Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Kiến trúc Kiến trúc nhà hành chính trong sự biến đổi không gian đô thị Hà Nội thời Pháp thuộc

Kiến trúc nhà hành chính trong sự biến đổi không gian đô thị Hà Nội thời Pháp thuộc

Viết email In

Sau khi áp đặt sự thống trị trên toàn lãnh thổ Đông Dương, người Pháp nhận thấy vị trí đắc địa của Hà Nội trên lãnh thổ này nên ngay từ thế kỷ 19 họ đã có ý đồ biến nơi đây thành thủ phủ Đông Dương thuộc Pháp.

Ý đồ này đã được toàn quyền Paul Bert khởi xướng và bắt đầu thực hiện từ năm 1884 với bản quy hoạch khu trung tâm hành chính của Hà Nội do Montalember thiết kế. Ý tưởng cơ bản của quy hoạch này là tạo ra một khu vực hành chính tập trung trên cơ sở các toà nhà bao lấy một trục không gian xanh đặt vuông góc với hồ Hoàn Kiếm (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ).


Dinh toàn quyền (Hôtel du Gouvervement Général) do kiến trúc sư C-G Lichtenfelder thiết kế năm 1900

Năm công trình kiến trúc ở đây bao gồm toà Đốc lý và Kho bạc ở phía Bắc, Bưu điện và Dinh Thống sứ ở phía Nam, cuối cùng là trụ sở ngân hàng Đông Dương kết thúc trục không gian xanh về phía Đông. Các công trình này được thiết kế dưới sự chỉ đạo của kỹ sư Getten, trưởng phòng Công chính nên có hình thức theo phong cách Tiền thực dân, mặt bằng hình chữ nhật có hành lang bao quanh, chi tiết trang trí đơn giản. Tuy nhiên các công trình kiến trúc này kết hợp với không gian cây xanh của vườn hoa lúc bấy giờ mang tên Paul Bert và tạo thành một tổng thể trung tâm hành chính đẹp và hài hoà với khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Giai đoạn thứ hai từ năm 1900 đến năm 1920 cho thấy sự thay đổi rõ trong quan niệm xây dựng các công trình hành chính của người Pháp ở Hà Nôi. Các toà nhà hành chính không còn được xây dựng tập trung thành một khu vực như giai đoạn đầu mà được xây dựng một cách đơn lẻ tạo ra các điểm nhấn đô thị, thậm chí tạo ra các điểm mốc về mặt địa lý của thành phố.


Dinh Thống sứ Bắc kỳ (Hôtel de la Résidence Supérieure) do kiến trúc sư A. Bussy thiết kế lần đầu năm 1909

Một loạt công trình hành chính lớn xây dựng trong giai đoạn này như Dinh toàn quyền, phủ Thống sứ và dinh Thống sứ, Toà án, Sở cảnh sát, Sở Thương chính và độc quyền Đông Dương đều là những công trình đồ sộ, được xây dựng ở những vị trí có khả năng tạo điểm nhấn cho khu vực.
Các kiến trúc sư thiết kế những công trình này đều là những người theo học phái Beaux Arts, một học phái rất nổi tiếng ở Pháp theo truyền thống Đế chế, mong muốn xây dựng những công trình công cộng uy nghi, hoành tráng, đề cao tính hình tượng của các công trình kiến trúc. Chính vì thế toàn bộ các toà nhà hành chính ở Hà Nội xây dựng trong giai đoạn này đều mang phong cách Tân cổ điển, một phong cách mong muốn khôi phục những giá trị kiến trúc cổ điển Hy Lạp – La Mã và coi đây là đỉnh điểm của ngôn ngữ hình tượng.


Trụ sở Toà án (ảnh chụp đầu thế kỷ 20) 

Hình khối kiến trúc của những toà nhà này đều được sử lý theo kiểu đối xứng qua trục trung tâm kết hợp với việc sử dụng tỷ xích lớn nhằm tạo ra những khối nhà uy nghi, hoành tráng. Các thức cột, các biểu tượng và trí tiết trang trí cổ điển được sử dụng rộng rãi càng làm tăng vẻ kỳ vĩ, tính oai vệ của công trình.

