Ashui.com

Monday
Jan 20th
Home Chuyên mục Bất động sản Bất động sản tìm hy vọng từ hoạt động sản xuất công nghiệp

Bất động sản tìm hy vọng từ hoạt động sản xuất công nghiệp

Viết email In

Từ đầu tháng 2 đến nay, trong tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp trong nước, hoạt động sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu... của An Phát Holdings cũng chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư khu công nghiệp mới của tập đoàn vẫn được tiếp tục và được thúc đẩy để giai đoạn 1 sẽ cho thuê 180 héc ta và hoàn thành vào cuối năm nay. Tương tự như An Phát Holdings, phân khúc sản phẩm phục vụ ngành sản xuất công nghiệp đang là niềm hy vọng của các doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh thị trường ảm đạm.

Chỉ tính riêng trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, khi dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế, sức mua của phân khúc sản phẩm nhà ở trên thị trường bất động sản nói chung đã sụt giảm thê thảm, chỉ đạt 15% so với số lượng hàng hóa bán ra. Trong khi đó, phân khúc bất động sản du lịch cũng rơi vào cảnh "chợ chiều" khi không có khách thuê... và chỉ có phân khúc bất động sản công nghiệp là điểm sáng duy nhất của thị trường.


Bất động sản khu công nghiệp đang được kỳ vọng sẽ giúp tạo sự chuyển biến trên thị trường nhà đất nói chung. Trong ảnh là một khu công nghiệp tại Hải Dương. (Ảnh: AP)

Hệ sinh thái khu công nghiệp - hướng đi của bất động sản công nghiệp

Sau một năm đầu tư kinh doanh khu công nghiệp đầu tiên là An Phát Complex, Tập đoàn Nhựa An Phát (An Phát Holdings) cuối năm 2019 đã xúc tiến đầu tư thêm một khu công nghiệp mới tại Hải Dương là Quốc Tuấn An Bình. Bước đi này nhằm nắm bắt cơ hội kinh doanh, do ngày càng có nhiều công ty nước ngoài muốn đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, trong xu hướng dịch chuyển các nhà máy từ các nước lân cận sang Việt Nam.

Sự diễn tiến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ đầu tháng 2 đến nay đã không thể cản trở kế hoạch đầu tư khu công nghiệp mới của An Phát Holdings. Mọi hoạt động đầu tư của khu công nghiệp vẫn diễn ra bình thường, dự kiến trong giai đoạn 1 sẽ cho thuê 180 héc ta và hoàn thành vào cuối năm 2020. Việc An Phát Holdings liên tục đầu tư hai khu công nghiệp chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, và đã lên kế hoạch lấp đầy vào cuối năm nay đã phần nào cho thấy sự hấp dẫn của phân khúc bất động sản khu công nghiệp trên thị trường bất động sản nói chung.

Trong bản thuyết trình với các nhà đầu tư về kết quả kinh doanh năm 2019 gần đây, tập đoàn Vingroup và cụ thể là công ty con của tập đoàn này là Vinhomes cho biết muốn tham gia vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho tập đoàn Vingroup kể từ năm nay. Và có thể Vinhomes sẽ phát triển các dự án bất động sản công nghiệp đầu tiên tại Hải Phòng.

Vingroup đặt mục tiêu góp phần tạo điều kiện cho nhiều nhà cung cấp thiết bị phụ trợ trên thế giới phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa qua việc xây dựng hệ sinh thái dây chuyền sản xuất ô tô nội địa, phù hợp với chiến lược tổng thể của Vingroup để đẩy mạnh phát triển mảng công nghiệp.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây việc phát triển khu công nghiệp tại miền Bắc được đẩy mạnh. Do có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến khu vực này và cũng do các doanh nghiệp có trụ sở ở phía Bắc quan tâm đầu tư khu công nghiệp nên thuận tiện đầu tư tại đây.

Theo số liệu của công ty nghiên cứu bất động sản JLL, trong quí 1-2020, nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc hạn chế di chuyển giữa các khu vực trong và ngoài nước đã khiến các giao dịch bị đình trệ do các nhà đầu tư nước ngoài không thể trực tiếp đi thực địa. Các giao dịch thành công trong quí 1 chủ yếu được xúc tiến trước khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu. Tính đến cuối quí 1-2020, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp phía Bắc đạt 72%.

JLL cho biết Bắc Ninh và Hải Phòng với nguồn cung lớn vẫn là hai thị trường khu công nghiệp dẫn đầu miền Bắc. JLL cũng nhận định thị trường bất động sản này sẽ sôi động trở lại với nhiều hợp đồng thuê được ký kết ngay khi dịch bệnh kết thúc.

Thị trường căn hộ sức mua chỉ đạt 15%

Nhiều nhân viên bán hàng của các sàn giao dịch bất động sản cho biết, ở cùng thời điểm này những năm trước, mỗi tháng mỗi người trong số họ thường bán được vài căn chung cư, biệt thự… nhưng từ khi dịch bệnh diễn ra việc tư vấn trực tiếp với khách hàng hạn chế tối đa, chủ yếu qua điện thoại, tin nhắn, mạng internet. Đây cũng là hạn chế nhất định, nhất là đối với phân khúc đất nền, biệt thự. Bởi khách hàng ở phân khúc này yêu cầu phải đi xem sản phẩm thực tế. Có một số khách hàng vẫn đặt tiền mua căn hộ, nhưng rất ít và đa phần là người có nhu cầu nhà ở thực.

Như vậy, dịch bệnh diễn ra đã làm cho thị trường bất động sản tiêu thụ khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết hàng loạt sàn môi giới bất động sản đang lâm vào tình trạng thê thảm. Có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư dự án không mở bán sản phẩm, vì không tổ chức được các buổi mở bán với sự tham gia của đông đảo người quan tâm do dịch bệnh Covid-19. Từ việc không có hàng hóa để chào bán nên các sàn mội giới không có nguồn thu để nuôi bộ máy công ty, trả lương nhân viên. Trong đó, có nhiều sàn định đóng cửa hẳn. Có nhiều sàn tạm dừng hoạt động để chờ thời cơ hồi phục của thị trường.

Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, hay còn gọi là các sàn bất động sản. Có những sàn môi giới lớn với quy mô gần 3.000 nhân viên môi giới trên cả nước; có những sàn nhỏ chỉ một vài chục nhân viên. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Các sàn này có hai phương án về tổ chức hoạt động trong mùa dịch bệnh. Phương án thứ nhất là cho nhân viên nghỉ một phần. Phương án còn lại là chia nhân sự công ty thành nhiều nhóm nhỏ, các nhóm sẽ làm việc và nghỉ phép luân phiên để giảm việc giảm lương mà vẫn duy trì được bộ máy. Tình trạng này diễn ra tại những công ty môi giới vẫn còn hàng để bán, vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư.

Ông Đính cho hay hiện chỉ có khoảng 150-200 sàn bất động sản có tình trạng hoạt động khá tốt do trước đó đã ký kết được những hợp đồng mới với các chủ đầu tư bất động sản. Sản phẩm hiện vẫn có dồi dào thể rao bán, lượng khách hàng cũng khả quan. Đây là thời điểm mà thị trường thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây.

Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý 1 vừa qua tỷ lệ mua trên lượng hàng bán của thị trường bất động sản ở mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua. Đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm nhưng giao dịch chỉ đạt 7.641 sản phẩm. Trong đó, tại Hà Nội, có 8.963 căn hộ được chào bán, giao dịch đạt 1.307 sản phẩm; tại TPHCM có 8.421 căn hộ được chào bán, giao dịch là 1.409 sản phẩm.

Nhiều công ty bất động sản cho hay, trước đây, nhân viên kinh doanh chỉ cần tiếp cận 2 - 3 khách hàng có thể có người mua. Còn nay bây giờ có khi tiếp cận đến hàng chục khách cũng không có người mua. Vì trước diễn biến dịch bệnh khó lường, người ta thường giữ vàng, tiền. Do đó nhiều doanh nghiệp bất động sản dự kiến mở bán căn hộ vào tháng 3 vừa qua nhưng do dịch phải dời kế hoạch lại, chờ thị trường khá hơn, có thể chờ qua dịch bệnh.

Kiến nghị doanh nghiệp bất động sản được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ

Trước những khó khăn của thi trường, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ đưa các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ BĐS vào nhóm đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ đã phê duyệt vì nhóm này thực chất cũng chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Thêm nữa Hiệp hội này còn kiến nghị Chính phủ cần trực tiếp và thực chất hơn các khoản hỗ trợ cho các sàn giao dịch và môi giới bất động sản như: hoãn tiền thuê đất cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để họ sẽ hoãn tiền thuê đất cho các sàn giao dịch bất động sản thuê lại mặt bằng; hoãn tiền phải nộp bảo hiểm xã hội cho đến hết dịch bệnh và sau khi hết dịch 12 tháng để doanh nghiệp có thêm nguồn hỗ trợ và trả lương cho người lao động; tiếp cận được nguồn vay từ ngân hàng để trả một phần lương cho nhân viên và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thêm nữa, Hiệp hội này còn cho rằng để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, Chính phủ cần xem xét lại việc quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo hướng mở rộng tỉ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án nhà ở thuộc phân khúc cao cấp (phân khúc này ít phù hợp nhu cầu trong nước mà phù hợp với nhu cầu của người nước ngoài nhiều hơn). Hiện nay, phân khúc này đang có lượng hàng tồn kho ở mức cao, việc làm trên sẽ góp phần tăng tính thanh khoản và giảm lượng hàng tồn kho trên thị trường.
Thêm nữa cần chỉ đạo các tỉnh, thành phố quyết liệt hơn nữa trong việc vận dụng những biện pháp tháo gỡ của Chính phủ đối với các nội dung vướng mắc trong quy định pháp luật, để đẩy nhanh quy trình giải quyết thủ tục cho các dự án làm tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.

Ngoài ra Chính phủ cần sớm phê duyệt chính sách bù lãi suất và thúc đẩy các ngân hàng cho vay vốn để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Chắc chắn sau dịch bệnh, nếu chúng ta phát triển mạnh xây dựng nhà ở xã hội sẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi.

Cuối cùng, Hiệp hội trên cho rằng, đối với quản lý nhà nước tại các địa phương, cần tăng cường kiểm soát nhằm hạn chế hiện tượng dự án ma, dự án không đúng quy định pháp luật. Không để xảy ra hiện tượng tạo thị trường ảo để trục lợi như ở Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua.

T. Quang

Vân Ly

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...