Ông Lê Viết Hải nói rằng để lãi 1 tỷ USD vào 2032, Hoà Bình phải ưu tiên phát triển ra nước ngoài và duy trì tốc độ tăng doanh thu 5 lần mỗi 5 năm.
Thông tin này được ông Hải chia sẻ tại phiên họp thường niên ngày 25/4 của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC).
Theo ông Hải, trong kế hoạch phát triển một thập kỷ tới, bành trướng hoạt động ra khỏi lãnh thổ Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu. Kế hoạch này được định lượng bằng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đến năm 2032 lần lượt là 20 tỷ USD và 1 tỷ USD, tương đương 437.000 tỷ đồng và 21.800 tỷ đồng.
"Để đạt được các cột mốc này thì Hoà Bình không thể không ra nước ngoài", ông Hải nói, đồng thời cho biết trong quý này hai văn phòng tại Sydney, Brisbane (Australia) và Texas (Mỹ) sẽ hoạt động.
Ông Lê Viết Hải chia sẻ tại phiên họp thường niên ngày 25/4. (Ảnh: HBC)
Tham vọng ra nước ngoài của Hoà Bình có từ nhiều năm trước nhưng ông Hải thừa nhận đến nay vẫn chưa thành công. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh nên công ty tạm ngưng rót vốn vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dân dụng suốt hai năm qua để bảo toàn vốn. Phần còn lại chính vì công ty thiếu và yếu một số mặt như tiềm lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài, nhân lực có trình độ ngoại ngữ và chứng chỉ chuyên môn quốc tế.
"Pháp lý ở nước ngoài không đơn giản. Chúng tôi cũng chưa có kinh nghiệm để đẩy nhanh việc này", ông Hải chia sẻ và ví dụ có dự án công ty góp vốn nhưng việc chậm triển khai làm giấy phép hết hạn, bây giờ tái khởi động thì xin lại giấy phép vô cùng thách thức.
Bù lại, ông Hải tự tin Hoà Bình có những lợi thế để cạnh tranh khi với các đối thủ nước ngoài, trong đó nổi trội nhất là thác nguồn cung vật liệu chi phí thấp, công nghệ tiên tiến và nguồn lực dồi dào nhờ lợi thế dân số trẻ. Ông cho rằng nếu biết tận dụng những yếu tố này thì công ty hoàn toàn có thể lãi 5% trên doanh số.
Trong năm bản lề để tiến ra nước ngoài, Hoà Bình đặt mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 261% so với năm trước.
Theo Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu, con số này tham vọng và cao hơn mặt bằng mục tiêu tăng trưởng của các doanh nghiệp cùng ngành, nhất là trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng tăng mạnh vì nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và căng thẳng Nga – Ukraine.
Quý đầu năm, công ty đã có doanh thu khoảng 3.00 tỷ đồng và lợi nhuận 20 tỷ đồng. Lý giải về việc mới hoàn thành khoảng 6% kế hoạch sau ba tháng, ông Hiếu cho biết do đây là giai đoạn có Tết Nguyên đán nên phát sinh nhiều khoản chi phí. Dù vậy, công ty vẫn tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu bởi ghi nhận thu nhập từ thoái vốn hai dự án bất động sản.
Ông Hiếu nói thêm, từ đầu năm đến nay, công ty đã trúng thầu 9.300 tỷ đồng, đạt gần phân nửa chỉ tiêu trúng thầu trong năm nay. Giá trị hợp đồng chuyển tiếp năm ngoái là 16.000 tỷ đồng và có thể ghi nhận 11.000 tỷ đồng trong số này.
Ban lãnh đạo dự đoán tình hình trúng thầu dự án trong những tháng tới còn khả quan hơn vì mảng bất động sản dân dụng dần khôi phục sau hai năm đóng băng. Các đường bay quốc tế được mở lại cũng là cơ hội cho nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tăng tốc, từ đó tạo ra nguồn việc lớn cho công ty. Công ty cũng đặt mục tiêu quay lại mảng công nghiệp nặng và các dự án năng lượng.
Phương Đông
(VnExpress)
- Tìm giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
- Cầu Long Biên sinh ra từ một ý tưởng “điên rồ”
- Cần lựa chọn phương án xây dựng cao tốc vùng ĐBSCL trên một đánh giá tổng thể
- Xu hướng công nghệ cho ngành Xây dựng
- Quy định về an toàn cháy tại nhà xưởng của Việt Nam không cao hơn các quốc gia khác như Singapore hay Mỹ
- Giải pháp nào để nâng cao chất lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng và văn phòng theo tiêu chuẩn quốc tế?
- Tại sao sàn phẳng sàn hộp rỗng được lựa chọn nhiều trong xây dựng hiện nay?
- Sự thật thú vị đằng sau cây cầu Cổng Vàng nổi tiếng ở Mỹ
- Coteccons nhận giải thưởng Hợp tác bền vững tại Autodesk ASEAN Innovation Awards 2021
- Isambard Kingdom Brunel: Kỹ sư người Anh vĩ đại