Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Phản biện Dinh Thượng Thơ là di sản cần được bảo vệ

Dinh Thượng Thơ là di sản cần được bảo vệ

Viết email In

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu như việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn của TP Hồ Chí Minh thì có lẽ cách quản lý di sản hiện nay của chúng ta đang có vấn đề khá nghiêm trọng. Do đó, ông đề xuất xếp hạng Dinh Thượng Thơ là công trình di sản cần được bảo vệ.  

Trước sự quan tâm của dư luận xung quanh việc phá bỏ hay bảo tồn công trình trụ sở Sở Thông tin và Truyền Thông TP Hồ Chí Minh tại địa chỉ 59 - 61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1 (Dinh Thượng Thơ), ngày 30/7/2018 UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo khẩn Sở Quy hoạch Kiến trúc về ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan đến phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND và nội dung bảo tồn kiến trúc tại địa điểm số 59 - 61 Lý Tự Trọng. Để có cơ sở cho việc bảo tồn công trình, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc” tại tòa nhà Dinh Thượng Thơ, nhiều chuyên gia đã đưa ra lý do cần bảo tồn về mặt quy hoạch, kiến trúc, lịch sử và giá trị văn hóa của công trình. 


Tổng thể của Dinh Thượng Thơ được xây dựng theo kiến trúc hình chữ U. 

Cơ sở của việc bảo tồn Dinh Thượng Thơ

Theo tìm hiểu của KTS Cao Thành Nghiệp, Dinh Thượng Thơ ra đời từ rất sớm (1864) trong công cuộc xây dựng đô thị ở Sài Gòn - Gia Định, nằm trước cửa thành Quy thời nhà Nguyễn, là khu đất nằm trong quần thể công trình hành chính điều hành cho Sài Gòn - Gia Định và Nam Kỳ Lục tỉnh. 

Đây là cơ quan hành chính điều hành quản lý Nam Kỳ Lục tỉnh được xây dựng trước cả hội trường Thống nhất và trụ sở UBND thành phố ngày nay.

Việc lưu trữ các Công văn, Công báo, Nghị định, hồ sơ hành chính, phát hành mệnh lệnh việc xây dựng đô thị Sài Gòn và Nam Kỳ thời bấy giờ cũng từ đây. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia Định báo cũng được gửi từ đây đi đến các tỉnh thành, làng xóm ở Lục tỉnh.

Đã hơn 150 năm, qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, tòa nhà ở góc đường Đồng Khởi và Lý Tự Trọng vẫn còn giá trị về mặt lịch sử, đô thị, thẩm mỹ kiến trúc vẫn còn phù hợp trong tổng thể chung khu vực. 

Quan điểm này cũng được TS Nguyễn Thị Hậu - Tổng Thư ký Hội sử học TP Hồ Chí Minh nêu ra để bảo tồn Dinh Thượng Thơ là bởi: Ngày 27/7/2018 Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố có Văn bản số 3643/SQHKT-QHKV1 báo cáo UBND thành phố về nội dung kiến nghị của Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam (công hàm số 3168220 ngày 16/6/2018) và đơn thỉnh nguyện của văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh đối với việc bảo tồn Dinh Thượng Thơ.

Sau đó, ngày 30/7/2018 ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh có Văn bản số 3427/UBND-DA chỉ đạo khẩn Sở Quy hoạch Kiến trúc về ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan đến phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND và nội dung bảo tồn kiến trúc tại địa điểm số 59 - 61 Lý Tự Trọng.

Tại văn bản này, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì thực hiện tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để xem xét sự cần thiết và phương pháp bảo tồn công trình tại địa điểm 59 - 61 Lý Tự Trọng.

Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Quy hoạch Kiến trúc khảo sát, đánh giá phân loại, bổ sung công trình vào danh mục các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị theo “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” ban hành theo Quyết định số 2751/QĐ- UBND ngày 29/5/2013; phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích TP Hồ Chí Minh khảo sát, thu thập tài liệu hình ảnh, đánh giá phân loại, từ đó đề xuất giải pháp quản lý chặt chẽ đối với công trình.

Mặt khác, theo Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 04/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì Khu Trung tâm hành chính được đưa ra Thủ Thiêm có diện tích rộng 18ha. Vậy tại sao UBND TP Hồ Chí Minh không tuân thủ theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ mà vẫn tiếp tục quy hoạch lại trụ sở cũ nên có ý muốn phá các công trình kiến trúc cổ? 


Dinh Thượng Thơ xưa – nay là trụ sở Sở Thông tin Truyền thông tại số 59 Lý Tự Trọng, quận 1, TP Hồ Chí Minh. 

Bảo tồn để phát triển

PGS. TS Nguyễn Minh Hoà - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố nào cũng phải phát triển, rộng lớn hơn, hiện đại hơn, do vậy nhiều công trình xưa cũ có thể phải phá bỏ, cải tạo, thay thế, nhưng cái vượt lên trên tất cả là thái độ với lịch sử.

Một khi biết trân trọng, nâng niu thì sẽ tìm ra những giải pháp hợp lý nhất, ít tổn thất nhất không chỉ về cảnh quan, mà hơn hết là tình cảm của những người yêu thành phố này.

Do vậy, chúng ta nên nghiên cứu kỹ giữ lại toà nhà Thượng Thơ bằng cách chấp nhận phương án thiết kế của Nhật Bản. Phương án này thoả mãn được mọi phương diện và mọi chủ thể xã hội, cho dù hơi mạo hiểm do phải di chuyển vị trí toà nhà Thượng Thơ và tốn kém. 

Cùng quan điểm này, KTS Ngô Viết Nam Sơn lại cho rằng: Nếu như việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn của TP Hồ Chí Minh là lý do chính để cấp phép phá bỏ tòa nhà lịch sử này, thì có lẽ cách quản lý di sản hiện nay của chúng ta, không riêng tại TP Hồ Chí Minh mà ở quy mô cả nước, đang có vấn đề khá nghiêm trọng. Bởi hiện nay, nhiều công trình lịch sử có giá trị khác của Sài Gòn 300 năm đều không có tên trong danh sách này. Và đó có thể cũng sẽ là lý do “hợp pháp” tương tự để phá bỏ các công trình này bất kỳ lúc nào, khi cần xây nhà cao tầng “để phát triển”.

Do đó, để bảo tồn thì ông Sơn đề xuất xếp hạng Dinh Thượng Thơ là công trình di sản cần được bảo vệ, thuộc thể loại “cải tạo di sản” trong đó đảm bảo giữ lại một phần (không gian quy hoạch kiến trúc, kiến trúc mặt tiền, các khu nội thất quan trọng, kết cấu tiêu biểu, một số các chi tiết tiêu biểu...), nhưng vẫn cho phép cải tạo mở rộng có điều kiện (thay thế các hạ tầng thiết bị nội thất không còn sử dụng được hoặc không mang tính đặc trưng, mở rộng với kiến trúc và nội thất có phong cách tương hợp...); Áp dụng giải pháp tương tự cho các công trình trong khu vực lân cận Dinh Thượng Thơ, để tạo nên một tổng thể bảo tồn và phát triển hoàn chỉnh; Lập dự án quy hoạch bảo tồn và phát triển cho trục phố đi bộ lịch sử Đồng Khởi. Trong đó, bao gồm các hướng dẫn cụ thể cho việc bảo tồn hoặc cải tạo các công trình đã và chưa được xếp hạng trên tuyến đường như: Nhà thờ Đức Bà, bưu điện, trụ sở UBND thành phố, Dinh Thượng Thơ, khách sạn Continental, nhà hát thành phố, khách sạn Grand, khách sạn Majestic...

Kèm theo hướng dẫn cụ thể cho việc cải tạo và phát triển các công trình mới khác trên tuyến để đảm bảo cái mới và cái cũ hài hòa với nhau theo một thể thống nhất.

TS Võ Kim Cương - Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh lại đưa ra 5 lý do không nên phá bỏ công trình Dinh Thượng Thơ, bởi theo ông: Đây là một tòa nhà có giá trị kiến trúc thẩm mỹ, tồn tại lâu năm, qua nhiều giai đoạn lịch sử, là chứng tích của các quá trình lịch sử thành phố.

Hơn nữa, nó thuộc sở hữu công, rất thuận lợi cho việc bảo tồn. Ngoài Dinh Thương Thơ, trụ sở Bộ Quốc phòng ngụy quyền Sài Gòn (Sở Giao thông Vận tải ngày nay) cũng có giá trị lịch sử và kiến trúc nhất định của thời kỳ Mỹ Ngụy và chiến tranh Việt Nam.

“Theo Dự án trụ sở UBND thành phố mới, cả hai công trình đều bị đập bỏ, khi đã đập đi sẽ không bao giờ có lại”, TS Cương boăn khoăn.

Cao Cường 

(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo