UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở của nhân dân gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nhà ở, đảm bảo tránh tình trạng dư thừa quỹ nhà ở hoặc phát triển nhà ở mất cân bằng giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.
Bắc Ninh chú trọng phát triển các dự án nhà ở, đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững
Theo Chương trình phát triển nhà ở được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, giai đoạn 2017-2022, diện tích quỹ đất phát triển các dự án nhà ở tăng thêm trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 1.293,16 ha (gồm 1064,88ha đất phát triển dự án nhà ở thương mại và đất ở mới do các hộ dân tự xây dựng, 228,27 ha đất phát triển dự án nhà ở xã hội). Trong các năm 2017, 2018, Bắc Ninh đã triển khai thực hiện 230,76 ha đất phát triển nhà ở, gồm 200,96 ha đất phát triển dự án nhà ở thương mại và đất ở mới cho các hộ dân tự xây dựng, cung cấp khoảng 6.611 căn nhà với diện tích khoảng 1.454.883,4 m2 sàn và 0,8 ha đất xây dựng chung cư thương mại với 105.637,8 m2 sàn nhà ở; thực hiện chuyển tiếp từ Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2017-2022 được duyệt khoảng 29 ha đất phát triển nhà ở xã hội với diện tích khoảng 487.200 m2 sàn. Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng đã triển khai hỗ trợ 1.681 hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở với tổng diện tích 58.835 m2 sàn; 747 hộ nghèo với tổng diện tích 26.145 m2 sàn (trung bình 35m2/hộ). Đến hết năm 2019 Bắc Ninh đã đạt bình quân diện tích nhà ở 29,9m2/người, trong đó đô thị là 33,2m2/người; nông thôn là 28,7m2/người.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng quỹ đất phát triển nhà ở tỉnh Bắc Ninh không chỉ giải quyết được phần lớn nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở cho người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn, mà còn góp phần tạo sự ổn định về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, người có công, người nghèo khó khăn về nhà ở; tạo tiền đề quan trọng hoàn thành mục tiêu 30,6m2 nhà ở/người theo Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2022 đề ra.
Tuy nhiên, các dự án nhà ở trong quá trình triển khai thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, số lượng nhà ở được đưa vào khai thác, sử dụng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là các địa phương có các khu công nghiệp tập trung, số lượng các dự án nhà ở xã hội đưa vào xây dựng còn ít. Trong năm 2017-2018 tổng số các dự án được triển khai thực hiện khoảng 200,96 ha (tương đương 1.454.883,4 m2 sàn nhà ở) đất phát triển dự án nhà ở thương mại và đất ở mới cho các hộ dân tự xây dựng đạt 25,52% các dự án được đề xuất; chưa có dự án nhà ở xã hội trong danh mục đề xuất năm 2017-2018 triển khai thực hiện, chỉ có 04 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai theo danh mục đề xuất tại Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2017-2022 được phê duyệt. Hơn nữa, việc phát triển nhà ở giữa các địa phương có sự chênh lệch, tập trung phát triển ở thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, Tiên Du và Quế Võ; địa bàn các huyện Gia Bình, Lương Tài còn chậm.
Dự báo đến năm 2022 dân số tỉnh Bắc Ninh có khoảng 1.500.366 người. Nhu cầu về nhà ở trên địa bàn dự kiến khoảng 45.911.205 m2 sàn, bình quân diện tích nhà ở là 30,6m2/người. Nhu cầu hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách khoảng 280.200 m2 cho 5.604 đối tượng chính sách. Nhu cầu về nhà ở xã hội cần khoảng 6.111.522 m2 cho các đối tượng thu nhập thấp, học sinh, sinh viên và người lao động trong các Khu công nghiệp trên địa bàn. Trong khi đó, theo Chương trình phát triển nhà ở, dự kiến đến năm 2022, toàn tỉnh có nhu cầu khoảng 1293,16 ha diện tích đất tự nhiên để phát triển nhà ở, gồm 1064,88 ha đất phát triển nhà ở thương mại và nhà ở cho người dân tự xây dựng, 228,27 ha đất phát triển nhà ở xã hội.
Để đảm bảo kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2022, Bắc Ninh xác định đẩy nhanh công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, ưu tiên các dự án nhà ở có trong danh mục đề xuất và đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và quy hoạch phát triển loại nhà ở chung cư tại các trung tâm đô thị. Rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, xác định cơ cấu, tỷ lệ diện tích đất phát triển cho từng loại nhà ở với tỷ lệ hợp lý.
Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới tại các đô thị loại III trở lên, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải dành 20% tổng diện tích đất ở đã được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Quy hoạch khu dân cư nông thôn phải phù hợp với điều kiện của địa phương, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Các dự án phát triển mới phải được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội;, đấu nối hệ thống hạ tầng của dự án với các khu vực xung quanh, khai thác sử dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát, tổng hợp quỹ đất 20% trong các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, đề xuất bố trí thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội.
Bình Minh
(Thời báo Ngân hàng)
- Tranh luận nộp tiền sử dụng đất dự án bất động sản vẫn chưa ngã ngũ
- [CBRE] Sụt giảm nguồn cung và nhu cầu bất động sản tại TPHCM
- Bất động sản tìm hy vọng từ hoạt động sản xuất công nghiệp
- Ngành địa ốc được gì từ gói kích cầu 250 nghìn tỷ?
- Bất động sản có rơi vào "ngủ đông"?
- Hướng tín dụng đến nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội: Giải pháp phân tán rủi ro
- Bình Dương: Tăng cường quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển
- Có nên chạy theo xu hướng văn phòng linh hoạt?
- Cuộc sống trong chung cư đầu tiên có căn hộ 25 m2 được Bộ Xây dựng chấp thuận
- Pháp lý cho bất động sản du lịch: mong đợi vẫn chỉ là mong đợi