Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Vốn, dự án FDI đối mặt khả năng bị quản chặt hơn

Vốn, dự án FDI đối mặt khả năng bị quản chặt hơn

Viết email In

Dự thảo thay thế Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến rộng rãi. Theo ban soạn thảo, dự kiến sẽ có 64 điều được sửa đổi, bổ sung và 4 điều xóa bỏ trên tổng số 88 điều.

Trong 12 nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo lần này, ngoài một số quy định mới hướng dẫn thực hiện cam kết WTO, thẩm quyền cấp và ủy quyền ký giấy chứng nhận đầu tư... dự thảo có nhiều điểm quy định chặt hơn về quản lý, giám sát các dự án, vốn FDI như tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, hợp nhất, sáp nhập; chi tiết hồ sơ dự án; nội dung giấy chứng nhận đầu tư; thẩm tra và chấm dứt hoạt động dự án...

  • Ảnh minh họa bên : Thành phố mới Nhơn Trạch (nguồn: Ashui.com)

Quy định chặt từ đầu

Một trong những điểm còn tranh cãi hiện nay là tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong dự án để quy định là dự án có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc điều 2 Nghị định 108. Theo ban soạn thảo, điểm này có nhiều ý kiến còn chưa tương đồng. Phía Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng nên quy định từ 10% tổng vốn đầu tư dự án, nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng nên để ở mức trên 49% như nhiều văn bản pháp luật quy định hiện nay.

Về phía Ban soạn thảo, dường như đang nghiêng về phương án phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài chiếm từ 10% tổng vốn đầu tư của dự án, đồng thời nhà đầu nước ngoài trực tiếp tham gia quản lý dự án đầu tư đó sẽ quy định là dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, cũng tại điều 2, khoản 3a, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định là nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp các bên nước ngoài sở hữu trên 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp hoặc chiếm trên 50% số thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp.

Ở điểm này, đã có nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ khiến một số nhà đầu tư nước ngoài “lách luật” để biến doanh nghiệp thành “vỏ” trong nước mà “ruột” thì là đầu tư nước ngoài. Quan ngại này cũng thấy ở điều 56 về thủ tục đầu tư trực tiếp theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp của dự thảo.

Theo đó, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam từ 49% vốn điều lệ trở xuống thì doanh nghiệp Việt Nam đó chỉ làm thủ tục điều chỉnh đăng ký kinh doanh; từ trên 49% vốn điều lệ thì nhà đầu tư nước ngoài cùng doanh nghiệp Việt Nam đó mới phải làm thủ tục đầu tư để cấp giấy chứng nhận đầu tư.


Ảnh minh họa : Dự án “Dragon Beach” (nguồn: Ashui.com)

Đối với các dự án thuộc diện thẩm tra khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự thảo quy định cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào các tiêu chí như tính hiệu quả của việc sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên, khoáng sản; các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương và của quốc gia có liên quan đến dự án; tính hợp lý của thời gian tiến hành các thủ tục cần thiết, xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị... để xem xét tính hợp lý của tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Trường hợp xét thấy tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự án mà không hợp lý thì có quyền yêu cầu nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư cho phù hợp.

Theo dự thảo, các báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư; giải trình về khả năng và nguồn tài chính; khả năng đáp ứng các điều kiền đầu tư của dự án có thể được đưa vào nội dung của văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, tiến độ thực hiện vốn đầu tư; tiến độ xây dựng; và tiến độ thực hiện các mục tiêu của dự án đang được xem xét đưa vào nội dung giấy chứng nhận đầu tư.

Sẽ thắt chặt hậu kiểm

Cũng theo dự thảo, nhiều quy định chi tiết liên quan đến quản lý dự án sau cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ được bổ sung. Điều 62 về triển khai dự án đầu tư quy định, sau khi dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các quy trình thủ tục của pháp luật chuyên ngành đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện, trước khi triển khai dự án.

  • Ảnh bên : Toà nhà chính của Silver Shores Hoàng Đạt (nguồn: Ashui.com)

Điểm này được hy vọng sẽ ngăn chặn một số dự án “đi tắt”, như trường hợp dự án “casino” Silver Shore Hoàng Đạt tại Đà Nẵng mới đây, bị phát giác chưa hoàn thành các hạng mục xây dựng khách sạn theo quy định, trước khi được phép triển khai dịch vụ vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài.

Cũng để kiểm soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư, điều 64e bổ sung một loạt các nội dung buộc nhà đầu tư phải thực hiện báo cáo theo định kỳ, gồm các thủ tục hành chính đã thực hiện trong kỳ báo cáo; tiến độ góp vốn điều lệ và tình hình triển khai vốn đầu tư; tiến độ xây dựng; tình hình sử dụng lao động; sử dụng đất; tình hình triển khai sản xuất, kinh doanh; thực hiện các mục tiêu của dự án...

Trong khi đó về chế tài xử lý các sai phạm, dự thảo giữ nguyên quy định cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có quyền chấm dứt hoạt động của dự án trong trường hợp sau 12 tháng kể từ ngày giấy chứng nhận đầu tư mà nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án; hoặc dự án chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại giấy chứng nhận đầu tư.

Đồng thời, dự thảo bổ sung thêm điều kiện chấm dứt hoạt động dự án trong trường hợp phát hiện nội dung kê khai trong hồ sơ cấp hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư là giả mạo; hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư bị cấm hoặc vi phạm quy định về hạn chế đầu tư; hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian tạm ngừng, giãn tiến độ dự án mà không có thông báo hoạt động trở lại; và không báo cáo tình hình thực hiện dự án trong hai kỳ báo cáo liên tục....

Đối với dự án bị chấm dứt hoạt động, nhà đầu tư bị buộc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh và giao dịch liên quan đến dự án; khoá sổ sách kế toán; cho lao động nghỉ việc và tiến hành thanh lý tài sản. Nhà đầu tư không được phân tán tài sản của dự án bị chấm dứt; thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn; chuyển các khoản nợ không có đảm bảo của dự án bị chấm dứt thành các khoản nợ có đảm bảo; và ký kết mới các hợp đồng kinh tế liên quan đến dự án bị chấm dứt...

Anh Quân

>> Hy vọng điều gì ở dòng vốn ngoại trong thị trường bất động sản? 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3627 khách Trực tuyến

Quảng cáo