Trung tuần tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã chủ trì cuộc họp với Đại học kiến trúc TP.HCM và kết luận thống nhất về tính khả thi cao của đồ án quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Theo đó, khu danh thắng này sẽ được quy hoạch thành công viên văn hóa mang tính tâm linh - làng nghề truyền thống - bảo tàng và khai thác du lịch; bố trí lại các khu dân cư, xây dựng các tuyến giao thông thủy bộ để bảo đảm cảnh quan môi trường lâu dài cho toàn khu vực... Ông Minh đã giao cho các ngành liên quan lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 để phê duyệt trước cuối tháng 5 này. Đây là một bước ngoặt quan trọng để di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Ngũ Hành Sơn thực hiện vai trò quan trọng của nó trong gìn giữ các giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh, phát huy làng nghề truyền thống và phát triển du lịch của danh thắng có một không hai này.
Nhiều ngôi chùa trong quần thể danh thắng này vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, lịch sử quý giá... Ngũ Hành Sơn còn có một làng nghề điêu khắc đá có bề dày bốn thế kỷ nay với nhiều nghệ nhân tên tuổi và những tác phẩm chế tác từ đá đã trở thành một đặc sản Việt Nam đi khắp năm châu, mỗi năm đem về hàng trăm ngàn USD...
Với một bề dày lịch sử và tiềm năng to lớn như vậy, nhưng trong một thời gian dài, cả chiến tranh và sự thiển cận trong quản lý, Ngũ Hành Sơn đã không được gìn giữ và phát huy đúng những giá trị đó.
Theo phương án quy hoạch vừa được thông qua, trên diện tích khoảng 139 ha sẽ được tôn tạo như một danh thắng văn hóa lịch sử và là điểm du lịch mang tính tâm linh trên Con đường di sản miền Trung. Dự toán kinh phí xây dựng công trình là 2.000 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ có khả năng đón tiếp 3.000 khách/ngày (1 triệu khách/năm). Các khu dân cư trong khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn được điều chỉnh vào 3 làng đá mỹ nghệ với dân số trên 1.600 hộ (6.200 người), diện tích cư trú 191m2/hộ và 1.500 cơ sở buôn bán đá mỹ nghệ và dịch vụ du lịch, giải trí. Ở giữa 3 khu làng đá mỹ nghệ sẽ có tuyến đường du lịch làng nghề cùng các hạng mục như khu hành chính, vườn tượng, nhà thờ tổ nghề đá và các cơ sở phúc lợi...
- Ảnh bên : Quy hoạch tổng thể Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn thành công viên văn hoá tâm linh kết hợp làng nghề truyền thống (nguồn : vqhdanang.vn)
Theo các nhà lập đồ án, diện tích xung quanh 5 ngọn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ Sơn sẽ được mở rộng. Trong đó, không gian khu Thủy Sơn được tổ chức theo chủ đề “Văn hóa nước” kết nối giữa các tuyến kênh đào với sông Cổ Cò bằng tuyến giao thông ven sông để tạo cảnh quan chung và một khu vườn tượng ở phía bắc chân núi này. Ngọn Thổ Sơn được dành một bảo tàng điêu khắc đá. Hai ngọn Kim Sơn và Hỏa Sơn dành cho lễ hội Quán Thế Âm; trong đó có mở rộng không gian nhằm thu hút du khách đến lễ bái. Mộc Sơn là nơi tụ hội của các loài thảo mộc quý. Bảo tàng nghề đá Non Nước được xây dựng trên diện tích 7,3 ha theo dạng hang động sẽ là công trình hoàn toàn mới và là điểm nhấn quan trọng để trưng bày các tác phẩm, tổ chức sự kiện liên quan đến giao lưu văn hóa, triển lãm và trao đổi mua bán các tác phẩm từ chất liệu đá... Con đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa chạy qua khu vực này cũng được mở rộng, tạo ra một không gian thoáng đãng cần thiết.
Theo PGS.TS.KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, chủ nhiệm đề án quy hoạch: Ngũ Hành Sơn, với một bề dày lịch sử và thể hiện các yếu tố âm - dương, ngũ hành, là một thắng cảnh mang tính hội tụ văn hóa Á Đông có giá trị mang tầm quốc gia... Do vậy, xây dựng nó thành một công viên văn hóa với “tổ chức không gian trên ý niệm về sự hình thành vũ trụ theo quan niệm phương Đông, kiến tạo không gian lễ hội văn hóa mang thông điệp truyền thuyết và lịch sử hướng đến những giá trị thời đại" là hết sức đúng đắn và cần thiết.
Được biết, trước khi đại học Kiến trúc TP.HCM đề xuất đồ án quy hoạch này, một đồ án tốt nghiệp mang tên Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn (năm 2006) của nữ sinh viên Phạm Thị Bích Ngọc (lớp 01 KT, khoa Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) đã đạt điểm 10 với sự khen ngợi của nhiều giáo sư và cũng được trình lên lãnh đạo TP Đà Nẵng nghiên cứu. “Tính khả thi rất cao” của đồ án quy hoạch Ngũ Hành Sơn mà Chủ tịch TP Đà Nẵng vừa kết luận phải chăng cũng có phần đóng góp từ ý tưởng ban đầu của giới trẻ? Nhưng chắc chắn đó là một thông điệp cần thiết để gìn giữ một di sản vốn rất hiếm hoi ở Đà Nẵng.
Trương Điện Thắng
- Cứu vãn cảnh quan đô thị bằng nét văn hoá đặc sắc
- Nghiên cứu phương pháp thiết kế mầu sắc môi trường đô thị hiện đại
- Thiết kế đô thị trong điều kiện phát triển bền vững đô thị ở Trung Quốc
- PHÁP : Phân cấp nhu cầu giao thông trong quy hoạch
- Quy hoạch phát triển thành phố cảng Hải Phòng: Tôn trọng không gian xanh
- Nhìn về Tokyo và giải pháp phát triển giao thông, mở rộng đô thị ở Việt Nam
- Cần nhận thức lại chiến lược đô thị
- TP.HCM: Đi tìm dấu ấn quy hoạch
- Ba vấn đề lớn của quy hoạch đô thị
- Quy hoạch đô thị: 2 vấn đề cần được giải đáp