Nói tới chủ đề về nhà ống thì mặt cắt càng được quan tâm hơn nữa. Lý do đơn giản vì ngôi nhà đã bị hạn chế bởi hai bức tường bên. Xin giới thiệu giải pháp của các kiến trúc sư nước ngoài qua ba căn nhà ống tiêu biểu.
“Mặt bằng luôn chỉ rõ sự tổ chức logic của một công trình, còn mặt cắt sẽ biểu hiện cảm xúc của nó”. – Matthew Frederick
Đó là một trong những điều in trong cuốn sách “101 điều tôi đã học ở trường kiến trúc” của KTS Matthew Frederick, ông cũng là giảng viên của nhiều trường kiến trúc ở nước Anh. Cuốn sách được viết ra như một cuốn cẩm nang cho những người đang tìm hiểu điều này.
Trên Khu nhà tập thể “Cité Radieuse” (1947 – 1952), những căn hộ chỉ được thiết kế theo dạng hình ống có chiều rộng như nhau đã là hệ quả của cấu trúc mặt tiền.
Như chúng ta đã biết, khi nhìn vào mặt bằng, ta thấy được sự sắp xếp của những công năng, hệ giao thông đi lại cũng như sự bố trí đồ đạc của một ngôi nhà, nhưng chỉ ở mặt cắt ta mới cảm nhận được thực sự “không gian” của nó. Phạm trù “không gian” trong kiến trúc cũng mới chỉ được nói đến ở thế kỷ 20. Trước đó, các kiến trúc sư thường tập trung vào việc bố cục mặt bằng và đặc biệt tìm tòi những nét trang trí ở ngoài mặt tiền. Các kiến trúc sư hiện đại đầu thế kỷ 20 đã đưa ra một bài học quan trọng rằng, tính trang trí chỉ là sự “tô điểm” cho kiến trúc, chính không gian mới là cốt lõi của nó, cái sẽ là ngôn ngữ chung cho dù hình thái của kiến trúc có thay đổi như thế nào đi chăng nữa. Tất nhiên khi nói tới không gian là nói tới hệ trục đo ba chiều mà chiều đứng, cái thường không được để ý nhiều từ trước vì thường được lấy theo kinh nghiệm, nay đã được khai thác một cách triệt để. Đây cũng là chiều đo có mối liên hệ nhiều nhất tới những trạng thái của con người như đứng, ngồi hay nằm.
Mặt cắt những căn hộ trong khu nhà tập thể “Cité Radieuse”, sự sắp đặt quay đầu của hai căn hộ để tổng chiều cao ít nhất. Nhìn trên mặt bằng thì diện tích của những công năng có thể tương tự như nhau, nhưng trên mặt cắt những công năng nào quan trọng hơn sẽ có chiều cao lớn hơn. Ngay ở trong những căn hộ tập thể nhưng Le Corbusier vẫn luôn tìm kiếm những không gian “thông tầng”, một trong những yếu tố chỉ thường gặp ở nhà ở tư nhân.
Trong lịch sử kiến trúc, người thợ nề và kiến trúc sư luôn có mối quan hệ khăng khít bên nhau. Câu hỏi luôn được đặt ra là vai trò của ai ở chỗ nào và tại những thời điểm nào. Vì người thợ nề sau nhiều năm kinh nghiệm có thể hoàn toàn tự xây dựng được nhiều ngôi nhà mà khách hàng đề nghị. Nhưng người thợ nề dù có giỏi đến mấy cũng chỉ đưa ra được một mặt bằng hợp lý chứ không bao giờ thể hiện được cấu trúc của mặt cắt. Chỉ có người kiến trúc sư mới có đủ nhạy cảm để thông qua mặt cắt sáng tạo ra những cảm nhận khác nhau về không gian. Người kiến trúc sư giỏi trong khi thiết kế luôn tìm mối liên hệ tương đồng giữa mặt bằng và mặt cắt, còn người kiến trúc sư “amateur” chỉ vẽ mặt cắt đến từ hệ quả của mặt bằng được định vị từ trước.
- Ảnh bên: Hình vẽ mô tả sự tính toán những chỉ số của “Le Modulor”. 2,26m là số đo cho chiều cao trần nhà. Ngoài ra Le Corbusier còn đưa ra nhiều chỉ số khác có sự liên hệ tương ứng giữa các trạng thái của con người với những đồ vật sử dụng trong cuộc sống.
Đi tìm chiều cao của trần nhà đúng với tỷ lệ của mặt bằng là một công việc không đơn giản. Nó thường phụ thuộc vào tỷ lệ chiều cao của cơ thể con người, công năng cụ thể của mỗi hạng mục công trình cũng như điều kiện khí hậu từng vùng. Câu tục ngữ của nước ta “nhà cao cửa rộng” hoàn toàn đến từ sự ảnh hưởng của khí hậu. Đó là điều dễ hiểu, vì trong một căn phòng không khí nóng nhẹ nên bốc cao lên phía trần nhà. Nếu trần nhà được xây cao thì khí nóng sẽ tác động ít hơn tới cơ thể con người, cộng thêm với cửa mở rộng thông thoáng sẽ dễ dàng làm không khí được lưu thông. Điều đó được làm hoàn toàn ngược lại ở những nơi có khí hậu lạnh.
Sự nghiên cứu mặt cắt trong kiến trúc phải kể tới KTS Le Corbusier (1887 – 1965). Đó đã trở thành một định đề bất biến trong tư duy sáng tác của ông. Hầu hết trong tất cả các công trình mà ông thiết kế không những có sự tìm tòi kích thước của trục đo thứ ba này mà còn qua đó tạo ra các mối liên hệ trong không gian. Không hề ngẫu nhiên mà một trong năm điểm của kiến trúc hiện đại mà ông đề xuất ra là “mặt bằng tự do” cũng có mối liên quan chặt chẽ tới mặt cắt. Với ý tưởng “mặt bằng tự do”, tức là áp dụng hệ cột chịu lực trong công trình, để từ đó những bức tường chỉ đóng vai trò duy nhất là ngăn cách không gian chứ không còn chịu lực nữa. Chúng có thể được đặt tự do trên mặt bằng và bị loại bỏ khi cần thiết. Từ cách ứng dụng này đã dẫn tới “mặt cắt tự do”, vì lúc đó những bức tường cũng không nhất thiết phải xây cao đến tận trần nhà, chúng có chiều cao hoàn toàn tự do nên đã tạo cho các không gian được nối liền một cách liên tục.
Năm 1943, Le Corbusier sáng tác ra “Le Modulor” (Môđun vàng) được coi như kích thước vàng với mục đích tìm ra một kích thước chuẩn, cái sẽ tạo ra một sự hài hoà giữa cơ thể con người và không gian kiến trúc. Theo ông, kích thước này được sinh ra dựa trên sự quan sát thiên nhiên, sự nghiên cứu từ những tác phẩm nghệ thuật, cũng như chỉ số vàng của toán học đã được nghĩ ra từ thời cổ đại. Với chiều cao đỉnh đầu của con người 1,83m (chỉ số này cũng tương ứng với chiều cao trung bình của người châu Âu), khi cánh tay vươn thẳng tạo nên độ cao 2,26m sẽ là chiều cao của trần nhà. Ông cho rằng “Le Modulor” là số đo sẽ thay thế cho hệ đo mét (m) và được sử dụng cho những nhà thiết kế chứ không dành cho người thợ nề xây dựng công trình. Điều đó cũng chỉ chứng minh rằng “Le Modulor” là chỉ số cho mặt cắt luôn được ông tập trung tới.
Không gian thông tầng ở phòng khách trong khu nhà tập thể “Cité Radieuse” (ảnh chụp ở hai căn hộ khác nhau).
Nói tới kiến trúc không thể không nhắc tới bối cảnh xã hội. “Le Modulor” được ứng dụng lần đầu tiên cho khu nhà tập thể “Cité Radieuse” tại thành phố Marseille của Pháp. Công trình được coi như một thành phố thu nhỏ bao gồm những căn hộ và nhiều khu dịch vụ đặt tổng hợp bên trong. Nó được xây trong vòng năm năm (1947 – 1952) đúng vào thời điểm sau chiến tranh thế giới thứ hai, lúc nước Pháp đang cần rất nhiều chỗ ở cho người dân. Với chiều cao trần nhà chỉ có 2,26m đã mang tới được tính kinh tế trong xây dựng, rất phù hợp với thời điểm phải xây dựng hàng loạt.
Nhưng còn một khía cạnh khác về tư tưởng thiết kế của Le Corbusier đã thúc đẩy ông khai thác không gian theo mặt cắt, là ngay từ những ngôi biệt thự đầu tiên mà ông thiết kế đã có sự thay đổi không gian của các công năng theo chiều cao, mà ông hay gọi là không gian “thông tầng”. Trong nhà ở truyền thống châu Âu thì việc bố trí các công năng luôn theo một định luật “chính phụ”. Tức là công năng nào chính sẽ có vị trí quan trọng và đặc biệt mang diện tích lớn hơn. Le Corbusier vẫn luôn giữ tư tưởng này nhưng ông luôn tìm kiếm đến chiều cao nhiều hơn là diện tích. Nhìn trên mặt bằng thì diện tích của những công năng có thể tương tự như nhau, nhưng trên mặt cắt những công năng nào quan trọng hơn sẽ có chiều cao lớn hơn. Đó cũng là lý do tại sao chỉ số của “Le Modulor” rất hợp lý, vì độ cao 2,26m luôn được ông ứng dụng cho những công năng có chiều cao thấp.
Để nói tới chủ đề về nhà ống thì mặt cắt phải càng được quan tâm hơn nữa. Lý do đơn giản vì ngôi nhà đã bị hạn chế bởi hai bức tường bên. Không gian mặt bằng nhiều khi rất hẹp nên sự tổ chức mất rất nhiều tự do. Cấu trúc không gian lúc đó có hấp dẫn hay không chỉ trông chờ vào mặt cắt. Ba ngôi nhà ống giới thiệu sau đây có ba tính cách khác nhau, nhưng đều có chung một điểm là sự liên hệ không gian rất khăng khít giữa các tầng với nhau. Các kiến trúc sư tìm tòi và khai thác không gian bên trong luôn được rộng hơn, sáng hơn và mong muốn tạo ra những “tập tính” mới trong lối sống. Nhưng tất nhiên họ cũng không hề quên đi bối cảnh xung quanh tồn tại trước đó, nơi nhân chứng của lịch sử vẫn luôn trường tồn.
Căn hộ của Philippe và Frédérique, 2005, Montrouge, Pháp
(Văn phòng kiến trúc ECDM, Ảnh: Gaston Bergeret)
Mối liên hệ giữa khối và không gian (ảnh trái) / Phòng ngủ trở thành trọng tâm của đồ án. Nó như một khối lập phương treo giữa phòng khách và phòng ăn, để lại hệ giao thông đi lại ở xung quanh (ảnh phải)
Đôi vợ chồng trẻ Philippe và Frédérique mua lại xưởng vẽ 50m2 của một hoạ sĩ và mong muốn biến nó thành tổ ấm của mình. Cấu trúc không gian của xưởng vẽ được chia làm hai phần có chiều cao khác nhau. Phần phía mặt tiền có trần nhà cao nên trước kia là không gian sáng tác của hoạ sĩ, phần phía sau thấp hơn dành cho các khu chức năng phụ. Không có gì khó khăn cho việc bố trí mặt bằng của căn hộ mới, không gian lớn dành cho phòng khách, để lại không gian nhỏ cho phòng ăn, bếp cũng như phòng tắm. Nhưng điều khó xử ở đây là phòng ngủ, một không gian mới phải tạo thêm ra, sẽ được đặt ở đâu và có cấu tạo như thế nào để không làm mất đi tính xuyên suốt và độ giật cấp mang tính cách rất riêng của không gian trước đây.
