Cả nước hiện có 3.077 dự án bất động sản đang triển khai với vốn đầu tư khoảng 3,3 triệu tỉ đồng, theo thông tin từ cuộc hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Xây dựng.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nói tại sự kiện diễn diễn ra chiều 16/1 rằng, thị trường bất động sản Việt Nam trong hai năm qua đang phát triển đúng hướng, ổn định và lành mạnh.
Ảnh minh họa phối cảnh một dự án nhà đất.
Ông Nam chứng minh nhận định của mình qua ba yếu tố. Thứ nhất, lượng giao dịch bất động sản năm 2017 tăng mạnh so với năm 2016. Tại Hà Nội và TPHCM trong năm 2017 có 64.000 giao dịch trong khi năm 2016 chỉ có khoảng 40.000 giao dịch. Thứ hai, giá bất động sản tương đối ổn định, phân khúc nhà ở giá rẻ thanh khoản tốt. Cuối cùng, tổng dư nợ tín dụng bất động sản có xu hướng giảm, dòng tín dụng trong lĩnh vực này được Ngân hàng Nhà nước điều hành một cách thận trọng và an toàn hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, năm vừa qua, hoạt động xây dựng tăng trưởng khá cao, 8,7% so với năm 2016. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 37,5% (tăng 0,9% so với năm 2016). Hiện cả nước có 813 đô thị (tăng 11 đô thị so với năm 2016).
Năm 2017, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người so với 2016. Tổng số dự án bất động sản đang triển khai là 3.077 dự án với vốn đầu tư khoảng 3,3 triệu tỉ đồng, sử dụng 79.943 héc ta đất. Dư nợ tín dụng bất động sản đến quí 3-2017 khoảng 447.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 6-8% tổng dư nợ tín dụng và ở trong ngưỡng an toàn. Cơ cấu tín dụng và tiêu chuẩn vay kinh doanh bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Năm 2017 đã có thêm 5 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp hoàn thành, với quy mô khoảng 1.225 căn. Hiện có 16 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 5.200 căn hộ.
Đề cập đến thực trạng trong khi cả nước có 3.077 dự án bất động sản đang triển khai thì chỉ có 16 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần tiếp tục phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương với những biện pháp cụ thể, tích cực hơn. Bởi hiện ngành xây dựng còn chưa quan tâm đúng mức đến chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tướng cũng cho rằng, năm 2017 vừa qua cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh nhưng còn chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở phân khúc giá rẻ và trung bình.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ áp dụng cơ chế tín dụng tích cực, linh hoạt hơn đối với bất động sản để kích thích các loại ngành nghề phụ trợ liên quan cùng phát triển. Có chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ vì đây là loại hình mà người dân có nhu cầu lớn.
“Trong nguồn vốn 2.000 tỉ đồng mà Quốc hội thông qua cho chương trình nhà ở xã hội, còn 1.200 tỉ chưa giải ngân. Đề nghị trong số này, dành 600 tỉ đồng cho nhà thu nhập thấp, 600 tỉ đồng còn lại bù lãi suất cho vay dành cho đối tượng mua nhà ở thương mại giá rẻ. Để tạo dòng tiền cho các ngân hàng thương mại, đảm bảo đầu ra cho nhà ở thương mại giá rẻ cũng như tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản,” ông Nam nói.
Ông Nam còn đề xuất cần thực hiện nghiêm túc Luật Kinh doanh bất động sản, nhất là quy định quỹ đất cho nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng ngành xây dựng cần hình thành hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách và bảo đảm minh bạch thị trường. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng cần chú ý đến mục tiêu không để xảy ra biến động bất thường, bong bóng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Xây dựng cần sớm hoàn thành Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”.
Vân Ly
(TBKTSG)
- Bản chất Condotel và những rủi ro qua lăng kính đầu tư
- 5 tác động của làn sóng FDI vào bất động sản Việt Nam
- Cơ hội nào cho bất động sản vùng ven trong năm 2018?
- M&A bất động sản và thách thức quỹ đất “sạch”
- Sự thay đổi của thị trường bất động sản thế giới năm 2018
- Thị trường bất động sản: Từ 2017 nhìn về tương lai
- 4 đề xuất tăng quỹ đất nhà ở xã hội
- Địa ốc trong xu hướng hợp tác
- Quản lý và phát triển thị trường bất động sản: Kinh nghiệm từ Singapore
- Bất động sản 2018: tăng trưởng tích cực hay rủi ro "giá ảo"