Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Phản biện Bài học quy hoạch cho TPHCM nhìn từ câu chuyện của Paris

Bài học quy hoạch cho TPHCM nhìn từ câu chuyện của Paris

Viết email In

Quy hoạch TP HCM đang đứng trước áp lực lớn về giao thông, nhận diện bản sắc, biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề, chuyên gia Pháp cho rằng cần có ý chí chính trị mạnh mẽ và huy động trí tuệ tập thể. 

Chia sẻ tại hội thảo về quy hoạch đô thị TP HCM, ông Michel Fanni, Giám đốc Quy hoạch Kiến trúc, Giám đốc Phát triển và Cải tiến đô thị cho đô thị mới Marne la Vallee (Pháp) khẳng định xây dựng chiến lược phát triển đô thị bền vững phải dựa trên một ý chí chính trị mạnh mẽ, tổ chức không gian thích ứng và chính sách quản trị linh hoạt.  


Ông Michel Fanni chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị của Pháp tại hội thảo.
 

Ông Fanni lấy ví dụ tại Paris vào năm 1965. Cũng như TP HCM ngày nay, Paris phát triển đô thị tự phát với nhà ở tại vùng ngoại ô và hoạt động kinh tế ở trung tâm. Điều này gây ra hệ lụy là khi dân số tăng mạnh thì bị rối loạn chức năng chính và tắc nghẽn đô thị (luồng di chuyển hàng ngày từ nơi ở - ngoại ô tới nơi làm việc - trung tâm). 

Khi đó, tổng thống Pháp đã có quyết định mang tính chính trị mạnh mẽ, kết hợp giữa ban ngành cùng xây dựng 5 thành phố mới quanh Paris, thành lập hệ thống quản trị cụ thể, riêng biệt, xây dựng các tổ chức công ty để quản lý sự phát triển. Từ đó, có bao nhiêu lao động thì tạo ra bấy nhiêu công việc tại các thành phố mới để không dẫn đến sự dịch chuyển từ ngoại ô vào trung tâm để làm việc. 

Đồng thời, Paris cũng phát triển đan cài giao thông công cộng hướng tâm, đô thị hóa xung quanh các nhà ga tàu hỏa, tạo ra các phân đoạn không gian xanh. Bước tiếp theo là tạo ra các khu vực để thu hút đầu tư quốc tế như việc hình thành Disneyland tại Marne la Vallée. Disneyland thực sự là việc hợp tác cùng thắng giữa đối tác và Pháp khi thu hút hơn 320 triệu lượt khách tham quan từ năm 1992, trong đó 56% là khách nước ngoài; đóng góp 68 tỷ euro cho nền kinh tế Pháp trong 25 năm; tạo ra gần 56.000 công việc mỗi năm từ khi thành lập…

Từ những gì đã diễn ra ở Pháp, ông Fanni đưa ra một vài đề xuất cho quy hoạch chung TP HCM gồm huy động một trí tuệ tập thể, nâng cao hình ảnh thương hiệu TP HCM, phải có tham vọng về một siêu đô thị bền vững giải quyết vấn đề tắc nghẽn lưu thông, đối diện nguy cơ ngập nước và chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng tình với chuyên gia đến từ Pháp, ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cho rằng có hai vấn đề gây ra khó khăn và tắc nghẽn trong định hướng quy hoạch thành phố hiện nay.

Thứ nhất, sự tham gia của các bên trong quá trình quy hoạch, tức là phải có trí tuệ tập thể, có sự tham gia nhiều hơn của các bên, tăng cường công khai, minh bạch người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, quy hoạch không chỉ đến từ cơ quan quản lý Nhà nước mà đến từ doanh nghiệp, người dân...


Phát triển đô thị TP HCM được cho là có nhiều thách thức. (Ảnh minh hoạ: Ashui.com) 

Thứ hai, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quy hoạch đô thị. Ông Tùng cho biết cách đây khoảng 2 tuần, UBND thành phố đã ban hành quy hoạch đô thị thông minh, trong đó vấn đề được quan tâm là sử dụng big data, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng như thế nào trong lập quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Hiện nay, hầu hết tập đoàn công nghệ lớn đều đã có dữ liệu lớn về quy hoạch đô thị mà có thể tận dụng được. Còn nếu thực hiện theo cách thức cũ sẽ rất mất thời gian, không có được thông tin chính xác và tính dự báo không đi sát với phát triển thành phố. 

Nhiều thách thức trong quy hoạch đô thị TP HCM

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM), cho hay cấu trúc đô thị TP HCM lan tỏa từ trung tâm hiện hữu, đô thị mở rộng dàn trải từ trung tâm với mô hình nhà ở riêng lẻ chủ yếu, sử dụng đất chưa hiệu quả. Từ đó gây ra áp lực lớn về giao thông trên toàn thành phố.

Qua nhiều năm hình thành, phát triển, TP HCM đã mang trong mình nhiều phongcách kiến trúc, cảnh quan và dung nạp những con người khác nhau. Do vậy, việc phát triển đô thị phải nhận diện bản sắc riêng, tính chất văn hóa của người dân thành phố.

Mặt khác, những vấn đề như ngập lụt, môi trường tạo nên thách thức lớn cho quy hoạch thành phố. Dưới tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì khoảng 17,8% diện tích TP HCM (và 38,9% diện tích đồng bằng Sông Cửu Long) có nguy cơ ngập nếu mực nước biển dâng 100 cm. 

Tường Như 

(Người đồng hành) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo