Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Giải ngân 84 triệu đô la Mỹ vốn ODA nâng cấp đô thị ĐBSCL

Giải ngân 84 triệu đô la Mỹ vốn ODA nâng cấp đô thị ĐBSCL

Viết email In

Tính đến ngày 15/1/2016, giải ngân vốn ODA của dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ mới đạt 84,57 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 32% so với tổng mức đầu tư 260,9 triệu đô la Mỹ, theo ông Dương Quốc Nghị, Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển đô thị thuộc Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng).  


Giải ngân vốn ODA dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL đạt trên 84 triệu đô la Mỹ. Trong ảnh là một góc Thành phố Cần Thơ, địa phương đang thực hiện dự án nêu trên
(Ảnh: Trung Chánh) 

Tại hội nghị “Tổng kết đánh giá giữa kỳ dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL” được tổ chức ở Trà Vinh ngày 16/1, ông Dương Quốc Nghị cho biết ban đầu dự án được ký kết với WB có tổng vốn đầu tư (chưa tính phần vốn đối ứng của Việt Nam) là 292 triệu đô la Mỹ, nhưng do tỷ giá SDR (SDR- Special Drawing Right - là quyền rút vốn đặc biệt) thay đổi so với đô la Mỹ nên số vốn đầu tư thực tế đã giảm 31,1 triệu đô la Mỹ so với khi ký kết. Thực tế, vốn đầu tư của dự án chỉ còn 260,9 triệu đô la Mỹ như đã nêu ở trên. 

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án phát triển đô thị, dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL có hiệu lực thực hiện từ đầu tháng 8-2012 đến cuối năm 2017, với tổng cộng 255 gói thầu. Trong giai đoạn 1, có 171 gói thầu, trong đó 153 gói thầu đã ký hợp đồng triển khai xây dựng, và có 78 gói thầu đã hoàn thành 100% công việc. 

Giai đoạn 2 có 84 gói thầu, trong đó có 53 gói thầu đã ký hợp đồng triển khai xây dựng và trong số này có 3 gói thầu đã hoàn thành 100% công việc.

Như vậy, nếu so với tốc độ triển khai thực hiện của dự án, thì tốc độ giải ngân vốn ODA nhìn chung diễn ra vẫn còn chậm. Tuy nhiên, thời gian gần đây tốc độ giải ngân đã được cải thiện đáng kể, theo ông Nghị.

“Giải ngân tháng 12/2015 và trong những ngày đầu tháng 1/2016 đã tăng thêm khoảng 18 triệu đô la Mỹ so với tháng 11/2015”, ông Nghị dẫn chứng.

Riêng đối với giải ngân vốn đối ứng, theo ông Nghị, đến thời điểm này, đã giải ngân được 1.663 tỉ đồng so với tổng vốn đối ứng là 2.189 tỉ đồng, chủ yếu phục vụ cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các gói thầu của dự án.

Tuy tốc độ giải ngân vốn ODA còn chậm, nhưng các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá rất cao hiệu quả của dự án mang lại.

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, cho biết: “Không chỉ ở những khu vực có dự án đi qua mới có sự thay đổi, ngay cả những khu lân cận cũng có hiệu ứng thay đổi theo, chặng hạn, rạch Tham Tướng (Cần Thơ) trước đây rất nhếch nhác, hôi thối, nhưng sau khi thực hiện dự án, cảnh quan trông rất sạch đẹp, đời sống của người dân cũng đã có sự thay đổi”.

Trong khi đó, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, dẫn nhận xét của các chuyên gia tư vấn độc lập giám sát dự án, cho biết dự án này đã đạt được mục tiêu là cải thiện cơ sở hạ tầng tại những khu thu nhập thấp (LIA) trong các thành phố thuộc dự án ở ĐBSCL.

“Mục tiêu của dự án là đến năm 2015 sự hài lòng của người dân đối với công trình hạ tầng kỹ thuật là 70%, nhưng qua con số phỏng vấn 600 hộ dân vào cuối năm 2015, thì số hài lòng lên đến 85,7%, vượt qua dự kiến ban đầu và đây là kết quả được chúng tôi đánh giá rất cao”, bà Linh cho biết.

Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, lưu ý việc đạt được các chỉ số về tiến độ thi công dự án, chỉ mới là kết quả bước đầu, cũng không nên quá vui mừng. “Các bạn cần nhìn xa hơn là dự án sẽ tác động đến đời sống người dân như thế nào, cải thiện cuộc sống cho họ ra sao mới là điều quan trọng”, bà nói.

Theo bà Victoria Kwakwa, thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam cũng như các địa phương có dự án được triển khai cần đưa ra những bằng chứng, chứng minh cụ thể là dự án có tác động tích cực, lâu dài đến đời sống của người dân ra sao.

Ngoài ra, bà cũng lưu ý đối với những dự án phức tạp, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến những yếu tố an toàn xã hội, môi trường, nhất là việc đền bù, giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, không để người dân khiếu kiện... 

Được biết, dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL được triển khai tại 6 đô thị trọng điểm của 6 tỉnh/thành vùng ĐBSCL, gồm Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp và Tiền Giang. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 8/2012 và sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2017. 

Trung Chánh 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2283 khách Trực tuyến

Quảng cáo