Từ Huế đi về Thuận An, bãi biển du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế, qua cầu Thuận An, rẽ về phía tay phải chừng 100 mét, ta sẽ thấy dấu tích của một thành cổ nhỏ trông tựa một lâu đài hoang trong một truyện cổ nào đó. Đó là Trấn Hải thành, một đồn biên phòng được xây từ dưới triều nhà Nguyễn.
Đến nơi rồi mới thấy thật dễ tìm ra nơi đã được coi là một phần trong quần thể di tích của cố đô Huế. Bởi thành cổ này nằm ngay trên bãi biển thuộc thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), chỉ cách trung tâm thành phố Huế chừng 13 cây số đường bộ, nơi mà hiếm có bạn sinh viên nào học ở Huế lại không một lần đặt chân đến du ngoạn, tắm biển... Nhưng hỏi tới cái Trấn Hải thành thì hiếm người biết nó ở đâu!
Một mảng tường nhà bỏ hoang trên Trấn Hải thành.
Qua cầu Thuận An, theo lời chỉ dẫn của ông chủ một khách sạn, chúng tôi rẽ trái nhưng chỉ tìm thấy đường phố mang tên Trấn Hải Thành. Hỏi nhiều người quanh siêu thị Thuận An cũng chẳng ai biết. Chúng tôi đành ra ngắm bãi biển Thuận An vắng hoe vắng ngắt vì đang mùa biển động. May gặp hai cha con ở trong xóm ra bãi xúc cát chỉ đường, chúng tôi quay xe vào và chỉ vài phút sau tìm thấy di tích thành cổ này. Hóa ra, từ Huế về, qua cầu Thuận An rồi rẽ bên phải mới gặp di tích của Trấn Hải thành xưa.
Theo nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An: “…vào năm 1813, nhà vua (Gia Long) đã cho xây dựng ở bờ bắc của cửa biển này một tòa thành lũy gọi là Trấn Hải đài và cho đổi tên cửa Eo thành cửa biển Thuận An với hàm ý cầu mong trời yên biển lặng. Đến năm 1834, vua Minh Mạng cho đổi tên Trấn Hải đài ra Trấn Hải thành. Dù là “đài” hay là “thành”, công trình kiến trúc này cũng có hai nhiệm vụ chính, là phòng thủ về mặt biển để bảo vệ kinh đô, và kiểm soát, điều khiển mọi loại tàu thuyền trong nước và nước ngoài ra vào cửa biển”.
Như vậy, Trấn Hải thành đến nay đã được 198 tuổi.
Cũng theo Phan Thuận An: "Thành đươc xây bằng gạch vồ và trát vữa vôi rất chắc chắn. Vòng thành có chu vi 302,04 mét, đường kính khoảng 100 mét, cao 4,40 mét, dày 12,60 mét. Thành có hai cửa; cửa chính ở mặt trước và cửa phụ ở mặt sau. Nhìn về hướng nam, cửa chính cao 2,60 mét, rộng 2,16 mét. Quanh trên thành có bố trí 99 ụ súng. Dọc theo ngoài chân thành là hệ thống hào rộng 9,04 mét và sâu 2,40 mét”.
Được biết năm 1998, Trấn Hải thành đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, nhưng từ năm 1993, nó đã được ghi nhận là một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới.
Những thông tin trên đã khiến chúng tôi tìm đến thăm di tích của thời nhà Nguyễn này. Nhưng, thật ngạc nhiên khi tìm thấy Trấn Hải thành.
Nhìn từ phía biển, bạn sẽ thấy một bức thành vòng cung dài chừng 100 mét, phần lớn bị rêu phong và cây tầm gửi che phủ, một đoạn nhỏ bên phải được xây lại bằng gạch cũ đã lâu, một đoạn bên trái đã sập nát. Bước lên chừng mươi bậc thang, bạn sẽ thấy một ngôi nhà xây hoang phế từ lâu, rộng chừng 50 mét vuông, mái đúc bê tông, có một phòng rộng và một phòng nhỏ, cả tường lẫn mái dường như sắp sập đến nơi; toàn bộ mái và tường đều thấm đẫm nước mưa khiến mấy đống củi dương ướt nhèm.
Trấn Hải thành, nhìn từ phía biển vào.
Theo tài liệu cũ thì năm 1834, triều đình cho xây thêm trên đài một tòa nhà cao gọi là lầu Quan Hải, để kiểm soát mặt biển rõ hơn và năm 1840, triều đình cho treo trên lầu Quan Hải một cái đèn lồng đường kính 3 mét xem như ngọn hải đăng. Chúng tôi cho rằng ngôi nhà bỏ hoang này không phải là lầu Quan Hải bởi mái nhà được đúc bê tông. Ngôi nhà này chỉ có thể do người Pháp xây trong thời gian quân đội của họ đồn trú tại đây sau khi chiếm Thuận An (1883) cho đến năm 1954; hoặc cũng có thể nó được xây sau năm 1954 chứ không thể là hạng mục có từ thời nhà Nguyễn.
