Bộ Xây dựng vừa có văn bản chỉ đạo việc triển khai các quy định về nhà ở trong các khu chung cư. Tại công văn số 2230/BXD ngày 4/11 gửi UBND TP.HCM và Hà Nội - hai địa phương có số lượng khu chung cư nhiều nhất cả nước, Bộ yêu cầu chính quyền hai địa phương trên cần có biện pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu nại phần sở hữu chung và sở hữu riêng trong các nhà chung cư cao tầng, cũng như thống nhất việc thu phí vận hành và phí bảo trì nhà chung cư.
- Ảnh minh họa bên: Dự án Cao ốc căn hộ 107 Trương Định phường 7 - Quận 3 - TPHCM do Công ty Casa (Hong Kong) thiết kế và Công ty CP Xây dựng Kinh doanh Địa ốc III làm chủ đầu tư.
Cụ thể, Bộ yêu cầu chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân sống trong các khu chung cư thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư của Luật Nhà ở năm 2005; Nghị định số 90 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Quyết định số 08 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư.
Ngoài ra, do thực tế mô hình nhà chung cư cao tầng đang được phát triển ngày càng đa dạng, đa mục đích sử dụng và đan xen sở hữu, nên Bộ cũng gợi ý các địa phương cần có nhiều mô hình quản lý cho phù hợp trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản mà pháp luật về nhà ở đã quy định.
Đối với việc phân định diện tích sở hữu riêng và sở hữu chung trong nhà chung cư, Bộ Xây dựng quy định: ngoài phần sở hữu riêng là các căn hộ của các hộ dân còn có các diện tích sở hữu riêng của các pháp nhân hoặc thể nhân khác được pháp luật công nhận, vì vậy, phần diện tích tầng 1, tầng hầm trong nhà chung cư cũng có thể thuộc sở hữu của chủ đầu tư.
Bộ yêu cầu, việc xác định phần sở hữu chung và sở hữu riêng cũng như quyền lợi và trách nhiệm của các bên có liên quan trong quá trình quản lý sử dụng nhà chung cư phải được công khai và thoả thuận cụ thể khi ký hợp đồng mua bán nhà chung cư, tránh tình trạng tranh chấp trong quá trình sử dụng.
Bộ đề nghị UBND hai địa phương trên cần trương ban hành các quy định có liên quan đến quản lý việc sử dụng nhà chung cư trên địa bàn theo quy định của pháp luật về nhà ở cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; quy định mức thu tối đa (giá trần) kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, phí trông giữ xe đạp, xe máy.
Bộ giao cho các sở xây dựng có trách nhiệm giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý nhà chung cư và phân giao trách nhiệm quản lý hành chính nhà chung cư trên từng địa bàn cho UBND các cấp, đồng thời giải quyết dứt điểm các tranh chấp về quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.
Bộ cũng yêu cầu, trong mọi trường hợp, các tiện ích tối thiểu cho các hộ dân trong nhà chung cư như: bảo vệ, an ninh, vệ sinh môi trường khu vực công cộng, trông giữ xe đạp, xe máy phải được đảm bảo trong suốt quá trình hoạt động với chi phí hợp lý và theo quy định của chính quyền sở tại.
- Quản lý dự án cũng là một nghề
- Thổ Nhĩ Kỳ phát triển nhà ở và nhà thầu xây dựng
- Cam kết tiến độ thực hiện dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower
- Quy định phân hạng nhà chung cư: Còn sơ sài!
- Đường sắt đô thị và cơ hội cho tư nhân
- Làm sao tính được thất thoát trong xây dựng cơ bản?
- Tràn lan "ốc đảo" đô thị
- Rà soát hơn 300 đồ án quy hoạch, dự án trên địa bàn TP Hà Nội mở rộng
- Luật Quy hoạch đô thị: Công cụ hữu hiệu trong phát triển đô thị
- Dồn vốn cho các dự án cấp thiết