Các tòa nhà dưới đây là tâm điểm của những tranh cãi trong dư luận do thiết kế "gây khó chịu", chi phí đội lên cao, hay quá phô trương... Danh sách do trang Archdaily đưa ra.
1. Nhà ở xã hội Pruitt-Igoe, Mỹ
Thiết kế bởi: Minoru Yamasaki
Được ví như “địa ngục nơi trần thế”, Pruitt-Igoe là thất bại thảm hại nhất trong lịch sử nhà ở xã hội. Đây là một trong những dự án nhà ở lớn nhất nước Mỹ suốt giai đoạn 1954-1972 nhưng do chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chưa khi nào tòa nhà này được thuê kín.
Các nhà phê bình đương thời buộc tội Pruitt-Igoe vì thiết kế ra những căn phòng như nhà tù, gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe tinh thần cho cư dân có thu nhập thấp. Kể từ khi ngôi nhà bị phá bỏ, một vài nghiên cứu đương thời lại bị chỉ trích vì những trích dẫn sai lệch. Nhưng việc ngôi nhà bị phá bỏ được kiến trúc sư người Mỹ Charles Jencks tuyên bố như là “cái chết của kiến trúc hiện đại”.
Ngày nay, tòa nhà được đưa vào làm ví dụ trong sách giáo khoa về những điều cần tránh trong kiến trúc đô thị.
2. Sân vận động Al Wakrah, Qatar
Thiết kế bởi: Công ty kiến trúc Zaha Hadid
Zaha Hadid đã và đang bị đả kích rất nhiều vì công trình sân vận động Al-Wakrah ở Doha, một trong năm công trình đang được thi công phục vụ World Cup 2022 do Qatar đăng cai tổ chức. Những chỉ trích ban đầu xoay quanh thiết kế, nhưng dần dần mũi rìu dư luận chĩa vào cả điều kiện làm việc của những công nhân di cư trong nhiều dự án quan trọng của World Cup.
Hơn 1.000 công nhân đã bỏ mạng trong quá trình làm việc. Khi được hỏi sẽ có hành động gì để cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân khi dự án bắt đầu, Hadid đáp: “Đấy không phải là nhiệm vụ của một kiến trúc sư như tôi”.
Liên đoàn bóng đá thế giới hứa sẽ xem xét lại điều kiện làm việc của nhân công, nhưng gần đây bản thân FIFA cũng rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng vì bị cáo buộc tham nhũng trong thời gian đấu thầu World Cup. Tuy nhiên, bất chấp chỉ trích từ quan chức chính phủ và các kiến trúc sư đầu ngành, dự án sân vận động của Hadid vẫn tiếp tục được triển khai.
3. Nhà hát Opera, Sydney, Australia
Thiết kế bởi: Jørn Utzon
Năm 1957, kiến trúc sư người Đan Mạch Jørn Utzon là người được lựa chọn từ tổng số 232 ứng viên thiết kế nhà hát Opera tại thành phố Sydney. Thiết kế của ông ban đầu bị hội đồng tuyển chọn cuộc thi loại bỏ. Tuy nhiên ban hội thẩm và kiến trúc sư người Phần Lan Eero Saarinen quyết định giữ lại.
Dự án của Jørn Utzon được cấp gần 15 triệu USD và phải hoàn thành trong 18 tháng, nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Đến năm 1966, tức sau gần 10 năm triển khai, Jørn Utzon đã bị giám đốc phụ trách các công trình công cộng Davis Hughes hất ra khỏi dự án bởi chính sự cầu toàn của ông đã làm chậm tiến độ thi công.
Kiến trúc sư người Úc Peter Hall - người thay thế vào vị trí của Utzon, đã thay đổi khá nhiều trong bản thiết kế ban đầu của tòa nhà. Dưới sự giám sát của ông chi phí tăng vọt lên đến gần 87 triệu USD. Không những thế dự án còn bị trì hoãn thêm gần 10 năm, và cuối cùng mất 16 năm để hoàn thành. Utzon không một lần ghé thăm công trình kể từ ngày khánh thành. Vào năm 1999, ông đã nhận được lời xin lỗi chính thức từ phía nhà hát.
4. Tháp Eiffel, Pháp
Thiết kế bởi: Gustave Eiffel
Khi miêu tả về tiệm cà phê dưới chân tháp Eiffel, tiểu thuyết gia người Paris cuối những năm 1880, Guy de Maupassant, cho biết: “Đây là nơi duy nhất ở Paris tôi có thể ngồi ăn mà không bị hình ảnh cái tháp gớm ghiếc kia đập vào mắt”.
Tháp Eiffel từ những ngày đầu đã vấp phải rất nhiều chỉ trích của người dân nơi đây bởi họ cho rằng tòa tháp sẽ phá hủy vẻ đẹp thanh lịch phía dưới của thành phố. Tuy nhiên từ khi mở cửa, tháp Eiffel đã thu hút gần 250 triệu lượt khách tới thăm.
5. Tòa nhà “Walkie Talkie”, số 20 phố Fenchurch, Anh
Thiết kế bởi: Công ty kiến trúc Rafael Viñoly
Nhiều cư dân thành phố London thấy tòa nhà số 20, phố Fenchurch chẳng có gì đặc biệt. Cho tới khi nickname “Walkie Talkies” ra đời, ngay lập tức tòa nhà trở thành đề tài tranh cãi vì những cảm giác khó chịu mà thiết kế của nó đem lại. Cấu trúc đường cong, phồng to dần từ dưới lên làm cho tòa nhà trông giống như quả bóng bay bị bơm quá nhiều hơi sắp nổ tung.
Nằm ngay ở phía Bắc sông Thames, tách rời khu tháp chính của thành phố, tòa nhà “Walkies Talkies” phải chịu trách nhiệm độc lập trước báo chí sau một loạt sự vụ trong năm 2013, liên quan đến việc tia phản xạ ánh sáng mặt trời từ tòa nhà phá hủy các vật thể dưới mặt đất.
Tòa nhà bị gán cho cái tên “Walkie Scorchie” sau một loạt sự cố như tấm thảm và bình phong bị nướng cháy rụi, yên xe đạp bị phá hủy… do nhiệt độ trên phố vượt quá 100 độ C. Paul Finch – người ủng hộ tòa nhà từ những ngày đầu, mới đây tuyên bố đã rất hối hận.
6. Tòa nhà Phụ nữ (Woman’s Building), Mỹ
Thiết kế bởi: Sophia Hayden Bennett
Theo các nhà phê bình – những người phản đối thiết kế đậm chất “phụ nữ” của tòa nhà Women’s Building, thì công trình này quá “rụt rè”, “ẻo lả” và “thiếu quyết đoán”.
Ý tưởng tòa nhà được đưa ra năm 1893 như một lời ca ngợi sự thành công của phụ nữ trong lĩnh vực nghệ thuật và thủ công, nhưng bị ủy ban tổ chức nam quyền của Daniel Burnham bác bỏ. Bất chấp những phàn nàn, dự án vẫn được triển khai theo kế hoạch dưới sự giám sát của kiến trúc sư Sophia Hayden Bennett – nữ sinh đầu tiên tại học viện công nghệ Massachussetts.
Tòa nhà bị chỉ trích vì yếu tố thẩm mỹ đậm chất nữ nhi, đặc biệt là khi so sánh với những công trình phô trương, lòe loẹt kế bên do các nam kiến trúc sư thiết kế.
Dưới sự dẫn dắt của hội đồng các nhà quản lý nữ, tòa nhà hiện là tâm điểm của cuộc tranh luận dường như không có hồi kết về vai trò ngày càng lớn của phụ nữ trong lĩnh vực kiến trúc và sự cần thiết của khoảng không gian nó chiếm đóng.
7. Tòa tháp Antilla Residential, Ấn Độ
Thiết kế bởi: Perkins và Will/Hirsch Bedner Associates
Được xây ngay sát khu nhà ổ chuột Golibar ở trung tâm thành phố Mumbai, Ấn Độ, tòa tháp 27 tầng này hiện giữ kỷ lục căn nhà đắt nhất hành tinh, trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Ngôi nhà thuộc về người đàn ông giàu thứ 5 thế giới, Mukesh Ambani, và do các công ty Mỹ Perkins và Will/Hirsch Bedner Associates hợp tác thiết kế. Mỗi tầng của tòa nhà sử dụng các nguyên liệu quý hiếm khác nhau được nhập về từ nhiều nơi trên thế giới và do đích thân bà Ambani chọn lựa.
Dự án vấp phải nhiều phản đối từ cư dân Mumbai vì họ cho rằng tòa tháp quá phô trương và thiếu tế nhị. Tuy nhiên, những nhận xét này có vẻ đã đánh giá hơi thấp về một dinh thự bao gồm garage 6 tầng, 9 thang máy và có diện tích 37.000 mét vuông.
8. Công trình Sagrada Familia, Tây Ban Nha
Thiết kế bởi: Antoni Gaudi
“Khách hàng của tôi đâu có vội” là câu nói nổi tiếng của kiến trúc sư Antoni Gaudi khi chia sẻ về công trình nhà thờ thiên chúa La Mã ở Barcelona có tên Sagrada Familia do ông thiết kế. Là dự án kiến trúc tốn nhiều thời gian xây dựng nhất trên thế giới (hiện là năm thứ 132), nhà thờ này được xây dựng dựa vào tiền quyên góp của các cá nhân, khoảng 31,3 triệu USD mỗi năm.
Quá trình xây dựng bắt đầu từ năm 1882, đến năm 1926 bị buộc phải tạm dừng do cái chết bất ngờ của kiến trúc sư Gaudi. Nhiều người không khỏi lo ngại liệu dự án có được hoàn tất. Gần 100 năm sau khi Gaudi qua đời, rất nhiều kiến trúc sư đã tiến hành vẽ lại kế hoạch ban đầu mặc dù bản thiết kế tòa nhà đã bị phá hủy từ đầu cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Kể từ những năm 1960, rất nhiều kiến trúc sư bao gồm cả Le Corbusier và Alvar Aalto đã phát động chiến dịch kêu gọi hiện đại hóa thiết kế của Gaudi vì họ cho rằng nó đã lỗi thời và không còn thích hợp, tuy không chiến dịch nào thành công.
Hiện nay, các kiến trúc sư phụ trách dự án đang dự tính sẽ khánh thành công trình vào đúng năm 2026 nhân tưởng niệm 100 năm ngày mất của Gaudi, tức 144 năm kể từ ngày khởi công xây dựng.
9. Tòa nhà Portland, Mỹ
Thiết kế bởi: Michael Graves
Trong phiên thảo luận mới đây về tương lai của tòa nhà Portland – công trình lớn đầu tiên theo chủ nghĩa hậu hiện đại ở Bắc Mỹ, kiến trúc sư Michael Graves chia sẻ: “Ý tưởng phá tòa nhà giống như việc giết chết một đứa trẻ vậy. Tôi không biết phải phản ứng thế nào”. Trong suốt nhiều thập kỷ, tòa nhà này là trung tâm của những tranh cãi nảy lửa về tính hữu dụng và giá trị của chủ nghĩa hậu hiện đại, phải hứng chịu chỉ trích nặng nề do thiết kế bán cổ điển và nội thất kín.
Được thiết kế bởi Michael Graves, thành viên của New York Five – nhóm gồm 5 kiến trúc sư nổi tiếng của New York, Portland Building vốn dĩ nhằm biểu dương các cư dân của thành phố, nhưng rốt cuộc lại làm họ phát khùng.
Do ngân sách ít ỏi và yêu cầu đưa ra quá nhiều, Michael Graves đã lên ý tưởng một tòa nhà được bao bọc trong những chiếc cột đỏ khổng lồ, xen kẽ bởi ô cửa sổ chắn nắng dẫn tới dải băng trang trí gợi nhớ về các cảnh tượng hào nhoáng.
Graves trúng thầu dự án này nhờ việc tuân thủ yêu cầu của thành phố về việc thiết kế những ô cửa sổ ở phía ngoài. Sau 32 năm, tòa nhà cần phải đại tu khẩn cấp, với chi phí ước tính khoảng 95 triệu USD trong vòng hai năm. Các quan chức thành phố hiện vẫn đang tính toán và xem xét.
Hoài Thu (Zing.VN)
- 15 công trình kiến trúc bằng gỗ đẹp nhất năm 2015
- Những công trình giành Giải thưởng danh dự Viện kiến trúc Mỹ (AIA) 2015
- 10 dự án kiến trúc được mong đợi giai đoạn 2014-2016
- 5 công trình hoàn mỹ nhất thế giới năm 2014 (The Telegraph)
- Chung cư Xanh ở Rome / thiết kế: MAD architects
- Nhà khách / thiết kế: AATA Associate Architects
- Viện Sleuk Rith (Phnom Penh, Campuchia) / thiết kế: Zaha Hadid
- 7 xu hướng thiết kế Vườn bách thú
- Kiến trúc truyền thống Nhật Bản của Tadao Ando
- Nhà Nguyện (The Chapel) của a21studio giành giải thưởng "Công trình của Năm" tại WAF 2014