có sản phẩm bán trong 6 tháng qua.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phúc, thị trường chững lại không phải do nhu cầu thực giảm mà đầu cơ giảm. Doanh nghiệp nào tiếp tục đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân, hướng đến nhu cầu ở thực của người dân sẽ có sự phát triển bền vững.
Nhận xét về tác động của xu hướng lãi suất đến thị trường bất động sản, TS Bùi Quang Tín cho rằng, hiện các ngân hàng còn room gần 13% cho 4,5 tháng còn lại. Xu hướng lãi suất của 5 tháng còn lại sẽ giảm, trong các năm tiếp theo, lãi suất cũng theo hướng giảm đồng bộ. Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định trong thời gian tới.
Bổ sung 2.000 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hộiTại hội thảo, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung 2.000 tỉ đồng, trong đó 840 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng, 1.160 tỉ đồng còn lại dùng để hỗ trợ cho vay xây dựng, thuê, mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100. Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã huy động thêm khoảng 1.000 tỉ đồng nữa, tổng cộng có hơn 2.000 tỉ đồng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Dự kiến trong năm nay, nguồn vốn này sẽ được giải ngân để hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà. |
Cao Ban
(TBKTSG)
- Chuyên gia phản biện đánh thuế ngôi nhà thứ hai
- Tập đoàn Nam Cường và dấu ấn đầu tư cho giáo dục
- Phú Quốc “dậy sóng” bất động sản nghỉ dưỡng
- TP.HCM sẽ có khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội
- Phía Tây Hà Nội trước cơ hội thành trung tâm kinh tế mới
- Rào cản người nước ngoài mua nhà
- Chuyên gia: Cần thận trọng khi áp dụng thuế nhà, đất
- Nghịch lý thiếu-thừa trong phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội
- Bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật
- Hình thức ký quỹ giúp khách hàng tiếp cận được bất động sản mong muốn sớm nhất