Các chuyên gia cho rằng, trước áp lực đô thị hóa, gia tăng dân số, việc mở rộng không gian công cộng của Hà Nội, nhất là khu phố cổ là cần thiết để gìn giữ các di sản văn hóa, cũng như phát triển du lịch.
Theo số liệu của UBND quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ hiện nay được khoanh vùng lại trên diện tích khoảng 105ha, bao gồm địa giới hành chính của 10 phường nằm trên 79 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm.
Khu phố cổ Hà Nội (Nguồn: Ashui.com)
Hàng năm, TP. Hà Nội đón khoảng 5 - 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó có trên 70% tập trung tại khu phố cổ. Dân số, khách du lịch tăng nhanh đã tạo ra sức ép cho các không gian công cộng và công tác bảo tồn phố cổ Hà Nội. Không gian kiến trúc tại nhiều khu vực trong phố cổ đã thay đổi trong khi diện tích không được mở rộng hơn.
Chính quyền TP. Hà Nội đã rất sáng tạo trong việc mở rộng không gian công cộng cho khu vực này. Đó là việc mở các tuyến phố đi bộ, không gian đi bộ Hồ Gươm và mới đây nhất là phố bích họa Phùng Hưng. Tất cả đã và đang tạo ra sự tươi mới cho khu phố cổ nhưng không làm mất đi nét đặc trưng vốn có với các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề. Đây cũng chính là những không gian công cộng từ ngàn đời xưa vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Điều đó tạo điều kiện cho người đi bộ thăm thú, mua sắm và thưởng thức ẩm thực.
Trước tốc độ đô thị hóa, nhiều chuyên gia cho rằng, để khu phố cổ đáp ứng nhu cầu thực tế, cần phải có giải pháp cụ thể để bảo tồn kiến trúc phố cổ Hà Nội. Một trong những giải pháp tối ưu là thiết lập mô hình không gian công cộng đa chức năng, có thể luân chuyển từ công cộng thành không gian quần cư và được biến thiên theo từng thời gian cụ thể.
Với giải pháp này, dù chung một diện tích nhưng lại được sở hữu hai hình thái không gian khác nhau tồn tại ở hai thời điểm. Không gian quần cư là nơi thiên về sản xuất, lưu trữ và trao đổi; không gian công cộng mở hơn, thiên về các hoạt động cộng đồng.
Mô hình này cùng lúc thoả mãn nhu cầu cơi nới không gian sinh hoạt thường ngày của khu dân cư phố cổ và cấp thiết thêm không gian công cộng. Tạo ra sự co giãn về mật độ dân cư và trung hòa lưu lượng giao thông; đưa những không gian cơi nới bên ngoài co cụm vào trong, hình thành điểm tụ mới theo chiều dọc và trả lại định nghĩa sơ khai cho vỉa hè như một không gian giao thông công cộng.
Khi đó, các thiết kế không gian trong phố cổ sẽ được hình thành theo một cấu trúc linh hoạt về công năng. Chẳng hạn, ban ngày là xưởng sản xuất thủ công, không gian phụ trợ, vui chơi giải trí, giao lưu. Nhưng từ buổi tối sẽ hình thành một khu chợ đêm với các hoạt động thương mại và du lịch. Các kết cấu này có sự hài hòa giữa thiết kế kiến trúc với hệ thống hạ tầng để tạo thành một quần thể, sẽ giúp cho phố cổ trở nên gọn gàng, ngăn nắp, hữu ích hơn.
Được biết, UBND quận Hoàn Kiếm đang hoàn thiện đồ án chỉnh trang, thiết kế lại các tuyến phố trong phố cổ. Theo đó, 79 tuyến phố và 83 ô phố trong phố cổ Hà Nội sẽ được tiến hành chỉnh trang thiết kế lại để phù hợp với công năng sử dụng và tạo thêm không gian công cộng phục vụ cho các hoạt động tham quan du lịch và văn hóa tín ngưỡng, bổ sung thêm các tiện nghi, tiện ích công cộng và hệ thống cây xanh. Khu phố cổ hiện được khoanh vùng trên diện tích 105ha, bao gồm địa giới hành chính của 10 phường (Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông, Lý Thái Tổ) thuộc quận Hoàn Kiếm.
Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ được xác định: phía Bắc giáp phố Phan Đình Phùng, Hàng Đậu; phía Đông giáp phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải; phía Tây giáp phố Phùng Hưng; phía Nam giáp các phố Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông. Có 2 khu vực liền kề và hỗ trợ chức năng, gồm: Khu vực liền kề có diện tích 7,2ha tính ranh giới từ trong khu Phố Cổ đến hết thửa đất lớp ngoài của các tuyến đường bao quanh khu phố cổ;
Khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng đô thị bao gồm 2 phường ngoài đê là Phúc Tân và Chương Dương. Về thiết kế kiến trúc các công trình tiêu biểu trong phố cổ sẽ được thực hiện theo 5 loại hình: Kiến trúc Việt Nam truyền thống, Kiến trúc phong cách Trung Hoa, Kiến trúc theo kiểu Địa Trung Hải châu Âu, Kiến trúc theo phong cách Anpo châu Âu và Kiến trúc theo phong cách Art-Deco châu Âu.
Quá trình chỉnh trang, thiết kế lại kiến trúc phố cổ sẽ được phân ra làm 2 khu vực bảo tồn, cải tạo nâng cấp (tôn tạo cấp I trong khu vực lõi và tôn tạo cấp II ở các tuyến phố liền kề khu vực lõi). Trong khu vực lõi sẽ không xây dựng tầng hầm để không làm ảnh hưởng đến di tích và các công trình có giá trị. Mở rộng không gian cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất các sản phẩm truyền thống và không gian cho các hoạt động văn hóa, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, tạo điều kiện cho việc khai thác các hoạt động dịch vụ - du lịch, đáp ứng nhu cầu sống và kinh doanh của người dân tại khu vực.
Tại khu vực lõi sẽ khuyến khích người dân hình thành phố chuyên doanh các sản phẩm truyền thống. Đối với các khu vực liền kề cho phép xây dựng các công trình công cộng đa chức năng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng; Bổ sung, hỗ trợ các chức năng đầu mối giao thông, điểm giao thông tĩnh, khai thác không gian ngầm công cộng trong các khu vực giao thông cơ giới.
Minh Thắng
(Thời báo Ngân hàng)
- Những câu hỏi “ngang giá” ở dự án BT
- Thiết lập nhà ga Metro khi triển khai quy hoạch giao thông ngầm: Vấn đề không chỉ vị trí
- Nếu xây ga C9, hãy biết giữ sự quyến rũ của hồ Gươm
- Thị trường “ngầm” quyền sử dụng đất nông nghiệp đang “nổi”
- Đầu tư công: quan trọng là phải chi đúng
- Xung quanh vấn đề tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh với quy hoạch tỉnh
- Bài học quy hoạch cho TPHCM nhìn từ câu chuyện của Paris
- TP.HCM: Phát triển hạ tầng phải đi đôi với quy hoạch đô thị
- Mở rộng hay tạo chiều sâu cho đô thị
- Chuyên gia hiến kế điều chỉnh quy hoạch đô thị Đà Nẵng