Ashui.com

Wednesday
Jan 22nd
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Có hay không sự ngộ nhận về kiến trúc hiện đại?

Có hay không sự ngộ nhận về kiến trúc hiện đại?

Viết email In

Sau thời gian phê phán gay gắt hiện tượng kiến trúc nệ cổ, nhại cổ và khi vẫn còn lúng túng trong việc phát huy  bản sắc kiến trúc dân tộc thì giờ đây, giới kiến trúc sư (KTS) Việt Nam bắt đầu lên tiếng cảnh báo sự ngộ nhận về kiến trúc hiện đại.

Nhận diện kiến trúc hiện đại

Theo KTS Tôn Đại, trào lưu kiến trúc hiện đại được du nhập vào nước ta từ thời kỳ Pháp thuộc dưới dạng Art Nouveau và Art Déco sau đó phát triển thành chủ nghĩa công năng… Ngày nay, biểu hiện rõ nét nhất của xu hướng kiến trúc hiện đại và kiến trúc hiện đại mới là những ngôi nhà cao tầng đang hàng ngày mọc lên trong lòng đô thị, nhất là ở các khu đô thị mới. Ban đầu những nhà cao tầng mang tính chất khô khan, tẻ nhạt: Có một hai tầng bệ màu sẫm, bên trên là các tầng hoặc ở hoặc văn phòng giống nhau đến tận mái. Sau này, vẻ tẻ nhạt được khắc phục bằng các biện pháp làm đa dạng hóa hình khối và các khối cao thấp khác nhau, đa dạng hóa các lỗ cửa, ban công, lôgia, dùng màu sắc khác nhau cho những mảng khối, tạo những đường chéo,  đường mặt cong trên mặt đứng công trình. Xu hướng kiến trúc hiện đại tận dụng triệt để tiến bộ KHKT về vật liệu xây dựng như kính, thép, gạch gốm trang trí, sơn các loại…, về kỹ thuật mới như kết cấu vách dựng… về trang thiết bị mới như điều hòa không khí, cứu hỏa, thiết bị vệ sinh, chiếu sáng…

  • Ảnh bên : Tòa nhà Trung tâm thương mại Dầu khí Hà Nội - Công trình tiêu biểu về sử dụng vật liệu và kỹ thuật hiện đại.

 

KTS Võ Thành Lân thì lại đưa ra một khái niệm khác. Theo ông thì, từ hiện đại trong thực tế thể hiện mong muốn của chủ đầu tư về công trình với đầy đủ các tố chất như công trình phải thật hoành tráng, sử dụng nhiều nhôm kính và vật liệu cao cấp. Hệ thống kỹ thuật với công nghệ tiên tiến nhất. Kiểu dáng phải khác thường hoặc có đôi chút khác thường, chí ít phải gần so với một công trình đâu đó ở nước ngoài. “Tóm lại, công trình hiện đại phải xứng danh là một công trình cao cấp, siêu cấp và tất nhiên phải tốn nhiều tiền” - KTS Lân nói - “Sự hoài vọng đó thường dẫn công trình tới hoặc phải diễn ra trên một lộ trình quốc tế. Nghĩa là giao cho một đơn vị nước ngoài thiết kế. Quản lý dự án là tư vấn nước ngoài. Và tốt nhất nên giao cho một đơn vị nước ngoài vận hành và khai thác công trình. Nhiều công trình nhà ở, cao ốc văn phòng, khách sạn, bảo tàng… những công trình được coi là hiện đại đã và đang mọc lên theo cách như thế và KTS nước nhà với cái đầu bé nhỏ, khả năng khiêm tốn nên đứng sang một bên âm thầm gặm nhấm nỗi buồn thân phận, chờ đợi đến ngày một nền kiến trúc với hình hài mới được hình thành và lấy đó làm khuôn mẫu để noi theo”. 

Cảnh báo về sự ngộ nhận

Thừa nhận kiến trúc đương đại phương Tây có một sức hấp dẫn với KTS Việt Nam và người tiêu dùng nhưng KTS Nguyễn Trường Lưu vẫn chỉ coi đây là một “thị hiếu”. Ông cho rằng đặc điểm của kiến trúc đương đại phương Tây là dễ làm, bắt mắt, hấp dẫn thị giác, linh hoạt, không bị ràng buộc bởi các niêm luật và tỷ lệ kiến trúc. Kiến trúc này cũng tạo cảm giác về không gian mở, con người hướng ra cảnh quan thiên nhiên. “Người ta cảm nhận về kiến trúc này là hiện đại hơn, thời trang hơn trong khi còn nhiều hậu quả do tính hiện đại của nó đưa ra chưa được người ta tính toán thiệt hại” - KTS Lưu nói. Ông đưa ra bằng chứng: Nhiều công trình được thực hiện bằng những mảng kính lớn, trong suốt với lý lẽ công trình tận dụng ánh sáng thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng chiếu sáng vào ban ngày. Nhưng trên thực tế khi sử dụng, công trình lại được che chắn bằng các loại màn cửa bên trong. Không đủ sáng, lại bật đèn. Còn bên ngoài người ta đưa ra khái niệm kiến trúc “hai da”, hai lớp. Có nghĩa là bên ngoài lớp kính, che thêm một lớp lan nhôm cách điệu thể hiện với nhiều hình thức khác nhau để giảm đi bức xạ và nhiệt độ mặt trời. “Thị hiếu kiến trúc này đi ngược với trào lưu kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững của thế giới” - KTS Nguyễn Trường Lưu kết luận.

  • Ảnh bên : Trung tâm Hội nghị Quốc gia

Kỳ vọng về nền kiến trúc hiện đại Việt Nam

Sau khi đưa ra những minh chứng cho luận điểm nghệ thuật kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh đất nước khởi sắc, xây dựng phát triển rầm rộ hôm nay “vẫn còn lúng túng, chưa dứt khoát được một đường đi rõ rệt”, cuối cùng KTS Tôn Đại cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với kiến trúc hiện đại. Ông nói: “Xu hướng kiến trúc hiện đại mới tỏ ra có nhiều triển vọng hơn cả”. Và ông cổ súy cho việc Việt Nam nên mạnh dạn đi theo hướng kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh. “Xu hướng này phù hợp với Việt Nam. Chúng ta cần tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và tận dụng tính chất địa phương như địa điểm, môi trường thiên nhiên  xã hội, vật liệu xây dựng… Từ đó, bản sắc dân tộc sẽ xuất hiện. Chúng ta sẽ có một nền kiến trúc hiện đại Việt Nam, rất Việt Nam” - KTS Đại kỳ vọng.

Trong khi đó, KTS Võ Thành Lân thì bày tỏ thái độ có phần dè dặt hơn: “Những yếu tố được xem là hiện đại do nước ngoài làm trong các công trình khách sạn  sao, trung tâm hội nghị, nhà ở, văn phòng, bảo tàng… chỉ nên xem như những vật thể có tính chất tham khảo. Không có lý do gì để phản bác việc hướng tới một nền kiến trúc hiện đại nhưng cần bình tĩnh suy xét để khỏi đánh mất mình. Chúng ta cần trao đổi bàn bạc để tìm ra con đường và phương cách đi đến một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại do chính người Việt Nam, KTS Việt Nam làm ra chứ không phải là một nền kiến trúc hiện đại nói chung đâu đó tình cờ trú ngụ trên quê hương mình”.

Tiểu Vũ (ghi)

>> 15 năm Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 1994-2008 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...