Trên nhiều diễn đàn gần đây, việc giảm tải cho khu vực trung tâm các thành phố lớn được xem như một lời giải có hiệu quả lâu dài cho bài toán chống ùn tắc giao thông.
Theo Bộ Xây dựng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn là tỷ lệ đất dành cho giao thông rất thấp, khoảng 8% trong khi yêu cầu theo tiêu chuẩn phải đạt từ 24-26% và theo luật là khoảng 16-26%.
Trong khi đó, việc tăng dân số cơ học ở những đô thị lõi, đô thị trung tâm chưa được kiểm soát hiệu quả. Tại Hà Nội, mật độ dân số các quận nội thành khoảng 25.000-36.000 người/km2, tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 26.500 người/km2, trong khi Singapore, Hồng Kông chỉ khoảng 6.500 người/km2.
Và trong khi các khu đô thị thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, hạ tầng dịch vụ đồng bộ, thì việc phát triển nhà cao tầng tại nội đô các thành phố lớn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ đã làm gia tăng dân số gây áp lực lớn lên giao thông.
- Ảnh bên: Việc phát triển nhà cao tầng tại nội đô các thành phố lớn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ
Trả lời phỏng vấn của VOV, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải cho rằng, tác động từ các toà cao ốc đối với giao thông là rất lớn nhưng chưa được nhìn nhận đúng mức. Ông viện dẫn, trên thế giới, với những công trình xây dựng từ 5.000 m2 sàn trở lên đều có quy định đánh giá về tác động giao thông. Từ kết quả đánh giá này, kiến trúc sư phải thiết kế tòa nhà cao cho phù hợp, dựa trên cơ sở tổng nhu cầu chuyến đi phát sinh gần tòa nhà đó.
Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội vừa diễn ra tuần trước, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, việc đất thu hồi từ việc di dời một số nhà máy lại được dùng xây chung cư là nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông là điều khó tránh được.
Thực hiện nghiêm quy hoạch
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng cho rằng trong thời gian vừa qua, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp ngắn hạn giúp giảm rất nhiều tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề xuất một số giải pháp lâu dài nhằm giảm tải cho các thành phố lớn.
Trước hết, cần tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến phát triển đô thị, chẳng hạn như xây dựng, ban hành Luật Đô thị, tăng cường quản lý Nhà nước để đô thị phát triển theo đúng quy hoạch, có đầy đủ hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Đồng thời, tập trung thực hiện định hướng quy hoạch phát triển tổng thể đô thị quốc gia đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009, phát triển hệ thống đô thị hài hòa, cân đối giữa các vùng miền trong cả nước, từ đó giảm áp lực người dân đổ về các đô thị lớn. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XI cũng đã chỉ rõ không để vùng nào thiếu vắng đô thị và các đô thị phát triển.
Cùng với đó, tập trung phát triển hệ thống giao thông liên vùng, phát triển các đô thị vệ tinh để giảm áp lực tăng dân số cơ học, chuyển dần dân ở các quận nội thành Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ra ngoài. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học tại khu vực nội đô, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người. Đồng thời, phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30 vạn sinh viên…
Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, phải bố trí hợp lý các công trình hạ tầng kỹ thuật vùng như bệnh viện, trường đại học, những khu vực vui chơi giải trí lớn. Chẳng hạn, công viên Disney land không nhất thiết phải được đặt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn, đòi hòi chính quyền các địa phương phải thực hiện quyết liệt với những giải pháp đồng bộ.
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo và di dời Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Rượu Hà Nội, Văn phòng phẩm Hồng Hà, Dệt 8-3… Đối với các cơ sở sản xuất, UBND Thành phố đã đưa ra kế hoạch di dời toàn bộ 142 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 260,15 ha…Hiện đã có 22 đơn vị thực hiện di dời với 19,17 ha.
Một số trụ sở các cơ quan bộ ngành Trung ương đã được đầu tư xây dựng ra ngoài khu vực nội đô như Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an…
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cũng thừa nhận có tình trạng xây dựng chung cư cao tầng tại đất của các cơ sở sau khi được di dời như phản ảnh của đại biểu Nguyễn Hoài Nam. Tuy nhiên, ông khẳng định, sau khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, thành phố kiên quyết đưa diện tích đất sau khi di dời các cơ sở vào mục đích công cộng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.
Thanh Hằng
[ Chuyên đề: Giao thông đô thị ]
- Đoạn Hoàng thành 11 năm bị lãng quên
- Hầm Thủ Thiêm sau khi thông xe: Giải mã quy hoạch
- Bãi đỗ xe biến thành trung tâm thương mại
- Kiến trúc Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia
- Cấp xã cũng được làm quy hoạch
- Minh bạch nợ công: Cần có một cái nhìn toàn diện
- Phần lớn các khu đô thị mới tại Hà Nội, TPHCM quên hạ tầng xã hội
- Đất vàng đua nhau biến thành cao ốc
- Keangnam phải cung cấp đầy đủ dịch vụ cho dân
- Keangnam và những cái "nhất" tai tiếng