Còn 7 dự án gọi vốn theo phương thức BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý đang chờ các nhà đầu tư.
Ngoại trừ Dự án Xây dựng Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng và Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn La Sơn - Lăng Cô và xây dựng hầm Phú Gia, Phước Tượng có vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, 7 dự án còn lại trong lĩnh vực hạ tầng đường bộ đang tìm nhà đầu tư đều là những “siêu dự án” có quy mô vốn lên tới cả tỷ USD.
Theo ông Trương Tấn Viên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông- Vận tải (GT-VT), 7 “siêu dự án” này được chia làm 2 loại: đường cao tốc liên vùng và mạng đường vành đai của 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM.
Trong đó, lĩnh vực phát triển hệ thống đường cao tốc gồm 3 dự án: Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài 205 km có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 37.500 tỷ đồng; Dự án Đường cao tốc Nha Trang - Phan Thiết dài 79 km có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng và Dự án Đường cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn dài 150 km có tổng mức đầu tư khoảng 28.000 tỷ đồng.
Đối với mạng đường vành đai 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM, Cục Đường bộ Việt Nam (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) đang mở rộng cửa đón nhà đầu tư cho 4 dự án: Đó là Đường cao tốc vành đai 4 TP. Hà Nội có 6 làn xe dài 136 km, kết nối Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Bắc Giang có tổng vốn đầu tư 51.874 tỷ đồng; Đường cao tốc vành đai 5 TP.
Hà Nội kết nối Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Vĩnh Phúc có tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng; Đường cao tốc vành đai 3 TP.HCM 6 làn xe dài 87,4 km có vốn đầu tư là 43.000 tỷ đồng và Đường cao tốc vành đai 4 TP.HCM dài 152 km kết nối TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương và Long An có tổng mức đầu tư 60.000 tỷ đồng.
Ngoài 9 dự án kể trên, Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long dài 147 km có vốn đầu là 20.557 tỷ đồng dù đã tìm được nhà đầu tư là Công ty TNHH Gitex (Trung Quốc), nhưng do doanh nghiệp này đề nghị hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng trong 10 năm đầu (vào khoảng 400 triệu USD); đồng thời xin phép được mua một số loại khoáng sản với giá ưu đãi... là chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam, nên nhiều khả năng Bộ GT-VT sẽ phải khởi động lại quá trình tìm kiếm nhà đầu tư.
“Dù có hiệu quả kinh tế tương đối tốt, nhưng do quy mô vốn quá lớn khiến các dự án chưa tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, do đại đa số dự án chưa hoàn thành xong bước lập Đề xuất đầu tư, nên các nhà đầu tư cũng chưa đủ thông tin để cân nhắc bỏ vốn vào dự án”, ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá.
Theo các chuyên gia, việc Chính phủ cho phép 2 dự án hạ tầng trọng điểm là Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Dự án Đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa được sử dụng vốn vốn tái thiết và phát triển (IBRD) của Ngân hàng Thế giới (WB) theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) có thể là một lối thoát mới cho công tác huy động vốn đầu tư các dự án đường cao tốc.
Ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ GT- VT cho biết: “Với những khó khăn thực tế về khả năng hoàn vốn của các dự án đường cao tốc, việc cho phép nhà đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay IBRD của WB hoặc nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khác thông qua hình thức PPP được coi là phương án huy động hiệu quả và khả thi nhất do nguồn vốn IBRD có lãi suất thấp, thời gian vay dài, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án, đồng thời sẽ hạn chế được yêu cầu hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước. Về cơ bản, Bộ GT-VT ủng hộ phương án huy động vốn này của nhà đầu tư”. Ông Mai Văn Đức bổ sung: “Đối với các dự án đường vành đai chưa bố trí được vốn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang cân nhắc tách và phân kỳ đầu tư thành các tiểu dự án nhỏ để mời gọi các nhà đầu tư”.
Anh Minh
- Hà Nội: Rộng cửa cho dự án phù hợp quy hoạch
- Kinh nghiệm quản lý hợp đồng xây dựng của Nhật Bản
- Tiền bồi thường Thủ Thiêm là bao nhiêu?
- Mua căn hộ: Đau đầu vay vốn ngân hàng
- Khởi động Dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Starbay trị giá 1,8 tỷ USD tại Phú Quốc
- Phí chung cư: Sẽ theo hướng linh hoạt?
- Quốc hội thông qua dự án các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản
- Nhiều lỗ hổng trong đấu thầu xây dựng
- Buông lỏng đất đai, công sản là nuôi dưỡng tham nhũng
- Đất nền tăng giá