Tuyến đường Lê Lợi (tuyến đường chính ở khu trung tâm TPHCM) đã được rào chắn toàn bộ từ năm 2016 để phục vụ việc thi công đường hầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Nhà thầu dự kiến sẽ trả mặt bằng vào quí 2-2021 để người dân đi lại.
Thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) ngày 17/11 cho biết, đoạn hầm đảo hở của tuyến metro số 1 (đoạn từ Đường Nguyễn Huệ đến Đường Pasteur) nhà thầu đang thực hiện các công đoạn cuối cùng.
Đường Lê Lợi bị rào chắn toàn bộ để thi công tuyến metro số 1. Năm sau tuyến đường này sẽ được trả mặt bằng cho người dân đi lại (Nguồn: MAUR)
Để tái lập lại mặt đường Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị quản lý hạ tầng về điện, cấp nước, thoát nước để phối hợp xử lý các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng và hướng dẫn đấu nối vào hệ thống do các đơn vị này quản lý.
Nhà thầu đang dự kiến sẽ hoàn thành vào quí 2-2021 để trả lại mặt bằng đường Lê Lợi kết hợp với đường Nguyễn Huệ thành khu phố đi bộ trong tương lai theo quy hoạch của TPHCM.
Đối với đoạn đào hở còn lại trên đường Lê Lợi (đoạn từ đường Pasteur đến vòng xoay Bến Thành) hiện nay đang đổ bê tông sàn; thi công chống thấm… Các hạng mục này đang được thi công 24/24 với tổng số công nhân khoảng 240 người, trong đó 200 người ca ngày và 40 người ca đêm. Dự kiến, đoạn này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2021 cùng với nhà ga Bến Thành.
Hạng mục quan trọng nhất là nhà ga trung tâm Bến Thành (thuộc gói CP1a) hiện đang thi công đổ bê tông sàn (riêng sàn dưới cùng đã hoàn thành 100%). Tổng khối lượng đổ bê tông đến nay đạt 75,6% và công tác gia công cốt thép đạt 79,7%.
Từ tháng 12-2020, nhà thầu bàn giao trước một phần tầng B2 để thi công kiến trúc, cơ điện. Hạng mục nhà ga Bến Thành hiện cũng thi công xuyên đêm với công nhân mỗi ngày khoảng 800 người, trong đó 650 người ca ngày và 150 người ca đêm.
Với tiến độ như hiện tại, toàn bộ nhà ga Bến Thành sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021 để vận hành chính thức tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên).
Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Dự án có 2,6 km đi ngầm và hơn 17 km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỉ đồng. Theo kế hoạch mới nhất của TPHCM dự án sẽ đi vào vận hành cuối năm 2021. |
Lê Anh
(TBKTSG)
- Khánh Hòa: Tháo gỡ vướng mắc các dự án BT
- Gần 3 km đường Vành đai 2 TP HCM dang dở
- Những kết quả đạt được về hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kiến trúc, quy hoạch Việt Nam
- Luật Xây dựng 2020 có “va” với các Luật khác?
- Quảng Ninh đưa ra hàng loạt ưu đãi cho nhà đầu tư công nghiệp và chế tạo
- TPHCM "điểm danh" 108 dự án không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất
- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng sau Nghị định 81
- Doanh nghiệp có vốn 10 triệu đồng muốn hồi sinh dự án triệu đô Saigon One Tower
- Chính phủ tháo gỡ 'nút thắt' cho doanh nghiệp xây khu đô thị
- Nhà đầu tư đã "chán" các dự án bãi xe ngầm tại TPHCM