Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Kiến trúc Bảo tàng Kolumba (Cologne, CHLB Đức)

Bảo tàng Kolumba (Cologne, CHLB Đức)

Viết email In

Đập bỏ để rồi xây mới? Hay là phục chế để tái hiện lại đúng những hình ảnh vốn có của nó? Đó là câu hỏi mà giới quy hoạch kiến trúc vẫn thường đối diện trước những công trình có giá trị đã bị tàn phá nặng nề qua thời gian hoặc qua những biến cố lịch sử.


Phối cảnh tổng thể bảo tàng

Đối với nước Đức, số lượng những công trình kiến trúc, công trình tôn giáo bị tàn phá gần như hoàn toàn sau chiến tranh thế giới thứ hai thật không thể đếm nổi. Những ngày cuối tháng 10/2005 cả châu Âu chú ý tới thành phố miền Đông nước Đức, Dresden, với lễ khánh thành nhà thờ Frauen-Kirche sau quá trình phục chế kéo dài tới 11 năm. Còn tại thành phố Cologne ở phía tây, thì việc phục chế thực sự là không tưởng đối với một công trình chỉ còn là tàn tích kiến trúc nhiều lớp với 2.000 năm tuổi. Và cũng sau 11 năm thiết kế và xây dựng, bảo tàng Kolumba tại Cologne đã trở thành một công trình kiến trúc tiêu biểu cho sự kết hợp hoàn hảo của kế thừa và phát triển.


Các ô hở nhỏ từ sự pha ghép những viên gạch nung.

Trên nền đất của bảo tàng Kolumba ngày nay bao gồm: nền móng của một dinh thự từ thời La Mã; những mảnh tường và nền móng còn sót lại của nhà thờ St. Kolumba, được xây dựng từ năm 850 sau Công nguyên, mở rộng và biến đổi cấu trúc qua các thời kỳ Romanik thế kỷ 11 (Romanesque), Gothic, hậu Gothic; và một nhà nguyện “Madonna in the Ruins” được phục chế lại vào năm 1950.

Những dấu vết còn tồn tại cũng chính là tiền đề cho yêu cầu đối với thiết kế mới của bảo tàng Kolumba, “một bảo tàng sống”: bảo tồn dấu vết lịch sử, phản ánh các quá trình phát triển và là không gian trình diễn của nghệ thuật đương đại. Và một yêu cầu không thể thiếu: một công trình hài hoà trong cảnh quan trung tâm của thành phố Cologne, nơi rất đa dạng về hình thức kiến trúc.

  • Ảnh bên: Lá cây trong vườn thay đổi theo bốn mùa, phản chiếu ánh sáng vào không gian nội thất, tạo ra sự tương tác giữa công trình với thiên nhiên và thời gian.

Công trình mới này tiếp nhận và kế thừa cái cũ, không phủ nhận hay xoá bỏ bất kỳ dấu vết nào” – Kiến trúc sư người Thuỵ Sĩ Peter Zumthor đã nói về ý tưởng thiết kế của mình như vậy. Và ngay từ phía ngoài, chúng ta đã có thể thấy được ít nhiều điều này.

Bức tường bao mới của bảo tàng được “đặt” trực tiếp lên những mảng tường còn sót lại sau chiến tranh thế giới thứ hai của nhà thờ St. Kolumba, không lấn át mà hoà hợp. Giới hạn xây dựng của công trình mới cũng chính là những bức tường bao còn sót lại của nhà thờ St. Kolumba, bao trọn cả nhà nguyện “Madonna in the Ruins”. Mặt tiền của bảo tàng nổi bật là mảng đặc được tạo nên bởi tường đá Gothic cổ và mảng tường lớn xây gạch trần, một loại gạch nung được phát triển đặc biệt, chỉ dành riêng cho công trình này để phù hợp với bức tường đá cũ và cảnh quan bao quanh. Những viên gạch màu nâu nhạt, dạng mỏng không theo khuôn chuẩn thường thấy được xây trần so le. Với cách xếp so le ấy cùng với lớp vữa kết dính đồng màu khiến cho mảng tường đồ sộ như chạy dài hơn, khiêm nhường hơn, kéo tổng thể khối công trình như thấp xuống để bớt lấn át cảnh quan chung.

Những khối cao thấp khác nhau, mảng tường lớn không thẳng mà gãy đoạn, những ô hở nhỏ từ sự pha ghép những viên gạch nung, một vài ô kính lớn lấy sáng được sắp xếp không theo bất kỳ một trật tự nhất định nào… Tại sao vậy? Những đặc điểm phía ngoài đó gợi ra thật nhiều tò mò về chức năng, không gian và cảm xúc bên trong bảo tàng.

Công trình này được phát triển từ bản thân giá trị bên trong của nó và từ chính mảnh đất này” – KTS Peter Zumthor đã lý giải về ý đồ thiết kế trong lễ khánh thành bảo tàng.

Bước vào phía trong bảo tàng là cuộc trải nghiệm được dẫn dắt qua một chuỗi các không gian trưng bày. Ở mỗi không gian khác nhau lại là những cảm xúc khác nhau, được tạo nên bởi tỷ lệ không gian, bố cục trưng bày và sự dẫn dắt định hướng của ánh sáng nhân tạo cũng như ánh sáng tự nhiên. Những chi tiết kiến trúc tinh tế, chỉn chu đã biến bản thân công trình trở thành một tác phẩm nghệ thuật: khe xẻ nhỏ giữa tường và sàn giúp sự chuyển đổi vật liệu tường/sàn gọn hơn; tay nắm cầu thang bằng gỗ mỏng manh dẫn lối; cấp bậc giúp chuyển đổi không gian trưng bày…

 
Lối vào bảo tàng lùi sâu vào, khiêm tốn trong tổng thể khối công trình / Sảnh đệm tràn ngập ánh sáng từ vườn, tường ngăn nội thất sử dụng vật liệu gạch nung nhắc lại của ngoại thất.

Lối vào bảo tàng nhỏ, khiêm tốn so với tổng thể chung của công trình. Càng đi sâu vào bên trong, khái niệm không gian cho cuộc đối thoại của kiến trúc, lịch sử và nghệ thuật càng được hiểu rõ. Trước khi bước vào phòng “trưng bày” lớn nhất của bảo tàng ở tầng trệt, bạn sẽ đi qua một sảnh đệm tràn ngập ánh sáng. Từ đây mở lối ra khoảng vườn. Vườn này là nơi những khách thăm quan có thể ngồi đọc sách và cảm nhận sự tĩnh lặng ngay giữa trung tâm nhộn nhịp của thành phố Cologne. Màu sắc của cây cối được trồng trong vườn thay đổi rõ rệt trong bốn mùa, phản chiếu ánh sáng vào không gian nội thất, tạo ra sự tương tác giữa công trình với thiên nhiên và thời gian. Bước vào phòng “trưng bày” lớn nhất là một không gian hoàn toàn bất ngờ: cao, rộng, nguồn sáng tự nhiên chỉ còn là khe sáng lọt qua những ô hở nhỏ. Các tác phẩm ở bảo tàng Columba đều được thay đổi liên tục theo kỳ. Nhưng riêng tại phòng “trưng bày” này, mọi thứ là không đổi, bởi đó là nơi gìn giữ nền móng của những công trình kiến trúc đã tồn tại ở đây qua gần 2.000 năm. Phòng này có kết cấu từ 13 cột bêtông cốt thép cao 12m, được đặt trên những nền móng cũ. Bản trần phẳng không dầm nằm trực tiếp trên đây. Ánh sáng tự nhiên và không khí được “lọc” và “thổi” vào không gian bên trong thông qua những ô hở nhỏ, được sắp xếp không đều trên tường bao. Khách tham quan vẫn có thể nghe và cảm nhận được phần nhỏ chuyển động phía ngoài kia của thành phố, qua âm thanh và ánh sáng – một cuộc đối thoại giữa lịch sử và hiện tại – một cuộc chơi của ánh sáng.

  
Khác với các phòng trưng bày, vật liệu được sử dụng cho phòng đọc toàn bộ là gỗ, đồng nhất trần đến sàn và cửa. Nó cũng là yếu tố đánh dấu chức năng đặc biệt của phòng đọc trong không gian bảo tàng Kolumba.


Phòng trưng bày với vật liệu chủ đạo: đá của nền móng cổ và một phần nhà nguyện, gỗ - vật liệu xuyên suốt thời gian, bêtông trần và gạch nung - vật liệu hiện đại.


Phòng trưng bày lớn, nơi bảo tồn những vết tích kiến trúc đã tồn tại ở đây qua gần 2.000 năm

16 phòng trưng bày còn lại của bảo tàng khác nhau ở kích thước, tỷ lệ không gian và hình thức chiếu sáng. Qua đó đem lại những không gian trưng bày phù hợp cho các thể loại nghệ thuật khác nhau. Một số phòng được chiếu sáng hoàn toàn bằng ánh sáng tự nhiên và có những phòng chỉ sử dụng nguồn sáng nhân tạo. Tuy nhiên, điểm chung nhất ở mọi không gian trưng bày là vật liệu: tường, sàn, trần đều có chung một màu ghi nhạt của: bêtông, vữa trát chứa thành phần đất sét, vật liệu sàn Terrazzo. Không có bất kỳ một chi tiết thừa nào, một khung cửa hay một bóng đổ… ảnh hưởng đến hiệu quả trưng bày ở đây.


Phòng trưng bày được chiếu sáng chỉ bằng nguồn sáng tự nhiên với ô lấy sáng trên cao, ánh sáng được lọc và tán đều qua lớp kính mờ, tạo nguồn sáng lý tưởng, không gây bóng đổ lên tác phẩm trưng bày. Tiếp theo là phòng trưng bày kết hợp ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Nguồn sáng nhân tạo định nghĩa không gian. Khe sáng bậc giật cấp đánh dấu ranh giới không gian trưng bày. Cuối cùng là gian triển lãm với màn trình diễn của ánh sáng nhân tạo và tác phẩm.

Cũng từ phía trong của bảo tàng, chúng ta cũng sẽ tự lý giải được câu hỏi về bố cục và hình dáng của những ô cửa sổ lấy sáng trên mặt tiền. Những ô cửa lớn từ sàn đến trần, ngang tới tận tường ngăn, để không gian trong – ngoài chảy vào nhau và để ánh sáng tự nhiên có thể lùa sâu vào trong phòng, thay đổi theo từng thời điểm trong ngày.

Đơn giản nhưng tinh tế trong sử dụng vật liệu và ánh sáng – yếu tố đó đã trở thành đặc điểm nhận dạng các công trình của kiến trúc sư Peter Zumthor. Công trình không phô trương mà chỉ đóng vai trò là nền, ông muốn để “các tác phẩm tự thể hiện giá trị của nó”.



1- Sảnh đệm
2- Vườn
3- Phòng trưng bày bảo tồn nền móng kiến trúc cổ
4- Sân
5-8 & 10-21 - Phòng trưng bày đa năng
9- Phòng trưng bày hiện vật cổ
22- Phòng đọc

Bảo tàng Kolumba

Địa điểm: Kolumbastraße 4, 50667 Köln (Cologne), CHLB Đức
Kiến trúc sư Peter Zumthor (Thuỵ Sĩ)
Cuộc thi thiết kế 1996 – 1997
Thời gian xây dựng 2003 – 2007
Giải thưởng:
- Giải thưởng Kiến trúc Đức 2008 (Preis für Architektur in Deutschland 2008)
- Giải thưởng cho những công trình kiến trúc châu Âu tiêu biểu sử dụng vật liệu gạch nung (Brick Award 2008)
- Giải thưởng kiến trúc Cologner 2010 (Köner Architekturpreis 2010) 

KTS Lê Anh Đức - Đại học Khoa học ứng dụng và nghệ thuật Dortmund, CHLB Đức

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo