Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Giải pháp kiến trúc giúp hộ nghèo sống chung với lũ

Giải pháp kiến trúc giúp hộ nghèo sống chung với lũ

Viết email In

Ở nước ta, nạn ngập lụt xảy ra hàng năm không chỉ ở ĐBSCL mà còn nhiều nơi khác ở miền Bắc và miền Trung. Cứ mỗi mùa bão lũ về lại có biết bao chuyện đau thương, tang tóc xảy ra, như ruộng đồng trắng nước; cây cối, nhà cửa ngập chìm; con người và gia súc bị cuốn trôi; nhiều người bám víu ngọn cây, nóc nhà lánh nạn. Nhưng điều khốn khổ nhất đối với người dân sống trong vùng ngập lụt là sự mất mát lương thực, giống má, người thân (người già yếu, phụ nữ có thai, trẻ em bé dại).

Để giúp người dân vùng ngập lụt ĐBSCL sống chung với lũ, từ những năm cuối thế kỷ XX, Chính phủ đã cho lập quy hoạch và xúc tiến nhiều kế hoạch đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và đã đạt được nhiều kết quả. Song, số lượng làng mạc bị ngập lụt hàng năm từ Bắc vào Nam còn rất nhiều; nếu ở nơi nào nhà nước cũng bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình vượt lũ thì e rằng sẽ rất khó giải quyết. Do đó, để tiếp tục giúp đỡ các hộ dân cư nghèo vùng bị ngập lụt thoát nạn “thuỷ tặc”, sống chung với lũ, nhà nước cần có chính sách huy động tài trợ xã hội hỗ trợ cho các hộ nghèo tạo dựng công trình vượt lũ tại nơi cư trú, với nhiều hình thức thích hợp, chi phí thấp. ở miền Bắc và miền Trung việc giải quyết công trình vượt lũ không nhất thiết phải giống như ở ĐBSCL; mà có thể làm theo mô hình “sàn vượt lũ gia đình” tại nơi cư trú (hình 1).


Hình 1

“Sàn vượt lũ gia đình” tại nơi cư trú là công trình giúp dân tránh lụt khi có lũ về (không phải là nhà ở) dành cho người nghèo, do xã hội giúp đỡ kinh phí đầu tư xây dựng. “Sàn vượt lũ gia đình” có nhiều loại kết cấu kiến trúc khác nhau, tuỳ thuộc điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn tiền hỗ trợ và điều kiện xây dựng của địa phương. Song, trong bài viết này chỉ giới thiệu loại hình “sàn vượt lũ gia đình” kết cấu bê tông cốt thép, tương thích mức nước lũ cao nhất 3m, tần suất 50 năm.

Công trình “sàn vượt lũ gia đình” kết cấu bê tông cốt thép có hình thức cấu tạo đơn giản, gồm: 1 tấm sàn vượt lũ bê tông cốt thép dày khoảng 7 - 10cm (đúc liền khối hoặc panen lắp ghép), hình chữ nhật (kích thước ước tính 300cm x 500cm hoặc 400cm x 600cm) dùng đỡ “chòi tránh lũ”. Dọc 2 biên dài tấm sàn có cấu tạo các lỗ chờ đặt cột “chòi tránh lũ”, đường kính lỗ chờ (ước tính 10 - 15cm), khoảng cách 2 lỗ chờ (ước tính 215- 250cm). Tấm sàn vượt lũ kê trên 4 thanh dầm bê tông cốt thép đầu cột và 1 dầm sườn, tiết diện hình chữ nhật (kích thước ước tính 200mm x 300mm), liên kết cứng vào 4 đầu cột đỡ tấm sàn. 4 cột đỡ tấm sàn vượt lũ làm bằng bê tông cốt thép, dài khoảng 500cm, tiết diện vuông (kích thước ước tính 300mm x 300mm) hoặc tiết diện tròn (đường kính ước tính D = 300mm). Móng cột làm bằng bê tông đúc sẵn, hình vuông (kích thước đáy móng ước tính 100cm x 100cm). Chiều sâu đặt móng (ước tính 100cm). Công trình “Sàn vượt lũ gia đình” không có tường vách bao che, chỉ có một thang kim loại lên xuống. Trên mặt sàn vượt lũ người dân tự làm thêm một “chòi tránh lũ” để gia đình tạm trú trong thời gian ngập lụt, bằng vật liệu xây dựng địa phương (hình 2).


Hình 2

Nếu sử dụng mô hình “sàn vượt lũ gia đình” kết cấu bê tông cốt thép hỗ trợ cho đồng bào nghèo các vùng bị ngập lụt ở nước ta, thì hiệu quả đạt được về số lượng, bề rộng và giá trị suất đầu tư sẽ tốt hơn nhiều so với mô hình vượt lũ áp dụng ở vùng ĐBSCL. 

Với kinh nghiệm tổ chức vận động quyên góp cứu trợ xã hội do Cơ quan Trung ương MTTQVN, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ v.v…trực tiếp thực hiện với các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội; người hảo tâm trong nước và nước ngoài để tài trợ cho những người bị thảm hoạ thiên tai, tai nạn lao động; xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa v.v… đã đạt được trong mấy chục năm qua cho thấy, nếu tiếp tục tiến hành các cuộc vận động quyên góp tương tự, với mục đích gây quỹ xây dựng giúp đỡ cho mỗi hộ dân cư nghèo trong vùng bị ngập lụt một công trình “sàn vượt lũ gia đình” tại nơi cư trú để tránh lũ, sống chung với lũ, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương” thì kết quả quyên góp đạt được sẽ còn lớn hơn nhiều. Mục đích giúp đỡ đồng bào tránh lụt, sống chung với lũ nhất định đạt được kết quả tốt. Nỗi lo âu của đồng bào cả nước trước mỗi mùa bão lũ về sẽ giảm bớt. Gánh nặng tài chính cho nhà nước trong công tác giúp dân vượt lũ cũng nhẹ bớt. Theo tính toán, nếu xây dựng một cụm dân cư vượt lũ tập trung qui mô 200 hộ dân, phải cần tới 4ha đất, 40 tỷ đồng tiền tôn nền vượt lũ, 20 tỷ đồng xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng (tối thiểu) và cho dân vay dài hạn (10 năm) khoảng 20 tỷ đồng làm nhà tái định cư. Tính ra mỗi hộ dân cư nghèo cần hỗ trợ tối thiểu khoảng 80 triệu đồng (chưa tính tiền sử dụng đất). Song, nếu áp dụng mô hình “sàn vượt lũ gia đình” nơi cư trú, thì mức hỗ trợ cho mỗi hộ dân cư nghèo chỉ mất khoảng 10 triệu đồng. Nhà nước không cần lo toan đất đai làm cụm, tuyến vượt lũ và vốn xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật tại nơi vượt lũ.

KTS Trần Công Thanh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo