Được triển khai từ năm 2004, đến nay, việc dự án Nâng cấp đô thị TPHCM mới giải ngân được gần 80 triệu USD trong tổng số vốn đầu tư 592,7 triệu USD (trong đó vốn ODA gần 266,8 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách hơn 325,9 triệu USD) là quá chậm. Đó là đánh giá tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM về tình hình và hiệu quả đầu tư bằng nguồn vốn ODA của dự án trên vào ngày 26/7.
“Đội vốn” do tiến độ chậm
Theo ban quản lý dự án, đây là một trong 4 tiểu dự án thuộc dự án Nâng cấp đô thị Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, nhằm góp phần cải thiện đời sống của người dân. Đặc biệt là tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ công cộng như giao thông, cho vay sửa chữa nhà, cấp điện, nước…
Phó ban quản lý dự án Lê Thanh Liêm cho biết, dự án thành phần số 1 về nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp 3 ở lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm (nâng cấp hẻm, lắp đặt cống thoát nước, trạm cứu hỏa, đèn chiếu sáng, lắp đồng hồ nước miễn phí…) đã được triển khai tại 33 khu dân cư có thu nhập thấp ở các quận 6, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân. Ngay trong năm 2007, đã có 22.802 hộ dân được hưởng lợi từ dự án.
- Ảnh bên: Thi công công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Phạm Đình Hổ - Cao Văn Lầu (Ảnh: Đức Trí)
Tuy nhiên, các dự án thành phần khác đang triển khai còn chậm do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như dự án thành phần số 2 về nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp 3 ngoài lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm triển khai từ năm 2009, hiện chỉ mới có 6/13 quận chi trả bồi thường, 722/6.578 hộ giao mặt bằng. Tiến độ trên là chưa đạt yêu cầu như đã cam kết với WB là quý 2 năm 2010 hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.
Theo đại diện Sở Kế hoạch-Đầu tư, tiến độ chậm đã làm tăng vốn đầu tư của một số dự án. Chẳng hạn như trong dự án thành phần số 3, vốn dự kiến ban đầu mở rộng đường Lũy Bán Bích là 760 tỷ đồng nhưng hiện đã tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng; vốn ban đầu mở rộng đường Phạm Văn Chí và đường Bà Hom dự kiến là 53 tỷ đồng nhưng hiện đã tăng trên 100 tỷ đồng. Việc tăng vốn là do các quận - huyện đề nghị tăng quy mô mở rộng đường, hẻm.
Yếu tham vấn, thiếu tuyên truyền
Theo đại diện quận Gò Vấp, mới chỉ có 40/500 hộ giao mặt bằng, hầu hết các hộ dân đều không cung cấp hồ sơ để chiết tính… Quận 8 có 260 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án và đến nay đã hiệp thương, ra quyết định bồi thường cho 255 hộ nhưng có đến 145 hộ khiếu nại.
Nguyên nhân là trên cùng một phường nhưng dự án rạch Ụ Cây và dự án nâng cấp đô thị được bồi thường theo 2 chính sách khác nhau. Trong 260 hộ bị ảnh hưởng, có đến 188 hộ dân được bồi thường kiến trúc trên đất nên đa số chỉ được bồi thường 50 - 100 triệu đồng/hộ. Do vậy, UBND quận 8 kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ đối với những trường hợp trên mới có thể đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp, tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm thuộc về trách nhiệm các quận - huyện. Như trường hợp của quận 8, khi 2 dự án kề nhau nhưng thực hiện 2 chính sách khác nhau về đền bù, quận phải có trách nhiệm báo cáo ngay với UBND TP và các sở - ngành để tìm cách “hóa giải”.
“Một nguyên nhân nữa khiến tiến độ đền bù chậm là do các chính sách đền bù tại các thời điểm không thống nhất. Quận 8 cần căn cứ vào điều kiện sống của người dân, của từng dự án để đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp chứ không thể thay đổi chính sách đền bù hay lấy chính sách của dự án này áp vào dự án kia” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Huỳnh Công Hùng yêu cầu ban quản lý dự án, UBND các quận - huyện phải rà soát xem thành phần dự án nào có thể làm được, cần tách ra để thực hiện dứt điểm ngay chứ không kéo dài nhằm tránh tình trạng “đội vốn”.
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho rằng, dự án nâng cấp đô thị với mong muốn làm cho cuộc sống người dân tốt hơn nhưng lại có tác dụng ngược, khiến người dân phản ứng là do cách làm chưa đạt, trong đó việc vận động, tham vấn ý kiến người dân của các quận - huyện thực hiện chưa tốt. Các quận - huyện cần có kế hoạch tuyên truyền theo từng dự án cụ thể một cách xuyên suốt, trong đó phải có sự nhập cuộc của lãnh đạo chính quyền địa phương, để tạo sự đồng thuận cao của người dân.
HẠNH NHUNG
- Đà Nẵng: giá đất nóng nhờ khách đến từ Hà Nội
- Cất nóc hai tòa tháp Keangnam 48 tầng
- Chậm nhất tháng 12 giao mặt bằng Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia
- Tháng 8/2010: Mở bán căn hộ thuộc dự án Hapulico Complex
- TPHCM: 800 căn nhà phố và biệt thự được chào bán trong quý 2/2010
- Bảng giá đất tại Hà Nội năm 2011: Sẽ tiệm cận giá thị trường
- Khoét lõm xây chung cư, đô thị nhếch nhác hơn!
- Chào bán khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh Đầm Sinh Thái Đống Đa
- Bất động sản Đông Nam bộ: Tâm điểm đầu tư
- Tiếp tục các dự án nhà cao tầng ở trung tâm Hà Nội
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này