Phòng ngủ trở thành trọng tâm của đồ án. Nó như một khối lập phương treo giữa phòng khách và phòng ăn, để lại hệ giao thông đi lại ở xung quanh. Nhìn trên mặt cắt ta mới thấy hết được điểm mạnh của cấu trúc không gian căn hộ. Không gian phòng ngủ tạo ra một độ giật cấp thứ hai, hoàn toàn mở và liên hệ trực tiếp với không gian phòng ăn. Ngược lại nó quay lưng phòng khách tạo ra sự ngăn cách, nhưng vì được treo cách sàn của phòng ăn 50cm nên nó không đánh mất đi sự xuyên suốt của các điểm nhìn trong không gian tổng thể. Sự “chính phụ” của các không gian hoàn toàn được bộc lộ bởi chiều cao của chúng.
Phòng ngủ được cấu tạo bởi một hệ khung thép gắn vào trần nhà, sau đó nó được bao bọc bởi các tấm thạch cao. Nó được dàn cảnh để coi như một đồ vật vừa có tính “hài hước”, vừa tạo ra một cảm giác rất bối rối không giống như những thói quen thường lệ. Nó có thể được sử dụng như một cái ghế băng hay trở thành một phòng khách thu nhỏ. Nói tóm lại nó như một đồ vật mang nhiều chức năng. Đây là một phạm trù đáng phải lưu tâm khi thiết kế, một công năng riêng có nhất thiết phải mang tính cách như thường lệ hay không? Câu nói nổi tiếng của Le Corbusier “kiến trúc có thể thay đổi tập tính quen thuộc của con người” đã là câu trả lời và cũng là công việc mà người kiến trúc sư luôn phải tìm kiếm.
Vì được treo cách sàn của phòng ăn 50cm cho nên phòng ngủ đã không đánh mất đi sự xuyên suốt của các điểm nhìn trong không gian tổng thể
Hình vẽ 3D mô phỏng cấu trúc không gian căn hộ.
Phòng ngủ được dàn cảnh như một đồ vật vừa có tính “hài hước”, vừa tạo ra một cảm giác rất bối rối không giống như những thói quen thường lệ. Nó có thể được sử dụng như một cái ghế băng hay trở thành một phòng khách thu nhỏ
Sách được thiết kế như thước đo chiều dài không gian phòng khách
Mối liên hệ của các không gian trên mặt cắt, sự “chính phụ” của các không gian hoàn toàn được bộc lộ bởi chiều cao của chúng
Ngôi nhà của Crepain và Spaens, 2009, Antwerp, Bỉ
(Văn phòng kiến trúc CSD Architecten, Ảnh: Luc Roymans, Tom Peeters, FIKST)
Ngôi nhà của đôi vợ chồng kiến trúc sư Crepain và Spaens có chiều rộng 4m và chiều dài 12,5m. Nó nằm trong một da4y phố nhà ống tại trung tâm thành phố Antwerp của nước Bỉ. Ngôi nhà không chiếm hết thửa đất mà để lại 2,5m làm sân ở phía sau. Vì diện tích nhỏ nên ý tưởng chính của đồ án là làm sao mang lại được nhiều ánh sáng tự nhiên, phải tạo được các không gian thông thoáng, cũng như tìm được mối liên hệ nhiều nhất giữa các không gian này.
Để đáp ứng cho những yêu cầu như vậy thì việc nghiên cứu mặt cắt sẽ đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Cũng như căn hộ của Philippe và Frédérique về ý tưởng liên hệ không gian theo chiều đứng, nhưng cách sử dụng các phần tử kiến trúc của hai công trình hoàn toàn khác nhau. Căn hộ của Philippe và Frédérique có cấu trúc không gian từ sự tổ hợp của các khối, còn ngôi nhà của Crepain và Spaens được cấu tạo bởi những bản sàn đặt lệch nhau mà chúng ta thường gọi là lệch tầng. Nhờ sự đặt lệch này mà ánh sáng có thể chiếu sâu vào trong nhà từ mặt tiền.
Nhờ sự đặt lệch của các bản sàn mà ánh sáng có thể chiếu sâu vào trong nhà từ mặt tiền.
Để có thêm ánh sáng thì một giếng trời mở rất rộng thông suốt tất cả các tầng. Giếng trời vừa chia ngôi nhà làm hai phần nhưng lại nối các bản sàn lại với nhau bởi hệ cầu thang được đặt ở đây. Ngôi nhà không có tường ngăn, chỉ có không gian nào cần kín đáo thì được bao che bởi hệ tủ tường do chính các kiến trúc sư thiết kế. Sự xuyên suốt trong không gian theo chiều dọc cũng như chiều đứng đã làm mất đi cảm giác chật hẹp của ngôi nhà.
Sự sắp xếp các bản sàn lặp đi lặp lại một cách đều đặn đã tạo ra cho cấu trúc không gian một cách rõ ràng. Tính tối giản này được nhấn thêm bởi việc sử dụng vật liệu ít nhất cho ngôi nhà. Hai vật liệu duy nhất được sử dụng, bêtông cho kết cấu còn gỗ dành cho đồ nội thất. Sự tối giản trong lối sống đã làm cho ngôi nhà thông thoáng hơn.
Việc xử lý mặt tiền cũng rất khôn khéo, ngôi nhà có hình thái hoàn toàn hiện đại so với những nhà xung quanh, nhưng những nét nhấn của bản sàn được lấy tương tự bằng chiều cao của chân cửa sổ các nhà bên cạnh nên vẫn tìm được nét hoa đồng cùng khu vực.
Ngôi nhà có hình thái hoàn toàn hiện đại so với những nhà xung quanh, nhưng những nét nhấn của bản sàn được lấy tương tự bằng chiều cao của chân cửa sổ các nhà bên cạnh nên vẫn tìm được nét hoà đồng cùng khu vực (ảnh trái) / Mặt sau ngôi nhà, ảnh chụp từ khoảng sân phía sau (ảnh phải).
Giếng trời vừa chia ngôi nhà làm hai phần nhưng lại nối các bản sàn lại với nhau bởi hệ cầu thang được đặt ở đây
Hai vật liệu duy nhất được sử dụng, bêtông cho kết cấu, còn gỗ dành cho đồ nội thất. Sự tối giản trong lối sống đã làm cho ngôi nhà thông thoáng hơn
Sân thượng cũng được tính trong hệ bản sàn tổng thể của ngôi nhà / Ngôi nhà không có tường ngăn, chỉ có không gian nào cần kín đáo thì được bao che bởi hệ tủ tường do chính các kiến trúc sư thiết kế
Mặt cắt chỉ rõ cấu trúc không gian của ngôi nhà. Tầng 5: Phòng khách, Tầng 4: Bếp + Phòng ăn – Thư viện, Tầng 3: Văn phòng làm việc, Tầng 2: Phòng ngủ, Tầng 1: Sảnh vào nhà + Garage – Phòng giặt
Ngôi nhà Juranda, 2008, Sao Paulo, Brasil
(Văn phòng kiến trúc Apiacas Arquitetos, Ảnh: Pregnolato&Kusuki Estudio Fotografico)
Ngôi nhà Juranda nằm trong một thửa đất rộng 6m và dài 24m, nhưng nó chỉ được xây với tổng diện tích ba tầng khoảng 150m2. Nằm trong một khu vực có độ dốc lớn mà từ đầu nọ tới đầu kia của thửa đất chênh nhau tới 3,5m. Đây cũng là tiền đề để cấu trúc không gian của ngôi nhà được thiết kế giật cấp ở nhiều độ cao khác nhau. Tất nhiên sự nghiên cứu các mối liên hệ của không gian trên mặt cắt là không thể tránh khỏi.
Không gian thư giãn được đặt ở trung tâm và có chiều cao thông suốt ba tầng, nó như một khớp nối hoà đồng các không gian trong nhà lại với nhau
Các chức năng trong ngôi nhà hoặc mở thông hoặc khép kín, được định hình bởi không gian của chúng từ các phần tử kiến trúc như các bản sàn và các khối đứng biệt lập. Đây là hai kiểu phần tử kiến trúc đã được nhắc tới từ hai ngôi nhà kể trên. Một không gian thư giãn được đặt ở trung tâm và có chiều cao thông suốt ba tầng. Đây là không gian trụ cột của ngôi nhà, nó như một khớp nối hoà đồng các không gian trong nhà lại với nhau. Sự dàn cảnh của lò sưởi được đặt ở nơi đây là biểu tượng minh chứng cho định nghĩa của một ngôi nhà đã có từ thời nguyên thuỷ, con người sống quây quần xung quanh bếp lửa.
Ngôi nhà tìm sự xuyên suốt tối đa từ trong ra ngoài. Ngay cả các khối chức năng cũng không xây cao đến trần để tăng thêm hiệu ứng. Cộng thêm vào đó là mặt tiền được cấu tạo một cách đơn giản để không là vật trở ngại cho mối liên hệ trong ngoài này.
- Ảnh bên: Mặt tiền được cấu tạo một cách đơn giản để không là vật trở ngại cho mối liên hệ giữa trong và ngoài
Điều thành công nhất của ngôi nhà là âm hưởng trong không gian, một âm hưởng nhẹ nhàng thanh thoát nhưng cũng rất gần gũi và ấm cúng. Ngôi nhà mới được xây chưa đầy ba năm, nhưng ta có cảm giác như nó đã tồn tại từ rất lâu nơi đây. Không dễ dàng gì nhận ra ngay những yếu tố cấu thành nên âm hưởng đó. Có thể là sự hài hoà về màu sắc và vật liệu, có thể là đồ vật trong nhà đã tìm được đúng vị trí của nó, hay cũng có thể là mối liên hệ đặc biệt giữa những không gian và sự thành công về tỷ lệ của chúng. Nhưng có lẽ chỉ đơn thuần là linh hồn của ngôi nhà đã hoà nhịp cùng với tinh thần của những con người đang sống ở đây.
Cầu thang không chỉ là hệ giao thông theo chiều đứng mà còn là phần tử nối liền các bản sàn lại với nhau. Nó được làm bằng những tấm gỗ mỏng để tránh không làm mất đi độ xuyên suốt của không gian
Không gian làm việc kết hợp với chiếu nghỉ cầu thang, nó hoàn toàn mở rộng ra không gian giữa nhà
Cấu trúc không gian của ngôi nhà được thiết kế giật cấp ở nhiều độ cao khác nhau.
Với cách sử dụng màu sắc, vật liệu cũng như cấu trúc khối, ngôi nhà tuy rất hiện đại nhưng vẫn hoà đồng cùng khu vực
Sự xuyên suốt của ngôi nhà từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong
Mặt cắt chỉ rõ cấu trúc của không gian cả theo chiều dọc lẫn chiều cao của công trình. Ngôi nhà được tổ hợp bởi những không gian rất cân đối về tỷ lệ
(Theo Kiến trúc & Đời sống - 8/2011)
- Khu phức hợp Le Monolithe ở Lyon (Pháp)
- "Ngôi nhà sách" Querosene tại Sao Paulo - Brazil
- EDITT Tower - Kiến trúc sinh thái nhiệt đới
- “Kiến trúc xanh” ở Côn Đảo
- The Wave - Tòa nhà gợn sóng bên vịnh Vejle
- Nhà ga Saint Éxupéry - khi kiến trúc sư làm thơ
- Bảo tàng Kolumba (Cologne, CHLB Đức)
- Khu nhà ở xã hội với sắc màu sinh động ở Izola, Slovenia
- Kiến trúc ấn tượng của 10 cửa hàng thời trang danh tiếng
- Ngôi nhà - “mảnh vá” của đô thị