Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật TP.HCM: Giải bài toán cân bằng giá đất, nguồn thu ngân sách và quản lý đất đai hiệu quả

TP.HCM: Giải bài toán cân bằng giá đất, nguồn thu ngân sách và quản lý đất đai hiệu quả

Viết email In

Giá đất cao góp phần làm tăng chi phí, tăng giá thành sản xuất, kinh doanh và giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm tại TP.HCM…

Theo Hiến pháp năm 2013, “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”. Cần “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Với mục tiêu đó, ngày 14/5/2024, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Quản lý đất đai trên địa bàn TP.HCM: Thực trạng và giải pháp”.  


(Ảnh minh họa)

Có định hướng tốt để tăng hiệu quả sử dụng đất

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cho biết để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 38. UBND TP.HCM triển khai thực hiện đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”.

Thành phố đã tập trung thực hiện quy hoạch sử dụng đất; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai; đổi mới công tác tài chính đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất… Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan, lẫn chủ quan, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.

“Những cơ sở lý luận rõ ràng, kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý, sử dụng đất… sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, về nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển thành phố nói riêng. Từ đó, góp phần xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đóng góp ngày càng lớn cho đất nước”, ông Hồ Hải nhấn mạnh.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng cần đánh giá đúng tình hình, làm rõ những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra qua thực tiễn quản lý đất đai ở TP.HCM trong những năm vừa qua.

Phân tích bối cảnh và yêu cầu mới đối với việc quản lý đất đai nói chung, ở TP.HCM nói riêng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18, Luật Đất đai năm 2024, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Từ đó đề xuất các phương hướng, giải pháp, góp phần đưa ra các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai và quản lý đất đai phù hợp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.

Giá đất TPHCM sẽ "đuổi kịp" Hồng Kông?

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý cũng nêu lên thực tiễn ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng. Số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp.

Ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết thẩm quyền quyết định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được giao cho HĐND cấp tỉnh. Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất cho HĐND cấp tỉnh.

“Luật Đất đai 2024 ra đời với việc giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất được chú trọng thực hiện hơn đối với đất ở, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương”, ông Nhẫn nêu.

Nếu không cẩn thận, giá đất TP.HCM sẽ đắt ngang Hồng Kông. Tại Hà Nội, một số nơi có tình trạng trả lại đất vì giá quá cao, không thể kinh doanh gì hiệu quả. Nếu không cẩn thận, giá đất sẽ cản trở việc thu hút đầu tư của TP.HCM.

-PGS.TS Phùng Quốc Hiển

PGS.TS Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, cho biết theo báo cáo gần đây, nguồn thu từ đất đai tại TP.HCM khoảng 40.000 tỷ đồng/năm, chiếm 8% ngân sách, bằng khoản thu ngân sách cả năm của một tỉnh trọng điểm.

Giá đất tại TP.HCM đang quá cao so với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá đất cao góp phần làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, kinh doanh và giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm tại TP.HCM.

Giá đất bị đẩy lên vô tội vạ, vượt sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân. TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng với giá đất bị “thổi” như hiện tại, TP.HCM rất khó làm nhà ở xã hội.

Với giá đất cao chót vót, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó ban Kinh tế Trung ương, cho rằng thị trường không thể giải quyết được vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp mà Nhà nước cần vào cuộc. Thực trạng tại TP.HCM cho thấy hầu hết sản phẩm căn hộ, nhà ở mà doanh nghiệp chú tâm là phân khúc cao cấp và trung cấp, chỉ một phần nhỏ căn hộ phục vụ nhu cầu bình dân, người lao động.

"Tôi kiến nghị Nhà nước giao lại hoặc thu hồi rồi giao lại đất cho hộ dân hoặc người lao động không có nhà, để dân tự xây dựng chỗ ở với chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp", ông Trực đề xuất.

Cần tăng không gian xanh

Nhấn mạnh vấn đề thành phố đang thiếu mảng xanh, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng thành phố cần có thêm đất cho hạ tầng công viên, cây xanh và quản lý tốt hành lang sông Sài Gòn. Các khu công nghiệp lạc hậu trước đây cũng cần chuyển hướng sang phát triển công nghệ cao, công nghệ xanh.

“Đất đai cần được quản lý theo hướng số hóa, công khai, minh bạch. Tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai, gắn liền với thanh tra, kiểm soát để tránh vấn đề tham nhũng, lãng phí”, bà Thảo nói.

Còn ông Phùng Quốc Hiển cho rằng việc sử dụng, phân loại đất đai tại TP.HCM đang bị mất cân đối và thiếu cân bằng. Chẳng hạn, địa phương thiếu đất cho giao thông, nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, công nghiệp công nghệ cao, thiếu dự án lớn để tạo điều kiện bứt phá. Vấn đề này ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của địa phương, khiến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài có phần chậm lại.

Cho rằng đất đai là hữu hạn, là tài sản chung của cộng đồng nên không thể bán đất hay bán quyền sử dụng đất, theo ông Phạm Chánh Trực, các cơ quan cần nghiên cứu chủ trương đấu thầu thực hiện các dự án theo quy hoạch.

“Các quy định pháp luật về đất đai sẽ mở rộng theo từng giai đoạn phát triển, có sự chồng lấn lên các luật khác. Do đó, các cơ quan cần làm rõ cách tiếp cận, nhận diện những sự chồng chéo để giải bài toán này”, ông Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Ban Mai

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1992 khách Trực tuyến

Quảng cáo