Hạ tầng kết nối giữa TPHCM với tỉnh Long An đang là điểm nghẽn trong kế hoạch phát triển đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra các vùng ven của thành phố. Một khi gỡ được nút thắt này thì cả TPHCM và Long An đều được hưởng lợi. Đây là nhận định của các diễn giả tại hội thảo “TPHCM - Long An: Kết nối phát triển”, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Địa ốc Saigon Times tổ chức vào tuần trước.
Long An gần mà xa
TPHCM đã kết nối với các tỉnh ở hướng Đông gồm Bình Dương, Đồng Nai bằng một hệ thống hạ tầng khá hoàn chỉnh khi có cả đường bộ (12 làn xe), sắp tới là đường sắt đô thị. Trong khi ở phía Tây, năng lực kết nối với Long An và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất hạn chế. Trong đó, Long An là tỉnh giáp ranh TPHCM ở phía Tây vẫn còn quỹ đất khá lớn, phù hợp cho việc phát triển các đô thị vệ tinh phục vụ cho kế hoạch giãn dân của TPHCM.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của Long An, bà Đặng Thị Thúy Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng Long An, ví von: “ Long An trước như một cô gái quê, nhưng giờ đây cô gái ấy đang được nhiều người để ý”. Điều này được minh chứng qua việc nhiều nhà đầu tư lớn đang có kế hoạch phát triển các dự án bất động sản ở Long An như Vingroup, Vạn Thịnh Phát, Becamex, TDH Econland… Tuy nhiên do việc kết nối hạ tầng giữa TPHCM và Long An còn yếu, nên các khu đô thị vệ tinh này chưa thu hút được người dân về sinh sống, vì thế chiến lược giãn dân ra ngoại ô của TPHCM chưa như kỳ vọng.
Khi tham gia làm quy hoạch cho tỉnh Long An, ông Nguyễn Thiềm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TPHCM, đã chỉ ra nguyên nhân khiến liên kết giữa Long An và TPHCM còn yếu là do điều kiện tự nhiên của Long An, đặc biệt là khu vực Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức có nhiều hạn chế cho phát triển bất động sản như nền đất thấp, nhiều sông rạch, địa chất công trình yếu, nên nếu làm dự án phải khoan sâu đến 50 mét mới đến được nền đất chịu lực khi làm móng.
Một hạn chế nữa là nguồn nước mặt bị nhiễm mặn và phèn, khó lấy để phục vụ cho cấp nước sinh hoạt. Hiện tại Long An phải lấy nước từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) với khoảng cách khá xa. Đó là chưa kể phần lớn đất đai được quy hoạch canh tác lúa nước, việc lấy đất để phát triển bất động sản rất khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Thiềm, hạn chế lớn nhất chính là hạn chế trong quy hoạch nên các huyện của Long An giáp TPHCM nằm xa các đầu mối hạ tầng của vùng và các trục giao thông chính, trong khi khu vực này lại chưa có nhiều dự án hạ tầng mới nên việc kết nối rất khó khăn.
Ở góc độ của một doanh nghiệp phát triển bất động sản, ông Phạm Lâm, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần DKRA, nhận định Long An có lợi thế giáp với TPHCM. Nếu tính về khoảng cách thì từ quận 1 đến Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc khoảng 25 ki lô mét, trong khi từ quận 1 đến Củ Chi thậm chí còn xa hơn. Như vậy, rõ ràng các huyện giáp ranh TPHCM của Long An có lợi thế hơn. Về giá cả, giá đất ở Cần Giuộc, Long An rẻ hơn một nửa so với ở Hóc Môn, TPHCM.
Theo số liệu nghiên cứu của DKRA, năm 2017 khu vực Long An có nguồn cung rất lớn về nhà ở, với 12.000 sản phẩm được đưa ra thị trường. Năm 2018 dù ít hơn chút ít, nhưng vẫn có đến 11.000 sản phẩm. Qua số liệu nghiên cứu của DKRA, dự án bất động sản nào ở Long An khi đưa ra thị trường cũng tiêu thụ rất nhanh, cho thấy tiềm năng rất lớn của các huyện giáp ranh TPHCM.
Các huyện giáp TPHCM chỉ nên tập trung phát triển nhà ở
Để Long An liên kết tốt với TPHCM và cùng nhau phát triển, theo các chuyên gia, trước hết phải giải được bài toán về hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Thiềm cho rằng, để thu hút nhà đầu tư và người dân về Long An thì phải gắn kết với TPHCM bằng giao thông, hướng đến các sân bay, bến cảng, trung tâm tài chính. Khi làm được đường vành đai 3 và 4 qua địa phận Long An thì sẽ là bước đột phá cho tỉnh.
Tuy nhiên, các dự án này hiện vẫn chưa khởi động. Đây là điểm nghẽn, nếu tháo được nút thắt này thì mới phát triển được đô thị. “Theo tôi, để thu hút đầu tư hạ tầng, nên cho nhà đầu tư phát triển quỹ đất dọc hai bên đường để lấy tiền thu từ đất đó đầu tư hạ tầng, chứ chờ đợi tiền ngân sách thì rất lâu”, ông Thiềm đề xuất.
Ngoài khuyến khích đầu tư hạ tầng, Long An cần có giải pháp thu hút dân nhập cư. Cụ thể là cần có các chính sách về giáo dục, việc làm cho người dân nhập cư để họ gắn bó và làm việc tại Long An.
Nhìn nhận về dài hạn, ông Phạm Lâm cho rằng, việc phát triển nhà ở tại các huyện giáp với TPHCM sẽ rất thuận lợi, bởi hiện nay quỹ đất để phát triển nhà ở tại các khu vực giáp với TPHCM của Bình Dương, Đồng Nai đang hiếm dần. Vì thế, nhiều nhà đầu tư bất động sản rất muốn đầu tư về khu vực Long An.
“Tôi cho rằng 15-20 năm tới Long An nên tập trung phát triển nhà ở đối với các huyện giáp với TPHCM, còn khu công nghiệp cần đưa ra các huyện xa hơn. Nhìn tổng thể thì hiện nay công nghiệp ở Long An nằm rải rác ở các huyện, chỉ có khu công nghiệp ở huyện Đức Hòa là có quy mô lớn”, ông Lâm đề xuất.
Ông cho rằng Long An nên phát triển các khu đô thị và không gian xanh ngay từ đầu, để tránh sau này làm đô thị rồi lại phá đi làm thêm mảng xanh. Khu đô thị và không gian xanh sẽ là lợi thế để thu hút người dân về sống.
Về tình hình đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Thành Ngoãn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An, cho biết tỉnh đang đầu tư các công trình giao thông trọng điểm gồm: trục động lực TPHCM - Tiền Giang - Long An; đường 830 trục Đức Hòa - Bến Lức; đoạn Bến Lức đến quốc lộ 50; đoạn quốc lộ 50 sang cảng Tân Tập, dự kiến tháng 4-2020 thông xe. Bên cạnh đó, Long An sẽ đầu tư đường vành đai thành phố Long An gồm bốn đoạn và dự kiến quí 3-2020 hoàn thành.
“Đối với đường vành đai 3, đoạn đi qua Long An, hồi tháng 5 tỉnh đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải xin cơ chế đầu tư vành đai 3 theo hình thức BOT, nếu được Chính phủ chấp thuận Long An sẽ triển khai”, ông Ngoãn thông tin.
Còn về đề xuất tập trung phát triển nhà ở tại vùng giáp với TPHCM, bà Đặng Thị Thúy Hà cho biết việc tập trung phát triển nhà ở hay công nghiệp còn tùy thuộc vào đặc điểm về kinh tế xã hội của địa phương chứ Long An không đi theo một mô hình cứng nào. Về định hướng phát triển nhà ở vùng giáp ranh với TPHCM, Long An sẽ không cấp phép cho các dự án dưới 10 héc ta để tránh phát triển manh mún.
Lê Anh
(TBKTSG)
- Luật chồng chéo, dự án địa ốc “bất động”
- Giấc mơ có nhà ngày càng xa vời
- Bàn về định hướng xây dựng chung cư
- Lời giải nào cho bài toán nhà ở tại TPHCM?
- Bất động sản công nghiệp: Sức bật của Đồng Nai và Long An
- Triển vọng tươi sáng cho phân khúc nhà ở bình dân
- Thị trường căn hộ: Thông tin thiếu nguồn cung duy trì sự tăng giá
- Điều kiện nhà ở của hộ dân cư Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt
- Bất động sản nghỉ dưỡng: cơ hội phải đi cùng yếu tố bền vững
- Sức nóng từ thị trường homestay