Sau khi nhận được Văn bản số 3292/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 21/5/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị góp ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công tư PPP, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1663/BXD-HĐXD gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu thuộc tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ) tại Văn bản số 1313/TTg-CN ngày 01/9/2017.
Đồng thời tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép UBND tỉnh Sơn La là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Ashui.com)
Theo Bộ Xây dựng thì chủ trương đầu tư xây dựng dự án tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu để kết nối các tỉnh vùng Tây Bắc và với Thủ đô Hà Nội, giảm tải cho QL6 hiện hữu và góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội khu vực, đồng thời từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam theo quy hoạch là cần thiết.
Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, UBND tỉnh Sơn La cần đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thủ tục bổ sung tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1313/TTg-CN ngày 01/9/2017.
Về căn cứ pháp lý Bộ Xây dựng cũng đề nghị rà soát lại căn cứ pháp lý lập đề xuất dự án, căn cứ lập tổng mức đầu tư theo hướng cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành thay thế các căn cứ pháp lý đã nêu trong đề xuất dự án.
Hồ sơ đề xuất dự án cần tuân thủ theo quy định tại Điều 23, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Theo đó, cần bổ sung một số nội dung về: Sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự kiến điều kiện thực hiện dự án khác (do dự án có một phần thực hiện theo hợp đồng BT) và đề nghị sắp xếp lại bố cục nội dung phù hợp với quy định.
Theo thuyết minh thì dự án sẽ phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 04 làn xe hạn chế (dải dừng xe khẩn cấp bố trí không liên tục); giai đoạn 2 đầu tư hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong phương án giải phóng mặt bằng chưa làm rõ việc giải phóng mặt bằng theo giai đoạn hay một lần theo quy mô hoàn chỉnh.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị nên giải phóng mặt bằng với quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh, đồng thời ngay từ giai đoạn 1 và xem xét đầu tư xây dựng đường gom dân sinh dọc hai bên đường để đảm bảo việc đi lại của nhân dân hai bên tuyến không làm ảnh hưởng đến việc khai thác đường cao tốc.
Đồng thời, nhằm có đầy đủ cơ sở để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư thì nội dung trong đề xuất dự án cần xác định rõ về thời điểm phân kỳ đầu tư các giai đoạn.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án phải được lập theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Thông tư 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Trong đó về hợp đồng dự án: Trong thuyết minh dự án cần nêu rõ loại hợp đồng dự án như tại mục 6 Tờ trình số 182/TTr-UBND ngày 06/4/2018, trong đó nêu rõ dự án được chia thành hai hình thức hợp đồng: Hợp đồng BOT: Thực hiện đầu tư xây dựng dự án bằng nguồn vốn của nhà đầu tư và được hoàn lại qua thu phí (khoảng 15.864 tỷ đồng); hợp đồng BT: Nguồn vốn đầu tư tỉnh Sơn La và Hòa Bình tham gia bằng giá trị quỹ đất (khoảng 5.000 tỷ đồng).
Về sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án: Đề nghị làm rõ nội dung đơn giá xây dựng công trình, làm rõ nguyên tắc sử dụng đơn giá xây dựng công trình nằm trên địa phận 02 tỉnh Hòa Bình và Sơn La để làm căn cứ xác định đơn giá, dự toán công trình.
Đề nghị rà soát lại các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn và chi phí khác. Xác định lại các chi phí này theo quy định tại Quyết định số 79/QĐ-BXD; Chi phí dự phòng trượt giá xác định theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Về nội dung phân tích tài chính: Theo quy định tại Thông tư số 06/2016/TT-BXD, thì tổng mức đầu tư của dự án được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư này đã bao gồm vốn lưu động ban đầu đối với các dự án đầu tư xây dựng nhằm mục đích kinh doanh, lãi vay trong thời gian xây dựng. Do đó, đề nghị rà soát lại phương án phân tích tài chính dự án phần thu phí BOT trong thuyết minh chung của đề xuất dự án cho phù hợp.
Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, đề nghị thực hiện theo đúng các quy định của Luật Xây dựng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để xác định tổng mức đầu tư, dự toán chi phí cho phù hợp.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì dự án nêu trên thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề nghị nhà đầu tư liên hệ với cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường để được hướng dẫn.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn trong quá trình đầu tư xây dựng công trình cần tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Trong bước tiếp theo của dự án, cần nghiên cứu kỹ hơn về hướng tuyến nhằm đảm bảo sự phù hợp của dự án với quy hoạch xây dựng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, các quy hoạch ngành có liên quan; đồng thời đảm bảo kết nối thuận lợi với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh và các khu du lịch, danh lam thắng cảnh của các địa phương mà tuyến đi qua. Ngoài ra cần nghiên cứu bố trí các điểm dừng nghỉ trên tuyến với cự ly phù hợp.
Cần phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương để có giải pháp xử lý và đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực.
Lưu ý việc ảnh hưởng của dự án đến hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp địa phương. Ngoài ra cần nghiên cứu tính toán, bố trí xây dựng thêm các cống chui dân sinh, cầu vượt một cách hợp lý để giảm thiểu các tác động chia cắt của dự án đến các khu dân cư, điểm dân cư nông thôn và việc sinh sống, sản xuất của người dân.
Để tránh tình trạng các dự án khu dân cư, khu đô thị nhỏ lẻ phát triển dọc theo tuyến đường, đề nghị cần có phương án đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo hành lang an toàn đường bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và đấu nối phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt.
Tuyến đường đi qua khu vực đồi núi, nhiều khe suối và gần lòng hồ nên địa hình tương đối phức tạp. Để thi công thì tuyến đường phải đào đắp đất đá với khối lượng lớn, đồng thời phải tạo mái ta luy trên các đồi, núi dọc theo tuyến nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến môi trường và sự ổn định của mái dốc đồi núi trong khu vực.
Vì vậy, cần cân nhắc tính toán độ dốc phù hợp đảm bảo khả năng thoát nước cho mái ta luy, thoát nước dọc, ngang tuyến đường, đặc biệt lưu ý khả năng xuất hiện lũ, sạt lở đất… khi có lượng mưa lớn trong khu vực.
(Báo Xây dựng)
- Vì sao Bộ Tài chính đề xuất dừng đổi đất lấy hạ tầng?
- Đề nghị Hà Nội rà soát việc đổi hàng trăm ha đất lấy 5 tuyến đường
- Những điểm mới về quản lý vốn vay ODA
- Quảng Nam: Nhiều bất cập liên quan đến quản lý quy hoạch sử dụng đất
- Bốn nhà đầu tư cùng phát triển giai đoạn 1 khu đô thị Waterpoint
- Cất nóc dự án The Emerald Mỹ Đình
- Hòa Bình trúng thầu thi công dự án Empire City
- Bình Dương: Chuyển quyền sử dụng đất đã qua đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở tại Dự án Khu nhà ở thu nhập thấp Tân Bình
- TP.HCM dự kiến tăng hệ số giá đất: Thị trường địa ốc lại nhộn nhịp
- Đường sắt Cát Linh - Hà Đông "đóng điện" chạy thử đầu tháng 8/2018