Ashui.com

Wednesday
Jan 22nd
Home Chuyên mục Bất động sản Nhà ở xã hội vẫn còn ách tắc

Nhà ở xã hội vẫn còn ách tắc

Viết email In

Chủ trương phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp đang được người dân TPHCM hết sức quan tâm. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án này quá chậm, trong đó có nguyên nhân nhiều doanh nghiệp (DN) chưa thật sự “mặn” với chương trình này.

Lợi nhuận không hấp dẫn

Theo Sở Xây dựng TPHCM, tính đến nay mới chỉ có 6 dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp chính thức được các DN kinh doanh bất động sản đăng ký tham gia hoặc được khởi công xây dựng.

Trong đó, hai dự án đang xây dựng là chung cư 157/R8 đường Tô Hiến Thành, quận 10) với quy mô 114 căn và chung cư An Sương (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) quy mô 176 căn do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư. Hai dự án trên sẽ hoàn thành trong năm 2009-2010 và bàn giao cho TP để bố trí cho các đối tượng theo quy định.

Bốn dự án khác do các DN tự nguyện tham gia chương trình, hiện Sở Xây dựng đã xem xét và trình UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư để làm cơ sở thực hiện.

Đó là dự án ở phường Thạnh Xuân (quận 12) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hòa Bình làm chủ đầu tư; dự án 1 ha ở phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) do Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 làm chủ đầu tư; dự án ở huyện Hóc Môn do Công ty Minh Thành làm chủ đầu tư và dự án 3 ha ở phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) do Công ty Cổ phần Chương Dương làm chủ đầu tư. Như vậy, phần lớn các dự án vẫn chưa thể xây dựng ngay trong năm 2009 bởi còn phải chờ chủ trương.

Ngoài ra, hiện có hơn 100 dự án của các DN xin đăng ký tham gia vào chương trình nhà ở xã hội, nhà giá thấp của TP. Tuy nhiên phần lớn các dự án này mới chỉ đăng ký trên giấy. Điều mà hầu hết các DN băn khoăn khi tham gia chương trình nhà ở xã hội là ngoài việc phải tự chuẩn bị quỹ “đất sạch” (đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng), có năng lực tài chính thì lợi nhuận của chủ đầu tư bị khống chế không quá 10% là không hấp dẫn.

Một DN cho rằng “các điều kiện trên khó làm DN hứng khởi, dù khi tham gia chương trình, chủ đầu tư được hưởng một số chính sách như được miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, miễn tiền sử dụng đất... Đó là chưa kể việc vay vốn ngân hàng hiện rất khó khăn đối với dạng dự án trên”.

Khó có nhà giá 200 triệu đồng

Thông tin ở Hà Nội có DN công bố giá bán nhà ở xã hội với giá dưới 200 triệu đồng/căn với diện tích khoảng 50 m2 đã gây chú ý cho các DN ở TPHCM.

Tuy nhiên, sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, một số DN ở TPHCM cho rằng với mức giá bán trên thì TPHCM không thể làm nổi. Bởi theo nhận định của họ, để làm được căn hộ với diện tích như trên tại TPHCM phải tốn từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/m2, tức mỗi căn giá thành phải từ 400 triệu đến 600 triệu đồng.

Cuối năm 2008, Sở Xây dựng TPHCM có cuộc khảo sát về nhà cho người lao động thuê trên địa bàn TP. Kết quả, người lao động chỉ bỏ ra không quá 150.000 đồng/người/tháng để thuê phòng ở.

Với giá thuê mua từ 15.000-30.000 đồng/m2/tháng như đơn giá hiện nay hay trả góp hằng tháng từ 1,5 triệu đồng trở lên, nhiều người có thu nhập thấp cho rằng thà họ đi thuê nhà ngoài thị trường còn hơn là đi thuê, mua nhà xã hội.

Theo LĐLĐ TPHCM, người lao động với mức lương trung bình khoảng 1,7 triệu đồng/tháng như hiện nay rất khó để họ tìm cho mình một căn nhà dù được vay với lãi suất thấp, thời gian vay dài và giá nhà từ 500 triệu đồng/căn trở xuống. Điều này được một DN phân tích:

Nếu căn nhà có giá 400 triệu đồng, được vay với thời hạn trên 20 năm, lãi suất dưới 5%/năm, người mua mới có thể chỉ phải trả 1,5-2 triệu đồng/tháng. 

Còn thuê theo đơn giá dành cho người thu nhập thấp từ 15.000-28.000 đồng/m2/tháng, giá thuê mua từ 18.000-30.000 đồng/m2 (đối với đô thị đặc biệt, đô thị loại một như TPHCM, Hà Nội), người thuê cũng phải dành khoảng 1 triệu đồng/tháng cho tiền nhà. Chị Ngọc Nhi (giáo viên tiểu học tại quận 5) cho rằng với mức giá trên khó kham nổi nếu thuê ròng rã hàng chục năm.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, nhu cầu nhà ở có mức giá 300 triệu -500 triệu đồng/căn hiện nay là rất lớn và đây cũng là giá chuẩn để bảo đảm chất lượng cho dù đó là nhà xã hội. Nếu được vay với lãi suất khoảng 5%-6%/năm và chỉ vay 100 triệu đồng, sau 10 năm, tổng số tiền phải trả cũng lên hơn 150 triệu đồng. Đây là con số quá sức với đa số lao động có thu nhập trung bình dưới 2 triệu đồng/tháng như hiện nay.

Mức vay tối đa 70% giá trị căn hộ

Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, hiện TP đã có những chủ trương chính sách để người dân có thể thuê, thuê mua nhà xã hội hoặc vay vốn mua nhà. Cụ thể, trường hợp người vay tiền mua nhà phải nằm trong đối tượng quy định của TP, có khả năng trả trước 30% tiền mua căn hộ/nhà dự định mua; có các nguồn thu nhập ổn định (bao gồm cả thu nhập của vợ hoặc chồng người vay) để bảo đảm trả nợ và lãi vay.

Về mức vay: Tối đa 70% giá trị căn hộ/nhà nhưng không vượt quá 300 triệu đồng/hồ sơ. Thời hạn vay tối đa 15 năm.

Nguyễn Trần - T.Nguyễn

[ Chuyên đề : Nhà ở xã hội

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...