Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Kiến trúc Kiến trúc bệnh viện ở Hà Nội thời Pháp thuộc

Kiến trúc bệnh viện ở Hà Nội thời Pháp thuộc

Viết email In

Sau khi xâm chiếm Hà Nội và biến nơi đây thành thủ phủ Đông Dương, người Pháp đã cho tiến hành xây dựng một số bệnh viện ở đây nhằm phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh, trước tiên là của người Pháp, sau đó là dành cho người bản xứ. Bên cạnh đó cũng xuất hiện một số bệnh viện, phòng khám tư nhân dành cho tầng lớp giàu có người Việt.  

Các bệnh viện ở Hà Nội thời Pháp thuộc được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau, dành cho các đối tượng khác nhau, nên rất phong phú về quy mô, trang thiết bị. Có những bệnh viện quy mô rất lớn như bệnh viện Lanessan, bệnh viện René Robin, những bệnh viện quy mô vừa phải như bệnh viện Indigène du Protectorat, bệnh viện Saint Paul, các bệnh viện và phòng khám nhỏ của các bác sĩ tư. Ở Hà Nội còn có những bệnh viện được trang bị những thiết bị hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ như bệnh viện Radium. 

Về mặt hình thái kiến trúc của các bệnh viện ở Hà Nội thời Pháp thuộc cũng rất phong phú, từ những bệnh viện xây dựng thời kỳ đầu mang phong cách kiến trúc Tiền thực dân đơn giản cho đến các bệnh viện xây dựng trong những năm 1930 với phong cách hiện đại Art Deco. Trong chuyên đề này chúng tôi đi sâu vào phân tích các đặc điểm về mặt hình thái kiến trúc để tìm ra mối quan hệ giữa thời gian xây dựng và phong cách kiến trúc của các bệnh viện xây dựng dưới thời Pháp thuộc, đồng thời cho thấy giá trị về mặt kiến trúc và cảnh quan đô thị, cũng như sự cần thiết phải bảo tồn các công trình thuộc thể loại đặc biệt này. 
 

Một số bệnh viện tiêu biểu 

Bệnh viện Lanessan: 


Nhà điều trị bệnh viện Bệnh viện Lanessan (Ảnh chụp đầu thế kỷ XX) 

Năm 1891, một bệnh viện quân sự lớn được xây dựng trong khu Nhượng địa và được khánh thành năm 1894 với tên gọi là bệnh viện Hà Nội nhưng thường được gọi là nhà thương Đồn Thuỷ. Năm 1928, bệnh viện chính thức mang tên Lanessan - viên toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1891 - 1894, cựu bác sĩ hải quân Pháp. Ban đầu bệnh viện có 450 giường bệnh, sau đó nâng lên 500 giường bệnh.

Bệnh viện được bố trí trên một khu đất rất rộng ở phía nam của khu Nhượng địa (nay là khuôn viên bệnh viện Hữu nghị và bệnh viện Trung ương Quân đội 108), nằm ngay cạnh sông Hồng. Bệnh viện được chia thành khu vực làm việc của y, bác sĩ; khu điều trị cho sĩ quan; khu điều trị cho hạ sĩ quan, binh lính; khu dành cho bệnh nhân nữ, ngoài ra còn có các nhà phục vụ một tầng.

Các toà nhà chính trong khu điều trị cao hai tầng có mặt bằng hình chữ nhật, ở giữa là một sảnh lớn, các buồng bệnh được bố trí đối xứng ở hai phía sảnh, hành lang bao quanh rộng tới 3m, cầu thang bố trí ở hai đầu hồi. Hình khối mặt đứng tương đối đơn giản: Cửa sổ và cửa đi dạng cuốn vòm chạy liên tục quanh nhà, cửa sổ đều có hai lớp kính - chớp. Giữa các cửa là bổ trụ gạch được trang trí bởi các gờ chỉ lõm và được phun vữa tạo nhám. Sảnh được nhấn mạnh bởi một Fronton trang trí đơn giản ở phía trên. Mái lợp tôn có cửa mái để thoát nhiệt, dưới mái là lớp trần được cấu tạo bằng thép hình chữ I cuốn gạch có tác dụng chống nóng. Đây là một trong những công trình rất điển hình cho phong cách kiến trúc Tiền thực dân ở Hà Nội.

Bệnh viện Lanessan mặc dù được xây dựng từ rất sớm nhưng có quy mô khá lớn và là bệnh viện có kỹ thuật hàng đầu ở Đông Dương thời Pháp thuộc, về mặt kiến trúc cũng là điển hình của một thời kỳ xây dựng, không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có giá trị về mặt lịch sử. Tuy nhiên hiện nay tòa nhà thuộc bệnh viện Hữu Nghị đã bị phá bỏ, các tòa nhà thuộc bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang bị xuống cấp nghiêm trọng và rất có thể cũng sẽ bị phá bỏ trong tương lai gần nếu không có chủ trương bảo tồn, tôn tạo các tòa nhà này.

Bệnh viện Indigène du Protectorat: 


Nhà hành chính bệnh viện Việt Đức (trước đây là bệnh viện Indigène du Protectorat) 

Bệnh viện Indigène du Protectorat (nay là bệnh viện Việt Đức) được thành lập từ năm 1904 dành để chữa bệnh cho người bản xứ theo đúng như tên gọi của nó. Bệnh viện được xây dựng trên một khu đất khá rộng trên phố Bognis Desbordes (phố Tràng Thi) và được giới hạn bởi các phố Richard (phố Quán Sứ) và phố Julien Blanc (phố Phủ Doãn). Ngoài ra còn có khoa Sản bố trí phía đối diện phố Bognis Desbordes (nay là bệnh viện Phụ sản TƯ).

Mặc dù nằm trên một khuôn viên khá rộng nhưng các hạng mục công trình trong bệnh viện tương đối ngèo nàn, ban đầu chỉ gồm 3 dãy nhà điều trị một tầng nằm song song và được phân cách với nhau bởi những đường nhỏ có vỉa hè, sau này xây thêm nhà khám bệnh hai tầng nhìn ra phố Bognis Desbordes, nhà mổ và một số nhà phù trợ một tầng đơn giản.

Ba dãy nhà điều trị một tầng được xây dựng từ năm 1896 khi còn là một cơ sở điều trị nhỏ do các nữ tu sĩ thuộc dòng Saint Paul de Chartres quản lý. Các dãy nhà này được xây dựng giống nhau với một không gian chung kéo dài giành cho bệnh nhân, ở đầu hồi có các phòng nhỏ dành cho y bác sĩ. Ở hai phía của phòng bệnh đều có các hành lang rộng để chống nắng nóng và mưa hắt, phía ngoài là dãy cuốn vòm liên tục đặc trưng của phong cách Tiền thực dân.

Khu khám bệnh là một tòa nhà hai tầng được xây dựng đầu thế kỷ XX hình chữ U theo kiểu kiến trúc Địa phương Pháp. Nhà có cấu trúc đăng đối, ở giữa có lối đi xuyên qua, phía trên có ban công và các trang trí tạo thành điểm nhấn trung tâm. Hai phía là các phòng khám bệnh và các phòng hành chính được bố trí theo kiểu hành lang bên trên cả hai tầng. Mặt đứng được tạo thành bởi các cửa sổ kết thúc theo chiều ngang ở tầng một và cuốn vòm ở tầng hai, các cửa sổ được trang trí liên kết tạo thành từng cặp theo phương đứng. Mái lợp ngói nhô ra khỏi tường và được đỡ bởi hàng công xon gỗ khá tinh xảo. Nhà mổ được xây dựng khoảng những năm 1930, nhà hình chữ U cao hai tầng, bao gồm phòng mổ và các phòng phù trợ. Tòa nhà được xây dựng với kỹ thuật hiện đại nhưng vẫn mang phong cách trang trí lấy cảm hứng từ kiến trúc Tiền thực dân với những ô cửa kết thúc bằng cuốn vòm nhằm tạo ra sự hài hòa với các công trình đã xây dựng trước đó. Ban Nha khoa (nay là bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TƯ) được xây dựng năm 1939 ở góc phố Bognis Desbordes – Richard là một tòa nhà hai tầng được xây dựng theo phong cách Địa phương Pháp rất phù hợp với khu khám bệnh.

Tuy nhiên hiện nay trong khuôn viên bệnh viện Việt Đức chỉ còn lại tòa nhà hành chính còn tương đối nguyên vẹn, tòa nhà của Ban Nha khoa đã cải tạo biến dạng hoàn toàn, các dãy nhà nội trú một tầng đã bị phá bỏ, nhà mổ được xây nối vào các khu nhà mới nên cũng bị biến dạng, các nhà cũ trong bệnh viện Phụ sản TƯ đã bị phá bỏ toàn bộ.

Bệnh viện Saint Paul: 


Bệnh viện Saint Paul ở phía bên phải (Ảnh chụp đầu thế kỷ XX) 

Bệnh viện Saint Paul (nay là bệnh viện Xanh Pôn) là một bệnh viện do các nữ tu sĩ thuộc dòng Saint Paul de Chartres quản lý, hình thành từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với nhiều hạng mục công trình được xây dựng ở nhiều thời kỳ khác nhau nằm trên một khu đất rộng được giới hạn bởi các phố Vallenhoven (phố Chu Văn An), Félix Faure (phố Trần Phú), phố Duvillier (phố Nguyễn Thái Học) và Tu viện Dames de Saint Paul de Chartres ở hướng tây.

Mặt bằng tổng thể của bệnh viện bao gồm ba tòa nhà khám chữa bệnh hai tầng tạo thành hình chữ U bao lấy một không gian cây xanh có tượng thánh Paul ở giữa nhìn ra phố Vallenhoven, các tòa nhà này được nối với nhau bằng hành lang cầu trên cả hai tầng rất thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển bệnh nhân. Ngoài ra còn có một số nhà phù trợ một tầng liên kết với khối nhà chính thông qua các lối đi ngoài trời và các không gian cây xanh.

Nhìn vào hình thái kiến trúc của các tòa nhà khám chữa bệnh thì có thể thấy tòa nhà chính giữa nhìn ra phố Vallenhoven được xây dựng trước, hai tòa nhà vuông góc với đường phố có niên đại muộn hơn. Cũng giống như nhiều công trình do Nhà Chung xây dựng ở Hà Nội như trường Puginier hay trường Sainte Marie, các tòa nhà chính của bệnh viện đều theo phong cách kiến trúc Tiền thực dân theo kiểu bệnh viện Lanessan với những hàng cửa dạng cuốn vòm. Tuy nhiên ở tòa nhà chính giữa có bộ mái ngói nhô ra ngoài tường và được đỡ bởi một hệ công son gỗ hình tam giác, trong khi hai tòa nhà vuông góc với nó lại có hệ sê nô bao quanh mái bằng bê tông cốt thép phía dưới có các họa tiết trang trí nhẹ nhàng.

Mặc dù chỉ là một bệnh viện không lớn thuộc Nhà Chung, bệnh viện Saint Paul cũng tạo ra giấu ấn của riêng mình trong khu vực trung tâm Hà Nội với hình thức các tòa nhà đơn giản xong được xây dựng trong một tổng thể khuôn viên cây xanh khá đẹp. 

Viện Radium Đông Dương: 


Viện Radium Đông Dương (Ảnh chụp đầu thế kỷ XX) 

Viện Radium Đông Dương (nay là bệnh viện K) do kiến trúc sư C. Delpech thiết kế, được xây dựng năm 1927 trên khu đất tiếp giáp với các phố Bognis Desbordes (phố Tràng Thi), Richard (phố Quán Sứ) và Rollande (phố Hai Bà Trưng) do một tổ chức y tế tư nhân đầu tư. Dù không có được vị trí đắc địa nhưng do mặt nhà mở ra ba tuyến phố nên công trình cũng có được một tầm nhìn khá rộng. Viện chỉ có một tòa nhà duy nhất mang chức năng khám chữa bệnh, nghiên cứu và quản lý, bệnh nhân nội trú được gửi sang bệnh viện Indigène du Protectorat .

Toà nhà có mặt bằng hình chữ nhật gồm hai tầng: Tầng một là nơi bố trí các phòng khám, các phòng đặt máy quang tuyến dùng để chuẩn đoán và điều trị bệnh ung thư; tầng hai gồm các phòng Giám đốc, hội trường, thư viện và các phòng nghiên cứu và hành chính. Các phòng làm việc trên cả hai tầng đều được bố trí theo kiểu hành lang bên, nối giữa các tầng là một cầu thang lớn bố trí ngay chính sảnh.

Kiến trúc toà nhà chịu ảnh hưởng mạnh bởi chủ nghĩa Tân cổ điên Pháp với mặt chính được phân chia thành 3 phần theo phương đứng và 5 phần theo phương ngang. Ba phần theo phương đứng gồm tầng hầm và tầng một tạo ra phần bệ với hệ thống cửa sổ cuốn vòm trên nền tường chạy liên tục theo phương ngang có các chỉ lõm tạo cảm giác vững chắc, phần giữa là hàng cột kép thức Doric, phần trên là diềm mái gồm có sê nô và tường chắn mái trang trí cầu kỳ. Năm phần theo phương ngang gồm có phần trung tâm được nhấn mạnh bởi các cửa ra vào chính mở rộng, phía trên được che bởi một ban công có các console uốn lượn kết hợp hài hoà với các hoạ tiết trang trí trên cửa, tầng hai là hàng cột Doric cùng các cửa đi có phần cuốn vòm ở phía trên, kết thúc là một Froton hoàn chỉnh có điểm nhấn là một Cartouche lớn bao lấy hai chữ IR là tên tắt của Viện. Nổi bật hai phía là hàng cột kép thức Doric, giữa hai cột được trang trí bởi một Cartouche, còn giữa các cột là hàng cửa sổ mở rộng tạo cảm giác rỗng, hàng cửa tầng một được tổ chức theo kiểu cuốn vòm có khoá vòm và các chi tiết trang trí xung quanh, hàng cửa tầng hai có hình thức chữ nhật kết hợp với hai cửa lấy sáng phía trên tạo ra một hình thức cửa sổ độc đáo hiếm thấy ở Hà Nội. Kết thúc phương ngang nhà là hai mảng đặc với lượng cửa mở nhỏ kết hợp với các bổ trụ được nhấn bởi cái chỉ lõm, tính trang trí được nhấn mạnh bởi một cửa lấy sáng hình bầu dục được trang trí theo hình thức Cartouche khá cầu kỳ.  

Với hình thức chuẩn mực, cùng việc tổ hợp thức cột nghiêm ngặt, toà nhà trụ sở Viện Radium Đông Dương xứng đáng là một tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Tân cổ điển theo tinh thần cổ điển Pháp thời đế chế ở Hà Nội. Rất tiếc là hiện nay công trình đang bị kẹp giữa hai ngôi nhà 4 và 5 tầng, phía trước là nhà để xe lợp mái tôn một cách tạm bợ làm cho việc cảm thụ cái đẹp của toà nhà không còn được nguyên vẹn.

Bệnh viện René Robin: 


Bệnh viện René Robin (Ảnh chụp đầu thế kỷ XX) 

Bệnh viện René Robin (nay là bệnh viện Bạch Mai) do kiến trúc sư Charles Christian thiết kế, được khởi công xây dựng năm 1929 theo mô hình Bệnh viện - Đại học ở Pháp (Centre Hospitalier Universitaire). Bệnh viện được xây dựng trên khu đất của bệnh viện Lây Cống Vọng (Hôpital des contagieux à Cống Vọng) đã hình thành từ trước đó.

Bố cục tổng mặt bằng bệnh viện được tổ chức theo dạng phân tán, các toà nhà chính của bệnh viện được bố trí gần đăng đối theo trục trung tâm. Nhà hành chính 2 tầng được bố trí chính giữa. Các khối điều trị được bố trí ở 3 phía của toà nhà này gồm khối các phòng khám và điều trị chuyên khoa bên trái, khối phòng điều trị ngoại khoa bên phải và khối điều trị nội khoa bố trí phía sau nhà hàng chính tạo thành một tam giác cân. Các khối điều trị được tạo thành bởi 4 dãy nhà theo trục dọc và một dãy nhà theo trục ngang, bên cạnh các phòng khám, điều trị, trong mỗi khối đều có một giảng đường. Dọc theo trục chính phía sau khối điều trị nội khoa là một giảng đường lớn và các phòng xét nghiệm. Kết thúc trục này là một khối phòng mổ hình tròn 2 tầng, tuy nhiên do điều kiện chiến tranh, khối này chưa kịp hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Nối giữa các khối nhà là hệ thống hành lang cầu rộng rãi cho phép đi lại và vận chuyển bệnh nhân một cách dễ dàng.

Đây là một tổng thể kiến trúc theo phong cách Art Deco được xây dựng trên diện tích khá lớn và theo mô hình phân tán duy nhất của Hà nội lúc bấy giờ. Các tòa nhà chính đều có sảnh vào riêng, được bố cục theo dạng hành lang giữa kết hợp hành lang bên. Phong cách kiến trúc giản dị toát lên vẻ hiện đại của công trình. Tuy nhiên tác động của khí hậu nhiệt đới cũng đã được tác giả tính đến với hệ mái bằng cách nhiệt hai lớp, phía trên cửa sổ đều có kết cấu che nắng ngang, đặc biệt khối bệnh phòng được bao bọc bởi hệ ban công, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của bệnh nhân vừa tạo ra một không gian đệm cho khối phòng này. Một điểm nhấn kiến trúc đáng lưu ý là khối nhà mổ chính có cấu trúc không gian hình tròn kiểu tán xạ với hành lang rộng tới 3,9m bao quanh hệ thống phòng mổ đặt ở trung tâm. Hệ thống cửa kính lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên được bố trí theo kiểu nhịp ba rộng rãi, ngoài ra còn có hệ thống lấy ánh sáng từ phía trên bằng các ô kính hình tròn cho phòng mổ trung tâm. Mái được kết thúc bằng một dãy lan can với những hình trang trí nhẹ nhàng. Hệ thống hành lang cầu được cấu trúc theo kiểu cuốn vòm liên tục kết hợp với hệ cột đứng cũng là một nét đẹp riêng của công trình này.

Bệnh xá bác sĩ Vũ Ngọc Huynh: 


Bệnh viện Công an TP Hà Nội (trước đây là Bệnh xá bác sĩ Vũ Ngọc Huynh) 

Bệnh xá bác sĩ Vũ Ngọc Huynh (nay là bệnh viện công an TP Hà Nội) là một cơ sở y tế tư nhân được xây dựng năm 1936 trên đại lộ Carreau (phố Lý Thường Kiệt) cùng một số bệnh xá tư nhân do các bác sĩ người Pháp và người Việt mở ra ở Hà Nội lúc bấy giờ.

Tòa nhà duy nhất của bệnh xá gồm ba tầng, mặt bằng không gian theo kiểu hành lang giữa, sảnh chính nhìn ra phố Carreau nhưng mặt chính lại quay vào một ngõ nhỏ vuông góc với đường phố.

Hình khối công trình được kiến trúc sư – tác giả tổ chức thành hai khối, khối khám bệnh và hành chính được tổ chức theo phương đứng, khối bệnh phòng được tổ chức theo phương ngang, được ngăn cách bởi lồng cầu thang được trang trí bằng các thanh bê tông thẳng đứng. Các góc nhà lượn tròn kết hợp với ban công và các đường cong trang trí làm cho hình khối công trình trở nên nhẹ nhàng. Hàng chữ “clinique” (bệnh xá) được đắp nổi theo không gian 3 chiều trên mái, phù điêu biểu tượng ngành y cách điệu được đắp nổi như là trung tâm của hệ thống trang trí mặt đứng, các chữ đầu của họ và tên bác sĩ được cách điệu trang trí phía ngoài các ô cửa tròn. Màu sắc các mảng tường cũng được sử dụng như là một yếu tố trang trí, nhấn mạnh tính chất phân vị theo phương đứng hay phương ngang của các khối công trình. Mặc dù khá nhỏ về mặt quy mô, nhưng đây là một trong những công trình Art Deco mang đậm tính trang trí bậc nhất ở Hà Nội. 
 

Thống kê – Phân loại 

TT

Công trình

Công năng hiện nay

Năm

xây dựng

KTS

thiết kế

Phong cách ảnh hưởng

1

Bệnh viện Lanessan

Bệnh viện Hữu nghị và Bệnh viện 108

1893

G. Frichement

Tiền thực dân

2

Bệnh viện Indigène du Protectorat

Bệnh viện Việt Đức

Từ năm 1896

Không rõ

Tiền thực dân và Địa phương Pháp

3

Bệnh viện Saint Paul

Bệnh viện Xanh Pôn

Không rõ

Không rõ

Tiền thực dân

4

Viện Radium Đông Dương

Bệnh viện K

1927

C. Delpech

 

Tân cổ điển

5

Bệnh viện

René Robin

Bệnh viện

Bạch Mai

Từ năm 1929

C. Christian

L. Pineau

Art Deco

6

Nhà thương Khách

Bệnh viện

Hòe Nhai

Khoảng 1930

F. Lagisquet

Art Deco

7

Bệnh xá bác sĩ

Vũ Ngọc Huynh

Bệnh viện Công an TP Hà Nội

1936

Không rõ

Art Deco

8

Bệnh xá bác sĩ

Le Roy des Barres

Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam

Khoảng 1930

Không rõ

Đông Dương


Nhận xét 

- Trong thời kỳ Pháp thuộc, nhiều bệnh viện đã được xây dựng ở Hà Nội với quy mô và trang thiết bị khác nhau, những bệnh viện dành cho người Pháp có quy mô lớn với trang thiết bị hiện đại, bệnh viện dành cho người bản xứ có quy mô nhỏ hơn cùng những trang thiết bị đơn giản hơn. 

- Kiến trúc các bệnh viện Hà Nội thời Pháp thuộc khá phong phú về phương cách bố trí mặt bằng tổng thể, hầu hết các bệnh viện đều bố trí theo kiểu phân tán hay nửa phân tán, chỉ những bệnh viện quy mô vừa và nhỏ có tổng mặt bằng theo kiểu tập trung. 

- Phong cách kiến trúc của các bệnh viện Hà Nội thời Pháp thuộc cũng rất đa dạng và tùy thuộc vào thời gian xây dựng. Những bệnh viện xây dựng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX theo phong cách Tiền thực dân và phong cách Địa phương Pháp, bệnh viện Radium xây dựng năm 1927 theo phong cách Tân cổ điển, các bệnh viện xây dựng cuối những năm 1920 và những năm 1930 theo phong cách Art Deco hay phong cách Đông Dương. 

KTS Trần Quốc Bảo

Tài liệu tham khảo:

  • Tiếng Việt: 

1. Đặng Thái Hoàng: Kiến trúc Hà Nội thế kỷ XIX – XX. NXB Hà Nội. 1995.
2. F.Teronobu, Phạm Đình Việt và cộng sự: Bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội. NXB Xây dựng, 1997.
3. Lê Anh Tuấn và cộng sự: Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875 – 1945). NXB Thế giới, 2009.
4. Tôn Thất Đại: Các xu hướng kiến trúc ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX. Luận án Phó tiến sĩ Kiến trúc, 1985.
5. Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông: Thăng Long – Hà Nội, mười thế kỷ đô thị hoá. NXB Xây dựng, 2004.
6. Trần Quốc Bảo và cộng sự: Di sản kiến trúc Pháp thuộc ở Hà Nội và một số ảnh hưởng của nó đến kiến trúc Hà Nội đương đại. Hà Nội, 2011.
7. Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh và cộng sự: Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc. NXB Xây dựng, 2011.

  • Tiếng Pháp: 

8. A. Le Brusq, L. de Selva: Vietnam à travers l’architecture coloniale. Les Éditions de l’Amateur, 2011.
9. Institut national du patrimoine: Architecture coloniale et patrimoine. Édition d’Art, 2005.
10. M. Culot, J-M. Thiveaud và cộng sự: Architectures françaises d'outre-mer. Institut français d'architecture, 1992.
11. P. Clément, N. Lancret và cộng sự: Hanoi – le cycle des étamorphoses. Ipraus et Édition Recherches, 2001.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo