Ashui.com

Monday
Dec 23rd
Home Chuyên mục Kiến trúc Bảo tồn bền vững nhà phố Pháp có giá trị ở Hà Nội - trường hợp nghiên cứu: phố Hàng Ngang và Triệu Việt Vương

Bảo tồn bền vững nhà phố Pháp có giá trị ở Hà Nội - trường hợp nghiên cứu: phố Hàng Ngang và Triệu Việt Vương

Viết email In

Nhà phố Pháp được xây dựng trên quy mô lớn tại Khu phố Pháp ở Hà Nội và được bổ sung khéo léo dưới dạng xây chen trong Khu phố Cổ Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Đây là một bộ phận không thể tách rời trong quỹ di sản kiến trúc thuộc địa tại Hà Nội, nhưng lại chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và cũng chưa được nhìn nhận một cách chính thức là di sản như biệt thự và công thự Pháp. Hệ quả là nhà phố Pháp không được bảo vệ bởi hành lang pháp lý, ít được bảo tồn hoặc tôn tạo do hạn chế về kinh phí nên đã sụt giảm nhanh về số lượng và xuống cấp dần theo thời gian. Giá trị của những công trình này trong thực tế đòi hỏi phải có giải pháp bảo tồn thích hợp theo hướng bền vững, tránh xu hướng bảo tàng hóa, mà nên được thực hiện trên quan điểm gắn công trình với bối cảnh và đời sống đô thị hiện tại và cho công trình một cuộc sống đương đại, vừa gìn giữ giá trị đồng thời phát huy những giá trị ấy, đảm bảo sinh kế cho người sử dụng.

Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn hai tuyến phố điển hình: phố Hàng Ngang trong Khu phố Cổ và phố Triệu Việt Vương trong Khu phố Pháp, với những ngôi nhà phố Pháp tiêu biểu căn cứ trên phân loại để đề xuất mô hình bảo tồn thích ứng theo hướng bền vững cho từng trường hợp. Kết quả nghiên cứu thí điểm này có thể được áp dụng rộng hơn, qua đó kiểm chứng tính sát thực và vi chỉnh nếu cần, khẳng định giá trị và hướng dẫn áp dụng để công tác bảo tồn có hiệu quả.

1.Mở đầu

1.1.Lý do nghiên cứu

Nhà phố Pháp ở Hà Nội có lịch sử phát triển trên 130 năm (ngôi nhà cổ nhất còn tồn tại cho đến nay được xây dựng năm 1886), là nhân chứng của quá trình phát triển đô thị khu vực trung tâm Hà Nội. Nhà phố Pháp có quy mô và hình thức kiến trúc khá đa dạng, tập trung ở Khu phố Cổ dưới hình thức xây chen và Khu phố Pháp được quy hoạch và xây dựng bài bản từ thời thuộc địa. Nhà phố Pháp đã trở thành một phần quan trọng của di sản kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội. Tuy nhiên nhà phố Pháp vì một số nguyên nhân vẫn chưa được nghiên cứu có hệ thống nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị giống như các biệt thự và công trình công cộng được xây dựng cùng thời. Do vậy để có đủ cơ sở khoa học nhằm đưa ra các giải pháp bảo tồn bền vững, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thống kê, đánh giá và phân loại nhà phố Pháp từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2022. Nghiên cứu này cho thấy số lượng và chất lượng nhà phố Pháp tại Hà Nội đã giảm sút một cách đáng quan ngại so với nghiên cứu của gần đây nhất về nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ (Nguyễn Quang Minh, 2018) và trong Khu phố Pháp (Nguyễn Vinh Quang, 2019). Cuộc điều tra xã hội học do nhóm nghiên cứu tiến hành trong tháng 07/2022 cũng cho thấy đa phần người dân bốn quận nội thành cũ của Hà Nội mong muốn bảo tồn nhà phố Pháp theo hướng nâng cao chất lượng không gian sống và sinh kế gắn với ngôi nhà, với 66,97% số người được phỏng vấn có nguyện vọng này (Trần Quốc Bảo và cộng sự, 2022). Vì vậy việc nghiên cứu các nguyên tắc và đề xuất một số giải pháp bảo tồn bền vững nhà phố Pháp có giá trị trở nên cấp thiết nhằm ngăn chặn đà giảm sút cả về mặt số lượng và chất lượng, đồng thời nâng cao giá trị về mặt kinh tế, xã hội và môi trường cho những nhà phố Pháp tại Hà Nội, góp phần đạt mục tiêu phát triển đô thị bền vững theo lộ trình đến 2030, tầm nhìn đến 2050 (Chính phủ Việt Nam, 2011).
 
1.2.Giá trị và thực trạng nhà phố Pháp tại Hà Nội

1.2.1.Giá trị nhà phố Pháp 

Giá trị kiến trúc: Qua công tác khảo sát thực địa do nhóm nghiên cứu tiến hành từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2022, trong đại đa số các trường hợp, giá trị kiến trúc của ngôi nhà phố Pháp được thể hiện chủ yếu qua mặt đứng công trình, hầu hết là mặt đứng tầng hai và trong một số ít trường hợp có thêm mặt đứng tầng ba, còn mặt đứng tầng một thường biến đổi do bị cải tạo, sửa chữa, cơi nới phục vụ nhu cầu kinh doanh của gia đình hoặc cho thuê làm dịch vụ. Các giá trị mặt đứng được thể hiện rõ qua các yếu tố sau: phong cách kiến trúc với các chi tiết đặc trưng, tỷ lệ chiều ngang / chiều cao của mặt đứng, phân vị ngang, phân vị dọc, sự hài hòa của cửa đi, cửa sổ, ban công, hoa văn – họa tiết trang trí, điểm nhấn, v.v. Màu sắc và vật liệu xây dựng cũng góp phần đáng kể vào vẻ đẹp của mặt đứng ngôi nhà.

Giá trị lịch sử và văn hóa: Nhà phố Pháp có giá trị về lịch sử và văn hóa rất đáng trân trọng. Một số ngôi nhà có liên quan đến các sự kiện lịch sử của Việt Nam và/hoặc tới danh nhân lịch sử. Nhiều ngôi nhà còn giữ được nghề truyền thống với tên cửa hàng hoặc tên chủ nhân được đắp nổi trên mặt đứng ở vị trí nổi bật, dễ quan sát và cả không gian nội thất truyền thống. Cách trang trí mặt đứng có sự kết hợp các họa tiết, hoa văn kiểu Pháp, Trung Hoa và bản địa cũng cho thấy giá trị văn hóa của ngôi nhà.

Giá trị cảnh quan: Nhà phố Pháp đóng góp lớn vào bộ mặt cảnh quan đô thị Hà Nội, tạo ra nét đặc trưng cho các dãy phố buôn bán ở Khu phố Cổ và Khu phố Pháp khi được xây thành chuỗi 10 – 20 căn liên tiếp cùng một phong cách. Nếu đứng đơn lẻ hoặc thành cặp thì mặt đứng nhà được thiết kế kỹ lưỡng và có những điểm nhất đắt giá. Điển hình là các ngôi nhà trên phố Hàng Ngang ở Khu phố Cổ và phố Triệu Việt Vương ở Khu phố Pháp được chọn làm trường hợp nghiên cứu.

Giá trị niên đại: Nhà phố Pháp cho thấy giá trị về niên đại, thể hiện qua thời điểm xây dựng ngôi nhà, đặc biệt là những ngôi nhà xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX. Một số nhà có chi tiết vữa đắp ghi rõ năm hoàn thành (1886, 1923, 1924, 1926, 1928, 1935, v.v.) trên trán tường tầng trên cùng.
 
1.2.2.Thực trạng nhà phố Pháp tại Hà Nội

Khi so sánh kết quả khảo sát thực địa về nhà phố Pháp do nhóm nghiên cứu tiến hành năm 2022 trên địa bàn các quận nội thành cũ (bao gồm cả Khu phố Cổ và Khu phố Pháp) của Hà Nội với các kết quả khảo sát thực địa năm 2017 - 2018 có thể thấy:

- Sự giảm sút về mặt số lượng: Số lượng nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ giảm 100 căn, từ 1.213 căn (thời điểm 12/2017) xuống còn 1.113 căn (thời điểm 12/2022). Trong Khu phố Pháp cũng ghi nhận mức sụt giảm 84 căn, từ 896 căn (thời điểm 06/2018) xuống còn 812 căn (thời điểm 12/2022). Như vậy trong vòng 5 năm, sự giảm sút 184 căn là quá nhanh.

- Sự giảm sút về mặt chất lượng nhà phố Pháp ở Hà Nội thông qua ảnh chụp cho thấy số ngôi nhà còn giữ được tình trạng giống như 2 cuộc khảo sát năm 2017 và 2018 là không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu do gia chủ đã tiến hành sửa chữa ngôi nhà không theo nguyên bản nhằm mục đích kinh doanh và mở rộng không gian sống, lắp thêm các thiết bị che nắng, điều hòa nhiệt độ, v.v. khá tùy tiện, không theo các hướng dẫn về thiết kế đô thị và cũng không tuân thủ các quy định về bảo tồn của Ban Quản lý.

- Sự giảm sút về số lượng và chất lượng vẫn tiếp diễn: Trong quá trình khảo sát năm 2022 đã quan sát thấy 01 ngôi nhà đã bị tháo dỡ hoàn toàn, 01 ngôi nhà đang bị tháo dỡ một phần, một số ngôi nhà đang trong quá trình sửa chữa nhỏ.

1.3. Tổng quan các nghiên cứu về bảo tồn nhà phố trên thế giới và Việt Nam

Dự án hợp tác “Sự gia tăng mật độ các phường ở Hà Nội – Đào tạo các đối tượng thông qua cách tiếp cận tham gia và tiếp ứng” giữa Đại học Laval - Québec (Canada) và trường Đại học Xây dựng Hà Nội tiến hành từ năm 1999 đến 2005, tập trung nghiên cứu vấn đê nhà ở tại phường Bùi Thị Xuân nằm trong khu phố Pháp, trong phường có phố Triêụ Việt Vương là trường hợp nghiên cứu của bài báo này. Dự án đã đánh giá giá trị di sản của khu phố Bùi Thị Xuân, phân tích đặc điểm cấu trúc đường phố và các kiểu nhà ở trong khu phố; đề cập tới sự chuyển hóa hình thái đô thị của khu phố sau năm 1986 thể hiện sự thay đổi nhanh chóng về đô thị và kiến trúc, sự đối nghịch giữa quy hoạch đô thị tập trung và quá trình xây dựng tự phát của người dân, điều này đã tác động tiêu cực tới chất lượng môi trường sống và hình thức sinh hoạt truyền thống. Dự án cũng đưa ra cách nhìn nhận nhà ở truyền thống dưới quan điểm đương đại và mong muốn chứng minh rằng việc đưa các nguyên tắc tổ chức không gian kiến trúc truyền thống vào thiết kế có thể đóng góp cho việc nâng cao chất lượng thể loại nhà nhiều tầng xây mới trên các lô đất đã có sẵn tại phường Bùi Thị Xuân. Dự án cũng đề xuất các nguyên tắc và định hướng thiết kế đô thị cho sự phát triển bền vững của phường Bùi Thị Xuân, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập những giới hạn hình thể cũng như xã hội đối với sự phát triển của phường (André Casault, Nguyễn Mạnh Thu et al, 2006).

Chương trình Phát triển Đô thị Tổng thể Thủ đô Hà Nội hợp tác giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành từ năm 2004 đến 2007, trong mục Dự án thí điểm đã đề cập tới vấn đề Bảo tồn và phát triển bền vững Khu Phố Cổ thông qua việc lựa chọn một ô phố và một tuyến phố ở phường Hàng Buồm để xây dựng quy hoạch. Quy hoạch phát triển ô phố theo đề xuất mong muốn đáp ứng các yêu cầu sử dụng hiệu quả quỹ đất hạn chế và tăng giá trị của đất; bảo tồn, khôi phục và tạo ra các giá trị truyền thống; tăng cường các hoạt động kinh tế với các giá trị truyền thống và mới; tăng cường mạng lưới xã hội, cộng đồng; nâng cao tính hấp dẫn và nguyên bản của các tuyến phố với sự an toàn và thoải mái. Tuy nhiên do phương án quy hoạch ô phố chỉ quan tâm bảo tồn nhà phố Pháp trên tuyến phố chính, lõi giữa ô phố và phần lớn nhà phố trên các tuyến phố còn lại được cải tạo thành Vùng phát triển bao gồm vườn cây trong lõi và các nhà mới nhiều tầng được xây dựng trên các tuyến phố nên không mang tính khả thi trong điều kiện đô thị Hà Nội hiện nay (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, 2007).

Trong điều kiện còn nhiều hạn chế về chính sách, tài chính và nhận thức xã hội, việc bảo tồn toàn bộ nhà phố Pháp có giá trị trong Khu phố Cổ Hà Nội là một việc rất khó song vẫn cần phải tiến hành. Chính vì vậy, những ngôi nhà có giá trị cao nhất tại đây sẽ được ưu tiên bảo tồn trước một cách bài bản theo sự tư vấn và giám sát của các chuyên gia kết hợp tham khảo những kinh nghiệm hay trong nước cũng như quốc tế, và vận dụng các giải pháp vào từng trường hợp một. Tác giả nghiên cứu Nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ Hà Nội đã đưa ra nguyên tắc và giải pháp bảo tồn những ngôi nhà có giá trị cao nhất phù hợp với hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng ở trong ngôi nhà (Nguyễn Quang Minh, 2018).

George Town, Penang có số lượng nhà phố thương mại lớn nhất được xây dựng trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai ở Đông Nam Á. Việc xây dựng các cửa hiệu buôn bán chủ yếu thể hiện sự ảnh hưởng của Ấn Độ, Trung Quốc và Anh nhưng chủ yếu sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương. Ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc mạnh hơn trong các cửa hàng buôn bán ở thế kỷ XIX, trong khi ảnh hưởng của phương Tây thể hiện rõ hơn ở đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, xu hướng này thường bị lu mờ bởi những thay đổi sau xây dựng. Mặc dù có sự chuyển đổi sang sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống trong quá trình cải tạo gần đây, những thay đổi do hoàn cảnh, chẳng hạn như sở thích của khách hàng cùng với việc sử dụng nhiều vật liệu tái chế đánh dấu một bước ngoặt khác trong quá trình chuyển đổi xây dựng tòa nhà (Chee Siang Tan & Kaori Fujita, 2014).

Các căn nhà phố buôn bán ở Melaka hiện đang bị đe dọa bởi sự phát triển đô thị kéo theo việc chuyển đổi hình ảnh và thay đổi kết cấu đô thị. Vấn đề là cần làm rõ các vấn đề bảo tồn ở Melaka và liên quan đến khía cạnh của loại hình địa điểm và mặt tiền để xem xét thiết kế tòa nhà và ảnh hưởng của nó. Tuy nhiên, ngoài giá trị kiến trúc của mặt tiền ngôi nhà, cần tính đến các yếu tố môi trường dẫn đến sự xuống cấp của toàn bộ ngôi nhà. Vấn đề này được xác định có thể được khắc phục bằng các hướng dẫn nghiên cứu thiết kế và lập kế hoạch bảo tồn toàn diện để văn bản chi tiết hướng dẫn bảo tồn nhà phố mang phong cách thuộc địa ở Melaka (Noorfadhilah Mohd Baroldin & Shamzani Affendy Mohd Din, 2012).

Khu phố Tàu là một trong những điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở thành phố Kuala Lumpur (KLC) do tính độc đáo của địa điểm. KLC không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch nổi tiếng mà còn mang đậm giá trị lịch sử và di sản, đặc biệt là mặt tiền của các ngôi nhà phố được xây dựng từ thời thuộc địa. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế và vấn đề thương mại hóa của KLC đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới các công trình di sản tại đây. Điều này có thể thấy qua số lượng nhà phố trước chiến tranh giảm dần, sự xuống cấp do không được bảo trì định kỳ. Nhiều nhà phố đã bị phá dỡ và được thay thế bằng nhà cao tầng. Số lượng nhà phố trước chiến tranh có thể giảm đến cạn kiệt nếu không có các bước bảo vệ tòa nhà cũ thích hợp được thực hiện. Việc bảo tồn mặt tiền của những căn nhà phố cần dựa trên sự nâng cao nhận thức về di sản của người dân và sự hỗ trợ của chính phủ và phải được thực hiện song song với quá trình đô thị hóa thành phố (Yong Seng Toong & Nangkula Utaberta, 2015).

1.4. Mục tiêu nghiên cứu

- Gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, niên đại, cảnh quan và kiến trúc của những ngôi nhà phố trên hai tuyến phố điển hình là Hàng Ngang (khu phố Cổ) và Triệu Việt Vương (khu phố Pháp);

- Phát huy những giá trị nói trên trong bối cảnh phát triển mới, đem lại cho công trình một vòng đời mới trong không gian đô thị và cuộc sống đô thị hiện đại, đảm bảo sinh kế cho chủ sở hữu hoặc người sử dụng ngôi nhà;

- Góp phần phát triển đô thị bền vững.

1.5. Phương pháp nghiên cứu

- Phân tích số liệu: từ các tài liệu trong nước và nước ngoài liên quan tới vấn đề bảo tồn nhà phố phong cách thuộc địa trong/ngoài nước;

- Khảo sát: 1.925 nhà phố Pháp còn hiện diện tại bốn quận nội thành cũ của Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa);

- Điều tra xã hội học và phỏng vấn cộng đồng: 333 người về vấn đề bảo tồn bền vững nhà phố Pháp;

- Tham vấn ý kiến chuyên gia: 08 chuyên gia trong các lĩnh vực kiến trúc đô thị, bảo tồn di sản, nghiên cứu lịch sử và văn hóa;

- Dự báo: Tiến trình phát triển / biến đổi của nhà phố Pháp trong tương lai.

- Nghiên cứu trường hợp: 14 trường hợp được lựa chọn trong số 58 ngôi nhà trên hai phố (05/22 nhà trên phố Triệu Việt Vương và 09/36 nhà trên phố Hàng Ngang). Trong đó mỗi phố chọn ra 02 căn tiêu biểu nhất theo phân loại để nghiên cứu kỹ.

2. Phân tích hiện trạng các khu vực nghiên cứu

2.1. Nhà phố Pháp trong khu phố Cổ và tại phố Hàng Ngang

2.1.1. Nhà phố Pháp trong khu phố Cổ

Khu Phố Cổ hình thành từ một hệ thống chợ và quán xá bên bờ sông Hồng và nằm xen kẽ trong các làng xóm nông nghiệp. Người dân khu phố Cổ từ trước đến nay chủ yếu hoạt động buôn bán và làm nghề thủ công truyền thống theo phường hội, như phường dệt vải, phường nhuộm, phường làm giấy, phường sản xuất đồ cúng, v.v. Vì vậy khu Phố Cổ còn có tên gọi khác là “khu 36 phố phường”.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã cho xây dựng và quy hoạch khu vực này một cách có hệ thống nhằm phục vụ mục đích quân sự, sau đó khai thác nguồn lợi kinh tế. Do vậy họ gần như đã giữ nguyên vẹn khu vực 36 phố phường, là trung tâm buôn bán sầm uất để khai thác nguồn lợi kinh tế qua hệ thống thuế. Những công trình xây dựng giai đoạn đầu của khu vực này được coi là hạt nhân của sự phát triển.

Trong quá trình phát triển lâu dài của Hà Nội, với chức năng chính là một địa điểm buôn bán sầm uất, khu Phố Cổ đã tồn tại và còn lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống, nhưng đang chịu nhiều áp lực lớn do quá trình đô thị hóa và sự chuyển đổi của cơ chế thị trường.

2.1.2. Nhà phố Pháp trên phố Hàng Ngang


Hình 1a. Một đoạn phố Hàng Ngang đầu thế kỷ XX (Nguồn ảnh: blog.mytour.vn)

Phố Hàng Ngang xưa thuộc phường Diên Hưng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long. Thế kỷ XVIII đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, phố bán đồ tơ lụa màu xanh lam. Đến thế kỷ XIX phố này có tên là Việt Đông, phố của những người Hoa Kiều Quảng Đông. Ở hai đầu phố trước đây có các bức tường chắn ngang, ở giữa là cổng gỗ, ban ngày mở ra, ban đêm đóng lại nên gọi là Hàng Ngang (Bùi Thiết, 1993). Đây vốn là nơi buôn bán của người Hoa gốc Quảng Đông, họ làm cổng cho cả phố để đảm bảo an ninh.

Thời nhà Lê, người Hoa Kiều tập trung bán hàng chè, thuốc, nhà giàu có thì bán vải vóc, gấm đoạn, nhiễu, sa tanh. Về sau có thêm cửa hàng bán vải của người Ấn Độ. Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue des Cantonnais (phố của người Quảng Đông). Hiện nay, về mặt hành chính, phố Hàng Ngang thuộc phường Hàng Đào – quận Hoàn Kiếm, bán các mặt hàng quần áo, hàng tiêu dùng cao cấp, xa xỉ, là khu buôn bán sầm uất và đặc trưng của Hà Nội.

Phố Hàng Ngang là nơi các yếu tố kinh tế, văn hóa và lịch sử đan xen nhau. Kiến trúc của tuyến phố hiện nay đã xuống cấp nhiều. Nằm trong khu vực bảo tồn, với nhiều công trình có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, đồng thời đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 2004. Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với các đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc cùng nhiều dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội, v.v. nhưng thực chất cuộc sống của người dân không được đảm bảo về mặt diện tích sinh hoạt cũng như tiện nghi sinh khí hậu. Mật độ cư trú lên tới 35.000 người/km2 và kiến trúc nhà ở pha trộn nhiều loại hình, trong đó nhà ống là thể loại chủ yếu. Có những ngôi nhà có tới 15 – 20 hộ dân với trên 100 nhân khẩu sinh sống, diện tích sàn bình quân tính ra chỉ vỏn vẹn 4 m2/người. Do thiếu chỗ ở, người dân tìm mọi cách mở rộng, dẫn tới tình trạng cơi nới và lấn chiếm không gian, khiến các khoảng lưu không bị thu hẹp, điều kiện chiếu sáng và thông gió tự nhiên bị hạn chế. Các loại vật liệu xây dựng tạm bợ được sử dụng không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là cháy nổ.


Hình 1b. Một số nhà phố Pháp trên phố Hàng Ngang (2023)
(Nguồn ảnh: Trần Quốc Bảo)

2.2. Nhà phố Pháp trong Khu phố Pháp và tại phố Triệu Việt Vương

2.2.1. Nhà phố Pháp trong khu phố Cũ

Trước năm 1986, các tuyến phố trong khu vực chỉ có một số cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ. Sau thời kỳ “Đổi Mới”, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, hoạt động buôn bán trên các tuyến phố ngày càng phát triển mạnh và hình thành những “phố nghề mới”. Đến nay, việc kinh doanh đã phát triển rất mạnh và đang làm thay đổi kiến trúc đô thị theo hướng tiêu cực. Nhiều công trình đã được xây mới hoặc cải tạo đến mức hầu như không còn dấu tích cũ. Một số công trình xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm không được tu sửa và tôn tạo.

Kiến trúc mặt đứng tuyến phố trong khu vực mang nhiều nét tương tự như phố cổ về một tỷ lệ hài hòa ấm cúng nhưng lại có nét riêng biệt là sự hòa trộn đa dạng hơn khu phố Cổ về thể loại và phong cách kiến trúc nhà ở. Điều đó thể hiện rất rõ ảnh hưởng và sự chuyển hóa của kiến trúc Pháp khi du nhập vào Việt Nam. Kiến trúc tuyến phố được tạo thành bởi sự đan xen của các phong cách kiến trúc chính như sau:

- Kiến trúc truyền thống;

- Kiến trúc thuộc địa thời kỳ đầu theo kiểu cổ điển Châu Âu;

- Kiến trúc thuộc địa thời kỳ sau có cách tân;

- Kiến trúc xã hội chủ nghĩa

- Kiến trúc đương đại (khó định hình phong cách)

- Kiến trúc hiện đại (được thiết kế trên quan điểm học hỏi thiết kế nước ngoài).

2.2.2. Phố Triệu Việt Vương

Phố Triệu Việt Vương được quy hoạch bởi người Pháp vào những năm 1907 - 1908 với tên gọi là Chanceaulme. Đến năm 1930, phố Chanceulme mới chỉ kéo dài từ đoạn Nguyễn Du đến phố Tuệ Tĩnh. Phần còn lại của phố được dần dần hình thành trong giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1942. Sau năm 1945 phố Chanceaulme được đổi tên thành Bùi Quang Trinh và năm 1964, phố Bùi Quang Trinh trở thành phố Triệu Việt Vương. Từ năm 1986 đến nay, gia đình sống lâu năm ở phố Triệu Việt Vương không nhiều, phần lớn là những người mới chuyến đến sau dưới hình thức mua nhà hay thuê nhà.

Phố Triệu Việt Vương tập trung rất nhiều quán café giải khát (đặc biệt đoạn từ nhà tư Tuệ Tĩnh đến ngã ba Đoàn Trần Nghiệp) nên có tên gọi dân dã là “phố cà phê”. Theo điều tra khảo sát trong khuôn khổ dự án nghiên cứu hợp tác Canada – Việt Nam năm 2005, tỷ lệ các hộ kinh doanh cà phê - giải khát chiếm 42% tổng số nhà mặt phố. Ngoài ra còn có một số loại hình kinh doanh khác như văn phòng (22%), may đo và bán quần áo (10%), cắt tóc gội đầu (5,5%), nhà mặt phố không kinh doanh (13,4%) (André Casault, Nguyễn Mạnh Thu et al, 2006). Đến năm 2022, số lượng kinh doanh cà phê tiếp tục tăng lên trên 50%, bên cạnh các cửa hàng thẩm mỹ và ăn uống có quy mô khá lớn.

Phố Triệu Việt Vương có bề rộng trung bình 17 m. Nhà ở trên phố chia thành hai phong cách khác nhau rõ rệt:

- Đoạn từ Nguyễn Du đến Tô Hiến Thành là đoạn phố hình thành đầu tiên, các lô đất được chia nhỏ và hẹp phù hợp với dạng nhà ống. Trong quá trình hình thành, việc quy hoạch và quản lý không chặt chẽ dẫn đến nhà cửa xây dựng không thẳng hàng.

- Đoạn từ Tô Hiến Thành đến Đoàn Trần Nghiệp phát triển sau này, có quy hoạch khá quy củ với các lô đất có kích thước rộng hơn. Đoạn phố này tập trung các biệt thự hai tầng được xây dựng khá thẳng hàng. Nhưng hiện nay phần lớn các nhà biệt thự đã được xây mới thành những ngôi nhà hiện đại 4 – 5 tầng, phần còn lại là các biệt thự xuống cấp, cơi nới do vậy cảnh quan đoạn phố này đã biến đổi nhiều.


Hình 2a. Một đoạn phố Triệu Việt Vương vẫn còn dáng dấp kiểu phố Pháp (thời điểm 2005) (Nguồn ảnh: Vũ Thị Hương Lan, 2005) 


Hình 2b. Một đoạn phố Triệu Việt Vương năm 2023
(Nguồn ảnh: Vũ Thị Hương Lan)          


[ Kinh doanh Cà phê ]                                  [ Không kinh doanh ]                                     [ Xây mới ]
Hình 2c. Một số nhà phố Pháp điển hình trên phố Triệu Việt Vương năm 2023 (Nguồn ảnh: Nguyễn Hải Vân Hiền)

3. Điều tra xã hội học về vấn đề bảo tồn bền vững nhà phố Pháp

3.1.  Mục đích, nội dung và đối tượng điều tra

3.1.1. Mục đích điều tra

- Tìm hiểu sự biến đổi chức năng và hình thức của công trình di sản;

- Tìm hiểu sự đánh giá của người sử dụng về hiện trạng công trình di sản;

- Tìm hiểu sự nhìn nhận của người dân về giá trị di sản kiến trúc thuộc địa Pháp nói chung và nhà phố Pháp nói riêng;

- Tìm hiểu nguyện vọng của người sử dụng về việc bảo tồn di sản kiến trúc thuộc địa Pháp nói chung và nhà phố Pháp mà họ đang sinh sống trong đó nói riêng;

- Tìm hiểu sự hiểu biết của người dân về Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố Cổ và Khu phố Pháp của UBND TP Hà Nội.

3.1.2. Nội dung điều tra

Mẫu phiếu điều tra do nhóm nghiên cứu thiết kế cho mục đích điều tra gồm 3 phần:

- Thông tin về người được phỏng vấn;

- Thông tin về công trình di sản;

- Thông tin về ý kiến của người được phỏng vấn.

3.1.3. Đối tượng điều tra

Người sử dụng công trình di sản bao gồm:

- Nhóm người ở trong công trình di sản;

- Nhóm người làm việc trong công trình di sản.

3.2.  Thời gian và phương pháp điều tra

- Thời gian điều tra được tiến hành vào tháng 07 năm 2022;

- Số phiếu điều tra: 333;

- Người thực hiện điều tra: Các thành viên nhóm nghiên cứu và một số sinh viên năm thứ 5 chuyên ngành Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã học chuyên đề Kiến trúc và Quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc;

- Cách thức điều tra: Phỏng vấn trực tiếp người được điều tra theo bộ câu hỏi trong phiếu điều tra.

3.3. Kết quả điều tra

Kết quả điều tra được thể hiện trên Bảng 1.

