Ashui.com

Saturday
May 04th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Trung tâm TP.HCM: các dự án cao ốc lèn chặt

Trung tâm TP.HCM: các dự án cao ốc lèn chặt

Viết email In

Trong khi thị trường bất động sản được coi là đang ngưng trệ thì người dân vẫn có thể nhận ra hàng chục dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại căn hộ và khách sạn lớn nhỏ chuẩn bị mọc lên hoặc sắp hoàn thành trên các tuyến đường thuộc trung tâm TP.HCM như Lê Duẩn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

Cao ốc mọc nhanh như nấm sau mưa

Trong số các công trình này, toà tháp đôi Bến Thành Twin Towers do tập đoàn Bitexco xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015, được đánh giá là “hoành tráng” nhất. Bến Thành Towers được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 8.600m2, bao bọc bởi bốn tuyến đường Calmette, Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính và Phạm Ngũ Lão thuộc quận 1. Theo thiết kế, dự án này gồm hai toà tháp cao 55 tầng, trong đó có khu căn hộ dịch vụ 600 căn, văn phòng và trung tâm thương mại. Vốn đầu tư dự tính khoảng 300 triệu USD.


Cao ốc mọc lên ngày một nhiều trong khi hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp, khiến áp lực đè lên khu trung tâm ngày một lớn (Ảnh: Hồng Thái)

Một dự án phức hợp khác bao gồm trung tâm thương mại và khách sạn sẽ hình thành tại số 8 – 12 Lê Duẩn đang được nhiều người quan tâm, vì đây là khu đất có giá trị “kim cương”. Khu đất trên có diện tích 4.950m2 nằm mặt tiền đường Lê Duẩn, cách dinh Thống Nhất khoảng 200m. Theo thông tin mà phóng viên có được, trong thời gian không xa, tại khu đất trên sẽ mọc lên nhiều khối công trình trung tâm thương mại và khách sạn; chiều cao tối đa của khối công trình này là 30 tầng. Hiện dự án đang thực hiện phần giải phóng mặt bằng.

Dự án SJC Tower do công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương làm chủ đầu tư cũng đang được xây dựng. Dự án này nằm ở một vị trí khá đắc địa, là khu tứ giác giao nhau bởi bốn con đường: Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực, thuộc phường Bến Thành, quận 1. Diện tích khu đất là 4.000m2. Chiều cao của khối công trình này dự kiến khoảng 58 tầng, với số vốn đầu tư ban đầu lên tới 1.500 tỉ đồng.

Cách chợ Bến Thành không xa, một dự án khách sạn cũng sắp sửa mọc lên. Đó là dự án nằm trên khu đất bệnh viện Sài Gòn, ngay góc đường Lê Lợi và Huỳnh Thúc Kháng. Hiện khu đất cũng đang được bao bọc để thi công mặt bằng.

Ngay bên cạnh dự án trên, tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và một công ty con thuộc Gemadept đang có kế hoạch chuyển một khu đất trên tuyến đường Lê Lợi, đoạn gần bệnh viện Sài Gòn đến góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành một dự án khu phức hợp. Dự kiến sau khi hoàn thành, khu phức hợp này sẽ có 30.000m2 diện tích văn phòng và một khách sạn năm sao 400 phòng. Theo thông tin chúng tôi có được, khu thương xá Tax cũng đã có kế hoạch cải tạo lại thành khu phức hợp với chiều cao khoảng 40 tầng.

Đó là chưa kể, dự án Saigon Centre giai đoạn 2 tại góc đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cũng vừa được chủ đầu tư là tập đoàn Keppel Land của Singapore làm lễ khởi công. Theo quảng bá, dự án Saigon Centre giai đoạn 2, khi hoàn thành vào năm 2015, sẽ cao 45 tầng, trong đó sử dụng bảy tầng với khoảng 50.000m2 cho khu thương mại và ẩm thực; 40.000m2 dành cho khu văn phòng hạng A và hơn 200 căn hộ cho thuê cao cấp. Bên cạnh đó, khu phức hợp trung tâm thương mại Eden cũng đang được công ty Vincom (nay là Vingroup) xây dựng.

Ngoài các dự án trên, tại quận 1 còn có những dự án cao ốc khác đang trong quá trình xây dựng và hoàn tất như: toà nhà BIDV Tower với chiều cao 40 tầng, dự án Times Square với hai toà tháp cao 36 tầng...

Ngược về phía quận 3, hàng loạt dự án cao ốc tại số 5 Lê Quý Đôn, dự án C.T Plaza Nguyễn Đình Chiểu cao 24 tầng… cũng đang dần dần hiện thân.

Với những gì đang diễn ra cho thấy áp lực đè lên khu trung tâm ngày một lớn trong khi hạ tầng giao thông chẳng có chuyển biến nào. Trong khi đó, chính quyền thành phố đang đề ra nhiều giải pháp để “giảm tải” cho khu trung tâm như hạn chế xe, thu phí ôtô vào trung tâm, lập phố đi bộ... và phát triển các khu đô thị vệ tinh.

Tiếp tục cấp phép khi đã quyết định tạm ngưng cấp phép?

Theo thống kê sơ bộ của ban quản lý dự án lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM, tại khu trung tâm hiện hữu 930ha bao gồm quận 1, 3, 4 và một phần Bình Thạnh có tất cả khoảng 181 công trình có chiều cao từ 15 tầng trở lên. Một chuyên gia nhận định, số lượng cao ốc trên thực tế có thể cao hơn số liệu được khảo sát. Bởi qua đối chiếu thì hiện có nhiều công trình cao ốc chưa được cập nhật vào bảng thống kê này.

Mới đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo sở Quy hoạch – kiến trúc tạm ngưng cung cấp thông tin quy hoạch – kiến trúc đối với các dự án đang nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, xin cung cấp chỉ tiêu quy hoạch nằm trong phạm vi quy hoạch khu trung tâm hiện hữu 930ha. Việc cung cấp thông tin sẽ tạm ngưng đến khi quy hoạch khu trung tâm hiện hữu do tư vấn Nikken Sekkei đề xuất được UBND thành phố phê duyệt.

Điều đáng lo ngại là, đây không phải là lần đầu tiên UBND TP.HCM có các biện “phòng ngừa” cao ốc mọc lên. Ngay từ năm 2005, chính quyền TP.HCM đã tạm ngưng cấp phép để chờ quy hoạch chi tiết khu trung tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, từ đó đến nay, có các dự án mới được cấp phép hay không? Và như sở Quy hoạch – kiến trúc và sở Xây dựng từng khẳng định trước HĐND thành phố là “không công trình cao ốc nào được duyệt mà không hợp quy hoạch”, thì những công trình này đã được tính toán đầy đủ về yếu tố giao thông và bãi giữ xe hay chưa?

17 giờ ngày 14/12/2011, đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ Lê Quý Đôn đến Đinh Tiên Hoàng) xe chật cứng như nêm. Dòng xe đông đúc nhích từng tí một. 17 giờ 30 tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng hơn khi hàng ngàn ôtô xe máy đổ ra từ các cao ốc dọc theo con đường này. Tính sơ sơ, chỉ một đoạn đường hơn 1km đã có khoảng hơn mười cao ốc. Một bác xe ôm lo lắng: nếu mấy cái cao ốc đang đào móng mọc lên thêm nữa, không biết việc đi lại của người dân sẽ thế nào mỗi khi tan sở?

T. Quang

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2083 khách Trực tuyến

Quảng cáo