Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Tăng vốn đầu tư phát triển chợ nông thôn

Tăng vốn đầu tư phát triển chợ nông thôn

Viết email In

Đó là một trong những điểm mới về phát triển và quản lý chợ được quy định trong Nghị định 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003.

Chợ là một bộ phận quan trọng trong tổng thể hạ tầng kinh tế - xã hội. Bởi vậy, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển thương mại của từng địa phương phải bao gồm quy hoạch phát triển chợ.

Ngoài các loại chợ đã được quy định trước đây như chợ đầu mối, chợ kiên cố, chợ bán kiên cố, Nghị định sửa đổi cũng bổ sung thêm một số khái niệm chợ khác như: chợ chuyên doanh, chợ tổng hợp, chợ dân sinh, chợ biên giới, chợ tạm, chợ nông thôn, chợ miền núi, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế (KKT) cửa khẩu và khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ.

  • Ảnh bên: Chợ Long Khánh (Đồng Nai) bị xuống cấp nặng

Tăng vốn đầu tư chợ ở nông thôn, miền núi, hải đảo

Theo Nghị định cũ, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước còn bất hợp lý. Cụ thể, mới chỉ dành vốn cho chợ hạng 1 (chỉ chiếm 3% tổng số chợ và chủ yếu tập trung ở trung tâm các thành phố, thị xã lớn, là địa bàn có thể huy động vốn của doanh nghiệp và hộ kinh doanh). Trong khi đó, chợ hạng 2 (chiếm 11%) và chợ hạng 3 (chiếm 86%) ở địa bàn nông thôn, miền núi nơi người dân có nhu cầu cấp bách về chợ nhưng không có vốn đầu tư thì nằm ngoài chính sách hỗ trợ vốn.

Ðể khắc phục tình trạng trên, theo quy định mới, Nhà nước sẽ tăng nguồn vốn đầu tư phát triển chợ, đặc biệt là các chợ nông thôn, miền núi, hải đảo. Theo đó, nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước bao gồm vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn viện trợ không hoàn lại. Trong đó, vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo.

Vốn từ ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ đầu mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn hàng nông sản, thực phẩm để tiêu thụ hàng hóa ở các vùng sản xuất tập trung về nông, lâm, thủy sản; chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ biên giới và chợ dân sinh xã của các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Mức hỗ trợ cụ thể theo quy mô của từng dự án.

Ngoài ra, dự án đầu tư chợ của các thành phần kinh tế được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư như đối với các ngành nghề sản xuất, dịch vụ thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/6/2006; được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư theo Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 và Nghị định 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 151.

Chủ đầu tư xây dựng chợ mới hoặc sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp chợ phải lập dự án theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng; các quy định về tiêu chuẩn thiết kế các loại hình, cấp độ chợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.


Chợ cổ Cần Thơ

Mở rộng đối tượng kinh doanh, khai thác chợ là hợp tác xã

Về kinh doanh và khai thác chợ, chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng được UBND cấp có thẩm quyền (quy định cũ là UBND cấp tỉnh) giao cho các chủ thể tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý hoạt động tại chợ.

Cụ thể, đối với chợ xây dựng mới, giao hoặc tổ chức đầu thầu để lựa chọn doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Đối với các chợ ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, giao cho các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đủ điều kiện theo quy định của UBND cấp tỉnh để tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý. Như vậy, so với quy định cũ, Nghị định sửa đổi đã mở rộng thêm đối tượng được tham gia kinh doanh, khai thác và quản lý chợ là hợp tác xã. (Theo quy định cũ, chỉ đối với chợ ở các cụm xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo mới có thể giao cho doanh nghiệp là hợp tác xã thương mại - dịch vụ tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý chợ).

Trường hợp chợ do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng có vốn đóng góp của các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và tổ chức, cá nhân khác, UBND cấp có thẩm quyền (quy định cũ là UBND cấp tỉnh) căn cứ mức độ, tỷ lệ góp vốn để lựa chọn chủ thể kinh doanh, khai thác và quản lý chợ (ban quản lý chợ, doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc thành lập công ty cổ phần theo quy định của pháp luật).

Chợ do các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng do các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp đó tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp hoặc một hình thức mới là hợp tác xã theo quy định của pháp luật và theo các quy định về kinh doanh khai thác và quản lý chợ.


Chợ Mương Điều - xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

Từ khi có Nghị định số 02/2003/NÐ-CP về phát triển và quản lý chợ đến nay, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý chợ tại các địa phương đạt hiệu quả đáng kể. Cả nước xây mới gần 1.500 chợ, cải tạo nâng cấp hơn 1.800 chợ các loại, nâng tổng số chợ cả nước lên hơn 9.000 chợ; có khoảng 2 triệu hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ chiếm 40% số người hoạt động thương mại dịch vụ trong cả nước, trong đó người buôn bán cố định tại chợ chiếm khoảng 51%; số người thường xuyên trao đổi tại chợ chiếm 80% người tiêu dùng.

Theo thống kê, tỷ trọng hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm khoảng 40% tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ toàn xã hội, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Hoạt động mua bán qua mạng lưới chợ là một kênh quan trọng tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy, hải sản và sản phẩm các làng nghề, cung ứng vật tư cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống sinh hoạt nhân dân.

Ở nhiều địa phương, nhất là miền núi, chợ còn là nơi tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống. Chợ phát triển tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tạo thuận lợi cho trao đổi và mua bán hàng hóa của cư dân trên địa bàn, góp phần cải thiện đời sống nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, công tác phát triển và quản lý chợ đang gặp nhiều khó khăn. Hiện cả nước còn khoảng 3.000 xã chưa có chợ. Trong số chợ đang có, chỉ có 11% chợ kiên cố (chủ yếu tập trung ở đô thị, thị trấn), 31% chợ bán kiên cố, hơn 33% chợ lều lán, gần 25% chợ họp ngoài trời. Nhiều chợ tuy được xây dựng kiên cố và bán kiên cố nhưng do sử dụng nhiều năm đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng thiếu vốn để nâng cấp, cải tạo, nhất là tại địa bàn nông thôn, miền núi và các địa phương kinh tế khó khăn.

Phương Mai


[ Download : Nghị định 114/2009/NĐ-CP ]

>> Về mạng lưới chợ Hà Nội xưa và nay 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1833 khách Trực tuyến

Quảng cáo