Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Phản biện Khu công nghiệp sinh thái: còn chờ lâu!

Khu công nghiệp sinh thái: còn chờ lâu!

Viết email In

Việc xây dựng mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam đã ghi nhận một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước.


Việt Nam vẫn chưa có một khu công nghiệp sinh thái nào đúng nghĩa.
(Ảnh: Quốc Hùng)

Chưa có KCN sinh thái đúng nghĩa

Trong hội nghị chuyên gia quốc tế lần thứ hai về “KCN sinh thái ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và rào cản phát triển” diễn ra mới đây tại TPHCM, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho biết cả nước có 326 KCN, khu chế xuất (KCX) nhưng hầu hết là theo mô hình KCN truyền thống, chỉ một số ít gần đây theo mô hình KCN kết hợp đô thị, và chưa có một KCN sinh thái nào đúng nghĩa. Hoạt động tại các KCN đang gây ra những thách thức đối với môi trường và sức khỏe con người. Trong đó, khoảng 13% các KCN đang hoạt động chưa có nhà máy xử lý nước thải, 20% chất thải công nghiệp là chất thải nguy hại; phần lớn sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên, phát thải bẩn và gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống.

Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng mô hình KCN sinh thái nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hơn. Ở Việt Nam, thực tế trong gần bốn năm qua, mô hình KCN sinh thái đã được triển khai thí điểm tại ba KCN ở Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Theo đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia đối với nhóm tám doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), các công ty được chọn thí điểm đã tiết kiệm được 5-10% năng lượng (điện), tiết kiệm 3-5% lượng nước sử dụng, giảm thải CO2: 510,1 tấn/năm; COD: 95 kg/năm(1); Teq PCDD/F: 51,1 µg/năm(2).

Một cách tổng thể hơn, ông Vũ Quốc Huy, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ KH&ĐT), Phó giám đốc dự án KCN sinh thái, cho biết ghi nhận ban đầu với 72 doanh nghiệp tham gia chương trình ở ba KCN thí điểm đã áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) là mức tiết kiệm điện nước, nguyên vật liệu hàng năm tương ứng 75 tỉ đồng thông qua cắt giảm khoảng 17,8 triệu kWh điện, 429.000 mét khối nước và một lượng đáng kể nguyên liệu, nhiên liệu. Đáng chú ý, lợi ích môi trường từ chương trình này là mỗi năm giảm được 24,89 tấn CO2; 4 tấn hóa chất, 3.335 tấn rác thải rắn và 429.000 mét khối nước thải...

Ông Trần Duy Đông cho rằng hoạt động thí điểm đã góp phần nâng cao nhận thức về KCN sinh thái trong doanh nghiệp, thúc đẩy họ đổi mới công nghệ, ứng dụng RECP. Ông cho biết khả năng sắp tới đây, Bộ KH&ĐT sẽ nhân rộng mô hình thí điểm này trên toàn quốc.

Hướng sản xuất bền vững

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng KCN sinh thái là một mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, đầu thải ra của một cá thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho một cá thể khác trong nền kinh tế. Như vậy, dòng nguyên liệu sẽ được tận dụng tối đa để tạo ra sản phẩm và hạn chế tối thiểu nguồn thải bỏ.

Theo ông Trần Duy Đông, trong xây dựng KCN sinh thái, các nước trên thế giới nhìn nhận hệ thống KCN không phải bao gồm các thực thể riêng rẽ mà là một tổng thể các thành phần liên quan, giống như một hệ sinh thái. Đây là một trong những hướng sản xuất bền vững của từng quốc gia, từng KCN, từng doanh nghiệp thông qua giải quyết tốt vấn đề khan hiếm tài nguyên, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông Lê Hoàng Đức, Phó giám đốc ban Quản lý khu công nghệ và KCN Đà Nẵng, một trong ba địa phương thí điểm mô hình KCN sinh thái, cho rằng quá trình triển khai thí điểm vừa qua đã tạo được sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức của doanh nghiệp về RECP. Còn theo ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban Quản lý các KCX và KCN TPHCM, việc xây dựng mô hình KCN sinh thái là cần thiết cho mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của TPHCM, mang đến những lợi ích phát triển bền vững cho đất nước, cho doanh nghiệp và người lao động.

Theo ông Đông, một tín hiệu tích cực là các nội dung về KCN sinh thái và cộng sinh công nghiệp đã được thể chế hóa trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về KCN và khu kinh tế, giúp việc triển khai được thuận lợi hơn. Tại hội nghị, các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã có thể chế, chính sách về phát triển KCN sinh thái, trong đó nêu rõ khái niệm, tiêu chí KCN sinh thái và phân công trách nhiệm các bộ, ngành trong việc hướng dẫn triển khai loại hình KCN này.

Thách thức chuyển đổi

Theo Nghị định 82, một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được như có ít nhất 25% diện tích là cây xanh, giao thông; hạ tầng dịch vụ được dùng chung; tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về RECP; tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp...

Nhiều ý kiến dành sự quan tâm đối với tiêu chí cộng sinh công nghiệp. Đó là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KCN để tận dụng tài nguyên, tối ưu hóa việc sử dụng, tái sử dụng các yếu tố đầu ra, đầu vào như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu... Thông qua sự hợp tác này, các doanh nghiệp hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố sản xuất, sử dụng chung hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng việc chuyển đổi một KCN truyền thống thành KCN sinh thái có liên kết cộng sinh sẽ gặp không ít thách thức. Ngay cả việc định nghĩa thế nào là chất thải còn chưa nhất quán. Mặt khác, thực tế hoạt động quản lý chất thải tại Việt Nam cũng chưa phù hợp nhu cầu tái sử dụng. Chưa kể một số chất thải nguy hại có thể tái sử dụng nhưng không được xử lý tại chỗ mà phải vận chuyển đến một nơi phù hợp và phải có giấy phép.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng dùng chung tại các KCN hiện nay mới chỉ đạt mức cơ bản về điện, nước và xử lý nước thải. Để có thể kết nối dòng nguyên liệu giữa các doanh nghiệp thì cần phải đầu tư lại, hoặc nâng cấp toàn bộ hạ tầng, đường dẫn... Việc này đòi hỏi số vốn đầu tư không nhỏ.

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN cũng thiếu sự tương thích so với yêu cầu liên kết cộng sinh. Chẳng hạn, khả năng cung ứng của doanh nghiệp này không tương thích với nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp kia; hay có sự khác biệt về trình độ công nghệ, quy mô...

Một số doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN cho rằng cần có nhiều thời gian mới có thể đáp ứng những tiêu chí một KCN sinh thái. Đơn cử việc điều chỉnh quy hoạch KCN để có được 25% diện tích cho cây xanh, giao thông phải mất hàng năm, thậm chí cả chục năm. Hay việc vay vốn để chuyển đổi công nghệ, đào tạo nhân sự cho công nghệ mới cũng không thể trong ngắn hạn. Ngoài ra, những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KCN sinh thái có liên quan đến nhiều bộ, ngành nên rất cần sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các bộ ngành với nhau.

Ý kiến của đại diện một số cơ quan quản lý thừa nhận việc chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian, bởi cần có những bước thay đổi, từ nhận thức đến hành vi. Để thực hiện tốt các yêu cầu của Nghị định 82 thì cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn doanh nghiệp cũng như các tổ chức liên quan triển khai có hiệu quả mô hình này.

(1) Chỉ số COD được sử dụng để đo gián tiếp khối lượng các hợp chất hữu cơ có trong nước.
(2) PCDD/F là phụ phẩm có độc tính cao hình thành từ các quá trình sản xuất hóa chất, sản xuất công nghiệp và thiêu đốt chất thải.

Quốc Hùng

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo