Ashui.com

Thursday
Jan 23rd
Home Chuyên mục Bất động sản Nhà lưu trú cho công nhân: Cầu nhiều cung ít

Nhà lưu trú cho công nhân: Cầu nhiều cung ít

Viết email In

Hiện TPHCM có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) nhưng mới chỉ có khoảng 15% trong số này được đáp ứng về nhu cầu chỗ ở, nhà lưu trú. Không chỉ TPHCM mà nhiều tỉnh thành lân cận tình trạng cũng không khá hơn.

Thời gian qua, mặc dù TPHCM đã có nhiều dự án xây dựng nhà lưu trú dành cho công nhân, thế nhưng các dự án này mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% trong tổng số 285.000 người. Đó là thông tin tại hội thảo “Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất” diễn ra vào sáng 21/5 do báo Pháp Luật TPHCM tổ chức.


Các diễn giả trao đổi tại hội thảo “Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất” diễn ra vào sáng 21/5.
(Ảnh: Ngô Kiếm)

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM đánh giá, với con số 15%, tỷ lệ đáp ứng chỗ ở, nhà lưu trú cho công nhân vẫn còn rất thấp. Công nhân phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, những khu nhà trọ tốt thì không nói nhưng cũng có những khu nhà trọ (có nơi tự phát) ọp ẹp không đảm bảo được điều kiện môi trường sống cũng như sức khoẻ cho người lao động.

Ông Trần Quốc Đạt, Phó phòng phát triển nhà, thuộc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết theo thống kê, TPHCM có 17 KCX-KCN (trong đó có 1 khu công nghệ cao), tổng số lượng lao động khoảng 285.000 người (chiếm 65% là nhập cư), nếu tính thêm các cụm công nghiệp khác cộng lại có thể lên đến 380.000 lao động với hơn 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động, thế nhưng mới chỉ có 12 nhà lưu trú đáp ứng được 15.000 chỗ ở cho công nhân.

Không chỉ riêng TPHCM, tại tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Trưởng phòng Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, cho hay có một thực tế là nhiều KCN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được chỗ ở cho người lao động, chỉ có 6.000 nhà lưu trú trong khi tỉnh có đến 31 KCN quy mô 11.391 ha với 140.000 người lao động.

Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động - Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), cho rằng hiện nay nhà trọ tại các khu dân cư là nơi tập trung chủ yếu của người lao động, một phần vì thiếu nhà lưu trú phần khác là do người lao động chủ yếu là giới trẻ, còn độc thân nên muốn ở nơi tự do hơn.

Dù vậy, ông Khanh vẫn mong muốn sẽ tăng lượng nhà lưu trú nhằm giải quyết nhiều vấn đề chung cho người công nhân, bên cạnh đó việc xây dựng nhà lưu trú, tập trung công nhân sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, như đúng quy chuẩn, an ninh, những điều kiện cơ bản khác và TP dễ dàng chăm sóc cho người lao động hơn...

Để tăng số lượng nhà lưu trú, trong suốt thời gian qua, ông Khanh cho biết phải thực hiện huy động từ nhiều nguồn đầu tư khác nhau, như nhà đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng của KCX-KCN, DN sản xuất trong KCX-KCN và các thành phần kinh tế khác cũng như các danh nghiệp có điều kiện đầu tư vào loại hình này… không phải là chuyện đơn giản.

“Ngoài ra, vấn đề về tạo lập quỹ đất để đầu tư loại hình nhà ở cho công nhân là một trong những điều mà TP hết sức quan tâm, bởi chúng liên quan đến trách nhiệm của nhiều bên, mà trước hết là trách nhiệm từ phía nhà nước phải có những cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện cho nhà đầu tư một cách tốt nhất, thứ hai là nhà đầu tư hạ tầng KCX-KCN, thứ ba là đến doanh nghiệp sử dụng lượng lao động lớn”, ông Khanh nói.

Ông Trần Quốc Đạt cho hay một trong những vấn đề đáng lưu ý nhất hiện nay là về quỹ đất. Cũng theo kế hoạch gần đây, ông Đạt cho biết TPHCM đang triển khai cho các dự án nhà lưu trú cho công nhân với 15 dự án tương đương với 47 ha. Quỹ đất này chính xác là nhờ các doanh nghiệp đã nỗ lực tự tạo quỹ đất riêng cho mình.

Trong 15 dự án này, có đến 6 dự án đang trong giai đoạn bồi thường và giải phóng mặt bằng, cũng là một vấn đề cực kì khó khăn với các doanh nghiệp, các dự án còn lại thì vẫn đang thực hiện các thủ tục để đầu tư.

“Theo dự kiến, với quy mô 15 dự án này sở đang thực hiện một số kế hoạch cho năm nay và gối đầu cho 5 năm tiếp theo, nếu nguồn dự án này được triển khai thuận lợi thì sẽ đáp ứng được 95.000 chỗ ở cho công nhân trong thời gian tới”, ông Đạt thông tin thêm.

Đại diện doanh nghiệp đến từ tỉnh Long An, ông Trần Quốc Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho rằng một KCN không có nhà ở thì rất khó kéo nhà đầu tư vào khu công nghiệp đó, vì có con người buộc phải có nhà ở, tạo kiện tốt cho người lao động chuyên tâm nâng cao năng suất. Hiện các KCN tại Long An đang rất cần doanh nghiệp đầu tư nhà lưu trú cho công nhân.

Ông Vinh cho hay, ông đã từng đi tìm hiểu thực tế mô hình nhà ở xã hội cho công nhân tại Becamex (Bình Dương) và thấy đơn vị này làm rất tốt. Vừa rồi, đơn vị ông dự định đầu tư 10.000 căn nhà tại Long An, nhưng mới chỉ được 800 căn thì sắp chịu hết nổi vì… thủ tục quá rườm rà, nhiêu khê.

“Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ nhiệt tình, có như vậy thì mới có thể mạnh dạn đầu tư 10.000 căn nhà lưu trú”, ông Vinh nói và đề xuất thêm: “khi đầu tư vào nhà ở xã hội, chúng tôi mong muốn nhà nước đơn giản hoá chính sách cho người mua, chỉ cần áp dụng 3 tiêu chí: người lao động đang làm việc tại địa phương với hợp đồng lao động trên 2 năm, có đóng bảo hiểm xã hội và chưa có nhà ở. Vì lợi nhuận đầu tư không cao mà đối tượng bán lại là người có thu nhập thấp, do vậy rất khó cho doanh nghiệp”.

Tại hội thảo cũng đưa ra một số kiến như giải quyết tách bạch hai nhu cầu: nhu cầu lưu trú cho công nhân trong thời gian làm việc và nhu cầu sở hữu nhà ở lâu dài của công nhân. Vì thực tế có nhiều KCN chưa quan tâm đến hai loại hình này, dẫn đến thờ gian đi lại công nhân nhiều, ảnh hưởng đến sức khoẻ, năng suất công nhân.

Ngô Kiếm

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...