Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Keangnam phải cung cấp đầy đủ dịch vụ cho dân

Keangnam phải cung cấp đầy đủ dịch vụ cho dân

Viết email In

Chiều tối hôm qua 6/12, lãnh đạo huyện Từ Liêm đã mời Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam, đại diện chủ đầu tư-công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Keangnam Vina, các ban ngành có liên quan của Hà Nội, Từ Liêm và xã Mễ Trì để nghe các giải trình nhằm giải quyết đơn thư kiến nghị của cư dân Keangnam, chủ đầu tư liên quan đến các mâu thuẫn về phí dịch vụ.

Theo lịch làm việc, 17 giờ cuộc chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, phải đến hơn 30 phút sau, ông Ha Jong Suk, chủ tịch Keangnam Vina mới xuất hiện.

Cuộc đối thoại đã nóng lên ngay từ những phút đầu tiên khi bà Trịnh Thúy Mai, đại diện cư dân cho rằng, bản thân người dân rất muốn đóng phí dịch vụ, tuy nhiên không phải với cái giá “trên trời” mà chủ đầu tư đang treo trên đầu mình.

Chúng tôi đã rất nhiều lần yêu cầu được đối thoại và đàm phán với phía Keangnam Vina nhưng chưa thống nhất được mức phí cụ thể. Chúng tôi cho rằng, trong khi chưa tìm được tiếng nói chung, Keangnam Vina cần tạm thu theo mức đã quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội [4.000VND/m2/tháng – PV],” bà Mai khẳng định.

Quan trọng nhất, theo vị đại diện của cộng đồng dân cư, vấn đề không nằm ở chỗ phí dịch vụ đắt hay rẻ mà nằm ở chất lượng và các tiện ích kèm theo. Bà Mai dẫn ra một loạt các vấn đề còn nổi cộm và gây bức xúc cho cư dân tại tòa nhà được coi là sang trọng nhất Việt Nam này như: Tình trạng “ngập lụt” ở tầng cao, thang máy hỏng hóc, bảo vệ thiếu trách nhiệm…

Với những lý do này, đại diện cư dân Keangnam yêu cầu chủ đầu tư phải giải trình minh bạch các chi phí cấu thành mức giá mà họ đưa ra.

Tuy nhiên, đáp lại, Chủ tịch Keangnam Vina, ông Ha Jong Suk lại từ chối với lý do “đây là bí mật kinh doanh” không thể tiết lộ. Ông Ha cũng khẳng định ngay, không phải Keangnam mà là một công ty khác do Keangnam thuê là Chetnus đang là nhà cung cấp dịch vụ, và theo công ty này, nếu chấp nhận mức phí 4.000VND/m2/tháng như Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định thì đơn vị này sẽ không đủ tiền để chi trả cho phí vận hành cả tòa nhà.

Nếu người dân không đồng ý, họ có thể tìm một công ty quản lý mới thay thế,” ông Ha khẳng định. Chủ tịch Keangnam Vina cũng gợi ý, người dân nên tạm thời đóng phí  ở mức Keangnam đưa ra là 18.843đồng/m2 để đảm bảo các hoạt động dịch vụ được thông suốt cho đến khi  cư dân tìm được nhà quản lý mới.

Bức xúc trước cách thức trả lời này, đại diện cộng đồng dân cư dẫn ra một loạt ví dụ cho thấy, ở các chung cư cao cấp tương tự, chỉ cần bỏ ra khoảng một nửa mức phí Keangnam Vina “treo”, người dân đã được hưởng những tiện ích hơn hẳn.

Điển hình nhất, tại khu đô thị The Manor, với số tiền chỉ 7.000 đồng/m2/tháng, cư dân có thể thoải mái sử dụng các tiện ích như sân vườn, bể bơi, trong khi số hộ dân ở đây chỉ bằng 1/3 so với Keangnam. Còn tại Ciputra, cũng với những dịch vụ tương tự, người dân thậm chí chỉ phải đóng 6.300 đồng/m2/tháng. 

Về vụ việc cắt thang máy, khóa cửa thang cứu hộ ngày 3/12 vừa qua, bà Trịnh Thúy Mai cho rằng, hành vi này của Keangnam Vina đã thể hiện thái độ coi thường nghiêm trọng cộng đồng dân cư và vi phạm những quy định cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Theo luật, thang máy là tài sản chung. Vì vậy việc khóa thang máy là không thể chấp nhận được. Không lẽ, mua căn hộ, chúng tôi lại phải bỏ thêm tiền mua phương tiện để lên chính nhà mình,” bà Mai bức xúc.

Lý giải về vấn đề này, ông Ha Jong Suk phân bua, trước ngày 3/12, công ty đã có thông báo, đề nghị các hộ nộp phí dịch vụ.

Nhưng cần hiểu, đằng trước chữ ‘đề nghị’ là chữ Phải, nghĩa là nếu không chấp nhận thì đương nhiên dịch vụ sẽ bị cắt,” bà Mai nói. 

Phản bác lại quan điểm này của chủ đầu tư, đại diện các Sở Tài Chính, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm đều khẳng định, phía Keangnam không thể và không được đơn phương cắt bất cứ loại hình dịch vụ nào của dân cho đến khi đạt được thỏa thuận.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, phó trưởng ban giá (Sở Tài Chính Hà Nội) cho hay: “Chiếu theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về mức phí dịch vụ chung cư mới được ban hành, mức phí 4.000 đồng/m2/tháng là bao gồm các dịch vụ cơ bản như vệ sinh, vận hành thang máy, camera….

Vì vậy, theo ông Minh, mặc dù Keangnam Vina đang thuê dịch vụ của công ty khác nhưng vẫn phải chấp hành mức phí trần của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Để đảm bảo nguồn thu, chủ đầu tư hoàn toàn có thể tận dụng từ các nguồn khác như cho thuê văn phòng… như theo thông tư 37.

Vì vậy, Keangnam Vina không thể cắt dịch vụ của người dân, và khi chưa thỏa thuận được với cư dân về các dịch vụ mở rộng, cần theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội," ông Minh nhấn mạnh.

Đây cũng là ý kiến của Chủ tịch xã Mễ Trì, ông Đào Tăng Quýnh. Ông Quýnh bổ sung thêm, trong khi doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì trước hết cần tôn trọng pháp luật Việt Nam và thực hiện theo các quy định của nhà nước Việt Nam, cụ thể ở đây là của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm cho rằng, bản thân người dân muốn được hưởng những dịch vụ tương xứng với số tiền bỏ ra, trong khi phía doanh nghiệp- đại diện là ông Ha đã tuyên bố là kinh doanh có lợi ích nhưng với tinh thần là phục vụ cho thấy điểm chung hai bên là 'cần nhau" nên cần phối hợp để đi đến tiếng nói chung.

Cả hai bên cần phải thỏa thuận trên tinh thần hợp tác. Trong thời gian này, chúng tôi đề nghị chủ đầu tư vẫn cần phải cung cấp đủ các dịch vụ cơ bản cho cộng đồng dân cư,” ông Thư nói.

Chủ tịch huyện Từ Liêm cũng đề nghị chủ đầu tư tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc làm mất lòng tin của người dân cũng như gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp. Đồng thời, ông Thư cũng đề nghị các Sở Xây dựng, Tài chính phối hợp với phía huyện để giải quyết triệt để những mâu thuẫn đã làm “nổi sóng” tòa nhà cao nhất Việt Nam thời gian qua./.

Sơn Bách - Xuân Dũng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo