Cùng với sự bùng nổ của thị trường bất động sản (BĐS), dịch vụ quản lý BĐS cũng phát triển mạnh và đang chuyển đổi theo xu hướng chuyên nghiệp hơn. Thời điểm này được xem là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ quản lý cao ốc trong nước có thể chen vào lĩnh vực vốn trước nay hoàn toàn thuộc về các công ty nước ngoài.
Giá trị cộng thêm
Trong thời gian qua, loại hình nhà chung cư phát triển mạnh, nhưng văn bản pháp quy của Nhà nước lại ra đời chậm và không đồng bộ, dẫn đến việc quản lý, khai thác và sử dụng nhà chung cư thời gian qua xảy ra nhiều rắc rối. Rắc rối này gây ra mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cộng đồng cư dân sống tại chung cư. Đồng thời, chủ đầu tư khó có thể vừa đầu tư vừa quản lý tốt sản phẩm của mình.
- Ảnh bên : Các dự án chung cư cần nâng cao dịch vụ quản lý (Ảnh: Quý Hòa)
Vừa xuất phát từ nhu cầu thị trường, vừa muốn tăng giá trị cộng thêm cho các sản phẩm BĐS, nhiều DN đã quan tâm hơn đến dịch vụ quản lý BĐS. Chẳng hạn, đại diện của Tổng công ty Sông Đà cho biết, ban đầu để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành cho khách hàng, việc quản lý các cao ốc Sông Đà Tower đều do Công ty tự đảm nhận. Nhưng chỉ sau một thời gian đối mặt với những vấn đề phát sinh, Công ty đã quyết định nhường việc quản lý lại cho một công ty quản lý BĐS chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy, trong tình hình hiện nay, hầu hết các chủ đầu tư đều cạnh tranh bằng dịch vụ thay vì chạy đua về giá như trước đây. Ông John Gallander, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam, nhận định, sẽ có bốn xu hướng chi phối mạnh mẽ tương lai của thị trường BĐS Việt Nam, trong đó chất lượng dự án được quan tâm nhiều hơn về mặt dịch vụ quản lý.
Điều đó cũng lý giải vì sao dạo gần đây, một số ít DN trong nước, công ty liên doanh cũng bắt đầu chuyển hướng và đẩy mạnh việc đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP Triển Vọng (Savista), nhiều DN đã quan tâm đến loại hình dịch vụ quản lý này, bởi nguồn cung cho loại hình hoạt động này hiện rất dồi dào và gắn liền với nó là nguồn lợi nhuận có thể nhìn thấy được.
Hiện nay, các công ty chuyên về quản lý, vận hành các sản phẩm BĐS vẫn chưa có nhiều, và số công ty đạt được những tiêu chuẩn theo quy định lại càng hiếm. Trong lĩnh vực này không có mức giá cụ thể, mà sẽ tùy thuộc qui mô BĐS, thỏa thuận với chủ đầu tư và sử dụng nhiều hay ít dịch vụ, vì thế sự cạnh tranh giữa các đơn vị chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, chất lượng phục vụ. Nếu không nhờ vào công ty quản lý, chủ BĐS có thể tự thiết kế đầu tư một đội ngũ quản lý, nhưng cần thiết phải đảm bảo đầy đủ kiến thức chuyên môn.
Cửa hẹp cho doanh nghiệp trong nước
Thực hiện dịch vụ quản lý BĐS đòi hỏi phải có kỹ năng toàn diện với kinh nghiệm thực tiễn, phải có kiến thức về tài chính, tiếp thị, luật, nhân sự và kiến thức về kỹ thuật... Đây chính là rào cản lớn đối với các DN Việt Nam trong thời gian vừa qua, nên có thể nói rằng, lợi thế đang nghiêng hẳn về phía các nhà cung cấp dịch vụ quản lý cao ốc thuộc các tập đoàn nước ngoài như Savills, CBRE, Chesterton, Associater...
Trong đó, ba cái tên lớn là CBRE Việt Nam, Savills Việt Nam và Colliers nắm đến khoảng 90% thị phần. Những công ty mới gia nhập thị trường, ngoài Knight Frank Việt Nam có thể kể đến Jones Lang LaSalle, Cushman & Wakefield... cũng đang có những ưu thế rõ rệt về thương hiệu và nguồn lực tài chính. Số lượng các DN Việt Nam chuyên về dịch vụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: Công ty CP Megagroup, Eden, Him Lam, VietRees...
Theo khảo sát chung, giá thuê các công ty nước ngoài làm dịch vụ quản lý BĐS thường đắt hơn các công ty trong nước từ 20 - 40%, nhưng các chủ đầu tư vẫn tín nhiệm dịch vụ của các DN nước ngoài. Nguyên nhân, theo các chuyên gia tư vấn BĐS, là các DN trong nước chưa có đủ kinh nghiệm để tham gia một dịch vụ còn quá mới.
Mặt khác, thời gian qua, không ít chủ đầu tư cũng tự xem mình là chủ sở hữu nhà chung cư nên vẫn chưa bỏ được thói quen kiêm luôn việc cung ứng dịch vụ. Do không chuyên nghiệp nên quản lý các chung cư thời gian qua xuống cấp nghiêm trọng, không còn hấp dẫn người mua. Hiện tượng phổ biến nhất thường thấy tại các chung cư tầm trung bình là hư hỏng hạ tầng, hệ thống điện nước, phòng chống cháy nổ được bảo dưỡng một cách tùy tiện và sơ sài, vệ sinh môi trường không đảm bảo...
Tuy nhiên, cũng có một số DN BĐS nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư đã tìm kiếm hợp tác với DN trong nước tư vấn, quản lý dự án. Lợi thế của DN trong nước là hiểu rõ văn hóa, tập quán tiêu dùng...
VŨ HOÀNG
- Thị trường bất động sản TP.HCM: Nguội lạnh đến cuối năm?
- Nhà, đất trầm lắng: Cơ hội cho ai?
- Thị trường bất động sản: Manh nha dấu hiệu tài chính hoá
- Xây dựng thương hiệu bất động sản
- Cần bắt đúng "sóng" thị trường bất động sản du lịch
- Hy vọng điều gì ở dòng vốn ngoại trong thị trường bất động sản?
- "Bắt mạch" địa ốc Hà Nội 6 tháng cuối năm
- Bất động sản Hà Nội đảo chiều ở một số phân khúc
- Bất động sản: Sẽ khó kiếm siêu lợi nhuận
- 11 sai lầm thường gặp của nhà đầu tư bất động sản