Bộ GTVT và thành phố Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng thêm cảng Liên Chiểu để giảm tải cho khu bến cảng Tiên Sa và khu bến Sơn Trà (Thọ Quang).
Theo thông tin từ Bộ GTVT, hôm 22/5, Bộ GTVT và thành phố Đà Nẵng đã thảo luận về các nội dung liên quan đến công suất khai thác cảng Tiên Sa và chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu ở Đà Nẵng.
Vị trí dự kiến xây cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Đề cập đến sự cần thiết xây dựng thêm cảng Liên Chiểu, chính quyền thành phố Đà Nẵng cho biết, cảng Đà Nẵng hiện tại bao gồm hai khu bến chính là khu bến Tiên Sa và khu bến Sơn Trà (Thọ Quang). Đây là đầu mối vận tải biển của các tỉnh miền Trung nên hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container của khu vực miền Trung đều được đưa về cảng Đà Nẵng.
Theo số liệu thống kê của thành phố Đà Nẵng, khối lượng hàng qua cảng Đà Nẵng năm 2016 là 5,7 triệu tấn và dự báo sẽ tăng lên khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030.
Với lượng hàng tăng lên như dự báo sẽ vượt qua năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà (Thọ Quang) sau năm 2020 và đặc biệt là vượt qua khả năng đáp ứng của tuyến đường giao thông kết nối cảng đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng. Khi đó sẽ gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tác động đến phát triển du lịch của thành phố này.
Do vậy, chính quyền Đà Nẵng cho rằng, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để mở rộng hệ thống cảng Đà Nẵng là rất cần thiết, phục vụ cho phát triển kinh tế của Đà Nẵng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Về phía Bộ GTVT, bộ này ủng hộ và thống nhất về chủ trương đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn hoàn chỉnh nội dung báo cáo đề xuất dự án. Trong đó phân tích rõ lượng hàng hóa thông qua các bến cảng; làm rõ kết nối giao thông; đề xuất vị trí quy hoạch trung tâm logistics, cảng cạn với diện tích đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, phù hợp với kết nối giao thông thuận lợi nhằm hỗ trợ hiệu quả nhất cho cảng Tiên Sa và kết nối trong khu vực.
Hồi tháng 2 năm nay, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nghe Công ty tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) báo cáo phương án đầu tư cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là 5.581 tỉ đồng được đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP). Trong đó, vốn nhà nước là 2.630 tỉ đồng, vốn tư nhân 3.071 tỉ đồng. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động là năm 2022. Phương án này được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cơ bản thống nhất.
Cuối năm 2016, Chính phủ đã đồng ý quy hoạch phát triển cảng Liên Chiểu thành trung tâm logistics của cảng Đà Nẵng và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc các hình thức đầu tư phù hợp.
Việc xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ có nhiều thuận lợi khi một số dự án hạ tầng quan trọng như hầm Hải Vân hiện đang triển khai tuyến hầm số 2 trong tương lai tăng khả năng vận tải qua hầm; đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ đưa vào hoạt động năm 2018, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, khi ga đường sắt Đà Nẵng được di dời lên khu vực Liên Chiểu thì việc kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không sẽ rất thuận lợi.
Lê Anh
(TBKTSG)
- Đà Nẵng phê duyệt cao ốc 51 tầng tại khu đất phục vụ lễ hội pháo hoa
- Đà Nẵng tăng cường thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao
- “Đà Nẵng quá vất vả vì câu chuyện Sơn Trà”
- Hơn 4 tỉ đô la Mỹ phát triển dự án đô thị thông minh Nhật Tân - Nội Bài
- Đầu tư công không nên vì tăng trưởng kinh tế ngắn hạn
- Thi công các công trình xây dựng không được phát tán tiếng ồn, bụi…
- 2 dự án tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD trình làng tại TP.HCM
- Bật mí nhà ga sân bay đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng bằng vốn tư nhân
- Lý do nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tại Việt Nam
- Tổng thầu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã nhận 18,25 triệu USD