[ Bảng 1. Thống kê số liệu điều tra xã hội học ]

I

Nơi ở/nơi làm việc là công trình xây dựng từ thời Pháp

Số lượng

Tỷ lệ %

1

Có

203

60,96

2

Không

114

34,23

3

Không ý kiến

16

4,81

 

Cộng

333

100,00

II

Hiện trạng công trình

 

 

1

Còn giữ được kiến trúc ban đầu

82

24,62

2

Đã bị sửa chữa, cơi nới nhưng vẫn giữ được hình dạng kiến trúc thuộc địa Pháp

156

46,85

3

Đã biến dạng hoàn toàn

44

13,21

4

Không ý kiến

51

15,32

 

Cộng

333

100,00

III

Đánh giá cá nhân

 

 

1

Có giá trị đặc biệt, góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng cho không gian đô thị Hà Nội

126

37,84

2

Có giá trị cao, là bộ phận không thể thiếu của không gian đô thị Hà Nội

59

17,72

3

Có giá trị trung bình, đóng góp một phần vào không gian đô thị Hà Nội

77

23,12

4

Không có giá trị

12

3,60

5

Không ý kiến

59

17,72

 

Cộng

274

100,00

IV

Biết quy chế QLQHKT Khu phố Cổ/Cũ

 

 

1

Hiểu rõ

35

10,51

2

Có biết

217

65,17

3

Không biết

63

18,92

4

Không ý kiến

18

5,40

 

Cộng

333

100,00

V

Ý kiến về bảo tồn di sản

 

 

1

Bảo tồn toàn bộ các công trình còn tồn tại đến ngày nay

151

45,35

2

Chỉ cần bảo tồn một số công trình tiêu biểu

138

41,44

3

Không cần thiết bảo tồn

16

4,80

4

Không ý kiến

28

8,41

 

Cộng

333

100,00

VI

Ý kiến về bảo tồn công trình đang ở hay làm việc

 

 

1

Bảo tồn những công trình cũ, xây thêm công trình mới ở khu vực sân vườn

33

9,91

2

Bảo tồn những nét kiến trúc bên ngoài, cải tạo nội thất cho phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện nay

129

38,74

3

Cần bảo tồn nguyên dạng kiến trúc ban đầu

61

18,32

4

Nên dỡ bỏ lấy đất xây dựng công trình mới

24

7,20

5

Không ý kiến

86

25,83

 

Cộng

333

100,00

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân nhận biết công trình đang ở (đang sử dụng) có từ thời Pháp không cao (chỉ có 60,96% - dưới mức 2/3). Theo nhận định của người dân, chỉ có 82 ý kiến cho rằng công trình còn giữ được kiến trúc nguyên bản (đạt tỷ lệ 24,62% - dưới mức 1/4). Đây là một tỷ lệ khá thấp. Đánh giá về giá trị công trình, trên 1/2 số ý kiến (55,56%) cho rằng công trình có giá trị đặc biệt và giá trị cao. Dữ kiện này là một cơ sở nữa cho thấy công trình nhà phố Pháp còn lưu giữ nhiều giá trị quý về khía cạnh kiến trúc, văn hóa và lịch sử trong con mắt của cộng đồng. Đa số cộng đồng (75,68%) nắm rõ hoặc biết về Quy chế Quản lý Quy hoạch Kiến trúc Khu phố Cổ và Khu phố Pháp – là kết quả của nỗ lực tuyên truyền và phổ biến của chính quyền cùng một số cơ quan chuyên môn. Có đến 86,79% người được hỏi ủng hộ phương án bảo tồn, trong đó số ý kiến thiên về bảo tồn toàn bộ cao hơn một chút so với số ý kiến chọn bảo tồn một số công trình tiêu biểu (45,35% so với 41,44%). Tuy nhiên, khi được hỏi sâu hơn về phương án bảo tồn hiệu quả, chỉ có 38,74% người trả lời chọn giải pháp theo quan điểm hiện đại và linh hoạt ngày nay (Bảo tồn những nét kiến trúc bên ngoài, cải tạo nội thất cho phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện nay).

4. Đánh giá giá trị các nhà phố Pháp hiện hữu tại phố Hàng Ngang và phố Triệu Việt Vương

4.1. Giới thiệu hệ tiêu chí đánh giá giá trị

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất một hệ tiêu chí đánh giá giá trị của nhà phố Pháp tại Hà Nội trên cơ sở nghiên cứu kỹ các đặc điểm của thể loại công trình này, có sự hỗ trợ đắc lực của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, đô thị học, xã hội học đô thị, quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, mỹ thuật và bảo tồn di tích.

[ Bảng 2. Hệ thống tiêu chí đánh giá giá trị nhà phố Pháp ở Hà Nội ]

STT

Tiêu chí lớn

Số điểm

Tiêu chí thành phần

Số điểm

Số mục nhỏ

1

Giá trị lịch sử

12

Giá trị lịch sử

4

4

 

 

 

Giá trị văn hóa

8

7

2

Giá trị niên đại

5

Thời điểm xây dựng

5

1

3

Gìn giữ công năng ban đầu

6

Công năng sử dụng

6

1

4

Tính nguyên bản

8

Tính nguyên bản tầng 1

4

1

 

 

 

Tính nguyên bản tầng 2

4

1

5

Kiến trúc mặt đứng

52

Tỷ lệ mặt đứng

6

1

 

 

 

Các chi tiết mặt đứng

33

10

 

 

 

Cửa đi và cửa sổ

10

5

 

 

 

Phong cách kiến trúc

3

1

6

Cảnh quan đô thị

17

Vị trí của căn nhà

10

1

 

 

 

Số căn trong một dãy

5

1

 

 

 

Sự hài hòa trong một dãy

2

1

 

Tổng

100

 

100

35

Với điểm tích lũy trên thang điểm 100, căn nhà sẽ được xếp loại như sau:

+ 76 – 100 điểm: Giá trị đặc biệt (nhóm A);

+ 51 – 75 điểm: Giá trị cao (nhóm B);

+ 26 – 50 điểm: Giá trị trung bình (nhóm C);

+ 0 – 25 điểm: Giá trị thấp (nhóm D).

4.2. Các nhà phố Pháp hiện hữu tại phố Hàng Ngang

Qua khảo sát và đánh giá các nhà phố Pháp tại phố Hàng Ngang theo hệ tiêu chí được các chuyên gia hỗ trợ thiết lập, nhóm nghiên cứu thu được kết quả như sau:

[ Bảng 3. Đánh giá giá trị nhà phố Pháp trên phố Hàng Ngang ]

STT

Phố

Số nhà

Phân loại

1

2

3

4

1

Hàng Ngang

13

 

 

x

 

2

Hàng Ngang

17

 

 

x

 

3

Hàng Ngang

19

 

x

 

 

4

Hàng Ngang

21

 

 

 

x

5

Hàng Ngang

25

 

 

x

 

6

Hàng Ngang

27A

 

 

x

 

7

Hàng Ngang

27B

 

 

x

 

8

Hàng Ngang

29

 

 

x

 

9

Hàng Ngang

37

 

 

x

 

10

Hàng Ngang

45

 

 

x

 

11

Hàng Ngang

53

 

 

x

 

12

Hàng Ngang

55

 

x

 

 

13

Hàng Ngang

2

 

 

 

x

14

Hàng Ngang

4

 

 

x

 

15

Hàng Ngang

18

 

 

x

 

16

Hàng Ngang

20

 

x

 

 

17

Hàng Ngang

20B

 

x

 

 

18

Hàng Ngang

24

 

 

x

 

19

Hàng Ngang

26

x

 

 

 

20

Hàng Ngang

28

 

x

 

 

21

Hàng Ngang

36

 

 

x

 

22

Hàng Ngang

38

 

 

x

 

23

Hàng Ngang

40

 

x

 

 

24

Hàng Ngang

44

 

 

x

 

25

Hàng Ngang

46

 

 

x

 

26

Hàng Ngang

48

x

 

 

 

27

Hàng Ngang

50

 

 

x

 

28

Hàng Ngang

54

 

 

x

 

29

Hàng Ngang

56

 

x

 

 

 

Tổng số

29

2

7

18

2

Lựa chọn những nhà phố Pháp xếp loại 1 và 2 để nghiên cứu và đề xuất giải pháp. Tổng số sẽ có 9 trường hợp nghiên cứu cho phố Hàng Ngang.

 Nhà số 26 Hàng Ngang (Loại 1)

Nhà số 48 Hàng Ngang (Loại 1)

Nhà số 19 Hàng Ngang (Loại 2)
 Nhà số 55 Hàng Ngang (Loại 2)

 











 

 

 Nhà số 20A Hàng Ngang (Loại 2)

 

 Nhà số 20B Hàng Ngang (Loại 2)

Nhà số 28 Hàng Ngang (Loại 2)

Nhà số 40 Hàng Ngang (Loại 2)

Nhà số 56 Hàng Ngang (Loại 2)

Hình 3. Hiện trạng mặt đứng 9 ngôi nhà được chọn nghiên cứu trên phố Hàng Ngang (Nguồn ảnh: Nhóm tác giả, 2023)

4.3. Các nhà phố Pháp hiện hữu tại phố Triệu Việt Vương

Qua khảo sát và đánh giá các nhà phố Pháp tại phố Triệu Việt Vương theo hệ tiêu chí được các chuyên gia hỗ trợ thiết lập, nhóm nghiên cứu thu được kết quả như sau: 

[ Bảng 4. Đánh giá giá trị nhà phố Pháp trên phố Triệu Việt Vương ]

STT

Phố

Số nhà

Phân loại

1

2

3

4

1

Triệu Việt Vương

47

x

 

 

 

2

Triệu Việt Vương

55

 

x

 

 

3

Triệu Việt Vương

57

x

 

 

 

4

Triệu Việt Vương

54

 

 

 

x

5

Triệu Việt Vương

56

 

x

 

 

6

Triệu Việt Vương

70

 

x

 

 

7

Triệu Việt Vương

96

 

 

 

x

8

Triệu Việt Vương

98

 

 

 

x

 

Tổng số

8

2

3

0

3

Lựa chọn những nhà phố Pháp xếp loại 1 và 2 để nghiên cứu và đề xuất giải pháp. Tổng số sẽ có 5 trường hợp nghiên cứu cho phố Triệu Việt Vương.


Nhà số 47 Triệu Việt Vương (Loại 1)

Nhà số 57 Triệu Việt Vương (Loại 1)

Nhà số 55 Triệu Việt Vương (Loại 2)
Nhà số 56 Triệu Việt Vương (Loại 2)
Nhà số 70 Triệu Việt Vương (Loại 2)
Hình 3. Hiện trạng mặt đứng 5 ngôi nhà được chọn nghiên cứu trên phố Triệu Việt Vương (Nguồn ảnh: Nhóm tác giả, 2023)

5. Bảo tồn nhà phố Pháp có giá trị ở Hà Nội

5.1. Quan điểm và nguyên tắc bảo tồn thích ứng

Bảo tồn thích ứng nghĩa là ứng dụng phương pháp bảo tồn có sự kết hợp giữa khoa học và quản lý. Phương pháp này cho phép giữ được các giá trị vật thể và giá trị tinh thần còn lại của công trình, thậm chí ở dạng phế tích. Kết hợp gìn giữ các giá trị vật thể và tinh thần gốc cùng với việc bổ sung các yếu tố mới để tạo nên chức năng và giá trị tinh thần mới.

Điểm quan trọng là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội đối với công trình có giá trị cần được bảo tồn và phát huy giá trị, thích ứng linh hoạt với điều kiện kinh tế của xã hội.

Chiến lược bảo tồn thích ứng = Quản lý thích ứng (1) + Các kế hoạch bảo tồn thích ứng cần được chia sẻ học tập (2)

5.1.1. Quan điểm

- Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị gốc và giá trị cảnh quan của công trình phù hợp với Luật Di sản Văn hóa;

- Phát triển kinh tế trên cơ sở kết hợp khai thác giá trị gốc và tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế.

5.1.2. Nguyên tắc

- Phân loại và đánh giá hiện trạng công trình di tích một cách có hệ thống, từ đó đưa ra các xếp hạng các yếu tố cần phải bảo tồn;

- Khai thác tối đa những giá trị từ các yếu tố gốc vốn có, chọn lọc và hình thành hệ thống dữ liệu từ đó đưa vào áp dụng thực tế;

- Dựa trên các điều kiện thực tế của khu vực, nhu cầu của cộng đồng để đưa ra phương án phù hợp;

- Tiếp thu và áp dụng một cách hài hòa các kinh nghiệm quốc tế về các phương diện vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ được giá trị của Khu phố Cổ và Khu phố Pháp.

5.2. Giải pháp bảo tồn cho các nhà phố Pháp có giá trị tại hai tuyến phố Hàng Ngang và Triệu Việt Vương

5.2.1. Giải pháp chung

[ Bảng 5. Định hướng giải pháp bảo tồn mặt đứng các nhà phố Pháp có giá trị ]

STT

Phân loại

Các giải pháp

1

Loại 1

Bảo tồn nguyên trạng mặt đứng

2

Loại 2

Bảo tồn nguyên trạng mặt tiền tầng 2

Tầng 1: Chỉnh trang phục vụ hoạt động thương mại theo hướng văn minh, hiện đại

3

Loại 3

Xây mới thích ứng trên nguyên tắc giữ lại một số yếu tố đặc trưng gốc (Lan can, chi tiết gờ, chỉ, phào, mái, v.v.)

4

Loại 4

Xây mới thích ứng trong phạm vi giới hạn chiều cao chung của khu vực (Đề xuất chiều cao chung cho tuyến phố)

Giải pháp bảo tồn theo hướng bền vững cho nhà phố Pháp trong hai trường hợp nghiên cứu được đề xuất trên hai bình diện: hợp lý hóa mặt bằng (không gian và chức năng sử dụng) và chỉnh trang mặt đứng (ưu tiên bảo tồn nguyên trạng mặt đứng các tầng trên sát nguyên bản nhất và chỉnh trang mặt đứng tầng một theo hướng hài hòa giữa kiến trúc tầng trên – dưới và nhu cầu kinh doanh để đảm bảo yếu tố văn minh thương mại song vẫn giữ được các yếu tố truyền thống – lịch sử và văn hóa trong những trường hợp cần thiết).

Hợp lý hóa mặt bằng được thực hiện trên cơ sở phân loại hình thái mặt bằng của ngôi nhà gắn với yếu tố sở hữu (cách A), là cách phổ biến nhất. Nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ Hà Nội và Khu phố Pháp, tồn tại hai kiểu nhà, tương ứng với hai hình thức sở hữu:

+ Kiểu A1: Mặt bằng tầng 1 có ngõ bên hông hoặc lối đi được ngăn riêng xuyên từ phía trước vào sân trong (sân chung gắn với cầu thang) hoặc ra phía sau nhà, khi căn nhà có nhiều hộ gia đình cùng sinh sống;

+ Kiểu A2: Mặt bằng tầng 1 không có ngõ bên hông hoặc lối đi xuyên được ngăn riêng, thay vào đó là chuỗi 2 – 3 phòng liên thông, khi căn nhà chỉ có một hộ gia đình, hoặc vài hộ gia đình có quan hệ họ hàng cùng sinh sống.

Một cách phân loại khác là theo chức năng sử dụng (cách B).

+ Kiểu B1: Một số nhà phố Pháp được giữ lại một phần (thường là toàn bộ tầng 1, đôi khi thêm một phần tầng 2) làm chức năng công cộng (bảo tàng, trụ sở hành chính, v.v.);

+ Kiểu B2: Đại đa số các nhà phố Pháp khác theo mô hình kinh doanh tầng 1 và đôi khi một phần tầng 2, với cửa hàng của chủ hộ hoặc cửa hàng – văn phòng cho thuê.

5.2.2. Phố Hàng Ngang

Tại phố Hàng Ngang, cách phân loại theo trường hợp B được áp dụng.

Kiểu B1: Trường hợp nghiên cứu điển hình là nhà số 48 Hàng Ngang, được xếp loại 1 về giá trị, với 82/100 điểm, trong đó nổi bật là giá trị lịch sử vì đây là căn nhà nơi Hồ Chủ Tịch viết bản Tuyên ngôn Độc lập cho Việt Nam những ngày cuối tháng 8 năm 1945, bên cạnh giá trị kiến trúc với phong cách kiến trúc Art-Déco đặc trưng với những chi tiết đơn giản, phân vị mạch lạc và hình trang trí đậm chất hình học.

Với chức năng sử dụng tầng 1 là nhà lưu niệm danh nhân quan trọng, chức năng tầng 1 được giữ nguyên từ phía trước vào tận sân trong. Hai gian trưng bày nhỏ bên trong chuyển thành phòng hành chính – đón tiếp và nhà kho cùng một khu vệ sinh để phục vụ khách đến tham quan. Các hiện vật trưng bày tại các không gian nhỏ bên trong sẽ được đưa ra nhà lưu niệm bên ngoài, nơi cần được bố trí lại cho hợp lý và khoa học hơn, và có thể hiện đại hơn nếu cần. Trên tầng 2, gian phía ngoài là không gian lưu niệm của gia đình, gắn với một cầu thang riêng từ tầng 1 dẫn lên, có thể mở cửa cho khách tham quan vào những thời điểm nhất định mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình (gia đình cũng có thể tiếp cận không gian này như một phòng truyền thống), vì không gian này vẫn lưu giữ được cách bài trí của một phòng khách gia đình tư sản ngày xưa. Không gian phía sau là nơi gia đình sinh hoạt chính, có vệ sinh riêng khép kín để thuận tiện cho việc sinh hoạt. Tầng 3 dành hoàn toàn diện tích để gia đình sử dụng, với cấu trúc tương tự tầng 2. Cách tổ chức không gian này đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả chủ hộ lẫn chính quyền thành phố.

Về mặt đứng, do hiện trạng ngôi nhà được bảo tồn rất tốt, mặt đứng hầu như còn nguyên vẹn, đảm bảo tính nguyên bản, nên giải pháp đưa ra là tiếp tục duy trì hình thức mặt đứng với tất cả các chi tiết, được bảo trì theo định kỳ 3 năm/lần đúng quy trình, hoặc đột xuất theo thực tế yêu cầu.


Hình 4. Nhà 48 Hàng Ngang trước và sau đề xuất cải tạo

Kiểu B2: Trường hợp nghiên cứu điển hình là nhà số 20A Hàng Ngang, được xếp loại 2 về giá trị, với 63/100 điểm. Đây là ngôi nhà gia đình tự kinh doanh, nên phần lớn diện tích tầng 1 được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh mặt hàng quần áo. Cửa hàng này cần được phân định rõ hơn với khối cầu thang, và chủ nhà có thể cải tạo nội thất kết hợp với bố trí lại các kệ hàng để tối ưu hóa việc sử dụng. Kho vẫn giữ nguyên. Sân trong đảm bảo thông thoáng vẫn được duy trì, còn khu phụ nên được cải tạo để đạt tiêu chuẩn vệ sinh – môi trường. Tầng hai về cơ bản vẫn duy trì chức năng sinh hoạt cho gia đình như hiện trạng, với phòng nhỏ giữa cầu thang và khu tắm – vệ sinh (được nâng cấp) sẽ bỏ vách ngăn, để không gian rộng hơn, bố trí bếp và phòng ăn cho gia đình.Về mặt đứng, ngôi nhà chỉ có tầng 2 là còn tương đối nguyên vẹn, tuy nhiên chi tiết vòm cuốn ba nhịp đã được làm mới không đúng nguyên bản, nên cần được sửa cho chuẩn, thay vì các chân vòm dính nhau ở một điểm sẽ trở thành các chân vòm liền nhau thành mảng, có chân đế rõ ràng như phong cách thường thấy đương thời. Mái ngói cũng cần được lợp lại theo kiểu mái ngói cách đây khoảng 100 năm, tại thời điểm ngôi nhà được hoàn thiện. Tầng 1 đã được cải tạo và sửa chữa vài lần, với cửa cuốn không phù hợp, nên thay bằng cửa gỗ - kính bốn cánh. Biển hiệu quảng cáo với kích thước phù hợp và tính mỹ thuật đạt yêu cầu nên có thể được giữ lại, không cần can thiệp.


Hình 5. Nhà 20A Hàng Ngang trước và sau đề xuất cải tạo

5.2.3. Phố Triệu Việt Vương

Tại phố Triệu Việt Vương, cách phân loại theo trường hợp A được áp dụng.

Kiểu A1: Trường hợp nghiên cứu điển hình là nhà số 47 Triệu Việt Vương, được xếp loại 1 về giá trị, với 79/100 điểm. Đây là ngôi nhà có lối đi phụ bên cạnh cho hai hộ gia đình sinh sống. Dù bị cơi nới khu phụ ở bên hông, về cơ bản ngôi nhà vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn mặt đứng cả hai tầng nhà chính, với nhiều chi tiết trang trí đẹp và đặc trưng của kiến trúc cổ điển Pháp cùng tỷ lệ hài hòa giữa các chi tiết. Hộ gia đình kinh doanh cà phê – giải khát song có ý thức giữ gìn công trình, khi chỉ đặt biển hiệu với kích thước vừa phải, vị trí thích hợp để không che khuất các chi tiết trang trí có tính mỹ thuật cao.

Không gian chức năng của căn nhà nhìn chung vẫn hợp lý ở thời điểm hiện tại, nên không có sự chuyển hóa công năng, mà chỉ nâng cấp – hiện đại hóa – tiện nghi hóa các không gian này. Phần cơi nới là khu phụ ở tầng 2, ngay phía trên lối đi chung, là thiết yếu, nên được đề xuất chỉnh trang cho đồng bộ với mặt đứng cũ, so bằng cốt tầng 2 thay vì để thấp hơn đáng kể như hiện trạng, và loại bỏ các vật liệu tạm, sử dụng vật liệu bền chắc hơn nhằm tránh sự chênh lệch về hình thức dẫn đến cảm giác xây xen cấy.

Về mặt đứng, do hiện trạng ngôi nhà được bảo tồn rất tốt, mặt đứng hầu như còn nguyên vẹn, đảm bảo tương đối tốt tính nguyên bản, ngoại trừ các chi tiết cửa sau này được thay thế chưa đúng kiểu cách, nên giải pháp đưa ra là tiếp tục duy trì hình thức mặt đứng với tất cả chi tiết, các cửa đi và cửa sổ thay mới được chỉnh trang theo hình thức gốc chuẩn qua các tư liệu ảnh còn lưu giữ. Mặt đứng nhà được bảo trì theo định kỳ 3 năm/lần đúng quy trình, hoặc đột xuất theo thực tế đòi hỏi.


Hình 6. nhà 47 Triệu Việt Vương trước và sau đề xuất cải tạo

Kiểu A2: Trường hợp nghiên cứu tương đối điển hình là nhà số 55 Triệu Việt Vương, được xếp loại 2 về giá trị, với 74/100 điểm. Hộ gia đình ở đây cũng mở dich vụ kinh doanh cà phê – giải khát. Về cơ bản, phương án bảo tồn áp dụng cho ngôi nhà này tương tự như đề xuất với nhà số 47 cách đó vài căn, do có cấu trúc và hình thức của chúng gần giống nhau. Trong thực tế, nhà 55 Triệu Việt Vương có một ngách đi nhỏ bên cạnh nhà nhưng chỉ kéo dài khoảng 1/2 chiều sâu khu đất, nên có thể được coi là dạng trung gian giữa kiểu A1 và kiểu A2. Một số chi tiết trên mặt đứng, đặc biệt là mái dốc phía trước đã bị chỉnh sửa ở mức độ nhất định (do đó căn nhà chỉ được đánh giá và xếp loại 2), cần được bảo tồn sát nguyên gốc nhất có thể.


Hình 7. Nhà 55 Triệu Việt Vương trước và sau đề xuất cải tạo

6. Bàn luận

Dù đa dạng về kích thước, hình thức và chức năng sử dụng, nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ cũng như trong Khu phố Pháp ở Hà Nội có thể được quy về một trong bốn trong bốn trường hợp trên, tùy thuộc vào đặc điểm nào nổi trội hơn: hình thái hoặc tính chất sử dụng, để áp dụng mô hình tương ứng được đề xuất qua bốn trường hợp nghiên cứu điển hình. Những mô hình này có thể được áp dụng về nguyên tắc cho những nhà phố Pháp còn lại trên hai tuyến phố đã chọn, cũng như trong cả hai khu vực được khoanh vùng. Những mô hình A1, A2, B1 và B2 thực tế mang tính tổng quát, dù thoạt nhìn có vẻ cụ thể.

Điểm quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo tồn đạt kết quả thành công như mong đợi là mật độ dân số thích hợp, với 4 hoặc 6 hộ gia đình, tương ứng với ngôi nhà 2 – 3 tầng theo nguyên gốc ban đầu. Những hộ gia đình còn lại cần được bố trí tái định cư ở nơi mới đảm bảo điều kiện sống và sinh kế ít nhất tương đương với nơi ở hiện tại, dựa trên thỏa thuận giữa các hộ đang sinh sống trong ngôi nhà, theo tinh thần của chương trình giãn dân của chính quyền thành phố. Nếu không đạt được sự đồng thuận, với mật độ dân số cao và nhu cầu ở gia tăng, dẫn đến việc mở rộng diện tích ở, khó tránh khỏi hoạt động cơi nới, cải tạo sai nguyên bản, tác động tiêu cực đến giá trị của căn nhà và việc bảo tồn sẽ không thu được kết quả như mong đợi. Sự cam kết bằng văn bản mang tính ràng buộc pháp lý và ý thức tuân thủ cam kết của chủ nhà cũng là một yếu tố quan trọng, cùng với sự hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia về bảo tồn di sản kiến trúc thuộc địa.

Khi điều kiện sống và tiện nghi vi khí hậu (thông gió và chiếu sáng tự nhiên) được cải thiện nhờ việc gỡ bỏ các không gian bị cơi nới và lấn chiếm, vẫn có thể nâng cao hơn chất lượng môi trường thông qua giải pháp xanh hóa bề mặt công trình, đặc biệt là diện mái, nhất là mái bằng (vườn mái) và một phần mặt đứng trên các hướng bất lợi (Tây, Tây Nam, Tây Bắc) với các giàn cây rủ xuống, cần tính toán độ hạ xuống và mật độ trồng các loại cây dây leo có lá xanh quanh năm này sao cho hợp lý, vì nếu mật độ dày và khoảng hạ xuống nhiều hơn mức cần thiết sẽ gây hiệu ứng trái ngược.

7. Kết luận

Nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ và Khu phố Pháp ở Hà Nội là một quỹ di sản kiến trúc – văn hóa độc đáo, rất có giá trị trên nhiều bình diện, do đó cần được gìn giữ và phát huy trong bối cảnh xã hội hiện đại, đòi hỏi dung hòa lợi ích của nhiều bên có liên quan, trong đó cam kết giữa chính quyền và chủ hộ có tầm quan trọng đặc biệt.

Việc công nhận nhà phố Pháp là di sản cần được bảo vệ, dựa trên đánh giá theo hệ tiêu chí được các chuyên gia chấp nhận, là cơ sở để bảo tồn thành công, nhằm ngăn chặn sự suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng theo thời gian của các ngôi nhà loại này.

Với bốn mô hình đề xuất, tương ứng với bốn trường hợp theo phân loại có thể có trong thực tế, nhà phố Pháp sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị, phù hợp với bối cảnh một đô thị hiện đại cũng như nền kinh tế thị trường phát triển mạnh và nhanh, đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Đó là điểm mấu chốt của “bền vững”, thiên về chính sách. Những yếu tố khác về kỹ thuật, nguồn vốn, xã hội, ... khi ấy sẽ bổ trợ để đạt mức độ bền vững cao hơn.

Trần Quốc Bảo, Nguyễn Quang Minh, Vũ Hương Lan, Nguyễn Hải Vân Hiền, Đặng Việt Long

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ Việt Nam (2011), Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trích lục từ trang web https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&;;docid=101900 ngày 08/09/2023
2. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội (2007), Chương trình Phát triển Đô thị Tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP), Báo cáo cuối cùng, Hà Nội.
3. Nguyễn Quang Minh (2018), Nhà phố Pháp trong khu phố Cổ, Phần 3: Giải pháp bảo tồn những ngôi nhà có giá trị cao nhất. Tạp chí Kiến trúc số 273, tháng 01/2018, Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
4. Nguyễn Vinh Quang (2019), Conservation of the French colonial architectural heritage in Hanoi city: French colonial houses, now «shophouses» as a case study, Luận án Tiến sỹ, Đại học Bách khoa Milano (Ý).
5. André Casault, Nguyễn Mạnh Thu et al (2006), Comprendre l’habitat de Hà Nội, Les Presses de l’Univercité Laval Québec, Canada, 2006.
6. Chee Siang Tan & Kaori Fujita (2014) Building Construction of Pre-war Shophouses in George Town Observed Through a Renovation Case Study, Journal of Asian Architecture and Building Engineering.
7. Noorfadhilah Mohd Baroldin & Shamzani Affendy Mohd Din (2012), Documentation and Conservation Guidelines of Melaka Heritage Shophouses, ASEAN Conference on Environment-Behaviour Studies, Bangkok, Thailand, 16-18 July 2012.
8. Yong Seng Toong & Nangkula Utaberta (2015), Heritage Buildings Conservation Issues of Shophouses in Kuala Lumpur Chinatown, Applied Mechanics and Materials Vol. 747.
9. Bùi Thiết (1993), Từ điển Hà Nội Địa danh, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

(Bản tiếng Anh đã đăng trên tạp chí Malaysian Construction Research số 3/2024)


Tin liên quan:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...