Phát triển đô thị về hướng Nam, hướng ra biển Đông nhằm phát triển kinh tế biển đã được khẳng định trong quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2010.
Trong suốt 10 năm qua, thị trường bất động sản khu vực này luôn đạt độ tăng trưởng cao, nhưng một nỗi lo cho không ít nhà đầu tư cũng như cư dân có ý định sinh sống lâu dài tại đây là những tác động do biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, đang có một luồng phân tích hướng đến giả thuyết chuyển hướng đầu tư ra khu đô thị Tây Bắc có địa thế cao ráo hơn.
Quy hoạch khu đô thị Tây Bắc - TPHCM (nguồn: Ashui.com)
Đô thị Tây Bắc theo quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến 2020 sẽ là một đô thị cửa ngõ với diện tích quy hoạch khoảng 6.089ha. Trong đó bao gồm một phần diện tích của xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), xã Tân Phú Trung, xã Tân Thông Hội, xã Tân An Hội, thị trấn Củ Chi và xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi).
Hiện nay tại đây có khoảng 41.000 người dân sinh sống, dự kiến theo quy hoạch đến năm 2020, dân số nơi đây sẽ lên tới khoảng 300.000 người. Đô thị Tây Bắc vốn có nền địa chất tốt nhất của TP.HCM, sẽ là một trung tâm cấp thành phố với các chức năng, dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng...
Nhưng theo một số chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư cũng như người dân, cần phải cân nhắc kỹ càng trong quyết định chọn đầu tư hay sinh sống tại hai khu vực này tùy theo thời điểm thích hợp. Đúng là theo quy hoạch, đô thị Tây Bắc trong tương lai sẽ bao gồm nhiều chức năng quan trọng.
Cụ thể là nhiều dự án xây dựng các trường đại học quốc tế, dự án địa ốc đã được khởi công xây dựng nơi đây. Nhưng rồi sau một thời gian, phần lớn các dự án vẫn án đinh bất động.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, UBND TP.HCM đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung 1/5.000 đô thị Tây Bắc. Đồng thời đang thực hiện trước một số đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 cho một vài khu vực có nhà đầu tư quan tâm.
Vì vậy, nhìn chung, đô thị Tây Bắc vẫn đang trong quá trình lập quy hoạch và lập dự án đầu tư. Gần như chưa có dự án xây dựng nào được triển khai trong thực tế. Vì vậy phải một thời gian khá xa nữa đô thị Tây Bắc mới có thể trở thành hiện thực.
Mô hình ý tưởng thiết kế đô thị cảng Hiệp Phước (nguồn: hochiminhcity.gov.vn)
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Thích ứng với biến đổi khí hậu của TP.HCM vừa cùng các chuyên gia của thành phố Rotterdam (Hà Lan) triển khai chương trình nghiên cứu dự kiến kéo dài khoảng 2 năm nhằm tìm ra hướng phát triển về phía Nam bền vững nhất cho thành phố.
Hiện nay, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPS) - đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư đô thị cảng Hiệp Phước, đô thị trung tâm của vùng đất phía Nam đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 cho đô thị này.
Tuy nhiên, việc phát triển đô thị về hướng Nam, vùng đất yếu nhất của thành phố theo hình thái gì vẫn đang được các nhà khoa học cùng các nhà quản lý nghiên cứu. Theo khảo sát, tình trạng nền đất yếu ở khu vực phía Nam tồn tại lớp đất bùn yếu, nhiều nơi sâu tới 30 - 40m, do đó chi phí xây dựng sẽ rất cao.
Đó là chưa kể đến tình huống nước biển dâng, nước mặn xâm nhập kèm theo hiện tượng ngập úng sẽ làm các công trình xây dựng mau hỏng hơn và chi phí để xử lý vấn đề này chắc chắn sẽ làm đội giá thành xây dựng lên rất nhiều./.
QUÂN MẠNH
- Bất động sản Nha Trang: Thận trọng với nghỉ dưỡng
- Đến năm 2020: Sẽ không còn nhà tạm?
- Điểm sáng Đông Sài Gòn
- Gắn “hạn sử dụng” cho chung cư: Hướng dòng vốn vào sản xuất
- M&A bất động sản sẽ tăng mạnh
- Ưu và nhược điểm của quỹ đầu tư bất động sản
- Hình thành hệ thống tài chính bất động sản: Cẩn trọng với mặt trái
- 2 kịch bản cho thị trường bất động sản 2011
- Bất động sản - Vài điểm sáng trong đám mây màu xám
- Năm 2011: Chuyển hướng đầu tư dự án nhà ở giá thấp