Về mặt đô thị học thì các công trình này đều nằm ở những vị trí có tính chi phối cả khu vực như phía trươc một quảng trường, một vườn hoa hay một giao lộ lớn. Một số công trình còn tạo ra những điểm mốc đánh dấu lãnh thổ thành phố như Dinh Toàn quyền ở phía Tây, Sở Thương chính và độc quyền Đông Dương ở phía Đông.


Bản vẽ mặt chính Sở Thương chính và độc quyền Đông Dương

Năm 1924, bản sơ đồ tổng thể quy hoạch Hà Nội do kiến trúc sư - quy hoạch gia E. Hébrard, chánh Sở Quy hoạch và kiến trúc Đông Dương soạn thảo được chính thức thông qua. Trên bản quy hoạch tổng thể này, lần đầu tiên khái niệm phân vùng đô thị được đưa ra trên cơ sở những chuẩn mực và nguyên tắc quy hoạch được soạn thảo theo tinh thần đạo luật Cornudet (Đạo luật về quy hoạch đô thị được thông qua năm 1919 ở Pháp).

Một trong những trọng tâm của bản quy hoạch năm 1924 là việc hình thành một trung tâm hành chính tập trung xung quanh khu vực quảng trường Puginier (quảng trường Ba Đình ngày nay) trên cơ sở Dinh Toàn quyền và một số công trình công cộng lớn đã hiện diện ở khu vực này.

Nhìn trên bản đồ quy hoạch của E. Hébrard ta thấy ông dự kiến cho xây dựng ở đây một loạt công trình hành chính lớn. Phủ Toàn quyền có quy mô đồ sộ nhìn thẳng ra quảng trường, phía trước quảng trường là trụ sở các cơ quan hành chính đầu não của toàn Đông Dương được bố trí đối xứng qua các trục đường dẫn tới quảng trường.


Trụ sở Bộ ngoại giao (trước đây là Sở Tài chính Đông Dương) 

Một năm sau (1925), công trình đầu tiên theo quy hoạch của E. Hébrard được khởi công do chính ông là người thiết kế kiến trúc - Sở Tài chính Đông Dương. Đây là một trong những toà nhà hành chính lớn được xây dựng phía trước quảng trường Puginier theo quy hoạch. Toà nhà có mặt bằng không gian hoàn toàn theo phong cách các toà nhà hành chính Pháp lúc bấy giờ, nhưng trong phương cách xử lý kiến trúc tác giả đã khéo léo đưa vào công trình những giải pháp, các thành phần và chi tiết kiến trúc bản địa  tạo ra một công trình hành chính mang phong cách kết hợp rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới và hài hoà với cảnh quan khu vực, một đại diện lớn của phong cách kiến trúc Đông Dương. Rất tiếc đây lại là công trình duy nhất được xây dựng theo quy hoạch của E. Hébrard cho khu vực trung tâm hành chính này.

Nhìn lại quá trình phát triển của các toà nhà hành chính trong không gian đô thị Hà Nội thời Pháp thuộc ta có thể chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn phát triển tập trung thành một trung tâm hành chính trước năm 1900 do các kỹ sư quân đội Pháp tiến hành. Tiếp đến là một giai đoạn phát triển theo dạng phân tán do các kiến trúc sư theo học phái Beaux Arts thiết kế từ năm 1900 đến năm 1920. Cuối cùng lại quay trở lại mô hình tập trung nhưng ở quy mô lớn hơn do các kiến trúc sư - quy hoạch gia phát triển. Trong quá trình này, tuy các khái niệm về mô hình đô thị đã có sự thay đổi lớn nhưng vị trí của các toà nhà hành chính luôn đóng vai trò quyết định không gian đô thị của một khu vực cũng như của toàn thành phố.

ThS.KTS Trần Quốc Bảo 
Giảng viên chính khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Đại học Xây dựng
Nhóm nghiên cứu kiến trúc Hà Nội (GRAH)

>> Kiến trúc công sở Hà Nội đương đại với "bóng ma" kiến trúc Pháp thuộc 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo