Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Kiến trúc Kiến trúc nhà cao tầng trong các trường đại học

Kiến trúc nhà cao tầng trong các trường đại học

Viết email In

Trường Đại học là một quần thể công trình đa chức năng, ngoài các công trình chính đảm bảo cho hoạt động DẠY và HỌC còn có các công trình phục vụ cho hoạt động rèn luyện thể chất, ăn ở, sinh hoạt, thực nghiệm thực hành và các công trình dịch vụ phụ trợ khác. Quan sát sự phát triển của Trường Đại học cùng với Đô thị mà nó vốn thuộc về, cho thấy một mối tương quan đặc biệt được được phân biệt khá rõ nét ở 2 chiều hướng. Ở chiều hướng thứ nhất, quần thể công trình Trường Đại học là một cấu phần chức năng của đô thị mà tiến trình đi từ Trường Đại học - một tòa nhà - một “campus” phát triển thành Trường Đại học - một Đô thị trong lòng Đô thị lớn. Ở chiều hướng này, mật độ và chiều cao khống chế cũng như các tiêu chí kỹ thuật khác phụ thuộc vào quy chuẩn khống chế không gian của Thành phố - Đô thị lớn, tùy thuộc vào các vị trí của Trường Đại học trong Thành phố. Ở chiều hướng thứ hai, Trường Đại học được định vị ở khu vực ngoại vi Thành phố với khuôn viên rộng rãi và cũng có một tiến trình phát triển từ khuôn viên - thị trấn, tiến tới đô thị vệ tinh. Và ở đây, hiển nhiên chiều cao và mật độ khống chế sẽ tuân thủ yêu cầu phát triển không gian của chính khuôn viên hay đô thị vệ tinh đặc thù này.  


Đại học Bách khoa Hong Kong 

Cùng với các cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật và công nghệ, và nhất là khi nhân loại đã bước vào thời kỳ của nền kinh tế tri thức, Trường Đại học đóng một vai trò quan trọng mang tính động lực cho sự phát triển đô thị. Sản phẩm của Trường Đại học không còn đơn thuần là nguồn nhân lực phục vụ, mà còn là những tri thức phát minh sáng chế ứng dụng trực tiếp cho quá trình. Và như vậy, bên cạnh truyền thống kinh viện của những thánh đường tri thức, giờ đây Trường Đại học đã trở thành một quần thể công trình sống động, là thành phố của sự phát triển, của những cư dân đa phần ở lứa tuổi từ 18 ÷ 30 đầy khát vọng sáng tạo. Mọi sự khống chế ràng buộc đều phải được tính toán theo tính hiệu quả trên tinh thần của những ý tưởng mạnh mẽ về không gian. 

Mặt khác, sự tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào ngày càng nhiều trong chương trình đào tạo, đồng thời bản thân các Trường Đại học cũng trở thành các Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ không chỉ trên lý thuyết mà còn là những nghiên cứu ứng dụng. Điều này dẫn đến hệ thống hạ tầng cho các công trình ngày càng phức tạp khiến giải pháp tập trung có ưu điểm vượt trội so với giải pháp phân tán. Điểm thứ ba dẫn đến sự thay đổi chính là công nghệ DẠY và HỌC, khi học chế tín chỉ được thay thế cho hệ niên chế, vấn đề vận trù học trở thành một bài toán cần phải giải cho các nhà thiết kế. Ở đây, với sự hỗ trợ của công nghệ xây dựng tiên tiến, sự di chuyển gọn theo chiều đứng cũng chứng tỏ tính hợp lý hơn cho những di chuyển ngang từ tòa nhà này sang tòa nhà khác. Và cuối cùng, tính biểu tượng như một điểm nhấn khẳng định trong không gian toàn trường, cũng như các tiểu không gian không những chỉ đưa tới sự đa dạng trong xử lý chiều cao - khối tích, mà còn hướng tới những biểu tượng đặc trưng về chiều cao của từng ngôi trường. 

  • Ảnh bên: Đại học Asumtion - Bangkok Thái Lan 

Tiến trình thay đổi về chiều cao trong Trường Đại học ở Việt Nam cũng không vượt ra ngoài các quy luật trên, nhưng đồng thời lại nhân thêm một hệ số khó khăn về các điều kiện. Trong đó, quỹ đất khan hiếm chính là một yếu tố tác động mạnh nhất đến nhu cầu đòi hỏi sự thay đổi chiều cao khống chế. Thực tiễn cho thấy sự “vượt rào” về chiều cao đã từng bước minh chứng cho các giải pháp hợp lý của mình. 

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu bức tranh tổng quan về các công trình Nhà cao tầng trong các trường Đại học trên thế giới hiện nay. 

Vai trò và vị trí 

Trong lịch sử phát triển của mình, nhà cao tầng trong Trường Đại học thường được quy hoạch thiết kế xuất phát từ 2 lý do chính: 

1-Nhu cầu khó khăn về quỹ đất;

2-Yêu cầu về điểm nhấn chiều cao, khối tích trong các giải pháp tổ chức không gian quy hoạch.

Lý do từ sự hạn hẹp về quỹ đất thường được ghi nhận bởi các tòa nhà - campus của Trường Đại học được thừa hưởng các vị trí ở các khu trung tâm thành phố - downtown và không muốn di dời khi địa danh gắn liền với lịch sử và mang tính thương hiệu của trường. Trong khi đó, yêu cầu về điểm nhấn trong tổ chức không gian quy hoạch, tuy cũng có phần bị chi phối bởi sự tiết kiệm quỹ đất như một nguyên nhân tiềm ẩn, nhưng chủ yếu phục vụ cho ý tưởng tổ chức không gian cho mặt bằng tổng thể - master plan - của toàn trường. Montreal, Tokyo và Hongkong có những ví dụ khá đặc trưng của những Trường Đại học cao tầng nằm trong Trung tâm thành phố. 

Đại học Concordia ở Montreal - Canada 

Nằm trong khu downtown của thành phố Montreal, Đại học Concordia ở Montreal - Canada (Concordia University Montreal) có 2 tòa nhà cao tầng tiêu biểu là Tòa Henry F.Hall cao 15 tầng là một khối tích gần lập phương, nơi bố trí các trung tâm đào tạo và phục vụ sinh viên, có kiến trúc như những tòa nhà hành chính ở cả bốn mặt và hình khối đơn giản. Ngược lại, tòa nhà học, nghiên cứu trung tâm phần mềm cách đó 1 lô phố lại là một tòa phức hợp cao 18 - 21 tầng (các khối cao thấp khác nhau), các khối nhà bọc kính được phân vị khác nhau và có xu hướng vươn lên theo chiều cao. Cùng với một số tòa nhà cao và thấp tầng khác tạo thành một khu Concordia ở Trung tâm Montreal, 2 tòa nhà kể trên được coi là tiêu biểu cho những tòa nhà cao tầng - campus của Trường Đại học ở trong thành phố với kiến trúc vừa là điểm nhấn, vừa là những tòa nhà cao tầng trong tổng thể của khu phố (quarter) và chịu sự khống chế của bản thân khu phố đó. 


Đại học Concordia ở Montreal - Canada 

Cũng ở Montreal và dưới dạng một campus - Trường Quản trị kinh doanh 12 tầng thuộc Đại học Montreal (HEC Montreal) nhưng không nằm ở khu thương mại trung tâm đã có một cấu trúc được độc đáo hơn nhiều. Trong một mật độ gần như kín cả khuôn viên dành cho trường, các giải pháp tạo thành các “túi” xanh đã đưa thiên nhiên vào các không gian học đường một cách tích cực. 

Trường Đại học tư thục Kogakuin - Tokyo 

Tọa lạc ở khu Shinjuku - một trong những trung tâm thương mại - hành chính văn phòng đắt nhất ở Tokyo và cũng là nơi tập trung nhiều tòa nhà cao tầng của Thủ đô Nhật Bản - Tòa nhà Đại học Kogakuin có thể được coi là một ví dụ điển hình cho dạng Trường Đại học. 

Công trình được thiết kế như hai tòa nhà độc lập dạng tháp có lõi cứng - tập trung giao thông theo chiều đứng. Mặt bằng đã lưu ý mở các túi lấy ánh sáng, đồng thời thực hiện các chức năng thư giãn giữa giờ dạy. Trường không bố trí các lớp học - giảng đường lớn (chỉ với số chỗ ≤ 100 và không dùng sàn dốc).
Giải pháp mặt đứng, hình khối do bị ảnh hưởng của các tòa nhà lân cận nên không có những mảng khối gợi tưởng đặc trưng cho kiến trúc Trường Đại học.
Khác với những ví dụ trên, Đại học Bách khoa Hồng Kông (Hongkong Polytechinic University) lại sở hữu một khuôn viên 9,3 ha (cho 28,354 sinh viên) ở Trung tâm thành phố. Để giữ được những khoảng xanh quý giá, các công trình của các giai đoạn khác nhau đều hướng tới chiều cao nhằm tuân thủ mật độ khống chế. 

Đặc biệt các công trình giai đoạn 3, các giải pháp tạo các khoảng vườn trên các mái (sky garden) ở những độ cao khác nhau. Và cũng bởi nằm giữa khu nhà cao tầng đặc trưng của Hồng Kông, các Tòa nhà cao tầng trong HPU không có những tháp - điểm nhấn của quần thể. 

  • Ảnh bên: Trường Đại học tư thục Kogakuin - Tokyo 

Nhà cao tầng - tháp điểm nhấn trong trường Đại học mang tính biểu tượng cũng đã bắt đầu được xây dựng trong những khuôn viên Đại học rộng lớn, đồng thời cũng đóng vai trò định hướng cho các trục bố cục, các khu vực khác nhau. Lúc đầu, thường ở dạng tháp chuông đồng hồ (Đại học Mumbai - Ấn Độ, Đại học Stanford - Mỹ, ...) hoặc mô phỏng tháp chuông cổ (Đại học Montreal, Đại học Texas, Đại học Hebrew Ixrel). Sau đó, đặc biệt đối với các Đại học tôn giáo, hình tượng Tháp Đại học đã trở thành những biểu tượng chiều cao (Đại học Pettsburgh - Pennslvania Mỹ, Đại học Assumtion - Bangkok Thái Land). Tính biểu tượng đơn thuần chưa thật gắn với công năng đã dần được nhường chỗ cho những Tòa tháp Đại học tích hợp nhiều chức năng như một biểu tượng - bộ mặt chính của trường Đại học (các Tòa tháp Đại học ở Nhật Bản, Trung Quốc ...) với ví dụ tiêu biểu nhất là quần thể Tháp Đại học Trung tâm ở Đại học Lomonosov - Moscova CHLB Nga.

Bên cạnh đó, các Tòa nhà cao tầng làm điểm nhấn bố cục trong các khu chức năng - chủ yếu tích hợp các chức năng nghiên cứu - làm việc và đào tạo.

Nhìn nhận từ góc độ quy hoạch, có thể thấy nhà cao tầng đóng một vai trò quan trọng trong tổng thể Trường Đại học. Một mặt, về khía cạnh hướng ngoại, Nhà cao tầng đóng góp tích cực cho cảnh quan đô thị trong khu vực giới cận; mặt khác, về khía cạnh hướng nội, Nhà cao tầng lại là một trong những điểm then chốt của ý tưởng tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc toàn trường. Yếu tố quy hoạch tác động trực tiếp đến Nhà cao tầng trong Trường Đại học thông qua vị trí địa điểm và vai trò của Nhà cao tầng trong mỗi khu chức năng của tổng thể. 

60 năm (1953 - 2013) và 5 mốc đáng ghi nhớ về sự phát triển nhà cao tầng trong trường Đại học 

Cách đây đúng 60 năm, vào năm 1953, tòa nhà Trung tâm Đại học Lomonoxov - Moscova CHLB Nga được xây dựng hoàn chỉnh đã khởi đầu cho một quan niệm mới về Nhà cao tầng trong trường Đại học, nó không còn chỉ là những Tòa tháp mang tính biểu tượng đơn thuần, không được gắn với công năng như trước đây mà trở thành Tòa nhà - tổ hợp của các chức năng điều hành, nghiên cứu, học tập... điều mà những điều kiện kỹ thuật, vận hành và sử dụng chưa làm thỏa mãn các yêu cầu. 


Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxov Moscova - KTS. L.Rudnev 

Các tòa nhà cao tầng trong các Trường Đại học ở Nga và Liên Xô cũ được bắt đầu truyền thống từ Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxov Moscova (KTS. L.Rudnev). Sau 60 năm, cho đến tận bây giờ, các công trình mới vẫn tiếp tục được xây dựng nhưng đều được tuân thủ theo quy hoạch với các trục bố cục cơ bản, hướng tới Khu học trung tâm - Khu nhà phức hợp với mọi chức năng Giảng đường lớp học - Thí nghiệm Nghiên cứu - Hành chính, Thư viện, sinh hoạt, hội họp khánh tiết, ăn ở dịch vụ … theo mô hình Đại học - một campus khép kín mà đến nay tại nhiều nước phát triển vẫn áp dụng. Tính khúc triết khoa học trong giải pháp mặt bằng cùng với phân định các luồng hợp lý vẫn còn làm cho nhiều nhà nghiên cứu thiết kế phải sửng sốt. Giải pháp tầng bậc được áp dụng nhất quán từ mặt bằng, hình khối không gian đến mặt đứng qua các chiều cao khác nhau để tập trung vào khối nhà Trung tâm cao nhất - 240m. Cho đến nay, đây vẫn là Tòa nhà Đại học cao nhất Thế giới (cao hơn 80m so với các Tòa nhà cao thứ 2 và thứ 3 nhưng về khối tích thì gấp nhiều lần). 

Và ở đây, tính biểu tượng sức mạnh của tri thức đã trở thành niềm tự hào không những chỉ của nền kiến trúc Đại học, mà còn của cả nền kiến trúc Xô Viết và thế giới nói chung. 

Cũng từ ví dụ này, các Tòa nhà cao tầng trong các Trường Đại học ở Nga và Liên Xô cũ thường hướng tới tính biểu tượng, bề thế làm điểm nhấn về chiều cao và khối tích, đóng vai trò như mặt đứng của toàn trường (thời kỳ đầu - những năm 60) kết hợp với Tòa học chính - thấp tầng hướng ngoại (những năm 70-80) kết hợp với các công trình công cộng khối tích lớn (Trung tâm hội nghị hội thảo, thư viện …) làm nên không gian khánh tiết trung tâm (từ những năm 90 đến nay).

- Năm 1960, Đại học Baghdad (KTS. W.Gropius) được xây dựng và nhanh chóng trở thành nổi tiếng không chỉ bởi tính khúc triết của master plan, tính thích ứng với điều kiện tự nhiên và những đường nét hài hòa với kiến trúc bản địa của nền văn minh Babylon cổ đại, mà còn bởi Tòa nhà hiệu bộ - Trung tâm điều hành cao vút, Biểu tượng mới này đã trở thành kinh điển trong lý thuyết quy hoạch thiết kế trường Đại học hiện đại với bố cục khu Trung tâm được hình thành bởi các khối Điều hành - Thư viện và Hội trường.

- Năm 1964, KTS. I.M.PEI đã hoàn tất quần thể Trung tâm Kendall của Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT) với Tòa nhà Xanh (Green Building. MIT không những chỉ nổi danh là một Trường Đại học hàng đầu thế giới, mà còn nổi tiếng với những kiến trúc hiện đại độc đáo, tương phản với các công trình cổ kính có số tuổi tương đương với tuổi của trường. Với khối hình hộp chữ nhật đơn giản, tọa lạc trong một quần thể công trình với các khối tích khác nhau, không xa cụm học đường đa năng (KTS. F.Maki) và cụm công trình nổi tiếng Stata Center (KTS. F.Gehry), Kendall Tower nổi bật không chỉ ở chiều cao (23 tầng - 90 m), mà còn bởi ngôn ngữ hiện đại không lạc hậu với thời gian (hoàn thành năm 1964) - KTS. I.M.Pei cũng đồng thời là tác giả quy hoạch thiết kế của khu Trung tâm MIT. Chính vì vậy, ngôn ngữ của nhóm công trình Trung tâm này như Landau Building (6 tầng - diện tích xây dựng 12.000 m2) và Dreyfus Building (8 tầng - diện tích xây dựng 12.300m2) đã làm nền cho Tòa tháp này nổi bật - về đêm mặt đứng của Tòa tháp được chiếu sáng đã trở thành biểu tượng của MIT nhìn từ phía sông Charles. Điều đặc biệt đáng nói là trong tòa nhà đã áp dụng những nguyên lý của thiết kế bền vững nên còn có tên là Green Building. 

- Hơn 20 năm sau, năm 1986, KTS. Kenzo Tange cho ra đời 1 kiệt tác trong kiến trúc trường Đại học - Trường Đại học Jordan ở Thủ đô Jordani giữa một vùng sa mạc mênh mông, quần thể công trình được bố cục thành những block ô vuông liên tiếp tạo thành một hệ lưới tưởng như đơn điệu vì giống nhau. Nhưng, bố cục theo trường phái cấu trúc này được phá vỡ tính đơn điệu bằng những không gian xanh đa dạng ở giữa các ô vuông chéo và đặc biệt ở một đơn vị cấu trúc - Tòa nhà cao 18 tầng làm Trung tâm - Một ví dụ độc đáo khi giữ cấu trúc đơn vị trên mặt bằng mà chỉ đơn giản - “nhấc” 1 đơn vị cao hẳn lên để tạo sự bề thế và chỉnh thể trong bố cục. 

- Và cuối cùng, trong những ngày tháng cuối năm 2013, Tòa tháp Canh Tân (Innovation Tower) do Nữ kiến trúc sư nổi tiếng Zaha Hadid thiết kế sẽ được khánh thành. Với chiều cao (gần 80m) và số tầng (20) được cho là “khiêm tốn” ở Hồng Kông, tòa nhà với cấu trúc hình khối và đường nét độc đáo đã làm một cuộc cách tân trong kiến trúc chung và kiến trúc trường Đại học nói riêng - đúng tên gọi của nó. Không nghi ngờ gì nữa với với Innovation Tower, nhà cao tầng trong trường Đại học đã đưa kiến trúc trường Đại học như một biểu tượng của sự khát khao vươn tới cái Mới, tiên phong của tri thức. 


Tòa tháp Canh Tân 

Nhà cao tầng trong Trường Đại học ở Việt Nam

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Nhà cao tầng đóng một vai trò quan trọng trong quần thể công trình Trường Đại học. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật xây dựng nói chung và khoa học thiết kế quy hoạch Trường Đại học nói riêng, Nhà cao tầng trong Trường Đại học đã trở thành một xu hướng tất yếu. Đặc biệt, ở Việt Nam, điều kiện đất đai chật hẹp, Nhà cao tầng lại là một giải pháp có hiệu quả hơn cả về mặt kinh tế để sử dụng quỹ đất cũng như tập trung hệ thống hạ tầng kỹ thuật. 

Mặc dù tiêu chuẩn hiện hành TCVN 3981-85 đã quy định “Các nhà học của trường Đại học cho phép thiết kế với chiều cao không quá 5 tầng. Trường hợp đặc biệt phải được phê chuẩn trong luận chứng kinh tế kỹ thuật”, nhưng trên thực tế, đặc biệt là từ đầu những năm 2000, Nhà cao tầng trong các Trường Đại học ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được thiết kế xây dựng. Đồng thời, trong quy hoạch tổng thể, giải pháp nhà cao tầng trở thành tương đối phổ biến như những điểm nhấn trong tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc.

  • Ảnh bên: Nhà học - Làm việc trường Đại học Sư phạm TP HCM

Một số ví dụ đáng chú ý như:

- Công trình Nhà hiệu bộ - điều hành 9 tầng Đại học Quốc gia Hà Nội (KTS. Hà Đức Linh) được thiết kế trong khuôn viên Cơ sở 1 Đại học Quốc gia - Xuân Thủy

- Cầu Giấy với chức năng Nhà làm việc thuần túy, tuy với khối tích không lớn nhưng đóng vai trò tích cực trong tổ chức không gian của Cơ sở này. Tuy nhiên, do không được trù tính kỹ về quy hoạch khu vực nên khi mở đường, các hướng nhìn theo cảnh quan lại không được thể hiện, thậm chí theo chiều ngược lại.

- Công trình Nhà học - Làm việc 11 tầng (KTS. Trần Thanh Bình, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Anh Văn) - (không kể tầng 12 kỹ thuật và tum, thang máy) Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh được ghi nhận như một công trình cao tầng đa năng đầu tiên được xây dựng trong các Trường Đại học ở Việt Nam. Nằm trong tổng thể Nhà liên hợp với 4 khối (building): 2 khối học A và B (6 tầng) song song, khối Hội trường lớn (3 tầng) và đối diện là tòa Nhà học – Hiệu bộ 11 tầng. Các giải pháp hình khối không gian giật cấp - đua ra trên mặt đứng tạo tiết điệu, đóng góp cảnh quan cho đường Nguyễn Văn Cừ và khác biệt với mặt đứng hướng nội - nơi tập trung luồng sinh viên vào từ sân tập trung bên trong Khối nhà có kích thước 16 x 60m, tạo nên một cảnh quan quan trọng cho góc đường An Dương Vương và Nguyễn Văn Cừ.

- Trong giai đoạn gần một thập kỷ cuối Thế kỷ XX, khá nhiều công trình Nhà cao tầng trong Trường Đại học đã được quy hoạch, thiết kế xây dựng, chủ yếu là các Tòa nhà làm việc điều hành như Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Cần Thơ…; Kết hợp với Học tập - Thí nghiệm như Đại học Hàng hải - Hải Phòng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quy Nhơn … và trong các quy hoạch dự án các Trường Đại học đã được phê duyệt (hiện nay Tòa nhà cao nhất trong các Trường Đại học ở Việt Nam là Nhà Trung tâm Điều hành - Học viện Kỹ thuật quân sự - 15 tầng).

- Nhìn chung, ngoài những đóng góp nhất định nhằm giải quyết những bài toán khá cụ thể cho từng trường, các yếu tố quy mô vận hành, khối tích và cảnh quan đối nội, đối ngoại vẫn là những vấn đề còn tồn tại ở các công trình trường học cao tầng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, đối với khá nhiều nhà cao tầng được xây đều thiếu các tính toán hợp lý về giao thông (thang máy), trù tính các công năng thích hợp và gắn kết với giải pháp quy hoạch tổng thể.

Việc đi sâu nghiên cứu, phân tích đánh giá tổng quan xu hướng trên thế giới cũng như hiện trạng ở Việt Nam là hết sức cần thiết, để từ đó xác lập các cơ sở khoa học dựa trên các nghiên cứu đi sâu vào các yếu tố tác động chính đến tổ chức không gian kiến trúc, đề xuất các giải pháp cơ bản được đúc rút từ lý thuyết và kinh nghiệm từ chính những ví dụ thực tế đã được thiết kế và xây dựng. Đây cũng là tiền đề cho việc sửa đổi tiêu chuẩn thiết kế TCVN 3981-85 một cách khoa học xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn./. 

TS.KTS Trần Thanh Bình (Tạp chí Kiến trúc) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo