Ashui.com

Saturday
Nov 30th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Tạo sức hút đầu tư từ phát triển hạ tầng

Tạo sức hút đầu tư từ phát triển hạ tầng

Viết email In

Thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN)… môi trường đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư Nhật Bản.  


(Ảnh minh họa) 

Đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, đến nay Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 3.551 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 46,3 tỷ USD, chiếm 14,7% về số dự án và số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam với sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn như Honda, Misubisi, Toyota… 

Cùng với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam còn hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản bởi vị trí địa lý nằm ở trung tâm khu vực ASEAN, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động đông và chăm chỉ. Môi trường chính trị, văn hóa của Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng cho rằng, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới thông qua những FTA song và đa phương.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng, đặc biệt chú trọng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục dành ưu tiên và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư Nhật Bản tham gia CPH DNNN và trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam.

Đồng thời, khuyến khích DN Nhật Bản tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối DN Việt Nam với thị trường toàn cầu; mong muốn các quỹ đầu tư, DN Nhật Bản nghiên cứu đầu tư vào dự án đang hoạt động hoặc đề xuất đầu tư vào dự án trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, logistics... 

Chú trọng dự án hiện đại, thân thiện môi trường

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 10/2017, Việt Nam thu hút được 24.397 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 312,9 tỷ USD, đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đóng góp của khu vực FDI vào GDP tăng lên nhanh chóng trong những năm qua, từ 2% vào năm 1992 lên tới 19% vào năm 2016. Cùng với đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI cũng tăng mạnh, năm 2012 chiếm 64%, đến năm 2015 chiếm 70,5% và năm 2016 xuất khẩu của khu vực FDI đạt 126,28 tỷ USD, chiếm 71,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

FDI cũng đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001- 2010).

Đến năm 2016, khu vực FDI đóng góp vào thu ngân sách khoảng 7,1 tỷ USD, chiếm 20% tổng thu nội địa và 15% tổng thu ngân sách cả nước.

Hiện, 58,2% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng… FDI góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động.

Ông Wim Douw - Chuyên gia cao cấp về Chính sách đầu tư thương mại và cạnh tranh, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Thu hút đầu tư của Việt Nam thời gian qua dựa chủ yếu vào lợi thế nguồn lao động giá rẻ và những ưu đãi đầu tư lớn, chất lượng nguồn vốn FDI chưa được chú trọng. Tuy nhiên, lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam đang mất dần.

Trong bối cảnh toàn cầu và khu vực có nhiều thay đổi, các quốc gia hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam cần thay đổi tư duy về thu hút đầu tư.

Thay vì thu hút dựa vào ưu đãi và lao động giá rẻ, Việt Nam cần thu hút FDI dựa trên nền tảng về kỹ năng lao động, công nghệ và chuỗi sản xuất, chọn lọc vào những dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Có như vậy, sức hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam mới thực sự bền vững. 

Viễn Phong 
(Báo Xây dựng)  


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2239 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  

  


Loading...