Hơn 120 năm trước, nhiều người nghĩ rằng dự án xây cầu Long Biên chắc chắn thất bại, coi đó là “ý tưởng điên rồ” bởi sông Hồng rất rộng lớn và nổi tiếng lũ lụt thất thường.
Ý tưởng về một cây cầu đường sắt bắc qua sông Hồng đã hình thành trước khi Toàn quyền Paul Doumer đến Đông Dương. Cho đến thời điểm đó, tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội kết thúc tại một nhà ga tạm nằm ở Gia Lâm, bên tả ngạn. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội, cả Pháp và Việt Nam, và đặc biệt là các thương nhân, đều lo ngại hoạt động thương mại của thành phố sẽ chuyển sang phía bên kia sông. Để duy trì vị thế và các hoạt động thương mại của Hà Nội, việc xây dựng cây cầu là điều tất yếu.
Bức ảnh 'Sương trắng trong miền cổ tích' của nghệ sỹ nhiếp ảnh Giang Sơn Đông. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)
Cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng là một công trình kết cấu thép dài 1.682 m. Vào thời điểm đó, nhiều người nghĩ rằng dự án chắc chắn thất bại, coi đó là một "ý tưởng điên rồi" bởi vì sông Hồng rất rộng lớn và nổi tiếng lũ lụt thất thường.
Một cuộc tuyển chọn nhà thầu đã được tiến hành năm 1897, ngay sau khi Toàn quyền Doumer đến Hà Nội. Có sáu công ty lớn của Pháp tham gia gồm công ty Levallois-Perret, Daydé et Pillé, Schneider et Cie (Creusot), Công ty Fives-Lille, Baudet Donon Paris và Công ty cầu và công trình thép (Joret).
Hai công ty còn lại trong cuộc đua là Công ty Levallois-Perret và Daydé et Pillé. Công ty Daydé et Pillé đã giành chiến thắng bởi, ngoài các giải pháp kĩ thuật đã đề xuất, mức giá dự thầu của công ty không vượt quá hạn mức kinh phí quy định là 5.500.000 francs cho riêng cây cầu.
Sơ đồ tổng thể vị trí cầu bắc qua Sông Hồng vẽ ngày 25 tháng 5 năm 1897. (Nguồn ANOM)
Khi dự án xây cầu bắc qua sông Hồng được đưa ra, công ty Daydé et Pillé đã nổi tiếng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Công ty đã từng xây dựng nhiều công trình hầm cầu như cầu kênh Briare (1895), cầu Mirabeau, ngày nay là cầu Bir Hakeim (1896), cũng như các công trình kết cấu thép, trong đó nổi tiếng nhất là ga đường sắt Bordeaux-Saint-Jean (1898) và mái vòm và gian giữa của Cung điện lớn Grand Palais ở Paris (1900).
Kĩ thuật được lựa chọn là kĩ thuật dầm hẫng. Kĩ thuật này giúp các nhịp cầu dài và nhẹ hơn. Cây cầu có mười chín nhịp với hai mươi trụ xây ở độ sâu hơn 30 m dưới mực nước thấp nhất. Tổng chiều cao cây cầu là 61 m. Cây cầu có hai nhịp hai đầu dài 78,70 m và 9 nhịp dài 75 m, xen kẽ với tám nhịp dài 106,20 m.
Cầu Long Biên được xây dựng như thế nào?
Công trình được khai móng vào tháng 9 năm 1898. Trở ngại đầu tiên trong xây dựng cầu là sự thay đổi mực nước sông Hồng, tăng thêm 8m vào mùa mưa lũ với tốc độ dòng chảy là 4m/giây. Đây là lí do tại sao công trình được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 6 và dừng thi công trong thời gian lũ lụt.
Đào móng xây trụ là một công đoạn kĩ thuật phức tạp và nguy hiểm. Mùa nước cạn là mùa được chọn để tiến hành xây dựng trụ cầu. Việc đào móng xây trụ cầu là một công đoạn khó nhất được tiến hành ở độ sâu tới 30 m bằng một phương pháp do kĩ sư Jacques Triger sáng chế ra. Phương pháp này phải dùng máy nén khí. Đầu tiên, một giếng chìm hơi ép được nhấn chìm xuống đất và sau đó được điều áp để ngăn nước tràn vào. Tiếp đó, chiếc giếng biến thành một khoang điều áp có nắp. Đây là phương pháp tương tự được sử dụng vài năm trước đó để làm móng cho cầu Brooklyn ở New York và Tháp Eiffel.
Các kết cấu quan trọng nhất, dầm thép và bu lông, được chuyển từ Pháp sang và sau đó được công nhân Việt Nam lắp ráp tại chỗ khi thi công. Cây cầu tiến từng chút một qua sông. Ngày 3 tháng 2, hai bờ được nối liền. Khoảng 30.000 m³ đá, 6.000 tấn kim loại, 2.000 m³ gỗ để dựng giàn giáo được sử dụng để xây dựng cây cầu thép dài 1.682 m này.
