Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Hà Nội xử lý dứt điểm vi phạm trong sử dụng quỹ nhà tái định cư

Hà Nội xử lý dứt điểm vi phạm trong sử dụng quỹ nhà tái định cư

Viết email In

Công tác quản lý, sử dụng và vận hành quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc gây bức xúc cho người dân. 

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành tổng rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để đánh giá, phân loại và đề xuất cơ chế chính sách quản lý phù hợp với thực tế Thủ đô và các quy định của pháp luật.  

Kinh phí bảo trì là trách nhiệm chung 


Khu đô thị Nam Trung Yên.
(Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Trí Dũng cho biết, trong thời gian chờ quy định của Nhà nước về việc hỗ trợ kinh phí bảo trì, vận hành nhà chung cư tái định cư, trước mắt, Sở đã chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Hà Nội (hai đơn vị quản lý nhà tái định cư lớn của thành phố) chủ động ứng vốn bảo trì, sửa chữa kịp thời các trang thiết bị hư hỏng, đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các hộ dân. 

Sau khi thành phố quyết định mức hỗ trợ và căn cứ vào khung giá dịch vụ nhà chung cư đã ban hành, đơn vị quản lý sẽ xây dựng mức giá dịch vụ áp dụng cho từng tòa nhà trên nguyên tắc xác định rõ trách nhiệm của người dân phải đóng góp trong quản lý, vận hành nhà chung cư.

Thực tế hiện nay, hầu hết các cư dân đang sinh sống tại khu chung cư tái định cư nộp mức phí dịch vụ rất thấp (30.000 đồng/hộ), trong khi quỹ bảo trì 2% không nhiều (từ vài triệu đến vài trăm triệu cho một tòa nhà) do giá bán căn hộ tái định cư thấp hoặc nhiều tòa nhà không có quỹ bảo trì vì bán trước Luật Nhà ở năm 2005. Vì vậy, khi có phát sinh bảo trì, không phải hộ dân nào cũng đồng thuận và có khả năng góp khoản tiền lớn.

Đa phần ý kiến của cư dân đều cho rằng, Nhà nước phải có trách nhiệm đối với loại hình nhà tái định cư nên hỗ trợ kinh phí để bảo trì, quản lý và vận hành tòa nhà.

Cũng theo ông Dũng, khu chung cư tái định cư chưa thành lập được Ban Quản trị nên việc giám sát cũng như lấy ý kiến thống nhất của các chủ sở hữu về yêu cầu cung cấp, mức thu phí dịch vụ chưa thực hiện được. Vì vậy, chất lượng dịch vụ quản lý, vận hành thấp hoặc chỉ thực hiện ở mức đáp ứng các điều kiện cơ bản.

Phần lớn cư dân nơi đây cho rằng việc thành lập Ban Quản trị là dồn trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì nhà chung cư cho người dân. Đến nay, trong tổng số 166 tòa nhà tái định cư trên địa bàn thành phố với 13.971 căn hộ, mới thành lập được 14 Ban Quản trị tại 16 tòa nhà.

Xử lý dứt điểm tồn tại 

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc về nguồn kinh phí để quản lý, vận hành chung cư tái định cư, việc bố trí sử dụng các căn hộ tái định cư hay quản lý phần diện tích kinh doanh dịch vụ vẫn còn nhiều tồn tại, thậm chí là sai phạm, gây lãng phí và thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Theo kết quả giám sát mới đây của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, trong tổng số 87 điểm thuộc diện tích kinh doanh dịch vụ với gần 24.000m2, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý và trực tiếp ký hợp đồng cho thuê, con số “nợ đọng” tiền thuê từ nhiều năm nay lên đến vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Thậm chí, trường hợp tại Khu tái định cư Trung Yên (nhà 4F) hơn 10 năm nay không trả tiền thuê, song công ty cũng không có biện pháp để xử lý khi các đơn vị thuê cố tình chây ỳ.

Đề cập đến 22 điểm kinh doanh dịch vụ nhà tái định cư (sau khi đã thu hồi được 6 điểm) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tự ý cho các đơn vị vào sử dụng khi chưa có sự chấp thuận của Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Xây dựng cho biết, cơ quan này đã hoàn thành kiểm tra 22 địa điểm trên.

Hiện, Sở đã đề xuất phương án xử lý với Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận cho các đơn vị đang sử dụng được ký hợp đồng thuê với các điều kiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội có trách nhiệm rà soát để đảm bảo nhà chung cư phải có diện tích sinh hoạt cộng đồng, phần còn lại (nếu có) mới bố trí làm kinh doanh.

Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, đối với các đơn vị hiện đang sử dụng chưa hợp pháp, nếu sử dụng đúng mục đích, không cải tạo, cơi nới trái phép, nộp đủ tiền thuê nhà theo quy định tại từng thời điểm kể từ khi vào sử dụng cho đến nay mới được thành phố xem xét cho thuê.

Thành phố sẽ kiên quyết thu hồi nếu đơn vị, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ tài chính, tự cho thuê lại, sử dụng không đúng mục đích, cải tạo cơi nới trái phép.

Đáng lo ngại, thời gian qua, 1.367 căn hộ dù đã có quyết định bán nhà nhưng người dân chưa nộp tiền mua nhà mà vẫn được bố trí vào ở hoặc bỏ trống, trong khi nhu cầu về nhà tái định cư phục vụ dự án phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm trên địa bàn thành phố vẫn còn thiếu.

Cụ thể, trong tổng số 1.367 căn hộ trên, 550 căn hộ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Hà Nội tự ý cho các hộ dân vào sử dụng khi người dân chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền mua nhà

Trong số đó có 204 căn hộ tại khu đô thị Nam Trung Yên đã được hai đơn vị này tự cho dân vào ở trước ngày 30/6/2014; 346 căn do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tự cho dân vào ở từ ngày 30/6/2014 đến ngày 30/7/2015.

Để xử lý tình trạng vi phạm này, tại Thông báo số 227 ngày 8/7/2015, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thành lập Tổ công tác kiểm tra, tiến hành lập biên bản xử lý hành chính đối với hộ dân cố tình chây ỳ, không thực hiện hoàn trả tiền mua nhà về ngân sách thành phố. Riêng về vi phạm của hai đơn vị quản lý, thành phố sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.

Còn đối với 817 căn hộ tái định cư đã có quyết định bán nhà nhưng người dân chưa đến nộp tiền và cũng chưa nhận nhà từ nhiều năm nay, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các quận, huyện kiểm tra, rà soát trình Ủy ban Nhân dân thành phố thu hồi.

Dự kiến trong tháng Chín tới sẽ thu hồi 119 căn đã có quyết định bán từ năm 2011 trở về trước và 29 căn có quyết định bán năm 2012.

Số căn đã có quyết định bán từ năm 2013 và 2014 là 487 lần lượt đến hết ngày 31/12/2015 và 30/6/2016. Các hộ không đến làm thủ tục mua và nhận nhà, thành phố sẽ thu hồi.

Theo kế hoạch, cũng trong tháng Tám này, Sở Xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố thu hồi 324 căn hộ còn trống đã có thông báo cho các chủ đầu tư để thực hiện giải phóng mặt bằng nhiều năm nay nhưng chưa có nhu cầu sử dụng để bố trí cho dự án khác./. 

(TTXVN /Vietnam+) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2482 khách Trực tuyến

Quảng cáo