Việc gắn “hạn sử dụng” cho nhà chung cư được coi là một trong các giải pháp giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản và hướng dòng vốn vào các ngành sản xuất.
Theo TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, người có nhiều năm quan sát sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, thị trường địa ốc Việt Nam nhiều năm qua chứng kiến sự tăng giá phi mã của nhà ở. Cụ thể, giá nhà chung cư tăng đều đặn từ 20 đến 40%/năm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô, lương cơ bản và thu nhập trung bình của người dân tăng, song ở mức thấp hơn rất nhiều.
Theo ông Võ, cùng với sự gia tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn, thiếu nguồn cung nhà ở, sự mất giá của tiền đồng…, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là bất động sản đang được xem như nơi tích trữ tài sản an toàn và có khả năng sinh lời nhanh chóng. Theo đó, ai có chút tiền tiết kiệm đều đổ vào mua bất động sản, thậm chí vay mượn thêm để mua nhà, đất tích trữ, khiến giá nhà ở liên tục tăng cao. Ước tính, hàng chục tỷ USD đã được người dân tích tụ vào bất động sản trong vài ba năm trở lại đây.
Tình trạng trên cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hàng ngàn căn hộ chung cư, hàng trăm căn biệt thự rải rác trong các dự án khu đô thị mới dù đã được hoàn thiện từ lâu, đã có chủ, nhưng không có người ở. Chủ nhân của các căn hộ mua nhà để tích trữ tài sản và đầu tư kiếm lợi, chứ không có nhu cầu để ở.
Trong bối cảnh đó, nếu đưa ra thời hạn sở hữu chung cư, thì đó sẽ là một trong những liều thuốc góp phần hạ nhiệt giá nhà ở tại các thành phố lớn và hướng dòng vốn vào các ngành sản xuất, thay vì tích trữ vào bất động sản như hiện nay. Theo đó, giới đầu cơ sẽ hạn chế “ôm” chung cư, bởi càng ôm lâu thì càng bị mất giá. Thị trường chỉ còn lại những người có nhu cầu thực và sẽ không còn việc thổi giá. Khi nhà chung cư rẻ hơn, thì giá nhà đất các khu vực đó cũng “hạ nhiệt” theo.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích, nếu đa dạng hóa hình thức sở hữu chung cư qua việc gắn “hạn sử dụng” chung cư (nhà sở hữu lâu dài hay có thời hạn), thì người dân sẽ có nhiều lựa chọn phù hợp hơn với túi tiền và điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình. Về phần mình, doanh nghiệp cũng sẽ lựa chọn hình thức đầu tư tùy theo tính toán và điều kiện của từng đơn vị.
Mặt khác, nếu áp dụng hình thức sở hữu chung cư có thời hạn, việc nâng cấp, cải tạo chung cư cũ sẽ thuận lợi hơn, chứ không gặp vướng mắc như hiện nay, bởi trên thực tế, nhà chung cư sau 50 năm sử dụng sẽ xuống cấp và cần sửa chữa. Đồng thời, điều này cũng tạo cơ hội cho các đối tượng thu nhập trung bình và thu nhập thấp mua được nhà ở phù hợp với khả năng tài chính.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, ý tưởng về việc gắn “hạn sử dụng” cho nhà chung cư xuất phát trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các nước có thị trường bất động sản phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, việc cấp quyền sở hữu có thời hạn cho nhà chung cư là một vấn đề mới và sẽ gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam. Việc gia hạn sử dụng cho nhà chung cư sẽ không dễ dàng vì nó động chạm đến quyền lợi của nhiều người, đặc biệt là những người đang sở hữu nhiều bất động sản và các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở.
Hà Quang
[ Chuyên đề : Chính sách nhà ở tại Việt Nam ]
- Bất động sản cao cấp "hết thời" ?
- Bất động sản Hà Nội: Vòng tròn giá và "vùng trũng" cơ hội
- Bất động sản Nha Trang: Thận trọng với nghỉ dưỡng
- Đến năm 2020: Sẽ không còn nhà tạm?
- Điểm sáng Đông Sài Gòn
- M&A bất động sản sẽ tăng mạnh
- Bất động sản TP.HCM: Chọn khu Nam hay Tây Bắc?
- Ưu và nhược điểm của quỹ đầu tư bất động sản
- Hình thành hệ thống tài chính bất động sản: Cẩn trọng với mặt trái
- 2 kịch bản cho thị trường bất động sản 2011