Ngày 28 tháng 2, lúc 8:30 sáng, đoàn tàu rời ga Hà Nội mới, chở Vua Thành Thái, Toàn quyền và Paul Beau, đại sứ Pháp tại Bắc Kinh và người kế nhiệm Doumer. Cây cầu được đặt theo tên của Doumer, người khởi xướng dự án xây dựng này. Ngày 8 tháng 4 năm 1902, đoàn tàu chính thức đầu tiên của tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng rời ga. Cây cầu được xây dựng với tốc độ ấn tượng, trong ba năm bảy tháng, trong khi thời hạn xây dựng là 5 năm, và không vượt quá kinh phí. Chi phí thực tế để xây dựng cầu Doumer là 6.200.000 franc.
Cầu Long Biên được mở rộng năm 1924
Ban đầu, cây cầu được thiết kế chỉ dành cho đường sắt, có hai bên vỉa hè 1,3 m cho người đi bộ, xe kéo và người đi xe đạp. Do đó, ô tô phải qua sông bằng phà. Từ năm 1914, việc cải tạo cầu dành cho ô tô đã từng được tính đến. Tuy nhiên, phải sau chiến tranh thế giới thứ nhất, việc mở rộng làn đường bộ trên cầu mới được tiến hành. Năm 1922, làn đường bộ mở rộng 2,20 m và vỉa hè 1 m, cũng như 4 đoạn tránh xe, cho phép các phương tiện vượt nhau (15 m x 4,2 m) ở hai bên cầu. Công ty Daydé và Pillé là công ty thi công công trình. Công trình khởi công năm 1922 và hoàn thành vào tháng 12 năm 1923.
Khánh thành làn đường bộ trên cầu Doumer năm 1924. (Nguồn ANOM)
Ngày 23 tháng 4 năm 1924, cây cầu mở rộng được Toàn quyền Đông Dương Merlin khánh thành. Các quy tắc giao thông được quy định vào năm 1924: xe đi bên phải, người đi bộ theo hướng ngược lại. Cấm các phương tiện trên 3 tấn và tốc độ tối đa là 15 km/h.
Ban đầu cây cầu thiết kế không dành cho ô tô nên các đường dẫn xây dựng thêm không phù hợp với hướng giao thông, đã gây ra nhiều vụ tai nạn cả ở Gia Lâm và Hà Nội. Năm 1925, người ta đã đề xuất đảo chiều giao thông trên cầu. Đến tháng 9 năm 1929, một cuộc thử nghiệm đảo chiều xe đã được tiến hành trong một tuần. Tuy nhiên, chiều di chuyển của xe cộ trên cầu vẫn không thay đổi. Vấn đề này vẫn tiếp tục được đề cập hàng năm nhưng phải đến năm 1953, việc đảo chiều giao thông mới được thực hiện. Xe đi phía bên trái của làn đường sắt duy trì cho đến ngày nay. Năm 1937, Công ty Levallois-Perret (trước là công ty Eiffel) tiến hành thay ván sàn gỗ bằng bê tông cốt thép.
Cầu Long Biên bị bom Mỹ khoảng năm 1966-1967. (Nguồn TTLTQG3)
Cây cầu được đổi tên thành cầu Long Biên vào năm 1945. Kể từ năm 1946, lưu lượng giao thông trên cầu không ngừng tăng lên, hơn 400 phương tiện mỗi giờ, gây nguy hiểm cho cây cầu. Các phương tiện quân sự của Pháp quá nặng (trên 9 tấn), đi quá nhanh (trên 15 km/h), không tôn trọng khoảng cách tối thiểu (50 m) và các quy định.
Tiếp đó, trong suốt những năm từ 1947 đến 1972, cây cầu hư hỏng nặng do xe cộ quá tải và lưu lượng giao thông lớn, đặc biệt bị phá hủy sau những trận ném bom của quân đội Mỹ. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành gia cố, sửa chữa nhiều lần. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, cây cầu vẫn không giữ được thiết kế ban đầu của một dải đăng ten thép, từng được ca ngợi như một con rồng trên bầu trời Hà Nội.
Cầu Long Biên sau khi hoàn thành nhìn từ trên cao. (Nguồn ANOM)
Ngày nay, cây Long Biên 120 tuổi đã trở thành nhân chứng lịch sử của thủ đô Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Cây cầu đã gắn bó với những người yêu Hà Nội. Đó có thể là thiên đường của những đứa trẻ sống bên cầu, là nơi hò hẹn của biết bao đôi trai gái hay đơn giản là nơi lí tưởng để người ta ngắm cảnh Sông Hồng, mỗi mùa mỗi khác.
Khánh Nguyễn
(VTV.vn)
- Cần lựa chọn phương án xây dựng cao tốc vùng ĐBSCL trên một đánh giá tổng thể
- Xu hướng công nghệ cho ngành Xây dựng
- Quy định về an toàn cháy tại nhà xưởng của Việt Nam không cao hơn các quốc gia khác như Singapore hay Mỹ
- Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: "Muốn lãi 1 tỷ USD thì phải ra nước ngoài"
- Giải pháp nào để nâng cao chất lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng và văn phòng theo tiêu chuẩn quốc tế?