Đi quanh, tìm mãi cũng không còn thấy dấu tích một ụ súng nào. Như vậy, Trấn Hải thành xưa nay chỉ còn lại bờ thành và tất cả đều hoang phế, không có dấu hiệu có sự quản lý, bảo tồn cần có cho một "Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia"; hay ít ra là một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế. Buồn. Rồi chợt nghĩ, cũng còn may là người ta chưa san phẳng để xây một khách sạn hay nhà hàng gì đó!
Hay cũng có thể vì những di tích nhỏ nằm rải rác thế này không có "hiệu quả kinh doanh" trong việc bán vé thu tiền nên chúng bị bỏ mặc. Phải chăng, việc đưa những nơi này vào danh mục các di tích cố đô cũng chỉ nhằm chứng minh quy mô đồ sộ của quần thể này để được UNESSCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, còn mọi khoản tài chính chỉ tập trung cho hoàng thành, nơi thuận tiện bán vé thu tiền hơn cả?
Trong các văn bản, tài liệu giới thiệu về di tích trong quần thể kiến trúc cố đô Huế, người ta thường dùng cụm từ "tương đối nguyên vẹn", nhưng nhìn thấy di tích Trấn Hải thành rồi chúng tôi mới thấm ý của chữ "tương đối" này; hay nói cách khác, điều này có nghĩa là nó chưa bị san phẳng, thế thôi!
Không phải chỉ Trấn Hải thành, cả Hổ Quyền và điện Voi Ré nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 cây số về phía tây nam, trên địa phận phường Thủy Biều (TP. Huế) cũng cùng chung số phận.
Di tích Hổ Quyền.
Hổ Quyền (còn được đọc là Hổ Quyển hay Hổ Khuyên) là một đấu trường diễn ra cuộc tử chiến giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho vua, quan lại và người dân thời nhà Nguyễn. Việc tổ chức các cuộc đấu giữa voi và hổ, trước hết có mục đích rèn luyện tượng binh, một đội quân rất lợi hại của quân đội xứ Đàng Trong.
Điện Voi Ré (còn gọi là miếu Long Châu) là chứng tích một thời của đội tượng binh nhà Nguyễn. Theo truyền thuyết, dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, trong một trận giao tranh với quân đội Đàng Ngoài, một dũng tướng của Đàng Trong hy sinh giữa trận tiền. Đau buồn trước cái chết của chủ tướng, một con voi đã chạy trên một quãng đường dài từ chiến địa về chân đồi Thọ Cương, rống lên thảm thiết rồi phủ xuống mà chết.
Cảm động trước sự trung thành của một con vật có nghĩa, dân địa phương đã làm lễ an táng, xây mộ cho nó. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng bên cạnh mộ con voi một ngôi miếu gọi là Long Châu miếu, để thờ các tượng binh dũng cảm trong quân đội của nhà Nguyễn. Dân gian quen gọi ngôi miếu này là điện Voi Ré.
Điện Voi Ré (ảnh tư liệu, chụp đã lâu). Hiện nay toàn bộ khu đất trống này cỏ tranh đang phủ cao.
Năm 1825, vua Minh Mạng xét thấy các vị thần đều có công trong việc bảo vệ voi nên đã sắc phong cho điện Voi Ré và ban thêm cho các vị thần danh hiệu Trợ Oai Tượng Võ Linh Ứng Hộ Tượng chi thần. Đối với hậu thế, ngoài ý nghĩa lịch sử di tích độc đáo này còn có ý nghĩa đề cao tinh thần trọng tình trọng nghĩa, thủy chung của dân tộc Việt Nam.
Hồi đầu tháng 11-2011, khi đến thăm điện Voi Ré, chúng tôi không thể vào sâu bên trong bởi sau những ngày mưa dai dẳng, cỏ tranh mọc che phủ lối đi, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nới đây có sự chăm sóc, bảo vệ của người đương thời. Nghĩ đến số phận những di tích lịch sử đang bị bỏ quên, chúng tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà thơ người Daghestan, Rasul Gamzatovich Gamzatov, đại ý: "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác".
Trấn Hải thành, điện Voi Ré và Hổ Quyền và còn đâu nữa... những di sản đang bị các nhà bảo tồn di sản bỏ quên?
Nguyễn Khắc Phước
[ Chuyên đề: Bảo tồn di tích ]
- Đất vàng đua nhau biến thành cao ốc
- Keangnam phải cung cấp đầy đủ dịch vụ cho dân
- Keangnam và những cái "nhất" tai tiếng
- Trùng tu di tích đang “có vấn đề”!
- Xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả
- Báo chí Mỹ nói về văn hóa giao thông ở Việt Nam
- "Đất vàng" Thủ đô sẽ vào tay ai?
- Thực hiện các dự án nhà thu nhập thấp: Mắc cạn!
- Cụm công nghiệp: quá nhiều mà ít hiệu quả
- Cần xác định, xử lý trách nhiệm trong quy hoạch