Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đô thị đại học, giấc mơ chưa thành

Đô thị đại học, giấc mơ chưa thành

Viết email In

Đến bao giờ Việt Nam mới có các đô thị đại học để thế chỗ cho những trường đại học đơn lập, manh mún như hiện nay?

Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, hầu hết các trường đại học hiện nay đều xây dựng theo mô hình khuôn mẫu, gồm: khu hiệu bộ, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng làm việc chức năng... và sân trường. Do đó, các trường thường khép kín trong không gian riêng biệt và bị bao bọc bởi môi trường xã hội - khác biệt môi trường giáo dục.

KTS.TS. Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học, cho rằng mô hình đại học đơn lập như trên tạo ra những lãng phí không đáng có so với mô hình đại học tập trung hay đô thị đại học. Ví dụ, ở đô thị đại học, các trường đại học sẽ tập trung nên có thể sử dụng chung cơ sở vật chất và trang thiết bị... Đó là chưa nói đến những ưu điểm của đô thị đại học như: có không gian cho việc học tập, thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học, nhà ở, siêu thị, nhà văn hóa, nhà hát... nếu được quy hoạch tốt.

  • Ảnh bên : Cơ sở của trường Đại học Khoa học Tự nhiên mới được xây dựng ở quận Thủ Đức, TPHCM (Ảnh: Quang Chung)

Thế nhưng để xây dựng được một đô thị đại học không thể muốn là làm được ngay trong môi trường xã hội Việt Nam hiện tại. Thực ra, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đương chức, Chính phủ đã chủ trương cho sắp xếp, sáp nhập ba trường đại học lớn của Hà Nội là Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Hội để lập ra Đại học Quốc gia Hà Nội.

Rồi đến năm 1995, Chính phủ cũng đã sắp xếp chín trường đại học lớn của TPHCM (Đại học Tổng hợp TPHCM, Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Nông lâm TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Tài chính Kế toán TPHCM, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Kiến trúc TPHCM và Phân hiệu Đại học Luật TPHCM) để lập ra Đại học Quốc gia TPHCM.

Theo kế hoạch này, cơ sở mới của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được xây dựng trên 1.000 héc ta ở Hòa Lạc; cơ sở mới của Đại học Quốc gia TPHCM được xây trên diện tích khoảng 800 héc ta tại Thủ Đức (TPHCM) và Dĩ An (Bình Dương). Hai trung tâm đại học này đã được thiết kế theo mô hình đô thị đại học hiện đại, với dự toán cho mỗi trung tâm đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng. Và khi đó, nhiều người đã mơ về hai đô thị đại học thật sự sẽ hiện diện tại Việt Nam.

Thế nhưng, dự án mới khởi động thì năm 1999 Đại học Sư phạm I tách khỏi Đại học Quốc gia Hà Nội, thành trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cũng năm 1999, Đại học Sư phạm TPHCM tách khỏi Đại học Quốc gia TPHCM. Đến năm 2000 thì các trường thành viên như: Nông lâm, Kinh tế, Luật, Kiến trúc, Sư phạm kỹ thuật cũng “chia tay” Đại học Quốc gia (các trường này sau khi tách ra đều trực thuộc Bộ GD-ĐT).

Theo một lãnh đạo của Đại học Quốc gia TPHCM, việc các trường đại học thành viên rút ra khỏi Đại học Quốc gia có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là vì lợi ích cục bộ. Khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM được đặt ở vị trí xa trung tâm đô thị vì cần quỹ đất lớn để quy hoạch hiện đại; trong khi tâm lý của không ít lãnh đạo các trường đại học thành viên không muốn ra ngoại thành.

Tuy nhiên, các thành viên còn lại của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng vẫn tiếp tục thực hiện giấc mơ về một đô thị đại học. Họ đã phát triển thành sáu trường đại học thành viên (Đại học Công nghệ; Kinh tế; Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ngoại ngữ, Giáo dục) và bốn khoa trực thuộc (Luật, Quản trị kinh doanh, Quốc tế, Sau đại học).

Thế nhưng, các trường thành viên này vẫn chưa thể dời về đô thị đại học Hòa Lạc được, vì dự án này đang triển khai rất ì ạch. Dù cuối năm 2008, Chính phủ đã chuyển chủ đầu tư dự án trị giá hơn 2,5 tỉ đô la Mỹ này từ Đại học Quốc gia Hà Nội về cho Bộ Xây dựng, nhưng dự kiến đến năm 2015 cơ sở vật chất của Đại học Quốc gia Hà Nội mới hoàn thành.

Đại học Quốc gia TPHCM khả quan hơn. Theo ông Châu Ngọc Ẩn, Giám đốc Ban quản lý Dự án xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM, với 5 trường thành viên và các khoa, viện trực thuộc, Đại học Quốc gia TPHCM đã xây dựng được một số cơ sở tại Thủ Đức cho hơn 20.000 sinh viên học tập. Thế nhưng để xây dựng được một đô thị đại học vào năm 2013 như dự án đã được phê duyệt, theo ông Ẩn, Đại học Quốc gia TPHCM còn phải làm rất nhiều điều.

Đại học Quốc gia TPHCM có 16 dự án thành phần, tổng vốn đầu tư khoảng 6.800 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được 1.800 tỉ. “Hàng năm chúng tôi được đầu tư 300 tỉ đồng nhưng để đáp ứng đúng tiến độ đến năm 2013 xong thì mỗi năm cần đến 800 tỉ”, ông Ẩn nói. Nói vậy, nhưng theo ông Ẩn, hiện tại việc giải tỏa, đền bù và tái định cư ở khu Đại học Quốc gia TPHCM vẫn chưa giải quyết xong!

Đá bàn

>> Đô thị đại học ở Việt Nam - chậm còn hơn không! 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2108 khách Trực tuyến

Quảng cáo