UBND Tp.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng khu đất 3ha tại khu vực trường đua Phú Thọ, quận 11 để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng.
Chủ đầu tư thực hiện dự án này là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR - HOSE), theo hình thức BOT với tổng số tiền khoảng 1.500 tỷ đồng.
Phối cảnh Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc.
Theo đó, Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng sẽ gồm cụm nhà thi đấu chính và khu vực nhà tập luyện đa năng. Điểm nhấn của cụm nhà thi đấu là sân thi đấu với khán đài có sức chứa 4.000 chỗ, mặt sàn đấu có chu vi 40m x 60m, bảo đảm tiêu chuẩn tổ chức tất cả các môn thể thao trong nhà, kể cả môn cần nhiều mặt bằng nhất cùng lúc là thể dục dụng cụ. Đi kèm là đầy đủ các phòng chức năng dành cho ban tổ chức giải, trọng tài, vận động viên, báo chí, kỹ thuật...
Cụm nhà tập luyện bao gồm các khu vực phụ trợ như đường chạy phủ nhựa tổng hợp phục vụ khởi động, phòng tập thể lực, sân tennis, cầu lông, bóng rổ… hoàn toàn tách bạch khỏi hoạt động tổ chức thi đấu, bảo đảm việc tập luyện theo kế hoạch của vận động viên 12 bộ môn mà Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng sẽ đảm nhận sau khi có cơ ngơi hiện đại trong tay.
Trước đó, Tp.HCM cũng có đề án gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc kế hoạch đầu tư và bố trí vốn cho các công trình phục vụ SEA Games 31.
Cụ thể, ngoài 22 địa điểm là các sân vận động, nhà thi đấu cần phải đầu tư nâng cấp hơn 200 tỷ đồng, Tp.HCM sẽ phải hoàn thành 2 công trình lớn gồm Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng và nhiều công trình khác phục vụ SEA Games có vốn đầu tư 15.600 tỷ đồng.
Theo đó, từ nay đến năm 2021,Tp.HCM sẽ tập trung xây dựng hoàn thành các công trình lớn gồm Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, với tổng vốn đầu tư 1.954 tỷ đồng theo hình thức đầu tư hợp đồng BT và dự kiến công trình này sẽ được khởi công đầu năm 2018, và hoàn thành cuối năm 2020.
Còn đối với Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú, quận 2 cũng đang được lên kế hoạch đầu tư với 12 hạng mục chính với tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng lên đến hơn 8.000 tỷ đồng.
Để chủ động trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng và đảm bảo phù hợp với khả năng, tiến độ huy động vốn, Tp.HCM dự kiến tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng toàn khu liên hợp hành tiểu dự án riêng và kêu gọi đầu tư theo từng hạng mục công trình.
Kiều Linh
(VnEconomy)
- 25 chỉ tiêu cho xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
- Trở lực từ dự án metro
- Lãi suất vay mua nhà ở xã hội là 5%
- Tây Ban Nha hỗ trợ nguồn vốn đầu tư tuyến metro số 5 tại TP.HCM
- Đà Nẵng công bố cơ chế ưu đãi với khu công nghệ cao
- Phúc Khang ra mắt “phiên bản đặc biệt” Diamond Lotus Riverside
- Hà Nội: điều chỉnh quy hoạch nhằm “hợp thức” cho các vi phạm xây dựng?
- Hà Nội đề xuất cho Vingroup và T&T tham gia đầu tư một số đoạn tuyến đường sắt đô thị
- Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất đai
- Gỡ nút thắt về xử lý tài chính và định giá đất đai trong cổ phần hóa