Ngày 25.3, bộ Xây dựng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Theo đó, đảo Phú Quốc sẽ được xây dựng từng bước để trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất, thành phố Phú Quốc là khu kinh tế – hành chính đặc biệt; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực. Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế.
Theo đề xuất của bộ Xây dựng, Phú Quốc sẽ là khu kinh tế – hành chính đặc biệt. Ảnh: Ngọc Tùng
Ba khu đô thị, bốn vùng du lịch
Mô hình phát triển thành phố du lịch sinh thái biển đảo Phú Quốc theo cấu trúc chuỗi tập trung, đa trung tâm. Cấu trúc không gian theo trục chính bắc – nam An Thới – Cầu Trắng, trục giao thông vòng quanh đảo bãi Vòng – bãi Thơm – rạch Tràm – rạch Vẹm – Gành Dầu – Cửa Cạn – Dương Đông – bãi Trường – bãi Khem kết nối cảng biển quốc tế An Thới, bãi Đất Đỏ, sân bay quốc tế Dương Tơ. Cấu trúc các vùng đô thị – du lịch bao gồm: khu đô thị Cửa Cạn, khu đô thị Dương Đông, khu đô thị An Thới; các vùng du lịch sinh thái: bắc đảo, du lịch sinh thái nam đảo, du lịch hỗn hợp bãi Trường – bãi Vòng; các làng nghề truyền thống. Khu đô thị Cửa Cạn, chức năng là trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên ngành, giáo dục – đào tạo; khu đô thị trung tâm Dương Đông, chức năng là trung tâm hành chính – dịch vụ công cộng, trung tâm thương mại – tài chính quốc tế, trung tâm văn hoá – dịch vụ du lịch; khu đô thị An Thới, chức năng cảng biển, thương mại, dịch vụ.
Theo cơ cấu chức năng và hướng phát triển không gian này thì khu đô thị Dương Đông là trung tâm của thành phố du lịch đảo Phú Quốc. Hướng bắc sẽ là khu bảo tồn rừng cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái, làng nghề phục vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Hướng nam sẽ phát triển du lịch hỗn hợp, du lịch sinh thái, đô thị cảng biển, sân bay quốc tế, bảo tồn rừng phòng hộ, công viên chuyên đề, khu tưởng niệm nhà tù Phú Quốc. Hướng tây tập trung phát triển các khu du lịch sinh thái và các làng nghề truyền thống. Hướng đông là khu phát triển nông nghiệp bảo tồn cảnh quan tự nhiên.
Bộ Xây dựng đề xuất xây dựng hệ thống các công trình điểm nhấn trên đảo Phú Quốc hiện nay. Theo đó, trên các trục kiểm soát và tại các vùng kiểm soát, bố trí các công trình điểm nhấn, gồm các công trình dịch vụ công cộng, công trình hành chính, khách sạn cao cấp, công trình thương mại tại khu Bãi Thơm, khu đô thị Cửa Cạn, khu đô thị Dương Đông, khu phức hợp Bãi Trường, khu đô thị An Thới. Ngoài ra còn có các điểm nhấn tại các đỉnh núi Chúa, núi Vũng Bàu, núi ông Quới, mũi Gành Dầu, mũi Móng Tay, núi Ông Phụng, núi Ông Diêu, núi Điền Tiên, núi Ra Đa.
Bảo tồn rừng và hệ sinh thái biển
Về dân số trên đảo, dự báo đến năm 2020 quy mô dân số khoảng 340.000 – 380.000 người. Dự báo đến năm 2030 quy mô dân số khoảng 500.000 – 550.000 người. |
Về sân golf, với tính chất đặc thù của đảo, nhằm khai thác tiềm năng du lịch, nội dung điều chỉnh quy hoạch có kiến nghị bố trí năm sân golf trên đảo kết hợp với các khu du lịch sinh thái.
Vũ Duy
Sớm hoàn thành khung hạ tầng kỹ thuật cho thành phố Phú Quốc Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm hoàn thành khung hạ tầng kỹ thuật cơ bản; hình thành một số khu đô thị mới và khu du lịch. Tập trung phát triển cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế; mạng lưới điện; trục đường chính và hạ tầng du lịch. Phát triển hai trung tâm đô thị, du lịch lớn tại Dương Đông và Bãi Trường; đồng thời phát triển khu du lịch sinh thái, chất lượng cao tại khu vực nhạy cảm môi trường, hạn chế san lấp địa hình từ tỉnh lộ 47 trở lên, các xã Cửa Cạn, Cửa Dương, Gành Dầu, Bãi Thơm, phần phía bắc xã Hàm Ninh và các đảo phía nam An Thới; phát triển các khu vực ít nhạy cảm về môi trường tại khu vực phía nam đảo: Dương Đông, An Thới, Dương Tơ và phần phía nam xã Hàm Ninh. Các khu du lịch có quy mô lớn như khu vực Bà Kèo – Cửa Lấp, bãi Trường, bãi Đất Đỏ, bãi Khem, bãi Sao, bãi Vòng; phát triển du lịch sinh thái với loại hình nghỉ dưỡng dưới tán rừng, lặn biển, tham quan nghiên cứu các rạn san hô, câu cá, mực ở khu vực Hòn Thơm, đảo Nam An Thới; cải tạo nâng cấp, điều chỉnh và mở rộng thị trấn Dương Đông; từng bước hình thành khu đô thị Cửa Cạn bên cạnh hồ Suối Cái. |
- Năm 2011, nhà theo Nghị định 61 ở Hà Nội: Quản theo cơ chế mới
- Cho vay tới 60% giá trị căn hộ tại Indochina Plaza Hanoi
- Huy động vốn không được quá 70% giá trị nhà
- Đất bên kia sông Hồng (Hà Nội): Đất đấu giá vào tầm ngắm
- Tập trung vốn cho các dự án quan trọng, nhóm A
- Tập đoàn Nam Cường chào bán căn hộ dưới 1 tỷ đồng
- Hà Nội “nhắc nhở” chủ đầu tư 7 dự án khu đô thị
- Một tỷ USD xây dựng khu đô thị Parkcity Hà Nội
- Hà Nội thu hồi hơn 180.000 m2 đất cho khu đô thị mới
- Khi FDI là... đất và vốn nội