Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch được xem là khung cơ sở quan trọng cho quá trình thiết kế, triển khai quy hoạch – đầu tư xây dựng công trình cũng như quản lý kiến trúc. Việc áp dụng hệ thống này đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong ngành.
Kể từ năm 1960, chúng ta có văn bản tiêu chuẩn đầu tiên và đến năm 1996 văn bản quy chuẩn xây dựng đầu tiên được ban hành đưa vào áp dụng, đến nay hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng nói chung và lĩnh vực kiến trúc nói riêng đã có những bước tiến đáng kể. Cơ cấu và số lượng của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đã đáp ứng cho các hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu xây dựng công trình. Các tiêu chuẩn về kiến trúc hiện vẫn đang được sử dụng để lập kế họach và dự án đầu tư xây dựng công trình; lập báo cáo khả thi, thiết kế xây dựng và quản lý công trình.
(ảnh minh họa: Ashui.com)
Cũng như các quốc gia trên thế giới, nhà ở luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân và Chính phủ. Tiêu chuẩn về nhà ở trong giai đoạn này cũng căn cứ vào tiêu chuẩn phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung bao cấp (theo chức vụ và theo mức lương) để biên soạn. Diện tích các căn hộ thường có quy mô nhỏ: 24m2, 28m2, 36m2, 48m2, 54m2 với tiêu chuẩn định mức 6m2/người.
Nhưng từ khi có pháp lệnh về nhà ở (1991) và chủ trương xóa bỏ chế độ phân phối nhà ở, đưa tiền nhà ở vào lương các tiêu chuẩn đưa ra quy định diện tích chỉ đảm bảo về chỗ ở, đến nay tiêu chuẩn nhà ở đã tính đến yêu cầu về chất lượng, tiện nghi, an toàn và kiến trúc hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều chính sách có hiệu quả đã được ban hành để phát triển nhà ở cho người dân thuê hoặc thuê mua mua hoặc bán trả góp với mức giá ưu đãi. Vì vậy đến nay các quy chuẩn và tiêu chuẩn về nhà ở hay công trình công cộng đều đã có những thay đổi đáng kể về nội dung hướng tới mức độ tiện nghi, an toàn và hợp lý hơn về công năng và giải pháp kiến trúc.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được áp dụng lần đầu năm 2008, được xây dựng từ nội dung phần II, tập 1 – Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 1997. Do vậy, theo chu kỳ sửa đổi 10 năm, QCVN 01:2019/BXD là quy chuẩn lần thứ 3 về quy hoạch xây dựng được áp dụng tại Việt Nam. Hệ thống này khi áp dụng đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Với quan điểm quản lý không gian đô thị, QCVN 01:2019/BXD có thể đáp ứng các thách thức đổi mới, thống nhất từ lập quy hoạch đến thực tiễn quản lý phát triển đô thị hiện nay thông qua kiểm soát Hệ số sử dụng đất từ quy hoạch đến đầu tư xây dựng công trình, đồng thời cho phép có cái nhìn tổng quát về bức tranh hình thái tương lai của đô thị.
Hệ thống chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch luôn được coi là chìa khóa quan trọng của kiểm soát, thúc đẩy phát triển đô thị, trong đó kiểm soát mật độ luôn được coi là vấn đề gốc trong việc đưa ra các chỉ số kiểm soát cơ bản. Mật độ được kiểm soát thông qua 3 chỉ tiêu: Hệ số sử dụng đất - Dân số - Đơn vị nhà ở. Mỗi chỉ tiêu đều diễn tả mật độ theo một cách khác nhau, nhưng có mối quan hệ liên quan mà không hoàn toàn diễn tả chính xác các mối quan hệ này. Các nhà thiết kế thường chỉ quan tâm đến khối tích công trình hay hệ số sử dụng đất dưới dạng mật độ công trình; Nhà đầu tư thường quan tâm đến đơn vị nhà ở là số lượng công trình được bán và nhà quản lý quan tâm nhiều đến kiểm soát mật độ dân số.
QCVN 01:2019/BXD đã đề xuất hai dạng kiểm soát chỉ tiêu mật độ gồm Hệ số sử dụng đất và Mật độ cư trú dân số nhằm đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát mật độ trong xu hướng kiểm soát mật độ dân cư và hình thái đô thị. Trong đó, các ngưỡng chỉ tiêu kiểm soát đất đơn vị ở tối đa được phân theo các vùng miền, bước đầu đã khắc phục ngưỡng kiểm soát tối thiểu 8m2/người và trung bình 50m2/người trong quy chuẩn cũ được coi là chưa rõ và khai thác quá mức đất đai đô thị với chỉ tiêu mật độ dân số lớn, đặc biệt không tạo nên được các hình thái đô thị tại các thành phố khác nhau do xu thế áp dụng cùng mức chỉ tiêu tối thiểu 8m2/người.
Đây có thể nói là một thay đổi lớn về quan điểm quản lý không gian đô thị, không chỉ đáp ứng yêu cầu về lập đồ án quy hoạch mà còn là cơ sở quan trọng trong quản lý công trình cao tầng trong đô thị trên thực tiễn. Mặt khác nó cũng mở ra các cơ chế thông minh khác trong vận dụng quản lý khối tích công trình xây dựng các chính sách phát triển đô thị dựa trên các chương trình ưu đãi diện tích sàn, hệ số sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền phát triển không gian trong bảo vệ đất đai nông nghiệp, vùng cảnh quan, công trình di sản đô thị hay phát triển các không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân.
Quan điểm quản lý không gian đô thị QCVN 01:2019/BXD cũng sẽ tác động lớn trong công tác thiết kế đô thị, đảm bảo công tác thiết kế đô thị sẽ có các khung mềm dẻo hơn, thích ứng với yêu cầu thực tiễn trong việc tạo lập khối tích cấu trúc công trình, thay thế cách kiểm soát hiện hữu gồm khoảng lùi, mật độ xây dựng và tầng cao công trình.
Thảo Anh
(Báo Xây dựng)
- Nguời dân được phép xây dựng trên đất quy hoạch “treo”
- Hiện trạng 8 dự án giao thông ở TP Thủ Đức
- Chuẩn bị khởi công xây Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia 750 tỷ đồng tại Hoà Lạc
- Khánh Hòa: Tháo gỡ vướng mắc các dự án BT
- Gần 3 km đường Vành đai 2 TP HCM dang dở
- Luật Xây dựng 2020 có “va” với các Luật khác?
- Quảng Ninh đưa ra hàng loạt ưu đãi cho nhà đầu tư công nghiệp và chế tạo
- TPHCM: Nhà thầu metro sẽ hoàn trả mặt đường Lê Lợi vào quí 2-2021
- TPHCM "điểm danh" 108 dự án không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất
- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng sau Nghị định 81